Người đếm sóng, tìm sao đưa tàu đến Gạc Ma
Trung tá Lưu Đình Lừng, hoa tiêu tàu Mỹ Á, người nhiều ngày đêm đứng trên buồng lái đếm sóng, tìm sao dẫn tàu khẩn trương đến Gạc Ma, Cô Lin cứu hộ trong vòng vây của tàu chiến Trung Quốc.
Một con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp. Một con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Trong phóng sự ảnh Trường Sa tháng 3/1988: Những khoảnh khắc sống mãi đăng trên Tiền Phong số 77 ra ngày 18/3/2013, có bức ảnh một sĩ quan hải quân, cấp hàm trung tá, tay cầm ống nhòm, mắt hướng về phía biển xa chăm chú quan sát. Đó là Trung tá Lưu Đình Lừng, hoa tiêu tàu Mỹ Á, người nhiều ngày đêm đứng trên buồng lái đếm sóng, tìm sao dẫn tàu khẩn trương đến Gạc Ma, Cô Lin cứu hộ trong vòng vây của tàu chiến Trung Quốc. Trong đợt đi tìm lại nhân chứng Gạc Ma, tôi đã về thị xã Đồ Sơn (TP Hải Phòng) gặp lại người trong ảnh cách đây hơn 25 năm trước.
Hoa tiêu đưa tàu Mỹ Á đến Gạc Ma
Sau hơn 25 năm gặp lại, nhìn bức ảnh đăng báo, anh Lừng cười bảo : Hình như nhà báo Đình Trân chụp ảnh mình khi tàu ta đến Gạc Ma, tàu chiến Trung Quốc số hiệu 584 ra đe dọa , ngăn cản. Lúc ấy, tất cả mọi người đều vào vị trí, tập trung theo dõi động thái của tàu địch, các nhà báo khẩn trương tác nghiệp. Thuyền trưởng Quý đã yêu cầu các nhà báo xuống dưới boong để đảm bảo an toàn mà tôi thấy Nguyễn Vinh, Lê Trang Liêm, Trần Bình Minh, Đình Trân, Quang Vinh…vẫn ở trên boong đưa máy ảnh , máy quay phim lia về phía tàu Trung Quốc để chụp, để quay. Có gần mới biết, cánh nhà báo các cậu ra mặt trận cũng gan lì như cánh lính chúng tớ.
Trung tá Lưu Đình Lừng cho biết: Sau sự kiện 14/3/1988, Trung Quốc nổ súng đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, anh đang ở Tân Cảng thì được lệnh của Đô đốc Giáp Văn Cương – Tư lệnh Quân chủng Hải quân lên tàu cứu hộ Mỹ Á làm nhiệm vụ hoa tiêu khẩn trương cho tàu ra Gạc Ma – Cô Lin. Lúc này, Trung Quốc đang tập trung nhiều tàu quân sự ngăn cản công tác cứu hộ tàu Việt Nam bị chìm, nhiều chiến sĩ ta thương vong.
Trung tá Lưu Đình Lừng đang làm nhiệm vụ hoa tiêu trên tàu Mỹ Á tại Gạc Ma – Cô Lin tháng 3 năm 1988. Ảnh : Đình Trân.
Đến tàu Mỹ Á , trao đổi với Thuyền trưởng Quý, anh biết, nhiều thủy thủ trên tàu chưa thông luồng lạch tuyến Trường Sa, chưa từng đến những vùng đang xảy ra chiến sự nên sự có mặt của anh vào thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy là rất cần thiết. Bằng kinh nghiệm nhiều năm sống, làm việc trên những chuyến tàu ra Trường Sa, anh thuộc vị trí từng bãi đá ngầm, từng con sóng dữ. Lúc đầu, nhiều thủy thủ chưa tin vào khả năng hoa tiêu bằng mắt thường của anh nhưng sau nhiều đêm thức trắng, tận thấy anh đếm sóng, nhìn sao, nghe gió dẫn con tàu tránh đá ngầm, tránh sóng dữ, các thủy thủ trên tàu Mỹ Á đều khâm phục vị sĩ quan hải quân hiền hậu nhưng kiên quyết. Họ càng khâm phục anh khi tại Gạc Ma, pháo trên tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 584 rê nòng hướng về phía tàu Mỹ Á đe dọa nhả đạn , thuyền trưởng Quý yêu cầu anh rời đài chỉ huy, anh Lừng vẫn đứng bên vị thuyền trưởng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con tàu, bảo vệ các thủy thủ.
Đưa tàu không số đến Rạch Kiến Giàng
Anh Lừng nhập ngũ tháng 2 năm 1964. Xuất thân thành phần bần ngư nên anh được chọn về lữ đoàn 125 huấn luyện rồi trở thành chiến sĩ đoàn tàu không số. Bây giờ anh vẫn cất trong ví một mảnh giấy nhỏ ghi chép 10 chuyến hành trình trên tàu không số của anh. Ngày đi, nơi đến, tên các thuyền trưởng. Trong 10 chuyến đi, tàu anh 7 chuyến cập bến an toàn, 3 chuyến gặp địch phải quay lại nghi binh. Có mặt trên hàng chục chuyến tàu chở vũ khí vào Nam, anh có rất nhiều kỷ niệm. Anh mãi nhớ những kinh nghiệm đi biển của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, quê ở Cà Mau truyền dạy.
Thượng tá Lưu Đình Lừng và vợ. Ảnh chụp tháng 3/2013. Ảnh: Trung Hiền.
Video đang HOT
Để đưa những con tàu không số hoạt động bí mật trong sự truy sát gắt gao của kẻ thù , kinh nghiệm thiên văn khi đi biển là vô cùng cần thiết. Giữa biển khơi, anh Cứng chỉ cho anh vị trí của chòm Bắc Đẩu, Thần Nông, Sao Mai, Sao Hôm… để đoán định con nước, định vị tàu đang ở đâu, bao giờ tàu có thể cập bến để báo cho anh em nhận hàng. Thuộc từng con nước, từng vị trí sao trời, nhìn mây, nghe gió dự đoán chính xác sự thay đổi của thời tiết là nhiệm vụ quan trọng của các chiến sĩ tàu không số, đặc biệt ở vị trí hoa tiêu dẫn đường.
Anh Lừng kể: Sau này, vào năm 1989, khi tàu HQ 511 đi kiểm tra tuyến đảo Trường Sa trở về, sa bàn điện bị trục trặc, thuyền trưởng Hồ Văn Kiên đề nghị anh hoa tiêu bằng mắt thường. Kinh nghiệm đi biển trên tàu không số do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng truyền dạy đã giúp anh hoàn thành nhiệm vụ.
Sau sự kiện Vũng Rô, hoạt động của đoàn tàu không số bị lộ, các chuyến tàu đi gặp rất nhiều khó khăn. Nhận lệnh trên, anh Lừng có mặt trên một chiếc tàu cải dạng chở 60 tấn vũ khí trong đó có 4 quả thủy lôi chi viện cho đồng bào chiến sĩ miền Nam. Cả tháng lênh đênh trên biển khi giả dạng là ngư dân đánh cá, khi câu mực luồn lách qua các đảo nhỏ, đảo chìm, tránh sự truy xét của địch, tàu anh đã vào được Rạch Kiến Giàng (Cà Mau). Sau một tuần bí mật bốc dỡ, vũ khí đã chuyển tới địa điểm an toàn. Không lâu sau, nhờ có quả thủy lôi nặng hơn một tấn do tàu anh chở tới, các chiến sĩ đặc công đã đánh chìm một tàu trọng tải hàng ngàn tấn chở vũ khí của Mỹ ngụy.
Sau chuyến đi ấy, cấp trên đã gặp mặt biểu dương chiến công của các anh. Chiến sĩ Lưu Đình Lừng còn nhớ: Trong buổi gặp mặt, ai cũng vui khi nhận được quà của Bác Hồ gửi tặng. Anh Lừng được chia một điếu thuốc lá, quà của Bác.
Cô dân quân Đinh Thị Thạ khi tròn 20 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Chuyện về cô dân quân đất Cảng
Năm 1968, chiến sĩ tàu không số Lưu Đình Lừng kết hôn với cô dân quân đất Cảng- Đinh Thị Thạ. Sau một tuần trăng mật ngắn bên nhau, họ lại phải cách xa.
Biết chồng là chiến sĩ đoàn tàu không số, nữ dân quân nhỏ, một Đảng viên trẻ rất lo cho chồng. Cô tham gia cấp ủy, là Phó Chủ nhiệm HTX Hương Biển, chuyên chế biến cá, tham gia trung đội dân quân trực chiến, cùng đồng đội bảo vệ bầu trời Thành phố Cảng quê hương.
Với cô, một kỷ niệm không bao giờ quên là dịp Tết năm 1976, cái Tết duy nhất anh được đón Xuân cùng gia đình. Khi biết tin anh đã về Bến Bính sau nhiều năm bặt tin ở chiến trường, cô vội đưa con vào tìm anh. Tìm mãi không có một chiếc áo mới cho cô con gái Lưu Thị Thanh mặc đón bố. Tìm đến cửa hàng bách hóa mua áo cho con thì cửa hàng đã đóng cửa.
Nhìn thấy anh trên cầu tàu, cả hai mẹ con giơ tay vẫy gọi anh. Suốt một thời gian dài đẵng, cô con gái mới biết mặt cha.
Đã gần 40 năm qua, bà Đinh Thị Thạ hôm nay vẫn nhớ như in những kỷ niệm của thời gian khó mà hào hùng ấy.
Chiến sĩ tàu không số Lưu Đình Lừng nhập ngũ tháng 2 năm 1964, ra quân tháng 2 năm 1992, cấp hàm thượng tá. Suốt những năm tháng đứng trong quân ngũ, là bộ đội hải quân, ông gắn bó với Trường Sa, trở thành một hoa tiêu lão luyện. Ông chia sẻ: Hiện nay, Quân chủng Hải quân được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để bảo vệ Tổ quốc. Các chiến sĩ trẻ hôm nay có trình độ, được đào tạo bài bản. Các tàu đều có hệ thống chỉ huy, hoa tiêu hiện đại, được định vị vệ tinh… Tuy nhiên, những kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm thiên văn trên biển do các thế hệ thủy thủ để lại vẫn là những bài học quý cho lớp chiến sĩ trẻ hôm nay…
Theo Trung Hiền
Tiền Phong
Ý đồ sâu xa của TQ sau 25 năm chiếm Gạc Ma
Các bước đi của TQ, từ Hải Nam, tới Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.
25 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, đang tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo với ý đồ từng bước thâu tóm và độc chiếm biển Đông.
Biến đá ngầm thành đảo nhân tạo...
Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước.
Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên biển Đông.
Mọi thứ lại một lần nữa thay đổi nhanh chóng kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma.
Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài... Theo như bản quy hoạch do báo chí Trung Quốc tiết lộ, quân đội Trung Quốc đang có ý định biến Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự hỗn hợp không thể chìm với đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, thông tin...
Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi... Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Trung Quốc không ngừng đe dọa các bãi đá của Trường Sa, từ bãi đá Cô Lin đến Gạc Ma và nay là bãi Chữ Thập. Nguồn: SCMP
Biến biển Đông thành ao nhà...
Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.
Về địa chiến lược, Trường Sa nói chung và Gạc Ma nói riêng có vị trí hết sức đắc địa. Gạc Ma là nút thắt của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa, và đi qua khu vực biển Đông, rất gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía Đông), nơi chúng ta đang có rất nhiều cơ sở quan trọng về kinh tế, xã hội, và an ninh - quốc phòng. Gạc Ma và nhất là đá Châu Viên, rất gần với khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây và khu vực các nhà giàn DK 1 của Việt Nam - nơi có những tiềm năng to lớn về dầu khí và tài nguyên khoáng sản.
Về bố trí lực lượng, hiện nay các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Đài Loan chỉ bố trí ở khu vực này một số lực lượng đồn trú quy mô nhỏ và các cấu trúc hiện tại chủ yếu để phòng thủ, bảo vệ là chính. Còn với những gì mà Trung Quốc đang làm, họ sẽ xác lập các căn cứ không quân, hải quân, thông tin, hậu cần... hỗn hợp ở Gạc Ma và các điểm đảo khác.
Trung Quốc sẽ chiếm thế áp đảo hoàn toàn bởi rõ ràng Trung Quốc đang áp dụng tư duy tấn công trong việc xây dựng, lấn chiếm. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển... Trung Quốc sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.
Về luật pháp quốc tế, gần đây, khi bị chất vấn về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời "việc cải tạo bãi đá ngầm để phục vụ đời sống nhân dân trên đảo." Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngụy biện cho rằng "đảo Gạc Ma" là nơi có đủ khả năng duy trì sự sống, có quy chế như những đảo tự nhiên khác và họ sẽ căn cứ vào đó để vẽ đường cơ sở, tuyên bố lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế theo như quy định tại UNCLOS 1982. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ dần tạo lập một cơ sở pháp lý mới cho cái gọi là đường lưỡi bò phi lý hiện nay của họ, ôm trọn toàn bộ biển Đông.
Về phối hợp quân sự - dân sự, khi hoàn thành, Trung Quốc hoàn toàn có thể thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không mới trên vùng biển phía Nam của biển Đông - điều mà hiện nay họ chưa làm được, đưa tàu bè dân sự, ngư dân, thậm chí là giàn khoan và các phương tiên khác vào sâu trong vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam... Tình hình khi đó sẽ trở nên cực kỳ phức tạp.
Về ngoại giao, tương quan lực lượng mới sẽ giúp Trung Quốc có được những lợi thế lớn trên bàn đàm phán với các nước ASEAN. Việc Trung Quốc vừa qua nhận lời "tham vấn" với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), nhưng cố tình trì hoãn, dây dưa kéo dài là muốn chờ đợi sau khi hoàn thành các cơ sở này, họ sẽ có thế lực mới để "nói chuyện" với ASEAN.
Với những ưu thế như vậy, nên Trung Quốc không thể dễ dàng từ bỏ tham vọng ở biển Đông. Nhìn lại những hành động của Trung Quốc trong những năm qua, có thể thấy ngay từ rất sớm, Trung Quốc đã có những kế hoạch sâu xa và tính toán rất kỹ nhằm từng bước thôn tính biển Đông.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã quyết định tách Hải Nam ra khỏi tỉnh Quảng Đông và biến hòn đảo này thành một tiền đồn trên biển. Đây là một quyết định chiến lược bởi họ đã có những tính toán lâu dài đối với biển Đông. Vào những năm 1990, sau khi hoàn thành thế bố trí lực lượng trên đảo Hải Nam, họ đã hai lần đưa giàn khoan Kantan-3 vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Sau khi hoàn thành việc bố trí các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng trái phép, Trung Quốc lại kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2014). Sau này, khi việc mở rộng lấn chiếm ở Trường Sa hoàn thành, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ làm tương tự. Các bước đi của Trung Quốc, từ Hải Nam, tới Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.
Cần có hành động sớm và kiên quyết
Trước tình hình trên, chúng ta cần phải có hành động sớm và kiên quyết phản đối những việc làm sai trái, đơn phương và có tính khiêu khích của Trung Quốc.
Về pháp lý, bên cạnh việc tiếp tục đưa ra các bằng chứng pháp lý thuyết phục, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần làm sáng tỏ việc Trung Quốc đổi trắng thay đen, biến đá thành đảo. Điều này sẽ không có giá trị và không thể áp dụng UNCLOS 1982 cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tìm cách xây dựng. Cần sớm giao thiệp với Liên Hiệp Quốc và các tòa án quốc tế liên quan về việc này.
Trên mặt trận truyền thông, cần lên tiếng càng sớm, càng mạnh mẽ càng tốt, cần vận động các nước trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN cùng nhau lên tiếng phản đối. Không thể để Trung Quốc tạo sự đã rồi để đe dọa an ninh của cả khu vực.
Về ngoại giao, cần phối hợp tốt với các nước ASEAN để đẩy nhanh việc đàm phán về COC; tiếp tục giương cao ngọn cờ pháp lý và chính nghĩa, kêu gọi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, đặc biệt là điều 5 của DOC - một văn kiện mà Trung Quốc đã chính thức cam kết.
Theo Thái Anh
Vietnamnet
Con đường dẫn đến thảm sát Gạc Ma So với trận hải chiến Hoàng Sa, thì trận cưỡng đoạt Trường Sa năm 1988 được chuẩn bị và toan tính kỹ hơn, Trung Quốc chọn đúng thời điểm tình hình Việt Nam đang gặp khó khăn. Rắp tâm của Trung Quốc Ngày 30/4/1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đất nước Việt Nam liền một mối, bước vào giai đoạn...