Người đầu tiên sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vaccine Covid-19
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận thêm 2 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19, trong đó một người sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu sốt, rét run kèm co quắp, tê bì tay.
Người này xuất hiện các dấu hiệu phản vệ sau khi tiêm 8 giờ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận trường hợp sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca. Những ca nặng trước đó ở mức phản vệ độ 2.
Người còn lại có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm.
Cả hai được phát hiện và xử trí kịp thời, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Họ ở trong số 1.382 người được tiêm vaccine ngày 14/3.
Như vậy, kể từ ngày 8/3 bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, Việt Nam ghi nhận 12 người phản ứng nặng sau tiêm, xuất hiện phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3, dấu hiệu phổ biến là nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở. Một số trường hợp khác phản ứng nhẹ, ở mức thông thường.
Trong đó, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có 6 người bị phản ứng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng 4 người, Bệnh viện dã chiến Gia Lai một người… Tất cả trường hợp phản ứng sau tiêm này đều được xử trí trong một ngày, sức khỏe ổn định.
Bộ Y tế đã yêu cầu TP HCM, Hải Phòng và Gia Lai điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Covid-19.
Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như bệnh nền, bệnh cấp tính và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý những trường hợp có tiền sử dị ứng.
Video đang HOT
Đến nay, tổng cộng 11.605 người đã được tiêm vaccine Covid-19. Họ ở 12 tỉnh thành, thành phố, là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng.
Cụ thể, Hải Dương 7.276 người, Hà Nội 163 người, Hưng Yên 1.008 người, Bắc Ninh 312 người, Bắc Giang 1.230 người, Hải Phòng 205 người, TP HCM 774 người, Gia Lai 200 người, Long An 193 người, Đà Nẵng 117 người, Hòa Bình 32 người, Khánh Hòa 95 người.
Một số cơ sở y tế ngừng tiêm trong hai ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần. Các tỉnh bắt đầu triển khai tiêm trong tuần này gồm Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp.
Vaccine Covid-19 đang được tiêm cho nhóm ưu tiên tại Việt Nam do hãng dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford, Anh, nghiên cứu phát triển, sản xuất. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về Việt Nam hôm 24/2. Dự kiến trong tháng 3, 4 khoảng hơn 5 triệu liều nữa được Việt Nam tiếp nhận thành nhiều đợt, từ nguồn viện trợ của Covax, UNICEF và hợp đồng mua thông qua Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC).
Vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở hơn 50 quốc gia. Những ngày qua một số nước ngưng triển khai vaccine AstraZeneca do các ca phản ứng nghiêm trọng sau tiêm như đông máu, “vì lý do thận trọng” trong khi điều tra mối liên quan giữa vaccine và nguyên nhân phản ứng. Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp đông máu sau tiêm, nên vẫn tiếp tục triển khai.
Ngày 14/3, AstraZeneca khẳng định “không có bằng chứng” vaccine của họ gây đông máu.
Cần lưu ý gì trước, trong và sau khi tiêm vaccine COVID-19?
Chuyên gia y tế cho biết những lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vaccine COVID-19 và nhận định rằng, những người đã khỏi bệnh, đang mắc COVID-19 phải sau 6 tháng mới được tiêm vaccine.
Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi tiêm vaccine
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc do Bộ Y tế sáng 6/3, theo kế hoạch, những mũi vaccine đầu tiên sẽ được triển khai tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vào thứ 2 tới đây - ngày 8/3.
Đối với cán bộ y tế, trước khi tiêm, phải trao đổi với người được tiêm, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật xem họ có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không...
Đối với mũi tiêm thứ 2, phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của làn trước đó không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể.
PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin, trong buổi tiêm chủng, cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vaccine tốt nhất cho mũi tiêm.
Trong quá trình tiêm, phải đảm bảo an toàn các quy tắc phòng chống dịch để vừa tiêm chủng vừa thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19.
Vaccine sẽ sử dụng là vaccine AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Cập nhật đến 25/2/2021, vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam. Vaccine này tiêm bắp cho người từ 18 tuổi trở lên và không có độ tuổi giới hạn trên.
Sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh... Ngoài ra, có từ 1 - dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Giống như vaccine khác đã sử dụng nhiều năm, vaccine phòng COVID-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm (mẫn muộn) sau tiêm nhưng hiện nay chưa ghi nhận số liệu từ các tổ chức quốc tế về vấn đề này cũng như các tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine.
Đo đó, đối với người đến tiêm chủng và cán bộ y tế, thời điểm chờ đợi được khám sàng lọc, phải đảm bảo khoảng cách, sau khi tiêm, phải ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút.
Trong quá trình tiêm chủng, luôn phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe người được tiêm. Sau tiêm, người tiêm chủng phải ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.
Các trường hợp sốc phản vệ không chỉ xuất hiện trong 30 phút sau tiêm, mà có thể phản ứng muộn trong ngày đầu tiêm, do đó, người được tiêm chủng cần hết sức lưu ý nếu có các biểu hiện khó chịu, bứt rút hay là vã mồi hôi, ớn lạnh... hãy liên hệ cơ sở y tế và được xử trí. Các đối tượng được tiêm lần này là trên 18 tuổi nên chúng tôi hy vọng việc tuân thủ, theo dõi phản ứng sau tiêm tốt nhất.
Những người đã khỏi bệnh, đang mắc COVID-19 phải sau 6 tháng mới được tiêm vaccine
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vaccine. Những trường hợp này, cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vaccine sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm COVID-19.
Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vaccine, cụ thể: người dị ứng với thành phần của vaccine, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế các tuyến, khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản... đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng phải có hộp chống sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ phác đồ phòng chống sốc cho người lớn.
PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn. Khám sàng lọc COVID-19, với người sốt, ho, khó thở chủ động không đến tiêm chủng. Các cơ sở cần thông báo cho những người thuộc đối tượng tiêm chủng về vấn đề này.
Ăn mực có tốt không? Cần làm gì khi bị dị ứng hải sản? Mới đây bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tại Vĩnh Long đã tiếp nhận 1 bé gái bị sốc phản vệ độ 3 do dị ứng hải sản và cụ thể là do ăn mực. Vậy ăn mực có tốt không, cần lưu ý gì và làm thế nào khi bị dị ứng hải sản để bảo vệ sức khỏe? Thực tế, khi...