Người dân ‘tứ bề thọ địch’ với chiêu trò gian thương
Chỉ khi xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, làm ăn tử tế,… mới mong có nhãn hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam trước khi chinh phục thế giới trong tương lai.
Một lần trên đường về nhà thấy bên vệ đường để bảng “Cua sống Cần Giờ”, tôi vô mua mấy con. Nhưng về tới nhà mở ra thì hỡi ôi càng cua đã rơi ra, mùi thum thủm… Ngẩn người. Thì ra người bán đã dùng dây bao bố sũng bùn mà buộc để ăn gian trọng lượng, lại khéo buộc càng cua hỏng vào mình con cua đã chết mà bán giá cua sống… Nhân tâm không còn tí gì!
Dịp cuối tuần thường đi siêu thị mua đồ dùng gia đình, có khi mua xoài cát Hòa Lộc giá khoảng 7-80k một kí. Mới đây đi trên đường thấy chiếc xe ba gác máy bày những quả xoài rất bắt mắt, bảng ghi “xoài cát Hòa Lộc 35k/1kg”. Ghé vô cân 2 kí thì người bán nói: “cho em xin trăm tư”. Hỏi “ sao kỳ” thì được chỉ con số 2 mờ mờ, nhỏ bằng que tăm nép mình.
Đó là những người buôn bán nhỏ lẻ ngoài đường. Còn các công ty lớn hoạt động trong những lĩnh vực cần sự chuyên nghiệp như hàng không, viễn thông, tài chính, bất động sản… cũng nhiều “bài”. Tin khuyến mãi, bảng giá, hợp đồng thường giăng bẫy thuật ngữ, ẩn ngữ…
Làm ăn nhỏ lẻ rất khó để bền vững
Mới đây tôi nhận được email của một hãng hàng không: “Vé máy bay tưng bừng khuyến mãi hè: 124k, 49k, 0 đồng khi đi công tác ở một tỉnh miền Trung. Vé khứ hồi tôi thường đi khoảng trên dưới triệu sáu, nhìn các con số trên cũng khó cầm lòng nên nhấp chuột vào. Sau một hồi khai báo, chọn chuyến bay, ngày giờ… thì hiện ra số tổng tiền phải trả là 1,5 triệu. Chẳng rẻ hơn bao nhiêu nhưng phải bị hạn chế về thời gian bay, hành lý…
“Bài” ở đây là họ tách phần thuế và phí sân bay riêng ra rồi đem cái “giá 2 không” ấy in nổi bật lên khuyến mãi. Trước thông tin dạng thì cần phải tỉnh giác “3 chưa, 3 hạn” (3 chưa: thuế, phí, bảo hiểm; 3 hạn: hạn chế thời gian bay, hành lý xách tay, chỗ để chân hẹp). “3 hạn” thì có thể chấp nhận vì khách hàng có quyền tùy chọn, còn phí và thuế mà tách ra để quảng cáo rồi lại nhập vào khi tính tiền thì rõ là “mập mờ đánh lận con đen”, có ai bay được mà không phải trả thuế, phí?
“Nhiễu khuyến mãi” của các công ty viễn thông cũng không ít: “Dịch vụ tin tức”, “Kết quả xổ số”, “Giải ngoại hạng Anh”, “Văn hóa bốn phương”, “Dịch vụ mai mối”… một ngày đẹp trời bỗng chui vào điện thoại của bạn, nhà mạng cứ thế trừ tiền. Ai phát hiện tài khoản hư hao gọi tổng đài hỏi thì họ trả lời những lý do ất ơ.
Video đang HOT
Thiết nghĩ phải có điều luật cấm các nhà mạng gởi hoặc để cho bên thứ 3 gởi tin nhắn/cài đặt các chương trình khuyến mãi, quảng cáo có tính phí vào thuê bao khách hàng trong hợp đồng cung cấp dịch vụ… Nếu vi phạm thì người dùng có cơ sở kiện ra tòa.
Hợp đồng mua bán nhà thì gài nhau cách tính diện tích. Ví dụ giá bán căn hô thì có công ty tính đơn giá trên mét vuông diện tích tim tường hoặc phủ bì. Khi ra sổ hồng thì nhiều nhà bị teo bớt vài mét đến cả chục mét, vì diện tích thông thủy mới là phần sở hữu thực sự được ghi nhận trong sổ. Thắc mắc thì chủ đầu tư biện hộ: “vì nhà nước thay đổi cách đo, cách tính”, một trong các điều, khoản được cho là bất khả kháng.
Điều kiện bất khả kháng là nội dung được ghi đâu đó trong hợp đồng hoặc các tờ phụ lục dài hàng chục trang mà khách hàng không chú ý, hoặc có đọc được mà không có ý kiến vì thấy hợp lý… đâu có biết nó nằm trong “kế hoạch” tính toán của chủ đầu tư hết rồi.
Cho nên khi mua nhà căn hộ thì phải chú ý không chỉ những điều nổi bật, dễ thấy mà phải đọc kỹ tất cả các câu chữ được in trong hợp đồng, nếu không đủ khả năng thẩm định thì nhờ người có chuyên môn hay luật sư tư vấn, còn nghe lời ngon ngọt của nhân viên bán hàng mà nhắm mắt ký thì khả năng cao là rơi vào tranh chấp kiện cáo, muộn phiền… về sau.
Việc “cò đất”, “tổ lái” tung tin thổi giá đè giá các dự án đất nền khiến nhiều người vào “ôm bom” đến tán gia bại sản cũng không hiếm. Chiêu này thường do một “ông lớn” nào đó đứng sau hậu thuẫn vì họ có thông tin nội bộ, trường vốn.
Đến xăng dầu là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện chịu sự giám sát nghiêm ngặt của rất nhiều bộ ngành cơ quan cũng bị làm giả hàng trăm triệu lít tuồng ra ngoài suốt một thời gian dài.
KhaiSilk, Asanzo… lấy hàng Trung Quốc dán mác Việt lại được chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao rồi tung hoành khắp cỏi nhân gian.
Ở phương diện này thì công ty càng to, thương hiệu càng lớn thì chiêu trò thao túng pháp luật càng tinh vi và người mua càng dễ bị sập bẫy. Có thể nói người dân đóng thuế đang “tứ bề thọ địch” chiêu trò của gian thương ; và một số cơ quan chuyên trách, hiệp hội đã chưa làm tròn trách vụ của mình, hoặc do có tiêu cực mà buông lỏng quản lý.
Ngược lại người dân cũng cần phải tập luyện những thói quen của người tiêu dùng thông minh như không cả tin, ham rẻ, qua loa, biết xây dựng kế hoạch mua sắm, tôn trọng bản quyền, “lạnh lùng” trước những quãng cáo “dội bom…
Khi Nhà nước cần chấn chỉnh kỷ cương phép nước, thúc đẩy phát triển công nghệ số, thì các chiêu trò, kinh doanh gian dối, hàng nhái hàng giả không chóng thì chầy sẽ bị dư luận bóc mẽ và lôi ra ánh sáng, trả lại thị trường cho những người làm ăn trung thực. Chỉ khi xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, làm ăn tử tế,… mới mong có nhãn hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam trước khi chinh phục thế giới trong tương lai.
Nếu chậm trễ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay thì cái mác “doanh nhân thành đạt” cũng chỉ mang tính thời điểm, còn về lâu dài thì lành ít dữ nhiều là điều khó tránh khỏi!
Trúc Nguyễn
Theo VNN
Nhập linh kiện TQ gắn mác VN : Đừng lợi dụng lòng tin
Sản phẩm Việt sẽ chiếm được lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng trong nước, chưa kể đó còn là tinh thần tự hào dân tộc.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần điện tử Asanzo trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.- Báo Tuổi trẻ
Mấy ngày qua, sự việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị phát hiện nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam đang khiến người tiêu dùng xôn xao. Vốn dĩ, nhiều người tưởng rằng những chiếc TV, máy điều hòa của Asanzo là hàng Việt Nam, chỉ đến khi biết rằng 70% linh kiện là hàng hóa Trung Quốc thì nhiều người mới té ngửa.
Thực ra, vụ việc này cũng có phần tương đồng với một vụ việc gây chấn động trước đây khi phát hiện sản phẩm lụa Khai Silk hóa ra cũng là hàng nhập từ Trung Quốc và gắn mác "Made in Vietnam" để lừa người tiêu dùng. Bởi vậy, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ cảm xúc, nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ, như mình bị lừa dối khi cứ tưởng rằng sản phẩm Asanzo là hàng sản xuất trong nước.
Đối với người tiêu dùng trong nước, việc họ lựa chọn hàng hóa "Made in Vietnam" ngoài lòng tin, cảm tình với hàng hóa nội địa còn có cả tinh thần tự hào dân tộc. Tự hào vì người Việt Nam đã sản xuất được những mặt hàng có chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại, tự hào vì bàn tay và khối óc của những người thợ Việt Nam nên người tiêu dùng luôn có tâm lý sẵn sàng ủng hộ hàng Việt.
Thế nhưng, việc các doanh nghiệp "mập mờ" trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để lợi dụng lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng, thì có khác nào lừa dối? Một người tiêu dùng cho biết họ mua sản phẩm TV của Asanzo vì lời quảng cáo gây nhầm tưởng đây là hàng hóa Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản. Việc gỡ bỏ nhãn mác xuất xứ "Made in China" trên các sản phẩm, linh kiện để dán mác của Asanzo chắc chắn là 1 hành vi lừa dối khách hàng.
Thêm vào đó, việc "lách thuế" của doanh nghiệp khi có biểu hiện gian dối khi kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khiến cho Nhà nước bị thiệt hại một số lượng tiền thuế khổng lồ. Nếu là hàng hóa nguyên chiếc nhập về sẽ phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, còn khi tháo rời chúng và nhập theo dạng linh kiện thì sẽ tránh được khoản thuế này.
Nếu thực sự Asanzo có những biểu hiện gian dối trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ, đồng thời có biểu hiện né thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Bởi điều đó có nghĩa, doanh nghiệp này không chỉ phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vi phạm pháp luật về thuế.
Đừng giết chết lòng tin của người tiêu dùng trong nước vì những vụ việc tương tự như Khai Silk, bởi lòng tin ấy đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước mới xây dựng được. Đằng này, chỉ vì những doanh nghiệp trốn thuế, gian lận mà niềm tin vào hàng Việt, chất lượng Việt bị ảnh hưởng, giống như bát nước hắt đi, khó lòng mà lấy lại.
Và, tại sao những vụ việc động trời như Khai Silk hay Asanzo, người tìm ra manh mối không phải là các cơ quan quản lý mà là do người tiêu dùng hay cơ quan báo chí?
Mi An
Theo baodatviet
Một số nhà bán lẻ bắt đầu gỡ sản phẩm Asanzo khỏi kệ hàng Những động thái đầu tiên của các nhà bán lẻ lớn trước vụ việc Asanzo dùng "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam". Như VnReview.vn đã thông tin đến bạn đọc, vào sáng hôm qua 21/6, một số tờ báo lớn đã đăng tải loạt điều tra về công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi có xuất xứ tại...