Người dân TPHCM đưa con đi tiêm vaccine ngừa bạch hầu tăng đột biến
Lo ngại về bệnh bạch hầu, nhiều ông bố, bà mẹ ở TPHCM vội vàng đưa con đi tiêm vaccine phòng ngừa dẫn đến lượng người tiêm tăng đột biến.
Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh bạch hầu không phải là vaccine hiếm, các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện luôn có sẵn vaccine.
Những ngày qua, bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số địa phương khiến nhiều người dân TPHCM lo lắng, nhất là những ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Sáng 12/7, chị Nguyễn Thị Định (Quận 12) đưa 2 con đến Viện Pasteur tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu. “Tôi đọc thông tin thấy bệnh bạch hầu có thể gây ra nguy cơ tử vong nên rất lo lắng, quyết định đưa 2 con đi tiêm vaccine. Các con còn nhỏ, lại đang trong giai đoạn nghỉ hè, đi chơi tiếp xúc nhiều người, tiêm được vaccine thì gia đình mới có thể yên tâm”, chị Định chia sẻ với phóng viên.
Video đang HOT
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Viện Pasteur, TPHCM. Ảnh: Viện Pasteur cung cấp.
Tương tự, anh Trần Anh Tuấn (Quận 8) cũng đưa con trai đến Viện Pasteur để tiêm ngừa vaccine phòng bệnh bạch hầu. Chia sẻ về lo ngại của mình, anh Trần Anh Tuấn cho biết: “Thấy người quen, hàng xóm đưa con đi tiêm ngừa vaccine phòng bạch hầu nên vợ cũng giục tôi dẫn con đi tiêm. Gia đình tôi dự định hè này đưa con về Thừa Thiên Huế, Hải Phòng thăm ông bà nội, ông bà ngoại nhưng giờ vaccine tạm hết khi nào con tiêm được vaccine mới có thể đưa con đi chơi xa”.
Do số lượng người đến tiêm ngừa bệnh bạch hầu tăng nhiều lần so với bình thường nên loại vaccine này tại Viện Pasteur tạm hết. Sáng 12/7, Viện Pasteur đã thông báo cho người dân.
Được biết, trong 3 ngày qua, số lượng người dân tìm đến tiêm vaccine bạch hầu dịch vụ tăng cao. Trước đây, Viện Pasteur chỉ tiêm khoảng từ 10-15 mũi/ngày thì trong 3 ngày qua (9,10, 11/7) đã tiêm đến hơn 400 mũi. Hiện Viện Pasteur đang tìm cách bổ sung nguồn vaccine bạch hầu để kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.
Trước lo lắng của nhiều người khi thấy thông báo tạm thời hết vaccine phòng bệnh bạch hầu, đại diện Viện Pasteur cho biết, vaccine phòng bệnh bạch hầu không phải là vaccine hiếm, người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện luôn có sẵn vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Trước đó, chiều 11/7, chia sẻ về tình hình bệnh bạch hầu tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc HCDC – cho biết, thành phố chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu trong thời gian gần đây, ca mắc bệnh gần nhất tại thành phố là từ năm 2020.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng người dân tích cực phòng ngừa bệnh bạch hầu nhưng không nên hoang mang. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, lây lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh có vaccine phòng chống và thuốc điều trị, người nhiễm bệnh điều trị kịp thời sẽ sớm hồi phục.
HCDC đưa ra khuyến cáo, nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu tại TPHCM có thể xảy ra do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, nhiều người từ các nơi khác đến làm việc, du lịch. Tuy nhiên, khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu. Người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp.
Được biết, bạch hầu lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp, niêm mạc miệng, niêm mạc họng. Để phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần giữ vệ sinh tay, chân, miệng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể và làm sạch môi trường sống xung quanh.
Không nên tự ý tiêm vaccine bạch hầu
Người dân không để tâm lý hoang mang, không tự ý tiêm chủng vaccine bạch hầu khi chưa có hướng dẫn. Đó là khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra mới đây, liên quan đến bệnh bạch hầu đang xảy ra ở một số địa phương.
Bộ Y tế cũng cho biết thêm, hiện nay đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Việc bổ sung liều vaccine cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. Bộ Y tế cũng hướng dẫn, trong trường hợp cần thiết, người dân cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Tạo "lá chắn" miễn dịch từ mỗi gia đình Mô hình bệnh tật ngày càng thay đổi, các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, diễn biến khó lường. Việc tiêm vaccine phòng bệnh nhằm tạo miễn dịch, ứng phó hiệu quả với bệnh tật được nhiều gia đình ở Hải Dương ngày càng quan tâm. Bà Nguyễn Thị Kim Anh và cháu nội cùng đi tiêm vaccine phòng bệnh Nhiều thế hệ...