Người dân tíu tít đến mua rau, thịt sạch ở Thành ủy Hà Nội
Sáng nay (ngày 21/12), tại Thành ủy Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội năm 2018. Điều đáng chú ý là ngay tại sân Thành ủy có hơn 40 gian hàng trưng bày các loại nông sản đặc sản của 21 tỉnh thành, thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP.Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm gạo sạch, gạo đặc sản của Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội). Ảnh: T.T
Trước khi diễn ra Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hà Nội đã cùng đại diện Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố và đông đảo đại biểu đi tham quan các gian hàng nông sản trưng bày ngay tại sân Thành ủy.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bên phải ảnh) cùng ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội cùng đánh giá các cơ sở sản xuất đã có nhiều nỗ lực duy trì quy trình sản xuất an toàn, thực hiện tốt các khâu sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ cho rau củ an toàn. Ảnh: T.T
Được biết, đây cũng là hoạt động bên lề và được duy trì thường xuyên mỗi khi Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động liên quan đến chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố. Lần này, hội nghị thu hút 40 gian hàng của 21 tỉnh, thành tham gia, với gần 4.000 sản phẩm rau củ quả, chăn nuôi và sản phẩm chế biến.
Điều đặc biệt ở mỗi gian hàng là toàn bộ sản phẩm đều được đóng gói trong bao bì có nhãn mác ghi rõ địa chỉ xuất xứ, tên đơn vị sản xuất và được dán tem truy xuất.
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham quan gian hàng
Anh Lê Văn Sao – Phó Giám đốc HTX sản xuất rau quả an toàn Ngọc Bộ (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) hồ hởi cho biết: HTX chúng tôi bán buôn, bán lẻ các loại giống hoa, quả, rau an toàn các loại nhưng lần này chủ yếu giới thiệu sản phẩm cam Vinh và bưởi Diễn. 2 loại trái cây này được trồng ở đất Văn Giang nhưng cho chất lượng rất tốt, cam mọng nước, bưởi ngọt không kém gì cây được trồng ở chính gốc.
“Sản phẩm chủ yếu mang tới hội nghị để trưng bày, nhưng chỉ trong buổi sáng chúng tôi đã bán hết không còn quả nào” – ông Sao vui vẻ nói.
Anh Lê Văn Sao – Phó Giám đốc HTX sản xuất rau quả an toàn Ngọc Bộ (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, từ khi thực hiện sản xuất an toàn, dán tem truy xuất, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ trong một số siêu thị ở Hà Nội, giá bán cam hiện đạt 50.000 đồng/kg, bưởi Diễn 50.000 đồng/quả. Ảnh: M.H
Video đang HOT
Một số sản phẩm rau quả an toàn của tỉnh Quảng Ninh
Tương tự, chị Thu Hồng, chủ cửa hàng đặc sản Sơn La ở phường Tô Hiệu, TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết: Các mặt hàng chủ lực của chúng tôi là thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, mật ong rừng, các loại hạt gia vị đặc trưng núi rừng Tây Bắc như mắc khén, hạt dổi… Không chỉ tích cực mang sản phẩm giới thiệu tại hội nghị mà chúng tôi còn có gian hàng mở cửa hàng ngày tại Trung tâm triển lãm nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Các đặc sản của tỉnh Sơn La đã được người tiêu dùng Thủ đô biết đến và tin tưởng nên bán rất chạy.
Chị Hồng cho biết, hạt dổi đóng gói có giá 3 triệu đồng/kg, hạt mắc khén 400.000 đồng/kg nhưng khách hàng rất ưa thích vì những loại hạt này thơm nức mũi, rất thích hợp chế biến các món ăn và làm gia vị chấm. Ảnh: M.H
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT về ban hành chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch 06 ngày 15/1/2018 về chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội năm 2018.
Đại diện gian hàng của tỉnh Bắc Kạn nhiệt tình giới thiệu sản phẩm bí xanh thơm. Ảnh: M.H
Theo đó, trong năm 2018 Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, TP trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lí chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Cụ thể, các đơn vị đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 166 chuỗi, đạt tỉ lệ 44% so với năm 2017.
Trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Riêng TP.Hà Nội duy trì và phát triển 121 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi có nguồn gốc thực vật.
Rất đông khách thăm quan đến tìm hiểu và mua sản phẩm nông sản đặc sản của các địa phương. Ảnh: M.H
Năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội và các tỉnh đã phối hợp đánh giá, phân loại và cấp hơn 400 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở, địa điểm kinh doanh, phân phối các sản phẩm nông lâm thủy sản cung cấp cho Hà Nội để đưa về Thủ đô tiêu thụ.
Chính thức ra mắt Hệ thống thông tin điện tử truy xuấ nguồn gốc nông sản an toàn
Cũng tại Hội nghị sáng nay, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP.Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội và các vị đại biểu đã cùng nhấn nút ra mắt Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn của UBND TP.Hà Nội tại địa chỉ: hn.check.net.vn.
Hệ thống này thực hiện quản lý và minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản bằng điện tử qua mã QR cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn và một số tỉnh thành.
Hiện, hệ thống đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp/cơ sở thuốc Sở NN&PTNT quản lí; cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 3.200 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm trong thành phố…
Theo Danviet
Người dân thích thú đến Thành ủy Hà Nội mua rau, thịt đặc sản
Sáng nay (3/8), Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội năm 2018. Đáng chú ý, bên lề hội nghị có hoạt động thăm quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn ngay tại sân Thành ủy Hà Nội, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay đã có 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP.Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Các đại biểu, người dân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố tại sân Thành ủy Hà Nội. Ảnh: M.H
Hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội. Hằng ngày, các chuỗi này cung cấp một số lượng đáng kể thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho người tiêu dùng địa phương và một phần cung cấp cho thị trường Thủ đô.
Riêng thành phố Hà Nội đã duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật; thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Giang trưng bày các loại rau an toàn của Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh. Ảnh: M.H
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, trong đó là một loạt hội thảo giới thiệu doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Lào Cai, Phú Thọ... về Hà Nội; tham gia Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại vùng trung du miền núi phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên.
Tại hội chợ này đã trưng bày, giới thiệu gần 100 mặt hàng tiêu biểu của Thủ đô là các sản phẩm làng nghề, các giống cây đặc sản, sản phẩm rau củ quả an toàn...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm an toàn.
Sở cũng phối hợp với Công ty CP công nghệ và truyền thông tổ chức hội nghị giới thiệu ứng dụng "Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn TP.Hà Nội"...
Giang trưng bày các sản phẩm trứng gia cầm sạch của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội. Ảnh: MH
Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh đã tổ chức cung cấp hàng loạt sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản về tận tay người tiêu dùng Thủ đô, được người dân tin tưởng đón nhận. Đơn cử như tỉnh Điện Biên với các sản phẩm chủ lực gồm bí xanh thơm, bí phấn thơm, rau bò khai; Vĩnh Phúc cung ứng 2.500 tấn rau củ quả, 3 triệu quả trứng gà, gà thịt 60 tấn, lợn thịt 500 tấn...; tỉnh Hòa Bình cung ứng khoảng 210 tấn rau các loại, hơn 34 tấn thịt lợn, 210 tấn cá sông Đà...
Đáng chú ý là bên lề hội nghị tổ chức sáng nay, các đại biểu, người dân Thủ đô đã được thăm quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn ngay tại sân Thành ủy Hà Nội, số 219 Trần Phú, Hà Đông.
Sản phẩm cá sông Đà được "rinh" nguyên con về giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: M.H
Ngoài việc giới thiệu các loại gạo đặc sản đóng gói, ngành nông nghiệp Yên Bái còn có cách giới thiệu đặc sản nếp nương Tú Lệ rất độc đáo bằng việc chế biến thành nhiều loại xôi bắt mắt, như xôi cẩm, xôi gấc, xôi mít..., khiến người dân tham quan vô cùng thích thú. Ảnh: M.H
Anh Nguyễn Huy Ba - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi, thương mại và đầu tư Đoài Phương (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, là thành viên của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây, đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể "Gà Mía Sơn Tây", HTX Đoài Phương là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ phân phối, tiêu thụ sản phẩm con giống, trứng gà Mía, thịt gà Mía tươi của Hội. Toàn bộ số gà Mía đã sơ chế mang về hội nghị giới thiệu, trưng bày đã được bán hết ngay chỉ trong 2 tiếng đồng hồ sáng 3/8.
Những trái ổi tại gian trưng bày nông sản an toàn của tỉnh Hải Dương đã được khách tham quan mua hết bay...
Rau bò khai giá 50.000 đồng/bó, bí xanh thơm 30.000 đồng/quả. Đây là 2 sản phẩm chủ lực được HTX Sang Hà, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn mang về giới thiệu với người dân Thủ đô lần này. Ảnh: M.H
Các sản phẩm mật ong rừng tự nhiên của người dân Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan. Ảnh: M.H
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ngành nông nghiệp Thủ đô kết hợp tổ chức hội nghị với tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản, thực phẩm và thu hút đông đảo người dân địa phương tới tham quan, mua sắm.
Cách làm này không chỉ khiến các hội nghị sơ kết, tổng kết của Sở NN&PTNT Hà Nội trở nên phong phú, hấp dẫn mà còn là dịp tốt để bà con nông dân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng.
Theo Danviet
Mua thực phẩm sạch trên phố đi bộ Hà Nội: Vừa sạch lại xanh Dịp cuối tuần qua, người dân Thủ đô đã có cơ hội trải nghiệm, lựa chọn và mua sắm thực phẩm ngay trên khu phố đi bộ cạnh Hồ Gươm. Điều đáng nói, tất cả các sản phẩm được bán ở đây đều là sản phẩm sạch, vì môi trường xanh. Ngày hội "Sản phẩm xanh - Thực phẩm sạch" thuộc khuôn khổ...