Người dân phố Trúc Bạch ăn mừng ngày dỡ cách ly
Trẻ em vẫy cờ, người lớn đổ ra đường trong tâm trạng “vui hơn Tết” vì được ra ngoài sau 14 ngày phong tỏa vì phố có người nhiễm nCoV.
19h ngày 20/3, nhiều người tập trung phía ngoài rào sắt chờ đợi thời điểm phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) hết phong tỏa.
Đêm 6/3, con phố bị phong tỏa sau khi chính quyền xác nhận cô gái 26 tuổi nhiễm nCoV cư trú tại đây. 66 hộ dân, 189 nhân khẩu thực hiện cách ly bắt buộc, kiểm tra y tế trong vòng hai tuần. Trúc Bạch trở thành tuyến phố đầu tiên của Hà Nội phải cách ly cộng đồng nhằm phòng chống Covid-19.
Sau lớp barie mềm, người dân sống trong vòng cách ly đổ ra đường. 14 ngày qua, Trúc Bạch được ví như “tuyến phố đi bộ thứ ba” trong lòng Hà Nội khi hàng quán ngừng buôn bán, không có phương tiện đi lại, người dân có không gian đi bộ, tập thể dục.
Cán bộ y tế và công an phường Trúc Bạch trò chuyện với người dân phố cách ly. Trong 14 ngày, các cán bộ cơ sở trực 100% quân số, ăn ngủ luôn tại khu vực cách ly để kiểm tra sức khỏe cho người dân.
21h10, công an và dân phòng dẹp bỏ barie phong tỏa đoạn phố.
Những người dân đầu tiên bước ra khỏi phố sau khi lớp rào sắt được gỡ bỏ.
Trong phố, trẻ con vẫy cờ mừng “một sự kiện lớn” đầu đời.
Video đang HOT
Người dân nhảy múa vì từ nay thoải mái đi lại.
Lần đầu tiên sau 14 ngày, người phụ nữ dám kéo khẩu trang khỏi mặt khi bước đi trên phố Trúc Bạch. “Đêm nay vui hơn Tết”, bà nói.
Một gia đình gọi điện báo với người thân đã hết cách ly, các thành viên đều khoẻ mạnh. Nhiều người nước ngoài có mặt để chứng kiến gỡ chốt phong tỏa. 7 người nước ngoài cư trú tại đây cũng phải cách ly bắt buộc.
Chị Hương, cán bộ y tế phường Trúc Bạch trước trụ sở. Hai tuần trôi qua, toàn bộ 5 y tá phường đều ở lại trạm, không về nhà. Ngày hai lần, họ đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho người dân trong thời gian cách ly.
Trụ sở phường Trúc Bạch lúc 22h đêm vẫn sáng đèn, cán bộ, dân quân tự vệ đều chưa về nhà. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường Trúc Bạch cho rằng “đây mới là giai đoạn bắt đầu, việc phòng chống dịch phải tiếp diễn nhiều ngày nữa, bà con không được chủ quan”.
Đến tối 20/3, Hà Nội xác nhận 27 ca trong tổng số 91 ca nhiễm nCoV tại Việt Nam.
Giang Huy
Nghe "tân binh" kể chuyện trực chiến tại khu cách ly Covid-19
Với một cậu thanh niên 23 tuổi, việc tham gia vào lực lượng kiểm soát tại khu cách ly, của căn bệnh truyền nhiễm đang lây lan toàn cầu quả thực là một trải nghiệm quá đỗi mới mẻ và lạ thường.
Cũng như nhiều thanh niên khác của phường Dịch Vọng, ngay khi một đoạn ngõ 165 Cầu Giấy được cách ly, vì phát hiện bệnh nhân nghi mắc Covid-19, Phạm Ngọc Tiến (23 tuổi) được UBND phường Dịch Vọng huy động, để tham gia vào lực lượng chốt trực tại khu cách ly.
Một nhiệm vụ mới mẻ và lạ thường...
Khu cách ly tại Ngõ 165 Cầu Giấy.
Tiến cùng 7 thành viên khác của lực lượng dân quân tự vệ phường Dịch Vọng là 1 trong 3 lực lượng sẽ phối hợp cùng thực thi nhiệm vụ tại chốt trực này bao gồm: Dân quân tự vệ, Bảo vệ dân phố và Công an nhân dân.
Theo chia sẻ của Tiến, nhiệm vụ trực tại khu vực cách ly sẽ được chia làm 3 ca: Ca sáng (6 giờ - 12 giờ), ca chiều (12 giờ - 19 giờ), ca tối (19 giờ - 23 giờ). Mỗi ca, lực lượng của dân quân tự vệ sẽ bố trí một người trực.
Phạm Ngọc Tiến (23 tuổi) là một trong những thành viên trẻ nhất của lực lượng tham gia chốt trực khu cách ly Covid-19 tại Cầu Giấy.
"Nhiệm vụ của chúng tôi tại chốt trực trước hết là kiểm soát không cho những người trong khu vực cách ly đi ra ngoài vùng kiểm soát; kế đến, cung cấp thực phẩm của UBND phường tiếp tế vào từng hộ gia đình; bên cạnh đó, trong trường hợp khu cách ly có vấn đề gì xảy ra thì mình sẽ nắm tình hình và báo về trung tâm chỉ huy để có hướng giải quyết" - Tiến cho biết.
Cập nhật sổ trực là một trong những nhiệm vụ mà lực lượng tham gia chốt trực phải thực hiện trước khi bàn giao ca trực.
Hoang mang, bỡ ngỡ những ngày đầu
Đối với một thanh niên trẻ như Tiến, tham gia vào lực lượng kiểm soát tại khu cách ly bệnh truyền nhiễm là một nhiệm vụ mới mẻ và lạ thường. Do đó, vào những ngày đầu trực chiến cậu tân binh này cũng khó tránh khỏi những hoang mang, bỡ ngỡ, nhất là khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
"Tôi và các anh em trong chốt trực lúc đầu cũng cảm thấy lo sợ vì dịch lây lan nhanh quá. Nhưng sau một thời gian công tác, đến hôm nay đã là buổi thứ 6 tôi trực tại đây, thì đã quen dần và nhận ra rằng, việc có bị lây bệnh hay không chủ yếu nằm ở sức đề kháng, cách phòng ngừa của mình", Tiến chia sẻ . "Cứ ăn uống đầy đủ, rửa tay xà phòng, thỉnh thoảng đi lại một chút cho tinh thần sảng khoái thì nỗi sợ dịch sẽ chẳng còn".
"Tân binh" này cũng chia sẻ rằng, khi biết tin con đi làm nhiệm vụ ở khu cách ly Covid-19, bố mẹ cậu rất lo lắng, nhưng cũng may nhờ thông tin trên báo đài, mà các bậc phụ huynh hiểu ra được và động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiến kể: "Trước mỗi lần đi làm nhiệm vụ trực chốt, bố mẹ tôi luôn nhắc chú ý rửa tay, đeo khẩu trang. Lúc tôi xong ca trực trở về, việc đầu tiên làm là bỏ áo quần ngoài ra chiếc thau trước cửa để mẹ giặt, trước khi vào nhà. Một điều may mắn nữa là hàng xóm ở khu tôi sống có nhận thức cao, nên từ ngày đi làm nhiệm vụ đến nay, mọi người hay sang nhà hỏi thăm, động viên tôi làm tốt để nhanh chóng hết dịch, bởi bây giờ ai cũng mong trở lại cuộc sống như bình thường lắm rồi".
Tương thân, tương ái
Khu cách ly cầu giấy là một đoạn nằm cuối con ngõ nhỏ, nên so với khu cách ly ở ở phố Trúc Bạch, nơi đây vắng vẻ và ít sầm uất hơn rất nhiều, cộng với việc các hàng quán đóng cửa gần hết vì sợ dịch, nên cả con đường dường như chỉ có bóng dáng của lực lượng trực chốt là luôn thường trực. Tiến kể: "Con ngõ này do có dịch nên vắng lắm, anh em trong chốt trực chúng tôi nhiều khi cũng cảm thấy buồn. Quán xá đóng cửa hết nên chúng tôi muốn mua gì cũng khó".
Ngõ 165 Cầu Giấy vắng hoe sau khi có lệnh cách ly.
Trước tình hình thực tế, các thành viên trong chốt thường chủ động chuyện cơm nước tại nhà trước khi đến ca trực, còn nếu không thì cũng mua đồ ăn sẵn ở nơi khác mang đến để luôn chủ động, đảm bảo đúng giờ, đúng quy định trực. "Nhiều lúc buồn thì anh em cũng chỉ biết đặt giao hàng đôi ba cốc trà sữa, vài chai nước ngọt uống với nhau cho vui vẻ" - Tiến cười.
Việc phải gánh trên vai thêm một nhiệm vụ chiếm đến 6 tiếng mỗi ngày, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày của những người tham gia chốt trực, đặc biệt là lực được huy động đột xuất như dân quân tự vệ. Lấy trường hợp của Tiến, một buổi cậu đi trực chốt, một buổi lại vội về lo công việc kinh doanh của mình.
Tinh thần tương thân, tương ái hiển hiện tại khu cách ly Covid-19 không chỉ là giữa các cán bộ ngày đêm túc trực và người dân sống trong khu cách ly, mà còn là sự thông cảm, nhường nhịn lẫn nhau giữa chính những thành viên tại chốt trực.
Tiến kể: "Đi trực thế này với tôi và các bạn độc thân còn đỡ, chứ các anh có vợ con thì thật vất vả. Vì vậy, trong cách phân công lịch trực, lực lượng trẻ sẽ tạo điều kiện để những thành viên đã lập gia đình được trực theo lịch cách nhật, mỗi ngày có thể trực liền 2 ca để còn có ngày nghỉ về với vợ, con".
"Ai cũng có cái khó, có việc riêng của mình, quan trọng nhất là biết thông cảm cho nhau. Mình còn trẻ, chưa vướng bận điều gì thì cứ xung kích đi đầu thôi" - Cậu dân quân tự vệ cười nói, rồi xin phép kết thúc cuộc trò chuyện để thực hiện nhiệm vụ đã được giao.
Minh Nhật (dantri.com.vn)
Bình yên như 'thời bao cấp' trong khu cách ly Trúc Bạch Thay vì ngày ngày tất bật đi chợ, trông cháu... giờ bà Lê Bích Loan (phố Trúc Bạch) lại ung dung đi tập thể dục, tập dưỡng sinh. Nhu yếu phẩm, hoa quả bổ sung vitamin, thuốc men... đều được phường Trúc Bạch và quận Ba Đình đảm bảo cho cả. Những tưởng sẽ không có thuốc để bổ sung vì thời gian...