Người dân phản đối xây Nhà hát Thủ Thiêm là bức xúc dây chuyền
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, việc người dân phản đối việc xây dựng Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là bức xúc dây chuyền của hàng loạt vấn nạn trước đó mà thành phố chưa giải quyết được như ngập nước, kẹt xe, khói bụi…
Chiều 17.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù… phát triển TP.HCM.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê – phó Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc thông tin hôm nay nhằm giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nắm được thông tin, những kiến nghị trước khi tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 sắp tới.
Tại cuộc họp, ngoài những lĩnh vực khác, ông Khuê cũng yêu cầu Sở Văn hóa – Thể Thao báo cáo câu chuyện xây Nhà hát Thủ Thiêm, yêu cầu Sở báo cáo gấp lộ trình xây dựng dự án Nhà hát Thủ Thiêm, phối hợp với Sở Đầu tư cung cấp đầy đủ cho Đoàn Đại biểu Quốc hội trước khi Đoàn Đại biểu ra Quốc hội họp. “Có thể tại cuộc họp, Quốc hội sẽ đặt vấn đề này nên cần phải có thông tin báo cáo”, ông Khuê nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.
Góp ý tại hội nghị, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, việc xây nhà hát đối với thành phố không phải là chuyện lớn, nhưng tại sao lại bị người dân phản đối? Theo ông Nghĩa, nguyên nhân là do lâu nay người dân bức xúc nhiều chuyện như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… mà thành phố chưa giải quyết được, nhưng nay lại đi xây dựng một công trình xa hoa, không cần thiết. Đây là bức xúc dây chuyền mà thành phố cần hết sức lưu ý.
Video đang HOT
Ông Nghĩa cũng cho biết, dự án 10.000 tỷ chống ngập, máy bơm siêu khủng để ngăn triều, chống ngập… đến nay vẫn dang dở. Chi phí chống ngập hơn 10 năm nay cũng gấp mười mấy lần chi phí xây nhà hát nhưng ngập vẫn ngập, kẹt xe vẫn xảy ra… “Tôi đề nghị cần rà soát lại các dự án chống ngập của thành phố”, ông Nghĩa bức xúc.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM cho rằng, người dân có nhiều bức xúc và ngày càng nóng nảy, đi ra đường va quẹt giao thông là lao vào xô xát. Về vấn đề ngập nước, theo ông Ngân, phải được giải quyết gấp và kiến nghị thành phố phải tập trung mọi nguồn lực ưu tiên giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép xây dựng tràn lan mà không quan tâm đến mật độ giao thông quá tải hiện nay cũng là vấn đề cần quan tâm. “Ngành giao thông có nỗ lực nhưng sự liên thông không có, nơi kẹt xe mà lại xây siêu thị, nhà cao tầng… thì kẹt xe càng kẹt”, ông Ngân nhấn mạnh.
Theo Danviet
TP.HCM trình đề án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm
Sáng 8.10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa IX (kỳ họp bất thường), Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình HĐND tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM, ý tưởng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM đã được ấp ủ qua nhiều thời kỳ và nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, thành phố đã xây dựng đề án rất cẩn trọng, đến hôm nay đã có đầy đủ cơ sở cũng như các điều kiện cần thiết đưa ra HĐND TP bàn luận để thông qua. Bà Quyết Tâm cũng yêu cầu các đại biểu HĐND cần bàn thảo sâu sắc, có những ý kiến đóng góp tích cực cho dự án này.
Vị trí xây Nhà hát giao hưởng phía Thủ Thiêm (Q.2), đối điện quận 1. Ảnh: Zing
Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1). Nhà hát này có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Về việc cần thiết xây dựng nhà hát, Phó Chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm cho rằng, một TP.HCM văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.
Được biết, vào thời Pháp thuộc, TP.HCM có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện nay chỉ Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau 1975 như nhà hát Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn chất lượng cao theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay, chỉ duy nhất Nhà hát thành phố còn đúng nghĩa là một nhà hát.
Theo ông Liêm, việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. "Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Liêm nói.
Với việc xây nhà hát này, thành phố cũng kỳ vọng dự án sau khi hoàn tất sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP.HCM.
Thẩm tra tờ trình này, Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng cần thiết phải xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Tuy nhiên, ông Dũng đề nghị UBND TP lưu ý nhà hát cần có thiết kế độc đáo, có khu cây xanh liền kề, thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế.
Ông Dũng cũng lưu ý, UBND TP.HCM cần chọn nhà thầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng nhà hát này.
Đại biểu HĐND TP.HCM - Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là ấp ủ của nhân dân cũng như lãnh đạo thành phố qua nhiều thời kỳ, nên ông tán thành chủ trương này. "Tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tiếp theo, Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét nên có 1 công trình thứ 2 là nhà hát cải lương nữa. Đây cũng là sự gửi gắm, trông chờ của nhiều nghệ sĩ cải lương và người dân TP.HCM", ông Khuê nói.
Theo Danviet
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 'Xây nhà hát không đụng chạm đến tiền đền bù cho dân Thủ Thiêm' Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết xây nhà hát và chuyện đền bù là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, việc xây nhà hát không đụng chạm đến tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm. Chiều 15/10, tại bế mạc Hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy TP.HCM...