Người đàn ông xui xẻo nhất quả đất: Thiệt mạng vì thiên thạch rơi trúng, là trường hợp đầu tiên trong lịch sử loài người
Vào năm 1888, một thiên thạch đã lao vào bầu khí quyển Trái Đất, phát nổ ra từng mảnh nhỏ, giết chết một người đàn ông và làm bị thương 2 người khác.
Theo Space.com, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên về trường hợp con người thiệt mạng do thiên thạch rơi trúng.
Theo đó, vụ việc đã được ghi chép lại trong một đoạn tài liệu được khôi phục từ thư viện số của Tổng cục Lưu trữ Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là một bức thư của quan lại địa phương trình lên vị vua thứ 34 của Đế chế Ottoman – Abdul Hamid II để báo cáo về một vụ nổ thiên thạch xảy ra ngày 22/8/1888.
Vụ việc xảy ra vào năm 1888 là bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên về trường hợp con người thiệt mạng do thiên thạch rơi trúng (ảnh minh họa)
Bằng chứng đáng tin cậy nhất từ trước đến nay
Vào thời điểm 20h30 ngày hôm đó, một quả cầu lửa lớn được người dân nhìn thấy trên bầu trời khu vực hiện là thành phố Sulaymaniyah ở Iraq ngày nay. Chỉ vài giây sau, một loạt mảnh thiên thạch cỡ nhỏ đã liên tiếp dội xuống một ngôi làng trong khu vực suốt 10 phút.
Kết quả, vụ việc hy hữu này đã giết chết ngay lập tức một người đàn ông chưa rõ danh tính và làm 1 người khác bị thương, đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy cho thấy con người đã thiệt mạng vì bị thiên thạch…rơi trúng.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác chính xác độ cao, tốc độ, kích thước và vị trí khi va chạm với mặt đất của thiên thạch này. Tuy nhiên, dựa những ghi chép trong các văn bản cổ, các nhà nghiên cứu tin rằng thiên thạch đã lao xuống đất theo hướng Đông Nam, phát nổ ngay trên bầu trời trước khi các mảnh thiên thạch nhỏ của nó va chạm vào một ngọn đồi ở Sulaymaniyah. Nhiều hoa màu, cây trồng ở khu vực cũng đã bị thiệt hại do sóng xung kích của thiên thạch tạo ra khi phát nổ.
Thiên thạch đã phát nổ trên bầu trời khu vực hiện là thành phố Sulaymaniyah ở Iraq ngày nay
Được biết, nhóm các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực tìm kiếm thêm bằng chứng về vụ việc trong kho tài liệu số của chính phủ Thổ Nhĩ Kì.
“ Chúng tôi muốn tìm hiểu phản ứng của Sultan Abdul Hamid II sau khi nhận được báo cáo từ các quan lại địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất muốn tìm kiếm mẫu vật còn sót lại của tảng thiên thạch sau khi nó va chạm với mặt đất“, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Chưa từng ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong do thiên thạch rơi trúng
Theo Space.com, có tới hàng triệu thiên thạch rơi vào bầu khí quyển Trái Đất mỗi ngày. Tuy nhiên có rất ít thiên thạch có khả năng rơi xuống đến tận mặt đất. Phần lớn trong số chúng có kích thước và khối lượng nhỏ nên đã bị thiêu cháy ngay khi lao vào khí quyển Trái Đất.
Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu của NASA, kể từ năm 1988 cho tới nay, có ít nhất 822 thiên thạch có kích thước đủ lớn để phát nổ trong bầu khí quyển, tạo ra hằng sa số những mảnh vỡ thiên thạch nhỏ hơn có khả năng lao xuống mặt đất. Do vậy, khả năng con người bị giết chết bởi một mảnh vụn thiên thạch rơi trúng là chuyện có thể xảy ra, mặc dù xác xuất là cực kỳ thấp, chỉ khoảng 1 trên 75 triệu.
Các thiên thạch có kích thước nhỏ khi lao vào khí quyển Trái Đất đã bốc cháy, tạo nên các cơn mưa sao băng
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong trực tiếp nào do thiên thạch gây ra, một phần là do chưa tìm thấy bằng chứng đủ thuyết phục. Hầu hết ghi chép lịch sử về những tai nạn như vậy đều khá mơ hồ. Chỉ có duy nhất một trường hợp được xác nhận là bị thương bởi thiên thạch rơi trúng. Đó là một phụ nữ tên Ann Hodges, 34 tuổi, sống tại TP Sylacauga, tiểu bang Alabama, Mỹ.
Vào ngày 30/11/1954, khi đang ngủ trưa trên chiếc ghế sofa tại nhà của mình, một mảnh thiên thạch có kích thước ngang bằng quả bóng tennis, nặng 3,8kg từ trên trời đã rơi xuyên qua mái và đập vào hông bà Ann Hodges. Bà Ann Hodges ngay sau đó lập tức được gia đình đưa đi bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bà chỉ thương nhẹ với một vài vết bầm tím trên người.
Bà Ann Hodges với vết thương ở hông do thiên thạch gây ra
Vào năm 2013, một thiên thạch có kích thước khá lớn đã phát nổ trong bầu khí quyển và trút xuống khu vực Chelyabinsk (Nga) những mảnh thiên thạch nặng tới 654 kg. Tuy nhiên, đã không có bất kỳ trường hợp nào tử vong hay bị thương do thiên thạch rơi trúng trực tiếp. Hầu hết các trường hợp bị thương là do ảnh hưởng của sóng xung kích khi thiên thạch phát nổ, khiến hàng loạt cửa kính của nhiều tòa nhà tại Chelyabinsk bị vỡ vụn.
Năm 2016, ông Kamraj, một tài xế xe buýt, đã thiệt mạng sau khi bị vật thể lạ rơi trúng trong khuôn viên trường đại học kỹ thuật Bharathidasan (Ấn Độ). Hai người làm vườn khác và một sinh viên cũng bị thương. Kết luận sau đó của NASA cho thấy, vật thể lạ nói trên có thể là mảnh vỡ của một tên lửa, thay vì thiên thạch.
Giới khoa học nêu nguyên nhân dẫn đến khủng long bị tuyệt chủng
Các nhà khoa học đến từ Đại học Yale ở Hoa Kỳ cho hay, sự tuyệt chủng của loài khủng long liên quan đến sự va chạm của một thiên thạch khổng lồ chứ không phải do hoạt động của núi lửa.
Các nhà cổ sinh vật học xác định rằng những vụ phun trào núi lửa ở khu vực Deccan Trapps (nằm ở Ấn Độ) đã ảnh hưởng đến môi trường từ lâu trước khi loài khủng long tuyệt chủng xảy ra cách đây 66 triệu năm.
Để khẳng định và thiết lập chính xát sự phát thải của nguồn khí phun trào từ núi lửa, một nhóm các nhà nghiên cứu đã so sánh sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu và sự hiện diện của các đồng vị carbon từ hóa thạch biển với các mô hình về hiệu ứng khí hậu do sự giải phóng mạnh mẽ của carbon dioxide vào khí quyển.
Giới khoa học đi đến kết luận rằng hầu hết carbon dioxide đã tràn ngập ở đó rất lâu trước khi thiên thạch rơi xuống. Hoạt động núi lửa trong kỷ Phấn trắng muộn gây ra sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dần dần thêm khoảng hai độ, nhưng không gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Một số loài, theo các nhà khoa học, di cư đến hai cực Bắc và Nam, nhưng đã quay trở lại rất lâu trước khi xảy ra vụ va chạm với tiểu hành tinh.
Như vậy, có thể khẳng định vụ rơi thiên thạch là nguyên nhân duy nhất gây ra sự tuyệt chủng cho loài khủng long.
M.P
Theo dantri.com.vn/Sputnik
Sao băng lao nhanh thế nào, vì sao bốc cháy trên không trung? Sao băng là một tia lửa thoáng hiện trên bầu trời, trên thực tế nó không phải là một ngôi sao rơi khỏi bầu trời mà là một viên đá nhỏ của vũ trụ, xuyên qua khí quyển với vận tốc rất lớn. Sao băng còn được gọi là sao sa hay sao đổi ngôi là sự bốc cháy của các thiên thạch...