Người đàn ông tái sinh từ cõi chết
Đã có lúc, cuộc đời đối với anh coi như vứt bỏ. Đã từng buông xuôi tất cả để nghĩ về cái chết như một cách giải thoát cho bản thân trước những lỗi lầm.
Phương mặt quỷ và những hình săm ghê rợn
Thế nhưng, trong những giờ phút đen tối nhất, cuộc sống đã ban tặng cho anh một phép nhiệm màu, một điều kì diệu đã tái sinh cuộc đời anh, tái sinh một con người mới, hoàn toàn khác của “Phương mặt quỷ”.
Quá khứ đen tối
Sinh ra trong một gia đình gia giáo tại Hà Nội, Nguyễn Minh Phương (33 tuổi) được cha mẹ hết lòng yêu thương. Thế nhưng, cuộc sống êm ấm của chàng trai trẻ ấy bỗng nhiên vụn vỡ khi ba mẹ mình ly hôn. Cú sốc đầu đời khiến anh hoàn toàn sụp đổ. Cảm giác buồn bã, thất vọng đưa anh tìm đến những chốn ăn chơi, những thú vui xa đọa đầy rẫy những rủi ro rình rập. Rong ruổi theo bạn bè lêu lỏng, từ một chàng học sinh cấp 3 ngoan hiền, Minh Phương bắt đầu dính vào ma túy và con đường tội lỗi lúc nào không hay.
Mới 20 tuổi, Phương đã nếm đủ các loại heroin, thuốc phiện, cần sa, thuốc lắc… và nổi tiếng là côn đồ Ga Hà Nội với đủ trò từ rượu chè, cờ bạc, cướp giật đến cho vay nặng lãi. Nhắc đến anh, người dân khu vực Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn còn nhớ đến cái tên “Phương mặt quỷ”. Phương nói: “ Tiền chơi thuốc có ngày hơn cả triệu. Để có tiền chơi, buộc tôi phải làm mọi việc có thể kiếm ra tiền mà không chút ngần ngại”.
Càng ngày, sự liều lĩnh của Phương càng trở nên dữ dội, nhất là khi anh biết mình dính phải căn bệnh thế kỉ AIDS. Anh trở nên bất cần! Và cũng từ đó, số lần vào tù ra trại cũng trở nên nhiều vô kể. Nhìn đứa con trai ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, người mẹ dường như đứt từng khúc ruột. “ Lúc đó, mẹ tôi không còn nước mắt để mà khóc nữa rồi” – anh Phương tâm sự. Năm 2007, lần cuối cùng anh vào Trại cai nghiện Ba Vì (Hà Tây), được vài tháng họ trả anh về vì căn bệnh HIV của anh đã vào giai đoạn cuối. Sự sống của anh lúc này chỉ còn đong đếm từng ngày từng giờ.
Vợ chồng anh Phương chị Hạnh
Những giây phút ăn năn
Video đang HOT
Khi mà khoảng cách giữa sự sống và cái chết dường như tiệm cận với nhau, Nguyễn Minh Phương bắt đầu cảm thấy ân hận và nuối tiếc cho mình. Anh ao ước có được sức khỏe để có thể chăm sóc gia đình, chăm sóc mẹ và em trai: “ đó là mong ước duy nhất của tôi lúc ấy”, anh nói.
Nằm một mình trong căn phòng nhỏ, những kí ức thân thương của gia đình lại hiện về trong anh, anh nhớ lại: “Lần cuối cùng tôi ôm cha của mình là khi ông ấy bị tai nạn và qua đời trong vòng tay của tôi. Ánh mắt cha tôi nhìn tôi như muốn nói lên rất nhiều điều. Nó khiến tôi bật khóc và hối hận. Thật sự lúc đó tôi muốn làm lại cuộc đời, muốn sống tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ mình đã muộn mất rồi” – anh Phương chia sẻ.
Trở về từ trại cai nghiện Ba Vì, Phương hoàn toàn tuyệt vọng khi căn bệnh HIV khiến anh ngày càng suy kiệt. Đôi lúc, nước mắt lại chảy trên đôi má gầy gò, hốc hác. Anh đã sẵn sàng để đón nhận cái chết! Thế nhưng vào lúc ấy, một người bạn giới thiệu anh vào TP.HCM chữa bệnh với mong muốn có thể níu kéo thêm sự sống cho anh. Anh đồng ý ra đi chỉ đơn giản tìm cái chết xa nhà để tránh mang tiếng cho gia đình. Nhưng thật không ngờ, quyết định ấy đã giúp anh vượt qua cái chết và làm lại cuộc đời một cách kì diệu.
May mắn đến với anh một cách rất tình cờ, năm 2007 sau khi vào TP.HCM, anh sống nhờ trong một nhà giòng và được điều trị bằng thuốc ARV do (Mỹ) tài trợ miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Sau khi được điều trị, uống thuốc một cách đều đặn, sức khỏe của Minh Phương dần được hồi phục. Anh bắt đầu tham gia vào chương trình cai nghiện tại nhà thờ – nơi mình đang sống. Anh nhớ lại những ngày tháng dữ dội đó: “ Đó là những ngày tháng hết sức đau đớn và khó khăn. Nhất là đối với một người nghiện ma túy nặng như tôi. Mỗi lần lên cơn là mỗi lần vật vã, cắn rứt. Tôi chỉ muốn chết đi cho khỏe“.
Và hình ảnh Minh Phương hoàn toàn khác
Vượt lên tất cả, với quyết tâm sắt đá, ý chí muốn sống lại và làm lại cuộc đời, chàng trai gốc Hà Nội đã vượt qua được ma lực chết người của “nàng tiên nâu”. Dần dần, từ một thành viên cai nghiện, anh đã trở thành một tình nguyện viên chuyên đi động viên và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ đang sống tại nhà thờ. “Hàng ngày, công việc của tôi là gặp gỡ, tâm sự với những anh em nghiện ma túy để động viên họ cố gắng cai nghiện. Ban đầu, công việc rất khó khăn nhưng tôi thấy lâu ngày những việc ấy cũng mang lại những tín hiệu tích cực” – Phương tâm sự.
Song song với việc giúp người cai nghiện tại nhà thờ, anh cũng tích cực lui tới những điểm nóng về ma túy như quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) – nơi các đối tượng nghiện thường tụ tập – để phát bơm kim tiêm, bao cao su… để giúp giúp các đối tượng nghiện phòng chống, giảm thiểu lây nhiễm HIV.
Hiện nay, Minh Phương đã có một công việc tương đối ổn định tại Trung tâm ý tế dự phòng huyện Bình Chánh và Uỷ ban phòng chống AIDS TP.HCM. Anh vui mừng chia sẻ: “Đây là công việc rất ý nghĩa đối với tôi vì nó cho tôi cơ hội được giúp đỡ những con người lầm đường lạc lối được làm lại cuộc đời. Tôi thấy rất vui với công việc của mình”.
Xây dựng hạnh phúc cho riêng mình.
Năm 2008, đội thanh niên giữa các hội thánh (TP.HCM) sinh hoạt, giao lưu với nhau. Nguyễn Minh Phương và chị Triệu Thị Tú Hạnh (27 tuổi, quê Phú Yên) đã gặp nhau. Sau những lần gặp gỡ và trò chuyện, cả hai đã cảm mến nhau. Và cuối cùng, tình yêu đã đến với họ.
Mặc dù mắc phải sự ngăn cản quyết liệt của gia đình chị Hạnh, hai người đã vượt qua tất cả để đến với nhau bằng tình yêu và cảm thông sâu sắc. Cuối tháng 10/2012, anh Phương chị Hạnh đã nên duyên vợ chồng. Một đám cưới hạnh phúc đã diễn ra trước sự chúc phúc nhiệt thành của đông đảo mọi người dành cho đôi vợ chồng dũng cảm đã chiến thắng được mọi vách ngăn, mọi thành kiến của cuộc đời.
Minh Phương bên những thành quả đạt được
Tiếp căn nhà nhỏ trong một con hẻm trên đường Phạm Hùng, phường 4, Quận 8 – nơi sinh sống của vợ chồng anh chị. Hai người đã tâm sự vui vẻ về câu chuyện tình đặc biệt của hai người. Chị Hạnh cho biết: “ Lúc đầu ba mẹ tôi kịch liệt phản đối. Nhiều lúc họ cho rằng tôi bị mộng tưởng và mù quáng khi yêu và kết hôn với một người nhiễm HIV, thế nhưng tôi nghĩ khi thực sự có niềm tin vào nhau thì dù cuộc sống có khó khăn đến mấy mình cũng dễ dàng vượt qua. Hạnh phúc đơn giản từ những điều ấy. Tôi tin rằng chúng tôi có thể vượt qua tất cả”.
Đối với anh Phương thì hạnh phúc đến như một giấc mơ. “ Được cô ấy nhận lời yêu, nhận lời làm vợ là một may mắn lớn nhất trong cuộc đời tôi. Cô ấy như người tái sinh ra cuộc đời thứ hai của tôi vậy” - anh xúc động cho biết.
Năm 2011, Nguyễn Minh Phương được UBND TP.HCM tuyên dương là một trong 50 thanh niên tiên tiến của thành phố. Đây là một ghi nhận và là một sự động viên lớn lao dành cho những nỗ lực của một người trót lầm đường lạc lối đã và đang làm cuộc đời của mình.
Theo xahoi
Muốn chống kỳ thị, mỗi 'nạn nhân' hãy tự khẳng định mình
Chống kỳ thị nói chung và kỳ thị về những người mãn hạn tù, đối tượng nghiện ma tuý, đặc biệt là những bệnh nhân nhiễm HIV... là điều cần thiết.
TS. Hoàng Văn Hùng - Trưởng khoa hình sự đại học luật Hà Nội.
Bởi người nhiễm HIV có đủ thành phần, từ trí thức cho đến các đối tượng từng vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy nỗi lo HIV luôn treo lơ lửng như mối hiểm họa có thể xảy ra với bất kỳ ai. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Văn Hùng, trưởng khoa luật hình sự- Đại học luật Hà Nội.
Quan điểm của ông như thế nào trước vấn đề kỳ thị đối với những người lầm lỡ hoặc bị mắc bệnh xã hội?
Những nạn nhân nhiễm HIV, những người đã cai nghiện, đối tượng mãn hạn tù... nói chung họ đều là những nạn nhân của xã hội, họ rất cần sự chăm sóc và được đối xử bình đẳng. Đó là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Chống kỳ thị không chỉ có tuyên truyền mà còn phải đi đôi với hành động cụ thể. Tuy nhiên, trong một xã hộiphát triển, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà không thể có cơ quan, tổ chức hay một cá nhân nào có thể khẳng định: Sẽ điều chỉnh, khắc phục một cách kịp thời tất cả mọi vấn đề mà xã hội phát sinh.
Sự kỳ thị, thực tế khiến người bệnh chết nhanh hơn. Chính vì lẽ đó để chống kỳ thị, chống bị phân biệt đối xử, trách nhiệm trước tiên thuộc về từng cá nhân. Có ý kiến cho rằng, hiện tại những văn bản của Nhà nước đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nằm trên văn bản, thực tế những người nhiễm HIV, những người nghiện, mãn hạn tù vẫn bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước tiên phải phân biệt rõ nhóm đối tượng bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Đối với nhóm đối tượng nhiễm HIV, hiện nay Đảng và Nhà nước đã thành lập những trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí đối với những người nhiễm HIV. Luật phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cũng đã quy định rõ về quyền của những bệnh nhân mắc phải căn bệnh xã hội nan y này.
Do vậy, người nhiễm HIV trước tiên phải tự bảo vệ mình, nhờ đến các cơ quan y tế để can thiệp. Hiện tại những người nhiễm HIV được làm một số các xét nghiệm miễn phí theo chương trình của dự án, được uống thuốc miễn phí. Chính bản thân từng người bị nhiễm HIV phải có ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội. Không thể đổ lỗi cho xã hội rằng: Tôi bị kỳ thị nên tôi đi bán dâm, hay trả thù đời. Nếu cá nhân nào làm việc đó, người đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả về mặt đạo đức.
Đối với nhóm đối tượng nghiện hút, mãn hạn tù hiện nay, Tổng cục VIII- bộ Công an cũng đã có chương trình tái hòa nhập cộng đồng dành cho những đối tượng đã mãn hạn tù, tổ chức các hoạt động về tái hòa nhập cộng đồng, để giảm thiểu động thái kỳ thị nhằm vào những đối tượng là nạn nhân của xã hội. Bên cạnh đó, trách nhiệm của địa phương về công ăn việc làm cho nguồn lao động nàỵ cũng đã có sự lưu ý. Tuy nhiên, về vấn đề này, Nhà nước dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn không kỳ thị, không được phân biệt đối xử, song việc thực thi vẫn chưa thường xuyên, đồng bộ.
Ông có những lời khuyên gì đối với những người đang bị xã hội kỳ thị và làm sao để họ vượt qua được định kiến này?
Người nhiễm HIV có thể do lỗi khách quan, có thể do lỗi chính bản thân họ gây nên. Muốn chống bị kỳ thị, tự cá nhân phải khẳng định mình trước xã hội, đổ lỗi cho xã hội là không đúng.
Chủ trương của Nhà nước đối với những người mãn hạn tù, đã có những chính sách ưu tiên như: Vay vốn, hay những doanh nghiệp nào nhận những đối tượng trên đều nhận được sự ưu đãi từ phía Nhà nước. Tuy nhiên cần phải nói thẳng là, cho dù trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức có hỗ trợ đối với những người nhiễm HIV nói riêng và những đối tượng khác bị kỳ thị nói chung, trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về từng cá nhân người bị kỳ thị.
Tôi lấy ví dụ, nhiều đối tượng sau khi mãn hạn tù, nhiều người trong số họ đã lao động cống hiến hết mình, nhiều cá nhân đã trở thành những doanh nhân giỏi, đóng góp được rất nhiều cho xã hội. Vậy làm sao mà xã hội lại ghẻ lạnh hay kỳ thị họ được?
Xin cảm ơn ông!
Theo xahoi
Xử lý nhiều hộ dân trồng cây thuốc phiện Công an các huyện Bắc Sơn, Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, phát hiện và xử lý nhiều hộ dân trồng cây thuốc phiện trái phép trên địa bàn. Ngày 28-3, CAH Văn Lãng tổ chức phá bỏ 30 cây thuốc phiện cao từ 30 - 40 cm, đang trong giai đoạn ra...