Người đàn ông Mỹ được trả tự do sau 25 năm tù oan
Một người đàn ông tại bang Texas, Mỹ, bị kết tội giết vợ và phải nhận án tù chung thân đã được tòa án tha bổng sau 25 năm bị tù oan. Công tố viên tắc trách trong quá trình điều tra đã bị khởi tố về tội loại bỏ bằng chứng quan trọng.
Ông Michael Morton, một cựu nhân viên cửa hàng rau quả, mới đây đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của kênh CNN để kể lại nỗi đau mà ông và đứa con mình phải chịu trong suốt 25 năm bị tù oan.
Ông Morton được trả tự do năm 2011
Trước đó, vào tháng 8/1986, vợ ông là Christine đã bị đánh đập bằng một vật cứng đến chết tại nhà riêng ở hạt Williamson, Texas. Vào thời điểm vụ án xảy ra, dù ông Morton đang ở nơi làm việc nhưng mọi nghi ngờ vẫn bủa lấy ông.
Ông đã cho rằng một kẻ đột nhập nào đó đã gây ra cái chết của vợ, nhưng các công tố viên vẫn buộc tội ông dựa trên những bằng chứng gián tiếp. Họ cho rằng ông đánh chết vợ vì bà từ chối quan hệ với mình vào ngày sinh nhật. Và vậy là ông Morton bị kết án chung thân, trong khi con trai khi đó mới 3 tuổi, được đưa tới sống tại nhà một người dì. Mỗi năm ông chỉ được thấy con hai lần.
Trong những năm tháng sau đó, Eric Morton, con trai ông ngày một xa lánh và không muốn tới thăm ông trong tù. Sự thực là Eric thậm chí đã đổi họ theo họ của gia đình nuôi dưỡng mình.
“Ông ấy hầu như không tồn tại trong đời tôi”, Eric nói. “Tôi không có bất kỳ ký ức nào về ông ấy ngoại trừ những lần tới thăm nhà tù…Tôi nghĩ rằng thật xấu hổ cho tôi khi phải tới nhà tù thăm cha”.
Video đang HOT
Eric (trái) từng xấu hổ vì có cha phải ngồi tù
May mắn cho ông Morton là một tổ chức tại New York chuyên hoạt động để trợ giúp những người chịu án oan đã để ý tới trường hợp của ông. Sau khi sử dụng kỹ thuật giám định ADN, vốn chưa có vào thời điểm năm 1987, cơ quan chức năng phát hiện thấy có ADN của bà Christine trên một chiếc khăn rằn cạnh ngôi nhà không lâu sau khi bà bị sát hại.
Cũng trên tấm khăn này còn có máu của một kẻ đã bị kết án khác, có tên Mark Norwood. Chưa đầy 2 năm sau khi sát hại bà Christine, y đã giết một phụ nữ khác trong một bối cảnh tương tự.
Cùng với bằng chứng mới, công tố viên trong vụ án của ông Morton là Ken Anderson đã bị buộc tội che giấu bằng chứng quan trọng. Ngoài chiếc khăn nêu trên, Anderson còn không chia sẻ việc hàng xóm của nạn nhân nhìn thấy một người đàn ông đậu chiếc xe tải màu xanh lá cây sau nhà nạn nhân, cũng như việc Eric đã chứng kiến vụ tấn công và nói rằng cha cậu không ở nhà.
Tháng 10 năm 2011, ông Morton được trả tự do sau 25 năm ngồi tù oan.
Và hồi tháng trước, Ken Anderson, nay đã là một thẩm phán, đã buộc phải từ chức sau khi bị khép tội cố ý loại bỏ bằng chứng có tính chất bào chữa. Vị thẩm phán này chỉ phải nhận mức án 10 ngày tù giam, nhưng sau đó được giảm xuống còn 5 ngày do có nhân thân tốt.
Hiện ông Morton đang đang làm việc cho một chương trình trợ giúp những người bị kết tội oan khác.
Theo Dantri
TBN bị ép trả tự do cho kẻ hiếp dâm hàng loạt
Tòa án Nhân quyền châu Âu đã ép Tây Ban Nha phải trả tự do cho nhiều tội phạm nguy hiểm, trong đó có kẻ hiếp dâm hàng loạt.
Các tòa án ở Tây Ban Nha vừa buộc phải thả một loạt những tên tội phạm nguy hiểm, trong đó có một tên hiếp dâm giết người hàng loạt ra khỏi nhà tù trước thời hạn sau khi Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) bác bỏ chính sách kéo dài án tù của Tây Ban Nha đối với các tội phạm này.
Phán quyết này của các thẩm phán ở Strasbourg đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các nạn nhân khi họ gọi hành động này là "phản bội công lý", và nhà chức trách Tây Ban Nha đã bày tỏ lo ngại rằng những tên tội phạm được tha tù trước thời hạn này đang gây ra nguy hiểm cho xã hội.
Bà Angel Juanes, chánh án tòa án tối cao Tây Ban Nha đã cảnh báo rằng việc thả tự do cho nhiều tù nhân như vậy sẽ là một sự "báo động xã hội", tuy nhiên bà thừa nhận rằng chính phủ và các quan chức tư pháp Tây Ban Nha đều bất lực trước phán quyết của ECHR.
Hôm thứ Sáu tuần trước, tên Miguel Ricart, kẻ bị kết án vào năm 1997 với tội danh bắt cóc, cưỡng hiếp và sát hại 3 cô gái trẻ ở Tây Ban Nha đã được thả tự do chỉ sau 16 năm ngồi tù, mặc dù bà Angel cho rằng điều này rất nguy hiểm cho xã hội.
Kẻ hiếp dâm giết người hàng loạt Miguel Ricart được ra tù trước thời hạn
Ricart đã phải nhận 3 mức án nối tiếp nhau với tổng cộng 170 năm tù cho các tội ác mà hắn gây ra, song theo luật của Tây Ban Nha thì mức án tối đa của một phạm nhân là 30 năm và có thể được giảm án khi cải tạo tốt.
Từ năm 2006, để ngăn chặn tình trạng các đối tượng nguy hiểm được ra tù quá sớm, tòa án Tây Ban Nha đã áp dụng một chính sách gọi là học thuyết Parot. Theo đó, bất cứ hình thức giảm án nào đều được trừ vào tổng số năm chịu án của phạm nhân chứ không phải trừ vào mức 30 năm. Với chính sách này, những tên tội phạm nguy hiểm nhất vẫn sẽ phải ngồi tù đủ 30 năm.
Tuy nhiên một luật sư của Ines del Rio, một sát thủ của tổ chức khủng bố Eta bị kết án gần 4000 năm vì tham gia vào 23 vụ giết người đã đệ đơn kiện chính sách này của Tây Ban Nha lên ECHR. Nữ sát thủ này đáng lẽ được ra tù vào năm 2008, tuy nhiên nhà chức trách Tây Ban Nha đã áp dụng học thuyết Parot để tiếp tục giam giữ cô ta cho đến năm 2017.
ECHR đã coi chính sách này là sai trái vì nó vi phạm nguyên tắc thời gian ngồi tù của phạm nhân không thể ngày càng tăng. Với quan điểm này, ECHR tuyên bố Tây Ban Nha phải thả tự do cho hơn 50 tên tội phạm khét tiếng, trong đó có những kẻ hiếp dâm hàng loạt và các thành viên tổ chức khủng bố Eta trong vài tuần lễ. Riêng Ines del Rio đã được ra tù ngay sau khi tòa ECHR ra phán quyết.
Khoảng 200.000 người đã tham gia một cuộc biểu tình rầm rộ do Hội Nạn nhân Khủng bố Tây Ban Nha tổ chức ở thủ đô Madrid để phản đối phán quyết của ECHR sau khi chính phủ xác nhận họ đã phải thả tự do 93 tội phạm khủng bố và 37 kẻ hiếp dâm, giết người khác.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã công khai chỉ trích phán quyết của ECHR, tuy nhiên ông cho rằng chính phủ không còn cách nào khác ngoài việc tuân thủ phán quyết đó, mặc dù đó là phán quyết "bất công và sai trái".
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã kêu gọi cải cách tòa án ECHR và cảnh báo rằng Anh có thể sẽ rút khỏi Hiệp định Nhân quyền châu Âu sau một loạt các phán quyết của tòa án nhân quyền cho phép hàng chục tên tội phạm nước ngoài được tiếp tục ở lại nước Anh.
Theo Telegraph
Sự thật bất ngờ về chiếc limousine trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy Điều ngạc nhiên là, sau khi Tổng thống Kennedy bị bám sát, chiếc xe limousine chở ông không hề "đoản mệnh" mà còn tiếp tục phục vụ 13 năm nữa, qua 3 đời Tổng thống Mỹ kế tiếp. Chiếc xe limousine Lincoln của Tổng thống Kennedy đã được tân trang và nâng cấp để đảm bảo an toàn tốt hơn sau vụ ám...