Người đàn ông chỉ ngủ 30 phút mỗi ngày suốt 12 năm
Muốn thêm thời gian tận hưởng cuộc sống, anh Daisuke Hori (36 tuổi) dành nhiều năm rèn luyện trí óc và cơ thể để ngủ càng ít càng tốt.
Daisuke Hori – Chủ tịch Hiệp hội ngủ ngắn Nhật Bản – chia sẻ hàng ngày chỉ ngủ 30 phút. Ảnh: Japan TV
Gần đây, người đàn ông 36 tuổi xuất hiện trong một chương trình truyền hình để chia sẻ về lịch ngủ gây tranh cãi của mình. Hori tiết lộ anh luôn thấy mỗi ngày chỉ có 16 giờ hoạt động là không đủ nên nghiên cứu và thử nghiệm việc giảm giấc ngủ hàng ngày nhưng vẫn tràn đầy năng lượng.
Vì khó ai duy trì thói quen ngủ 30 phút mỗi ngày trong thời gian dài, các nhà sản xuất chương trình thử thách Hori thể hiện thói quen trước ống kính trong 3 ngày. Anh chấp nhận để đoàn phim theo mình và mỗi ngày chỉ ngủ 30 phút, đôi khi ít hơn. Ngày đầu tiên, Hori thức dậy lúc 8h sáng. Anh đến phòng tập thể dục, sau đó đọc sách, viết vài bài báo cho một chuyên mục hàng tuần, chơi điện tử và đi ăn tối, gặp gỡ bạn bè. Sau bữa tối, Hori quay một số video dạy cách ngủ ngắn cho kênh YouTube cá nhân. Ghi hình xong, Hori ăn một bữa nữa, làm vài việc vặt, trò chuyện với mọi người trên mạng. Khoảng 2h sáng, Hori lên giường. Chỉ có điều anh nhắm mắt ngủ được khoảng 26 phút rồi thức dậy không cần báo thức. Hori mặc quần áo, đi lướt sóng với một số người bạn vào nửa đêm, rồi đi tập thể dục và về nhà.
Suốt 3 ngày của kỳ kiểm tra, người đàn ông 36 tuổi đều dành cả đêm chơi game, mạt chược, lướt sóng và đi với bạn bè – những người cũng ngủ ít như anh. Tất cả cùng tập luyện để có nhiều thời gian sống chất lượng bên nhau hơn.
Hori chơi game mỗi đêm với những người bạn cũng ngủ ít như mình. Ảnh: Japan TV
Hori cho biết anh giảm thời gian ngủ hàng ngày từ 8 giờ xuống còn 30 phút nhưng không thấy mệt mỏi và cũng không bị bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào do thiếu ngủ. Anh hiện là chủ tịch “Hiệp hội những người ngủ ngắn Nhật Bản” và dạy người khác cách giảm thời gian ngủ hàng ngày để thêm thời gian vui sống. Điều khán giả tò mò nhất là làm cách nào người đàn ông 36 tuổi này chống lại cơn buồn ngủ sau khi ăn, do lượng insulin trong cơ thể tăng. Hori cho biết thực tế bản thân anh cũng buồn ngủ nhưng luôn tiêu thụ caffeine để tránh cơn, đến khi mức insulin giảm xuống bình thường.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi chương trình về Hori phát sóng, nhiều người vẫn không tin anh chỉ ngủ 30 phút mỗi ngày suốt 12 năm qua.
Dùng rắn đo mức ô nhiễm phóng xạ tại Fukushima
Từ năm 2018, các nhà khoa học đã sử dụng rắn để nghiên cứu về ô nhiễm phóng xạ tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, theo Guardian.
Những gì xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất mà con người phải đối mặt từ sau vụ Chernobyl năm 1986. Khoảng 150.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa sau vụ việc.
Tuy nhiều người đã có thể quay trở lại, gần 400 km2 đất vẫn bị coi là không thích hợp cho con người sinh sống.
Để nghiên cứu về tác động lâu dài của phóng xạ tại Fukushima, rắn là loài vật được các nhà khoa học lựa chọn.
Loài rắn được các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu về hiện tượng ô nhiễm phóng xạ tại Fukushima. Ảnh: Reuters.
"Rắn là loài vật quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng vừa là kẻ săn mồi nhưng cũng vừa là con mồi", bà Hannah Gerke, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giải thích.
Các nhà khoa học bắt hàng triệu con rắn, chủ yếu là rắn chuột, và gắn máy đo nồng độ phóng xạ và thiết bị định vị lên cơ thể chúng. Qua đó, họ có thể theo dõi mức độ phóng xạ dựa trên chuyển động và vị trí của rắn.
Số liệu thu được cho thấy những cá thể rắn sống trong khu vực nhiễm xạ nặng có mật độ phóng xạ trong cơ thể cao gấp 22 lần những cá thể khác.
Nghiên cứu được thực hiện từ mùa hè năm 2018. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng rắn để đo lường mức độ phóng xạ tại Fukushima.
Theo bà Gerke, mức độ ô nhiễm phóng xạ hiện nay thấp hơn nhiều so với thời điểm ngay sau sự cố nhờ quá trình phân rã phóng xạ. Các dạng địa hình khác nhau cũng có mức độ ô nhiễm khác nhau, dù khoảng cách giữa chúng không lớn. Điều này cho thấy chất phóng xạ không tích tụ đều trong khu vực ô nhiễm.
"Chất phóng xạ thường xuất hiện nhiều trong đất và tích tụ trong mô cơ của rắn", bà Gerke cho biết. "Tuy nhiên chúng tôi không rõ mức độ nào là nguy hại".
Nghiên cứu đặc biệt này giúp con người có thể sinh sản trên sao Hỏa? Nghiên cứu mới cho thấy tinh trùng có thể tồn tại được trên sao Hỏa trong nhiều năm, mở ra cơ hội cho con người sinh sản trên hành tinh đỏ. Con người có thể không cần thiết phải khám phá sự sống trên sao Hỏa khi chúng ta có thể tự tạo ra nó. Khi hoạt động khám phá sao Hỏa tiếp...