Người đàn ông 62 tuổi mắc tiểu đường sống sót kỳ diệu 187 giờ sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ
Bên dưới đống đổ nát của một căn hộ bị đổ sập, giọng của ông Huseyin Berber khàn đi vì kêu cứu suốt nhiều ngày nhưng không có ai nghe thấy.
Ông Huseyin Berber, 62 tuổi, người sống sót được giải cứu sau khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát suốt 187 giờ ở Antakya, nói chuyện với giới truyền thông và các bác sĩ khi được chăm sóc y tế tại bệnh viện Thành phố Mersin, sau trận động đất hôm 6/2. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Berber đã trở thành một trong những biểu tượng sinh tồn kỳ diệu sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông 62 tuổi, mắc bệnh tiểu đường này được cứu sau hơn 1 tuần bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Các bác sĩ cho biết con người có thể sinh tồn ngay cả khi không có nước trong nhiều ngày. Nhưng ngoài ra còn có nhiều rủi ro – tuỳ thuộc vào mức độ thương tích và nhiệt độ bên ngoài. Lực lượng cứu hộ nói rằng bất cứ ai được cứu sống sau 5 ngày bị vùi lấp đều là phép màu.
Và trường hợp của ông Berber chính là một trong những điều kỳ diệu đó. Ông đã sống sót sau 187 giờ, tủ lạnh và tủ đồ đã chống đỡ các bức tường đổ sập, để lại khoảng trống quanh một chiếc ghế bành và thảm giúp ông giữ ấm.
“Khi động đất xảy ra, tôi lập tức bật dậy, cháu tôi đang ngủ bên cạnh. Tôi nhìn xung quanh, con trai tôi bật đèn, cầm đèn pin và nói ‘Bố ơi, động đất rồi!’. Trong cơn dư chấn thứ hai, trần nhà đổ sập xuống, nhưng nó không đè xuống người tôi. Tôi ngay lập tức cúi và ngồi xuống. Bức tường đổ sập xuống tủ lạnh và tủ đồ. Tôi bị mắc kẹt ở giữa một chiếc ghế bành và một tấm thảm”, ông kể lại.
Ông Berber đang điều trị tại một Bệnh viện thành phố Mersin, cách tòa nhà 15 tầng bị sập của ông khoảng 250 km. Người đàn ông 62 tuổi kể lại ông từng nghĩ không có ai tới cứu mình.
“Tôi la hét, la hét và la hét. Không ai nghe thấy tôi. Tôi la hét nhiều đến mức cổ họng đau rát. Tôi nghĩ con trai tôi đã đưa bọn trẻ ra ngoài. Trong nhà có tổng cộng 5 người và tôi ở trong phòng ngủ”, ông kể lại.
Sau đó, ông tìm thấy một chai nước duy nhất và thuốc tiểu đường trên sàn. Sau khi dùng hết, ông đã phải uống nước tiểu của chính mình.
Video đang HOT
“Một giờ sau, tôi lấy chai nước và uống. Tôi đã đi vệ sinh vào đó, và uống khi trời lạnh. Nhờ đó, tôi tự cứu mình”, ông Berber nói.
Ông Berber trên giường bệnh. Ảnh: Reuters
Ông Berber nằm trên giường bệnh, xung quanh là âm thanh phát ra từ máy móc của bệnh viện. Người đàn ông cho biết ông từng nghĩ rằng sẽ không có ai cứu mình.
“Tôi trèo lên cạnh tủ và với tay lên trần nhà nhưng không thể chạm vào nó. Ở phía bên kia căn phòng, trần nhà sập xuống giường. Con trai tôi mang theo ba máy đào và họ đang đào. Tôi nghe thấy một giọng nói và hét lên”, ông Berber kể.
“Có người đưa tay ra và tôi nắm lấy. Họ kéo tôi khỏi đó. Cái lỗ chui ra rất nhỏ. Tôi không còn nhớ được điều gì sau khi họ kéo tôi ra. Tôi đã được cứu sống, muốn uống nước và ăn. Tôi đã không ăn bất cứ thứ gì khi kẹt ở đó”, ông Berber nói thêm.
Ông Caglar Aksoy Colak, chuyên gia y tế tại bệnh viện thành phố Mersin, cho biết các bác sĩ đang hỗ trợ điều trị cho ông Berber. Họ cho biết ông không bị gãy xương, tình trạng chung khá tốt.
“Ông ấy thực sự đã truyền cảm hứng cho chính mình ở đó. Bệnh nhân của chúng tôi xuất hiện trong tình trạng rất tốt”, bác sĩ nói.
Một thành viên của đội cứu hộ y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người dưới đống đổ nát nhìn chung có thể sống sót tới 5 ngày. Anh nói: “Bất cứ trường hợp nào sống sót sau 5 ngày đều là một phép màu”.
Ông Deniz Gezer, chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện thành phố Mersin, cho biết một trong những vấn đề lớn nhất đối với sự sống còn của nạn nhân là cảm lạnh.
“Một số bệnh nhân ở trong khu vực kín, vì vậy họ có thể sống dưới các tòa nhà, trong không gian kín nhỏ. Một số mang theo nước”, ông Gezer giải thích.
Bà Mohana Amirtharajah, cố vấn phẫu thuật của Medecins Sans Frontieres, cho biết tình trạng mất nước diễn ra nhanh hơn ở trẻ em. Khi được hỏi liệu uống nước tiểu có phải là một phương án sinh tồn hay không, Amirtharajah rằng bà không khuyến nghị điều đó.
“Có những trường hợp sống sót theo cách này. Tuy nhiên, theo thời gian, khi càng mất nước, nước tiểu sẽ đặc lại. Vì vậy, hàm lượng nước thực tế trong nước tiểu sẽ giảm xuống”, bà giải thích.
Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Mẹ và 2 con được cứu sau gần 10 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát
Đến nay đã hơn 1 tuần kể từ khi trận động đất kinh hoàng diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn được tiến hành không ngừng nghỉ, dù là ngày hay đêm. Mỗi khoảnh khắc, số người được cứu sống lại giảm dần, tuy nhiên, người dân vẫn không ngừng hi vọng phép màu xảy ra. Mới đây, một người phụ nữ cũng đã được đưa lên mặt đất an toàn sau 228 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát. Câu hỏi đầu tiên của cô khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Đâu đâu cũng chỉ thấy đống đổ nát. (Ảnh: The Guardian)
Anadolu - Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, vừa qua lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công một người phụ nữ mắc kẹt 228 giờ dưới đống đổ nát. Khi được phát hiện, cô đã khẩn khoản xin nhân viên cứu hộ nước uống. Tuy nhiên, họ không thể cung cấp bất kỳ thứ gì nếu không có sự can thiệp của nhân viên y tế. Dư âm của trận động đất quá khủng khiếp, sự hoảng loạn vẫn còn hiện rõ trên gương mặt của người phụ nữ.
Kể lại khoảnh khắc tìm thấy người phụ nữ, anh Mehmet Eryilmaz - nhân viên cứu hộ cho biết: "Người mẹ rất vui khi gặp chúng tôi. Lúc đầu tôi nắm tay cô ấy. Chúng tôi đã nói chuyện, trò chuyện và giúp cô ấy bình tĩnh lại." Điều đầu tiên cô hỏi anh đó là: "Hôm nay là ngày mấy?". Cô cùng với hai người con đã phải cố gắng giữ mạng sống trong suốt nhiều ngày trời. Cả ba người cũng đã được đưa ra khỏi đống đổ nát cùng nhau.
Trận động đất đã đẩy hàng nghìn người Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vào sự tuyệt vọng. (Ảnh: CNN)
Nhiều người còn sống nhưng không có nhà để về, cũng chẳng biết sẽ phải đi đâu, làm gì tiếp theo. (Ảnh: USA Today)
Khung cảnh đau lòng diễn ra ở nhiều nơi tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: National)
Ngày 15/2 vừa qua, một người phụ nữ 77 tuổi khác cũng đã được giải cứu khỏi đống đổ nát. Dù đã hơn 9 ngày kể từ khi trận động đất diễn ra, thế nhưng bà vẫn không ngừng hi vọng được giải cứu. Anadolu đăng tải, người phụ nữ này tên là Fatma Gungor. Sau khi thoát khỏi đống đổ nát, bà đã được đoàn tụ với gia đình.
Khoảnh khắc giải cứu cụ bà cũng nhanh chóng được Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố. Ngay lập tức, nó đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những câu chuyện này được coi là động lực to lớn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Họ vẫn đang ra sức kéo người dân ra khỏi đống đổ nát, bất chấp những dự đoán rằng thời gian sống sót đã qua.
Lực lượng cứu hộ làm việc hết công suất với sự hỗ trợ của người dân. (Ảnh: NDTV)
Một người phụ nữ hoảng loạn giữa đống đổ nát. (Ảnh: NPR)
Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, những hình ảnh, tin tức cứu hộ, cứu nạn được cập nhất liên tục. Chia sẻ về công tác này, Tiến sĩ Sanjay Gupta - Trưởng phóng viên Y tế của CNN cho biết, việc con người sống sót sau hơn 100 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát là điều bất thường. Hầu hết, cuộc giải cứu chỉ có thể diễn ra trong vòng 24h. Ông cho rằng rất có thể nhiệt độ đóng băng của vùng động đất đã giúp những người mắc kẹt kéo dài thời gian sống sót hơn.
Ông nói: " Thời tiết lạnh có hai mặt. Một mặt, nó gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ, nhất là khi nó đang ở dưới mức đóng băng... Mặt khác, nó có thể làm giảm nhu cầu về nước. Có lẽ điều đó đang ảnh hưởng đến việc sống sót của người dân... Không có nhiều dữ liệu về thời gian mọi người có thể sống sót trong những tình huống này nhưng chúng tôi đang chứng kiến những cuộc giải cứu diễn ra trong 200 giờ."
Quả thực, đây là một điều rất đáng kinh ngạc. Những nạn nhân được giải cứu sau hơn 100 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát ngày càng nhiều hơn. Người ta gọi đó là "phép màu, kỳ tích".
Theo số liệu do Reutersđăng tải, tính đến nay tổng số người ra đi do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 41.000 người. Hàng triệu người khác cũng đang cần viện trợ nhân đạo. Những ngày qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với họ, vì vậy rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn thế giới, không chỉ trong vấn đề cứu hộ, cứu nạn.
Rất nhiều người đã được đưa ra khỏi đống đổ nát thành công. (Ảnh: CNN)
Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được thực hiện. (Ảnh: The Indian)
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Lớp học và phòng khám đặc biệt cho những người sống sót Một lớp học, phòng khám và nơi ở cho những người sống sót và bị mất nhà cửa trong thảm họa động đất ngày 6/2 vừa qua đã được lập tạm trên một con phà neo đậu ở cảng Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ. Trẻ em Syria bị mất nhà cửa trong trận động đất lánh nạn tại trại tị nạn ở Jableh,...