Người dân mòn mỏi chờ nước sạch
Trong vài năm trở lại đây, ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình phát hiện ngày càng nhiều người mắc bệnh ung thư được cho là do nguồn nước ô nhiễm. Trong khi đó dự án nước sạch ở đây đang bị “đắp chiếu”.
Nước sinh hoạt của người dân Bách Thuận đều nhiễm asen – Ảnh: Hoàng Long
Nguồn nước nhiễm asen gấp 10 lần
Theo Trạm y tế xã Bách Thuận, thời gian gần đây, trên địa bàn, số người chết vì bệnh ung thư tăng nhanh. Trong 3 năm toàn xã có 54 người chết vì ung thư. Năm 2012, xã có 15/74 người chết vì ung thư (20,2%). Năm 2013, tỉ lệ này là 23/86 (27%). Trong 10 tháng đầu năm nay là 16/64 (25%). Bà Trịnh Thị Hà, trưởng trạm y tế xã cho biết, hiện còn vài chục trường hợp đang sống lay lắt vì căn bệnh quái ác này. Ngoài ung thư, tỷ lệ mắc các bệnh về tiêu hóa, viêm nhiễm tại đây cũng cao gấp nhiều lần các xã lân cận.
Sở dĩ có tình trạng này là do nguồn nước ở đây bị nhiễm độc. Số liệu đo đạc của Trung tâm tài nguyên Nước và Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Thái Bình) cho thấy, mẫu nước lấy từ 8 thôn của xã đều có nhiễm asen vượt gấp mười lần mức cho phép trở lên. Trong khi đó, hiện 2.800 hộ dân Bách Thuận không có cách nào tìm được nguồn nước sạch. Người dân địa phương cho biết, năm nào dân cũng đề nghị chính quyền xây dựng, cung cấp nguồn nước sạch nhưng mãi vẫn không thấy triển khai.
Người dân Bách Thuận đã tự đi tìm các doanh nghiệp xây dựng nước sạch và được một số đơn vị về tìm hiểu nhưng rồi lại … bỏ đi vì không muốn đầu tư. Do địa hình xã Bách Thuận phân tán rộng trên gần 1.000 ha, mỗi gia đình là một ốc đảo, nếu xây dựng nhà máy nước sạch ở đây, phải đầu tư đường ống dài, tốn kém, không có lãi.
Video đang HOT
Dự án nước sạch dang dở vì thiếu vốn
Đầu năm 2013, hy vọng của người dân lóe lên, khi Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Xuân Phúc (Công ty Xuân Phúc) quyết định về đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch công suất 2.500m3/ngày, tổng vốn đầu tư 21 tỉ đồng. Đại diện doanh nghiệp này hứa sẽ có nước sạch vào tháng 5.2014. Ngay lập tức, dân Bách Thuận hăng hái đóng góp được 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã qúa thời hạn nửa năm mà người dân mới chỉ thấy được một tháp nước và hệ thống đường ống đang xây lắp dở dang.
Theo ông Đỗ Quang Phúc, Giám đốc Công ty Xuân Phúc, thì trước khi nhận dự án này, ông Phúc đã được UBND tỉnh Thái Bình cũng như Ngân hàng phát triển Việt Nam hứa sẽ hỗ trợ cho vay vốn nhưng sau đó lại từ chối. “Hàng chục tỉ đồng đầu tư ban đầu của tôi và của dân Bách Thuận đóng góp giờ đều nằm đắp chiếu ở đấy”, ông Phúc bày tỏ.
Mặc dù, Công ty này thỏa thuận trong hợp đồng là đến hạn mà không cấp nước tới hộ dân thì sẽ trả lại 100% số tiền đã thu. Tuy vậy, người dân vẫn không muốn đòi lại tiền vì khát khao của họ là có nguồn nước sạch. Ông Trần Văn Lượng, ở thôn Liên Hồng tâm sự: “Chúng tôi hy vọng công ty Xuân Phúc được vay tiền để làm dự án chứ không muốn đòi lại tiền vì không muốn chết dần vì ung thư.”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Kim Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Bách Thuận, lo lắng: “Mỗi ngày chưa có nước sạch là mỗi ngày người dân ở đây phấp phỏng tự hỏi bao giờ căn bệnh ung thư sẽ tìm đến nhà mình. Nhưng xã nghèo, dân nghèo nên chỉ đành trông chờ vào dự án của Công ty Xuân Phúc”. Ông Sáu cũng thừa nhận, tại các kỳ họp HĐND, họp dân vừa qua, ở Bách Thuận, hầu hết chất vấn, đề nghị của người dân chỉ tập trung vào việc làm sao sớm cấp vốn cho dự án nước sạch đi vào hoạt động. “Nhưng cấp xã không đủ thẩm quyền giải quyết, chúng tôi cũng chỉ biết gửi kiến nghị của dân đến các cơ quan cấp trên”, ông Sáu lý giải.
Hoàng Long
Theo Thanhnien
Phó chủ tịch TP HCM: 'Không đảm bảo nước sạch cho dân, cán bộ nên từ chức'
Bức xúc trước việc hàng trăm nghìn hộ dân không được sử dụng nước sạch, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nước sạch đến.
Tại cuộc họp của UBND TP HCM với các sở, ngành và quận, huyện về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn ngày 14/11, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín phê bình sự thờ ơ của lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành trong việc giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân.
Theo báo cáo của các sở ngành, gần 100% hộ dân ngoại thành TP HCM dùng nước hợp vệ sinh, nhưng Phó chủ tịch Tín cho biết không tin vào con số này vì đi kiểm tra thực tế 5 hộ dân ở huyện Hóc Môn và quận 12 thì 3 hộ sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. "Nói nước hợp vệ sinh mà khi đi kiểm tra tôi yêu cầu uống thử để xem thế nào thì không ai dám uống. Tôi uống thử thì thấy ngay là không thể nói đảm bảo vệ sinh được vì nước có mùi tanh, chua, nhiễm phèn", ông Tín nói.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì cuộc họp về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn ngày 14/11. Ảnh: T.X.
"Đã khi nào các đồng chí xuống nhà người dân để kiểm tra bà con đang dùng nước gì không? Tôi đi kiểm tra một số quận huyện, khi hỏi cụ thể về thực trạng nước sạch ở các khu dân cư, từ lãnh đạo quận, huyện xuống phường, xã rồi khu phố cũng không biết nhà nào đã có nước sạch, nhà nào chưa có. Quản lý vậy thì sao bàn được giải pháp? Mình làm chính quyền, mình phải biết người dân dùng nước gì để còn mà lo chứ", ông Tín bức xúc.
Theo phó chủ tịch, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố, nhất là ở các huyện ngoại thành rất cấp thiết, nhưng thời gian qua, sự phối hợp giải quyết giữa Sở Giao thông Vận tải, các quận huyện, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) còn rất chậm. Trách nhiệm chính trước hết thuộc về Sở Giao thông Vận tải với vai trò điều phối, quản lý nhà nước.
Vì vậy, ông Tín yêu cầu trong vòng 2 tháng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế và UBND các quận huyện khảo sát, tổng điều tra số hộ dân chưa có nguồn nước sạch để lập kế hoạch đưa nguồn nước đến từng khu vực dân cư, đảm bảo chất lượng và giá nước sạch giữa nội thành và ngoài thành như nhau. Sau khi có số liệu khảo sát, Sở Giao thông phải có kế hoạch chi tiết về lộ trình đầu tư theo từng năm, bắt đầu từ năm 2015 để cấp nước sạch cho từng khu vực cụ thể.
Trước mắt, ông Tín yêu cầu SAWACO phải khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nước sạch đến. Nước ở bồn chứa, bể chứa phải đảm bảo chất lượng. Giá nước giữa nội thành và ngoại thành phải ngang nhau. Phần chênh lệch thành phố sẽ trợ giá.
"Những chuyện này mà các đồng chí không làm được nữa thì nên từ chức", ông Tín yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện trên địa bàn còn nhiều khu vực chưa có nguồn nước sạch, người dân còn sử dụng nước giếng khoan không hợp vệ sinh, nhiễm phèn, đục... Cụ thể như huyện Bình Chánh chỉ có 41,13% trong tổng số 139.648 hộ dân có nguồn nước của SAWACO, riêng xã Đa Phước ở huyện Bình Chánh vẫn chưa có nguồn nước sạch. Hoặc như xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vẫn còn gần 500 hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan. Còn tại quận 12 nơi có 125.000 hộ dân, chỉ có khoảng 50% hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch của SAWACO, số còn lại sử dụng nước giếng khoan, có nơi nước bị ô nhiễm nặng. Tại huyện Củ Chi có 111.000 hộ vẫn chưa có nguồn nước sạch từ SAWACO mà hầu hết đều sử dụng nước giếng khoan. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Củ Chi bình quân mỗi xã đều có 2-3 nghĩa trang. Huyện lại có nhiều cơ sở chăn nuôi nên chất lượng nguồn nước giếng khoan của người dân sử dụng hàng ngày không đảm bảo an toàn.
Trung Sơn
Theo VNE
Công trình nước sạch xuống cấp, dân bỏ tiền mua... nước bẩn Để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình nước sạch. Nhưng hiện nay các công trình này đều xuống cấp, hư hỏng, khiến người dân phải "cắn răng" mua nước bẩn về dùng. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có...