Người dân hai bờ Thu Bồn mong được đi trên cây cầu mơ ước
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng mỗi buổi chiều, ông Hùng vẫn thường chống gậy ra đứng ngắm hình hài của cây cầu Giao Thủy đang hình thành với mong ước được đi trên cây cầu rồi có về với ông bà, tổ tiên cũng mãn nguyện.
Ông Nguyễn Văn Hùng (75 tuổi, nhà ở gần cây cầu Giao Thủy, xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam) sống đã gần hết đời với dòng sông Thu Bồn này nhưng ông vẫn chưa được đi trên cây cầu mơ ước. Ngày nào ông cũng tản bộ ra bờ sông để được trò chuyện cùng những người thợ xây cầu.
Phần mố và trụ cầu đã hoàn thành
Ông tâm sự: “Đời tôi và đời ông cha của tôi đã ở đây nhưng chưa bao giờ nghĩ có thể đi cầu qua sông nhưng nay điều đó đã gần trở thành hiện thực rồi. Tôi mong sống đến ngày cây cầu hoàn thành rồi về với ông bà, tổ tiên để báo với họ, chắc họ cũng vui lắm”.
Cũng như các xã Đại Hòa, Đại An… bên này sông Thu Bồn của huyện Đại Lộc, các xã Duy Hòa, Duy Châu… của huyện Duy Xuyên bên kia sông, người dân hai bên bờ sông đò ngang cách trở cả mấy đời nay.
Bà Tô Thị Bích Liên, nhà ở ngay sát ngay đầu cầu Giao Thủy hằng ngày chứng kiến hàng trăm công nhân cần mẫn làm việc với máy móc, cần cẩu, tiếng búa đinh tai nhưng không vì thế mà thấy bị làm phiền bởi nếu như không có những thứ âm thanh ấy thì biết bao giờ người dân ở đây sẽ có cây cầu để đi.
Công nhân hàn côp-pha để thi công phần đúc hẫng dầm cầu
Bà Liên bảo vườn và nhà mình ở ngay giữa cây cầu, sẽ bị giải tỏa đi nơi khác nhưng vui lắm, chỉ mong nhà nước bố trí đất ở gần để ngày ngày còn được ngắm cây cầu, được tản bộ lên cầu hóng mát, được nhìn mọi người qua lại cây cầu vì không còn phải lụy đò nữa. Mà đi đò nguy hiểm lắm, nhất là trong những lúc mưa bão, tính mạng con người như mành chỉ treo chuông.
“Người dân ở đây ai cũng mong muốn cây cầu sớm hoàn thành, không ai khiếu kiện gì vì ai cũng muốn hy sinh một ít quyền lợi của mình để được việc chung. Nếu chỉ vì thiệt thòi một ít tiền đền bù mà gây cản trở thì không nên. Dân ở đây ai cũng ủng hộ, thậm chí có người còn hiến đất để làm đường dẫn nữa. Mới đó có mấy tháng mà hình hài của cây cầu đã rõ rồi. Nhanh thiệt”, bà Liên tâm sự.
Video đang HOT
Kỹ sư Bùi Trọng Hải nói về ý nghĩa của cầu Giao Thủy đối với người dân địa phương
Được sự ủng hộ của dân, các đơn vị thi công không làm “túc tắc” như các các công trình khác, hình dáng cây cầy Giao Thủy đã sừng sững giữa dòng Thu Bồn, nơi hợp lưu với con sông Vu Gia.
Kỹ sư Bùi Trọng Hải, cán bộ kỹ thuật đang thi công phần cầu chính – hồ hởi: “Điều kiện thời tiết thuận lợi, được người dân ủng hộ và các cấp quan tâm nên cây cầu thi công rất thuật lợi. Dự kiến sẽ hoàn thành trước thời gian đặt ra”.
Theo kỹ sư Hải, đến nay nhiều hạng mục của công trình đã đạt và vượt tiến độ đề ra. Lo nhất là mùa mưa lũ sẽ khó khăn nhưng đến đầu tháng 10 này, dù có lũ về cũng không ảnh hưởng vì công trình đã vượt lũ trước thời gian.
Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư công trình), ông Nguyễn Như Công cho biết, chỉ mới thi công được 6 tháng nhưng nhiều hạng mục của công trình đã vượt tiến độ, vượt lũ chính vụ… Đây là phần khó khăn phức tạp nhất của công trình và hiện nay các đơn vị chuyển qua hạng mục thi công xây lắp.
“Cam kết với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ thi công trong thời gian 30 tháng nhưng sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2016, trước thời gian hơn 10 tháng”, ông Nguyễn Như Công cho biết.
Cầu Giao Thủy khởi công ngày 25/3/2015 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (Dân trí đã đưa tin “Phó Thủ tướng khởi công dự án kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam”). Cầu có chiều dài hơn 1.002m, điểm đầu phần đường dẫn tại ngã tư Ái Nghĩa (thuộc thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), điểm cuối nối đường ĐT 610 thuộc huyện Duy Xuyên và Nông Sơn.
Công Bính
Theo Dantri
Ồ ạt vào rừng hái quả mây bán sang Trung Quốc
Gần đây giá thu mua quả mây lên tới gần 100.000 đồng/kg nên người dân ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế đua nhau vào rừng hái loại quả này bán sang Trung Quốc.
Trong 4 tháng trở lại đây, khi mùa quả mây chín rộ thì hàng trăm người dân ở các xã Hương Lộc, Hương Sơn, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đua nhau vào rừng hái về bán cho các thương lái ở địa phương.
Tại nhà bà Tùng, một thương lái thu gom quả mây ở thôn 2, xã Hương Lộc, cứ mỗi buổi chiều có khá đông người dân đến bán quả mây. Có người chỉ xách đến bán 2-3 kg nhưng cũng có người mang tới bán vài chục kg. Đó là thành quả của một ngày vào rừng tìm kiếm quả mây của những người dân ở huyện Nam Đông bất chấp mưa lớn và các khe suối đầy nước.
Thương lái Nam Đông thường mua quả mây vừa hái từ rừng để bán sang Trung Quốc
Bà Nguyễn Thị H. (trú ở thôn 3, xã Hương Lộc) sau khi bán 25 kg quả mây vừa mới hái từ rừng được trên 2,2 triệu đồng, vui mừng cho biết: "Hôm nay chồng tôi vào rừng gặp chỗ chưa có ai hái nên trúng quả chứ những ngày trước chỉ vài kg là nhiều".
Ông Hoàng Vinh, một người dân ở thôn 2 xã Hương Lộc thường xuyên vào rừng hái quả mây, cho biết muốn hái được loại quả này thì vào những khu rừng rất sâu, băng qua nhiều con suối, ngọn đồi và nằm ở khu vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Nam Đông. "Chúng tôi thường đến khu rừng gọi là Khe Trường, phải đi hơn 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Lúc trước chưa có ai thu hái nên quả mây khá nhiều, còn giờ thì ít hơn hẳn"- ông Vinh nói.
Hạt mây khá chắc nên được thương lái thu mua bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức
Quả mây có hình dạng và kích thước giống như quả nhãn, hạt khá cứng, mọc từng chùm trên những bụi mây rất cao, có nhiều gai. Để hái được chúng người dân xã này thường dùng liềm có nối cán dài.
Theo người dân địa phương, hiện nay có khoảng gần 200 người dân thường vào rừng mỗi ngày để hái quả mây mang về bán, trong đó chủ yếu ở xã Hương Lộc. Cả huyện có khoảng 3 thương lái đứng ra thu gom quả mây cho người dân, trong đó bà Tùng là thương lái thuộc dạng lớn nhất nhì huyện.
Bà Tùng cho biết mùa quả mây chín rộ từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Từ mùa vụ năm 2014 đến nay bà Tùng đã bắt mối với những lái buôn ở Hà Nội, Lạng Sơn để thu mua quả mây ở huyện Nam Đông.
Quả mây rừng khá đẹp nên được giá
Theo thương lái này thì mỗi ngày bà thu mua từ 150-300 kg quả mây vừa hái ra từ rừng, cứ 2-3 ngày bà lại đóng gói gửi xe ra Nghệ An bán cho một thương lái người Hà Nội. "Mỗi lần tôi gửi hàng từ 300-400 kg. Ông chủ thu mua của đại lý tôi là người Hà Nội, có lò sơ chế quả mây ở Nghệ An. Những quả mây sẽ được máy bóc vỏ, đánh bóng rồi sau đó bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức. Hạt mây rất chắc nên làm chuỗi đeo rất đẹp, tôi từng thấy người ta đeo rồi" - bà Tùng nói.
Bà Tùng cho biết lúc đầu mùa vụ 2015 thương lái từ Bắc vào đây thu mua khá rầm rộ, ngay cả những quả mây non cũng thu mua nên giá khá cao, có khi lên tới 130.000 đồng/kg. Vì vậy có thời điểm những thương lái ở Nam Đông phải vào tới tận cửa rừng chờ chực người dân đi hái về để mua.
"Thời gian đó tôi thu mua rất nhiều nhưng đột nhiên các thương lái nhập hàng cho Trung Quốc ngừng mua quả mây non nên có ngày tôi lỗ vài triệu đồng. Mặt hàng này mua vào bán ra tôi cũng kiếm được chút đỉnh nhưng liên quan đến Trung Quốc nên mình phải dè chừng, không dám mua ồ ạt vì sợ bị hớ" - bà Tùng thổ lộ.
Cứ vào mỗi buổi chiều người dân xã Hương Lộc lại chở từng bao hạt mây đến bán cho thương lái trong vùng
Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông, khẳng định quả mây thuộc loại lâm sản phụ, việc khai thác của người dân không gây phá rừng nên không vi phạm các quy định bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Trai khuyến cáo người dân cũng như các thương lái ở Nam Đông nên cẩn trọng khi buôn bán hàng có liên quan đến người Trung Quốc. "Trước đây ở Nam Đông cũng từng xuất hiện tình trạng mua bán cây mây và hạt sầu đâu rừng (hạt xoan) để bán cho Trung Quốc, nhiều người cũng trả giá do đối tác ngưng thu mua đột ngột dẫn đến thua lỗ"- ông Trai nói.
Trong khi đó, ông Võ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đông, thừa nhận chưa nắm thông tin về việc thương lái thu mua quả mây để bán sang Trung Quốc diễn ra trên địa bàn huyện. "Chúng tôi đang kiểm tra để có báo cáo gửi Sở Công thương về việc này. Đồng thời có những khuyến cáo với người dân" - ông Tuấn nói.
Theo Quang Nhật
NLĐ
Cụ ông gần 40 năm đi xin tiền làm cầu cho dân làng Sau khi 31 cây cầu từ tiền vận động quyên góp đều hư hỏng nhanh chóng, năm 2011 ông Tráng quyết khăn gói đi xin tiền xây cầu kiên cố để xóm Vạn Buồng không còn là ốc đảo, bà con không phải bỏ xứ ra đi. Bị cô lập gần như quanh năm bởi sông Thu Bồn, xóm Vạn Buồng ở thôn...