Người dân đã vay được 2.600 tỷ mua nhà thu nhập thấp
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến ngày 15/9/2015, gói tín dụng 30.000 tỷ đã được giải ngân 2.562,85 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,54%.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng 4.390,55 tỷ đồng với 5.644 khách hàng (gồm 05 khách hàng doanh nghiệp với giá trị 1.208 tỷ đồng; 5.639 khách hàng là cá nhân, hộ gia đình với giá trị 3.182,55 tỷ đồng); đã giải ngân được 2.562,85 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,54% gói tín dụng ưu đãi.
Trong đó, có 1.921,27 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình vay; và 641,58 tỷ đồng cho 5 khách hàng doanh nghiệp vay bao gồm: Công ty Địa ốc Hoàng Quân vay 443 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình vay 19 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm vay 48,6 tỷ đồng, Công ty Quốc Cường Gia Lai được giải ngân gần 120 tỷ đồng.
Tính trên toàn quốc, đến nay gói tín dụng này mới đạt được trên 26%, HoREA cho rằng, con số này là quá thấp, chậm và chưa đạt được như kỳ vọng. Cũng theo HoREA, chương trình phát triển các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là cơ chế chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội còn rườm rà, qua nhiều tầng nấc.
Lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tính khoảng 10%, do vậy lợi nhuận thực nhận của doanh nghiệp thực tế thấp hơn, thậm chí có trường hợp bị lỗ. Trước đây, thị trường khó khăn một số dự án thương mại xin được chuyển qua làm nhà ở xã hội, nhưng nay thị trường tốt hơn nên khó để các dự án này tiếp tục làm nhà ở xã hội.
Video đang HOT
Mặt khác, cá nhân vay gói 30.000 tỷ để mua nhà ở xã hội vẫn còn phải chứng minh thu nhập, gói 30.000 tỷ chỉ có hiệu lực giải ngân 36 tháng kể từ ngày 01/6/2013 đến hết ngày 31/5/2016, trong khi kết quả giải ngân hiện nay chỉ mới đạt trên 26%.
Khánh An
VietBao.vn (Theo_VnMedia
Ai hưởng lợi khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển?
Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh giúp gia tăng độ tiếp cận dịch vụ tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
Vay tiêu dùng, xu hướng tất yếu
Khảo sát hoạt động cho vay tiêu dùng trên thế giới cho thấy, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Tính đến đầu năm 2014, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.800 tỷ USD (chiếm hơn 21% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Còn tại thị trường Đức cho vay tiêu dùng cũng chiếm tới 10,5% GDP; con số này ở Anh là hơn 15,6% GDP; ở Pháp là khoảng 10% GDP...
Tại châu Á, Malaysia là quốc gia có thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển rất ấn tượng với quy mô lên tới 24% GDP. Trong khi tại Việt Nam, báo cáo mới nhất được thực hiện bởi công ty CP StoxPlus cho biết, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng năm năm 2014 khoảng 10,4 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2014, chiếm khoảng 5-6%GDP.
Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh
Theo đó, StoxPlus nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, do sự chuyển hướng mạnh từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn 2012- 2014.
TS Trần Hoàng Ngân, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính - Marketing TP HCM đưa ra dự báo, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.
Sự ra đời của hoạt động cho vay tiêu dùng là một kết quả tất yếu của quá trình phát triển của nền kinh tế. Ở những giai đoạn trước đây, nhu cầu vay tiêu dùng đã luôn tồn tại, song sự kém linh hoạt của các cơ chế cho vay và trả nợ, khi mà các sản phẩm cho vay còn đơn điệu và kém phù hợp, đã khiến cho các nhu cầu vay tiêu dùng không được đáp ứng. Tuy nhiên đến nay khi thị trường tài chính ngày càng phát triển, các TCTD phát triển đa dạng hướng đến nhiều nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, thì các nhu cầu này đã bắt đầu được chú trọng.
Ai hưởng lợi khi vay tiêu dùng phát triển?
Sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng mang lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu. Sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cho thấy không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Với nhóm đối tượng thu nhập thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại thì nguồn vốn vay từ các công ty tài chính giúp người dân có thể chủ động trong chi tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.
Việc phát triển tín dụng tiêu dùng còn góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, giúp họ có kiến thức quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng còn góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen" và giúp người dân được sử dụng các dịch vụ tài chính an toàn từ các tổ chức hợp pháp có sự quản lý và bảo vệ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu như các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân không thể đáp ứng. Đó là nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập; chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp. Đồng thời, họ cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất...; trong khi vẫn đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu tài chính "nóng" và ngắn của người dân... Theo các chuyên gia, cho vay tiêu dùng tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn mà các công ty tài chính đang triển khai là lĩnh vực quan trọng, cần khuyến khích phát triển để đảm bảo sự lành mạnh, hiệu quả của thị trường.
P.V
Theo Dantri
Người thu nhập thấp tiếp cận gói 30 nghìn tỷ đồng: Không dễ "nhằn" Người chưa có nhà đất thì không có tài sản thế chấp, người có đất thì hoặc lương quá ít hoặc giá trị đất thấp, người lao động tự do không có cơ sở đảm bảo trả nợ... là những lý do mà ngân hàng không chấp nhận cho khách hàng vay tiền trong gói 30 nghìn tỷ đồng. Khoảng 2 tháng nay,...