Người dân đã dừng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn
Khoảng hơn 19 giờ tối nay 5.7, người dân huyện Sóc Sơn đã dừng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, sau khi nhận được văn bản về đền bù giải phóng mặt bằng của UBND TP.Hà Nội.
Sau khi nhận được văn bản của UBND TP.Hà Nội, người dân đã dừng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn . Ảnh Lê Quân
Theo ghi nhận của Thanh Niên, lúc 18 giờ 30, văn bản hỏa tốc của UBND TP.Hà Nội về việc đền bù di dời cho bà con được phát cho người dân xem tại nhà văn hóa thôn Đông Hạ và sân đình ven tỉnh lộ 35, nơi người dân tập trung chặn xe chở rác. Sau khi nhận được văn bản, mọi người dân đều chăm chú đọc và không ngừng bàn tán.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi, người dân ở thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cho biết, vẫn còn một số ý kiến bàn tán tỏ vẻ đồng thuận hoặc không đồng thuận nhưng về cơ bản, người dân tạm thời tin vào văn bản của UBND TP.Hà Nội và sẽ dừng chặn xe chở rác.
Người dân đã thu dọn đồ, dỡ lều bạt ra về . Ảnh Lê Quân
Đến khoảng hơn 19 giờ, hàng chục người dân tập trung ở ngôi đình gần tỉnh lộ 35 đã giải tán và cùng thu dọn lều bạt, quạt điện, phích nước, bàn cờ để xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn như bình thường.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biế lúc hơn 19 giờ đã nhận được thông tin người dân ngừng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Ngay lập tức, công ty đã thực hiện các phương án vận chuyển rác thải tồn đọng trong 5 ngày qua.
Đến khoảng 19 giờ 20 phút, người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn đã giải tán hết . Ảnh Lê Quân
“Các phương án thu gom rác khi người dân dừng chặn xe đã được chuẩn bị kỹ và triển khai ngay lập tức. Lượng rác thải tồn đọng lại ở TP.Hà Nội ước tính khoảng hơn 10.000 tấn. Dự kiến, mất khoảng 3 – 4 ngày chúng tôi sẽ thu gom và đưa đến các bãi rác với tốc độ khẩn trương nhất”, ông Tiến nói.
Lãnh đạo Urenco cũng cho biết sẽ huy động tối đa cán bộ, công nhân, phương tiện hoạt động liên tục trong những ngày tới để thu gom, xử lý lượng rác thải tồn đọng ở nội thành Hà Nội trong những ngày người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn.
Theo Thanhnien
Dân lập "chốt" chặn rác vào bãi Nam Sơn: Hệ lụy khủng khiếp
Việc người dân ngăn không cho xe chở rác vào bãi Nam Sơn đã dẫn đến nhiều hệ lụy khi nội thành không có nơi để xử lý rác, rác được tập kết đầy các ngõ trống, ở ngã 3, ngã 4, ở cả bãi đất trống ở Khu đô thị nằm ở trung tâm quận .
Video đang HOT
Dân lập "chốt" chặn xe chở rác
Những ngày qua, tại tuyến đường 35 dẫn vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn căng bạt làm "chốt" chặn, ngăn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này là do người dân nơi đây búc xúc, bất bình trước việc chính quyền huyện Sóc Sơn chậm chi trả tiền bồi thường hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng bán kính cách bãi rác này 500m. Đồng thời, việc bồi thường giá đất ở cho người dân với giá thấp.
Người dân lập "chốt" ngăn xe chở rác vào bãi Nam Sơn. Chính quyền đối thoại nhưng bất thành.
Ngay sau đó, chính quyền Hà Nội đã có buổi đối thoại với người dân trong ngày 3/7, tại đây lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã công khai xin lỗi người dân vì chậm chi trả tiền bồi thường. Và mong muốn, người dân tiếp tục cho xe rác của môi trường ra vào bãi rác để đổ rác, kịp thời xử lý chất thải không gây ùn ứ rác ở nội thành.
Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại, các bên không tìm được tiếng nói chung. Người dân không đồng ý ký vào biên bản vì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Sáng 4/7, người dân tiếp tục dựng lều bạt, lập "chốt" ngủ ngoài đường ngăn không cho xe chở rác vào bãi Nam Sơn đến khi nào chính quyền giải quyết dứt điểm những khúc mắc của người dân như: hoàn thiện tất cả thủ tục chi trả tiền bồi thường, cân đối giữa giải phóng mặt bằng, có phương án tái định cư hợp lý...
Trước sự việc trên, trả lời báo giới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã bố trí tiền đền bù cho người dân ở huyện Sóc Sơn và đã giao cho địa phương xử lý việc này. Vấn đề còn tồn đọng là do thủ tục để triển khai đền bù cho người dân. TP sẽ chỉ đạo rà soát lại việc này.
Chung cư ngừng thu gom, dân lo lắng
Rác thải chất đống trên các thùng xe "nối nhau" kéo dài một con ngõ ở đường Dương Quảng Hàm, (Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: T.An)
Ghi nhận của PV tại các tuyến phố ở Hà Nội, nhiều nơi đã có hiện tượng rác tập kết thành hàng dài nhưng không được chuyển đi khiến rác bốc mùi hôi thối khó chịu. Trong đó có các tuyến phố như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Khang, (quận Cầu Giấy), đường Hoàng Văn Thái, cầu Đen, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông),...
Đặc biệt, tại con ngõ nhỏ đầu đường Dương Quảng Hàm (gần đường Nguyễn Khánh Toàn) các công nhân môi trường cho biết, những ngày qua họ phải làm việc gấp 2, gấp 3 ngày bình thường. "Chỉ có mỗi buổi sáng thôi mà chúng tôi gom được mấy chục thùng rác. Rác còn rất nhiều trong dân nhưng do tất cả các xe đều được chất đầy nên phải đợi...", một nhân viên thu gom rác nói.
Theo chị này, do xung quanh không có chỗ tập kết rác nên các công nhân phải đẩy các thùng rác về đây tập kết quãng đường đi cả cây số. "Tình trạng rác tồn đọng diễn ra khoảng 2 ngày nay. Chúng tôi vẫn tiến hành thu gom rác chất đầy lên những xe rác được cấp phát. Rác ùn ứ, chúng tôi đã dọn sẵn sàng chờ ngày cẩu rác đi, mà chưa biết khi nào xe mới đến", chị nói.
Rác được tập kết tạm thời trên đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: T.An)
Hay như trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), cả đoạn vỉa hè dài trăm mét cũng đã trở thành nơi tập kết rác thải. Để không cho người dân nhìn thấy, người ta dùng bạt ngăn cách. Tuy nhiên, do lượng rác được đổ về với số lượng lớn, nhiều ngày, hết nắng rồi đến mưa khiến rác phân hủy nhanh, bốc mùi hôi thối khiến người dân đi đường vô cùng khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Vượng- Chi nhánh trưởng phụ trách thu gom rác địa bàn Hà Đông (Công ty CP công nghệ Minh Quân) cho biết, rác được "gom" lại tại đây bắt đầu từ chiều 1/7. Các bãi tạm ở mỗi phường đều dùng vôi bột, thuốc khử trùng và che bạt để giảm mùi. Hiện mỗi ngày quận Hà Đông phát sinh khoảng 445 tấn rác sinh hoạt.
Một trong những địa điểm tập kết rác "tạm thời" cũng đã được chính quyền các quận nội thành tính đến đó là các bãi đất trống, khu đất bỏ hoang của các dự án chưa triển khai xây dựng. Điển hình như tại quận Cầu Giấy, một "bãi rác" tạm thời được hình thành cả một tuần nay ngay trong Khu đô thị mới Cầu Giấy - nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính nhà nước và Hà Nội cũng như bệnh viện tuyến Trung ương.
Rác được tập kết tại bãi đất trống tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: T.An)
Đặc biệt tại khu đất dự án bỏ hoang thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Yên Hòa), nhiều xe thu gom rác của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, thân xe in dòng chữ: "Xe phục vụ vệ sinh môi trường Cầu Giấy" chở rác liên tục vào đây tập kết. Mùi hôi thối do rác thải tập kết nhiều ngày khiến khu dân cư xung quanh vô cùng bức xúc.
Quan sát của PV cho thấy, bãi tập kết này rộng khoảng 1.000m2, nhiều ngày qua rác thải liên tục được chở vào đổ thẳng xuống nền đất, chất thành đống cao khoảng 2m. Rác đang trong quá trình phân hủy mạnh nên mùi hôi thối bốc lên mỗi ngày càng nặng hơn và bắt đầu xuất hiện những dòng nước thối chảy lênh láng tạo thành những vũng nước lớn ở xung quanh. Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, mỗi ngày quận phát sinh khoảng 320 tấn rác.
"Rác thải sinh hoạt không thể để quá 3 ngày ở các khu dân cư hay ngoài đường, nên chúng tôi phải đổ tạm rác ở đây. Bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Khi nào trên bãi rác Nam Sơn thông thì chúng tôi huy động phương tiện chở rác đi ngay chứ không thể để rác ở nội thành", bà Trịnh Thị Dung- Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nói và "mong người dân thông cảm".
Rác tập kết nhiều ngày đang trong quá trình phân hủy gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. (Ảnh: T.An)
Có thể nói, rác thải đang ùn ứ rất lớn ở khu vực nội đô Hà Nội, đang trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khiến người dân vô cùng lo lắng Thậm chí đã có những nơi phải ra thông báo "ngừng thu gom rác" như tại Khu chung cư VOV (quận Nam Từ Liêm). "Tạm ngừng phục vụ thu gom rác tại các tầng kể từ 12 giờ ngày 3/7 cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại. Đề nghị cư dân thu gom rác bỏ vào túi ni lon buộc kín, tránh phát tán mùi hôi, thối trong thời gian chưa được thu gom, xử lý và vận chuyển để tại phòng thu gom rác các tòa nhà", thông báo nêu.
Nguy cơ ngập rác thải
Ông Nguyễn Hữu Tiến- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn Hà Nội cho biết, hiện tại khối lượng rác bị tồn đọng khoảng 1.200 tấn.
Trước nỗi lo ùn ứ rác thải tại các khu vực nội đô, đại diện URENCO cho biết, số rác không thể đưa về bãi rác Nam Sơn sẽ được gom tại các xe rác, điểm trung chuyển hoặc bãi rác để tập kết để chờ xử lý.
Xe rác đang thu gom rác trên địa bàn TP. Hà Nội những ngày qua. (Ảnh: T.An)
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với lượng rác sinh hoạt gần 5.000 tấn /ngày như hiện nay thì chỉ trong 3- 4 ngày là Hà Nội sẽ ngập đầy rác. Bởi Urenco là đơn vị chỉ xử lý rác của 4 quận nội thành, chưa kể còn có nhiều điểm tập kết rác như Lâm Du, Cầu Diễn. Đối với các Công ty môi trường phục vụ huyện Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, các quận Cầu Giấy, Hà Đông... sẽ rất khó khăn vì không có điểm tập kết khác.
Đáng chú ý, lãnh đạo Cty Urenco cho biết, nếu tình trạng bãi rác Nam Sơn tiếp tục bị "phong tỏa" thì năng lực tiếp nhận, xử lý rác cũng chỉ được dưới 7 ngày.
Ông Triệu Tuấn Đức - Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trên dưới 6.000 tấn rác sinh hoạt. Dự báo sau khi thông bãi lượng rác này có thể tăng gấp đôi. Đơn vị cũng đã bố trí sẵn 2 khu vực đổ rác song song để đảm bảo tiếp nhận được khối lượng lớn.
"Chúng tôi đã có phương án tiếp nhận trong những ngày tới ngay sau khi người dân cho xe rác vào bãi. Đơn vị bố trí 100% quân số, phương tiện sẵn sàng tiếp nhận và xử lý 8.000 - 10.000 tấn/ngày một cách an toàn, hiệu quả nhất" - ông Đức nói.
Hà Nội thông báo kế hoạch phân luồng vận chuyển rác
Trước diễn biến và nguy cơ ùn ứ rác thải tại trung tâm TP, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có thông báo "kế hoạch điều chỉnh phân luồng vận chuyển rác tạm thời".
Cụ thể, rác thải sinh hoạt tại 4 quận nội thành là Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm) sẽ căn cứ vào tình hình, tập kết tại các điểm trung chuyển ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Long Biên (313 tấn/ngày đêm) sẽ tập kết tạm thời ở Khu xử lý rác Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).
Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Thanh Xuân (455 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) sẽ xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội của HTX Thành Công.
Rác thải sinh hoạt tại các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) sẽ chở đến xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Rác thải sinh hoạt của huyện Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) sẽ lưu giữ tại các điểm tập kết rác của mỗi địa phương.
Theo Danviet
Để "núi rác" gây ô nhiễm, lãnh đạo quận Cầu Giấy giải thích thế nào? Liên quan đến sự việc rất nhiều xe chở rác của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên những ngày qua thường xuyên chở rác thải đến tập kết tại khu đất trống thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội), PV Dân Việt đã liên hệ với chính quyền quận Cầu Giấy để làm...