Người dân “cấm cửa” nhà máy gây ô nhiễm
Cho rằng nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi gây ô nhiễm môi trường, 200 hộ dân thôn Trung An ( xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) đã dùng đất đá, bêtông chắn lối vào, không cho nhà máy này hoạt động.
Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi do công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Hoàng Triều làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy chuyên chế biến bột cá làm thức ăn gia súc với công suất 15 tấn bột cá/ngày, tương đương 4.680 tấn bột cá/năm.
Từ khi nhà máy vận hành thử nghiệm (từ ngày 24 đến 26/7) đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, người dân đã kéo đến cổng nhà máy cản trở, yêu cầu phải khắc phục mùi hôi. Trước tình thế đó, nhà máy phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố. Đến ngày 6/8, nhà máy hoạt động trở lại nhưng mùi hôi thối tiếp tục phát tán gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Người dân đổ đất chặn lối vào nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Quảng Ngãi.
Để phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường, người dân đã dùng bêtông chắn lối vào. Đỉnh điểm là vào những ngày đầu tháng 10/2017, người dân thôn Trung An dùng xe tải đổ đất chắn ngang cổng nhà máy.
Theo người dân thôn Trung An, 200 hộ dân xung quanh nhà máy đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hoàng Triều khắc phục tình trạng mùi hôi thối. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục khiến người dân bức xúc “cấm cửa” không cho nhà máy hoạt động.
Chị Lê Thị Việt (thôn Trung An, xã Bình Thạnh), bức xúc, khi nhà máy hoạt động mùi hôi theo gió bay vào nhà dân nồng nặc. Nhiều nhà dân cách nhà máy trên 200 m vẫn không thể nào chịu được mùi hôi tanh.
Video đang HOT
“Dù có đóng kín cửa thì mùi bột cá cũng hôi không chịu được. Để tình trạng này kéo dài ai mà sống nổi, nhất là mấy cháu nhỏ”, chị Việt bày tỏ.
Tình trạng ô nhiễm không khí do nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi gây ra khiến đời sống người dân thôn Trung Sơn đảo lộn. Nhiều hàng quán gần khu vực nhà máy trở nên ế khách vì không ai chịu đựng nổi mùi hôi.
Bà Kiều Thị Hương – chủ một quán cơm gần nhà máy, than thở, ở trong nhà còn không chịu nổi mùi hôi nói chi là ăn uống. Nếu nhà máy không có phương án xử lý triệt để mùi hôi thì chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn cản.
“Cũng không ai muốn ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp nhưng hôi quá. Tình trạng ô nhiễm kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Nếu nhà máy không xử lý triệt để việc gây ô nhiễm thì chúng tôi nhất quyết phản đối”, bà Hương quả quyết.
Liên quan đến việc người dân ngăn cản nhà máy thức ăn gia súc hoạt động, bà Hà Thị Anh Thư – Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho biết, sau khi sự việc xảy ra, huyện Bình Sơn đã vận động bà con bình tĩnh chờ giải quyết, không gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, yêu cầu công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Hoàng Triều xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường khi sản xuất.
“Nhà máy đã tìm cách hạn chế mùi hôi bằng cách thay đổi thiết bị sục ôzon và đốt khí thải. Sau đó nhà máy chạy thử 10 ngày thì bình thường. Tuy nhiên đến ngày thứ 11 thì bà con lại tiếp tục phản ứng dữ dội khi cho rằng vẫn có mùi hôi”, bà Thư nói.
Theo bà Thư, để có cơ sở giải quyết dứt điểm vấn đề này huyện Bình Sơn đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp vào cuộc quan trắc môi trường, kiểm tra khí thải khu vực xung quanh nhà máy.
“Phải có kết luận chính thức từ các cơ quan chuyên môn xem nhà máy có gây ô nhiễm hay không. Nếu nhà máy gây ô nhiễm thì phải khắc phục không thể làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, còn nhà máy không gây ô nhiễm thì tổ chức vận động, giải thích cho người dân hiểu”, bà Thư nhấn mạnh.
Hà Xuyên
Theo Dantri
TP HCM cùng Bình Dương xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò
Hai địa phương thống nhất nạo vét, mở rộng và đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành giảm ô nhiễm ở kênh Ba Bò.
Chiều 6/10, các đơn vị, sở ngành Bình Dương cùng TP HCM thống nhất phối hợp kiểm soát, xử lý trình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò từ nay đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, Bình Dương nhận nạo vét bùn, rác thải để cải tạo, xây dựng bờ kè cũng như đường giao thông dọc tuyến kênh dài hơn 3 km; tổng kinh phí khoảng 345 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Thuận An với công suất 17.000m3/ngày được tỉnh này đưa vào vận hành nhằm xử lý nước thải, chất thải từ các hộ dân dọc tuyến Bà Bò.
Ngoài ra, Bình Dương sử dụng camera quan sát, hệ thống quan trắc cũng như thiết bị lấy mẫu tự động về chất lượng nước trên kênh Ba Bò để giám sát vận hành xử lý nước thải của các khu công nghiệp.
Kênh Ba Bò giáp ranh Bình Dương và TP HCM bị ô nhiễm. Ảnh: Nguyệt Triều
Các mẫu vật, số liệu chất lượng môi trường nước trên kênh sẽ được chia sẻ với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Đồng thời, UBND tỉnh đã xử lý 17 cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp xả thải xuống kênh.
Đại diện TP HCM nhìn nhận, chất lượng nước, cảnh quan môi trường kênh Ba Bò được cải thiện, từ khi hai địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý thải.
Thế nhưng, kết quả quan trắc sáu tháng đầu năm nay của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn 11,6 đến 19,4 lần; hàm lượng COD vượt chuẩn 0,3 lần.
Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm tại đây có dấu hiệu trở lại vào cuối năm 2016. Nguyên nhân được cho do nước thải của người dân cũng như cơ sở kinh doanh xả trực tiếp khiến lượng rác thải ùn ứ, ô nhiễm.
Đồng tình với Bình Dương, phía TP HCM sắp tới mở rộng lòng kênh từ hồ điều tiết đến hạ nguồn; riêng thượng nguồn kênh sẽ được nạo vét giảm ô nhiễm. Đồng thời sẽ đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 20.570m3/ngày đêm theo công nghệ hồ sinh học.
Kênh Ba Bò nằm ở khu vực giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương. Từ những năm 1999 đến nay, Ba Bò được mệnh danh là con kênh thối, điểm đen về ô nhiễm môi trường.
Nguyệt Triều
Theo VNE
Kênh Ba Bò tái ô nhiễm: Bao nhiêu nghìn tỷ đồng nữa sẽ đổ xuống? 10.000 tỷ đồng đã đầu tư cho việc cải tạo, xử lý ô nhiễm cho kênh Ba Bò chỉ dài hơn 6km nhưng không hiệu quả. Mới đây, con kênh này tái ô nhiễm, Bình Dương và TP.HCM tiếp tục thảo luận phương án xử lý. 10.000 tỷ đồng đã bỏ ra nhưng kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm. Ảnh: Lý Tín Chiều...