Người dân các nước phát triển hoài nghi vaccine
Tỷ lệ tin tưởng vaccine – một trong những sản phẩm y tế được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất thế giới, ở những nước nghèo cao hơn so với những nước giàu – nơi chính những nghi ngờ về lợi ích của vaccine đã và đang làm bùng phát các dịch bệnh nghiêm trọng trong đó có dịch sởi.
Đây là kết quả thăm dò dư luận, do Wellcome và công ty tư vấn và phân tích Gallup tiến hành, công bố ngày 19/6.
Để đưa ra kết luận trên, Gallup đã khảo sát ý kiến của 140.000 người trên 15 tuổi, tại 144 nước trên thế giới trong khoảng từ tháng 4 – 12/2018. Kết quả cho thấy trong khi tỷ lệ tin tưởng vaccine của người dân ở khu vực Bắc Mỹ là 72%, ở Bắc Âu là 73%, thậm chí ở Đông Âu chỉ là 50% thì tại các khu vực có thu nhập thấp hơn, mức độ tin tưởng vaccine lại cao hơn rất nhiều, đơn cử như Nam Á (95%) hay Đông Phi (92%). Nếu Pháp là nước có tỷ lệ người dân tin vào hiệu quả và sự an toàn của vaccine thấp nhất thế giới, khi có tới 33% số người được hỏi cho rằng vaccine không an toàn, thì Bangladesh và Rwanda lại là những nước có tỷ lệ người dân tin tưởng lợi ích của vaccine cao nhất, với gần 100% người được hỏi cho rằng vaccine là thiết yếu và an toàn đối với trẻ nhỏ.
Khảo sát cũng cho thấy hầu hết các bậc phụ huynh đều lựa chọn vaccine như một loại “vũ khí” giúp trẻ chống lại dịch bệnh, song do mức độ tin tưởng khác nhau nên nhiều loại bệnh có cơ hội bùng phát. Việc dịch sởi bùng phát trên diện rộng như tại Mỹ, Philippines và Ukraine hiện nay chủ yếu do mức độ tin tưởng vào vaccine thấp.
Các chuyên gia y tế công cộng và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định tiêm vaccine có thể giúp cứu sống 3 triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm và các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đều cho thấy sự an toàn và hiệu quả của loại “vũ khí” này. Tuy nhiên, để có được “sự miễn dịch cộng đồng”, tỷ lệ tiêm vaccine phải đạt trên 90% hoặc 95%. Trên thực tế, thống kê cho thấy có tới 6% số bậc phụ huynh trên thế giới, tương đương 188 triệu người, không cho con em mình tiêm vaccine, trong đó cao nhất là tại Trung Quốc (9%), Áo (8%) và Nhật Bản (7%).
Video đang HOT
Do đó, các đơn vị tiến hành khảo sát hy vọng kết quả trên sẽ giúp chính phủ các nước nắm bắt được xu hướng của người dân, đưa ra chính sách đúng đắn cũng như đảm bảo người dân có thể tiếp cận nguồn thông tin chuẩn xác.
Ngọc Hà
Theo TTXVN
Nắng nóng - lo ngại nhiều dịch bệnh bùng phát
Tình trạng nắng nóng kéo dài, theo các chuyên gia y tế mặc dù số lượng trẻ không tăng đột biến tại các bệnh viện, tuy nhiên các bệnh như sởi, viêm não nhật bản, sốt xuất huyết xuất hiện những biến chứng khó lường.
Tiêm chủng cho trẻ để phòng dịch bệnh
Lo ngại sự lây lan bệnh dịch từ thế giới
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; Bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết ghi nhận số mắc gia tăng do các nguyên nhân khách quan như: biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động, giao lưu quốc tế và trong nước rộng rãi....
Công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân...
Ngoài ra, cũng còn các nguyên nhân chủ quan như: khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng, một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn phó mặc cho y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường,chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Cảnh giác với những diễn biến bất thường
Trao đổi về vấn đề dịch bệnh, bên lề Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chống dịch bệnh, tiêm chủng và an toàn tiêm chủng mới đây PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não, trong đó có 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B... Đáng lo ngại là 100% số ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não.
Đa số các ca khi bệnh nhân tới viện đều là những ca nặng nhiều bệnh nhân bị co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác. Vì vậy dù các bác sỹ rất cố gắng nhưng tỷ lệ biến chứng cũng rất cao. Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20 - 25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2 - 3%...
Trao đổi về dịch sởi, TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết: Dịch sởi cũng có những diễn biến bất thường, tuy đã vào mùa hè nhưng số ca mắc vẫn lên tới hàng trăm ca mỗi tháng... Cụ thể, trong tháng 5/2019, tại BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm. Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25 - 35 tuổi. Qua khai thác tiền sử, hầu hết người bệnh cho biết chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm mũi 1, chưa tiêm nhắc lại mũi 2 vaccine phòng sởi.
Ngoài sởi, tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Đây cũng có thể coi là bất thường vì thủy đậu, quai bị được coi là các bệnh mùa Đông Xuân. Cùng đó, số trẻ mắc bệnh cúm nhập viện cũng rất nhiều, trong tháng 5/2019 ghi nhận hàng trăm ca bệnh...
Minh Châu
Theo giaoducthoidai.vn
Báo động đỏ: Phong trào "tẩy chay" vaccine khiến dịch sởi bùng phát trên thế giới, rủi ro tính mạng không thể lường trước được Hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm vaccine sởi hàng năm trong vòng 8 năm qua, góp phần làm cho dịch sởi bùng phát trên thế giới như hiện nay. Phong trào "tẩy chay" vaccine từ lâu đã trở thành nỗi lo lắng của các nhà chức trách đối với sức khỏe của người dân ở hầu hết các...