Người dân bắt cá khi đập cạn
Người dân xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà bủa lưới dài hơn 100 m bắt cá khi đập Trằm cạn.
Đập Trằm nằm ở thôn Trằm, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà. Đập rộng khoảng 270.000 m2, sâu 4 m, cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã Việt Tiến và một số vùng lân cận.
Đập thường cạn vào mùa hè hằng năm, mực nước sâu 4 m rút xuống còn 1 m. Từ cuối tháng 7 đến nay, đầu giờ sáng mỗi ngày, người dân địa phương đi theo nhóm khoảng 5-7 người, mang lưới dài hơn 100 m, cao 2 m bủa xuống đập theo hình vòng cung rồi kéo từ từ vào bờ để bắt cá.
6h ngày 6/8, nhóm 5 người ở thôn Trằm tập trung đứng theo hàng dọc ở phía hai đầu tấm lưới, thu hẹp vòng cung không để cá thoát ra ngoài.
Khi lưới kéo sát bờ, ông Đinh Phúc Nam phải mò phía sau đáy lưới để bắt một số con cá lớn, đề phòng chúng bơi vào kẽ lưới hở thoát ra.
Một mẻ lưới kéo trong khoảng 40 phút, trong buổi sáng một nhóm kéo khoảng 3-4 mẻ. Việc gỡ cá ra khỏi lưới diễn ra ngay bên mép đập, nhiều thành viên trong gia đình của người tham gia kéo lưới đã ra phụ giúp.
Với một số con cá lớn, người dân phải gỡ cẩn thận nhằm tránh rách lưới và cá không bị tróc vảy.
Cá được bỏ vào thúng tre, sau đó tưới nước cho sạch bùn. Mỗi buổi người dân bắt được hàng chục kg, trong đó có một số con lớn như cá trắm, chép, leo, nặng từ 0,5-3 kg.
Cá nhỏ chủ yếu là rô phi. Nhiều con quá nhỏ sau khi mắc lưới được người dân gỡ ra, thả lại về đập.
Khi gần kết thúc một mẻ lưới, nhiều người đứng trên bờ chạy xuống dưới đập đưa bao tải, xô nhựa để xin các loại cá nhỏ như rô phi, cá mái.
Trong buổi sáng, nhóm của ông Đinh Phúc Nam bắt được hai con cá leo nặng 2-3 kg. Cá leo được một số người dân trong thôn mua ngay trên bờ đập, giá 120.000 đồng một kg.
Giữa buổi trưa, sau khi kéo xong 3 mẻ, người dân gấp lưới lại, đem bỏ vào thuyền đưa về nhà. “Thời điểm này chúng tôi phải tranh thủ kéo, bởi sắp tới khi trời mưa lớn, nước dâng cao thì không thể làm”, ông Nam nói.
Cá bắt được trong buổi sáng được nhóm người của ông Nam chia nhau đưa về sử dụng, với những con lớn đưa đi bán.
Một số loại như cá trắm, chép được đưa ra bán dọc đường liên xã, giá một kg 20.000 đến 50.000 đồng.
Người dân kéo lưới bắt cá dưới đập Trằm. Video: Đức Hùng
Người dân đổ ra sông bắt nghêu
Thủy triều xuống, nước sông Trường Giang cạn nên người dân TP Tam Kỳ rủ nhau ra bắt nghêu bán hoặc nấu ăn đầu năm.
Người dân ngâm mình trong nước bắt nghêu. Video: Sơn Thủy.
Những ngày gần đây, anh Nguyễn Thanh Hải, 29 tuổi, xã Tam Phú (TP Tam Kỳ) cùng hàng chục người dân tranh thủ thủy triều xuống, đổ ra sông Trường Giang, đoạn chảy qua xã Tam Thăng, để bắt nghêu.
Cầm theo hai bao tải để sẵn trên bờ, anh Hải lấy chiếc thau nhựa buộc vào người rồi đi ra chỗ nước sông ngập đến ngực, lặn xuống mò bắt nghêu. "Nghêu sống ở vùng nước lợ, thường ẩn mình dưới lớp bùn cát sâu vài cm nên khi lặn xuống, tôi phải xục tay dưới lớp bùn để bắt", anh Hải cho hay.
Anh Nguyễn Thanh Hải bắt được một thau nghêu. Ảnh: Sơn Thủy.
Trong gần một giờ đồng hồ, anh Hải liên tục ngụp lặn dọc bờ sông và bắt được gần 10 kg nghêu, đựng đầy chiếc thau nhựa bên người. Anh mang thau nhựa lên đổ nghêu vào bao tải rồi quay lại với dòng nước đục.
"Hôm nào trời nắng, nước thủy triều xuống cạn, một ngày có thể bắt được 60 kg, còn hôm trời lạnh chỉ bắt được khoảng 30 kg", anh Hải nói và cho hay nghêu được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng mỗi kg.
Theo người dân địa phương, nghêu sống tập trung ở khu vực nước sâu trên sông Trường Giang, tuy nhiên, tháng giêng hàng năm, nghêu vào gần bờ, nơi nước cạn nên người dân lội bắt được dễ dàng.
"Sau Tết vài hôm, thấy có người đi bắt được nhiều nghêu nên dân làng tranh thủ ra sông kiếm thêm thu nhập", ông Trương Văn Trung, 55 tuổi, xã Tam Phú. nói.
Ông Trương Văn Trung ngâm mình trong nước, dùng vợt bắt nghêu dưới đáy sông. Ảnh: Sơn Thủy.
Ông Trung mang theo đồ nghề gồm chiếc thau nhôm và vợt bằng lưới mắt cáo. Chọn khu vực nước ngập đến bụng, ông ngồi xuống dùng vợt để cào xuống lớp bùn cát. Do sức khỏe yếu, không lặn được ở vùng nước sâu nên ông bắt được ít nghêu hơn so với các thanh niên trong làng.
"Năm nay nghêu vào khu vực gần bờ khá nhiều so với mấy năm trước. Nghêu thường sống tập trung, nếu bắt được một con thì khu vực xung quanh thế nào cũng có vài con khác", ông Trung nói.
Người thợ bắt nghêu chia sẻ, "làm nghề này thường phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, khi lên bờ gặp gió người run bật bần, đôi tay cứng đơ. Dưới đáy sông có nhiều vật sắc nhọn nên tay, chân thường xuyên bị xây xước, chảy máu".
Mỗi ngày ra sông từ 10h đến 15h, ông Trung bắt được khoảng 30 kg nghêu, thu về 500.000 đồng. "Những người có sức khỏe, lặn giỏi thì mỗi ngày bắt được hơn 100 kg, thu về một triệu đồng", ông Trung cho hay.
Nghêu thường được người dân địa phường mua về, chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hấp sả; luộc lấy nước và ruột nấu canh, nấu cháo...
Mùa đánh bắt cá biển gần bờ Thợ lặn kiếm tiền triệu mỗi ngày sau Tết 33
Phát hiện thi thể người phụ nữ quấn trong bao tải nổi trên mặt hồ Chiều tối 23/1, người dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La phát hiện thi thể 1 người phụ nữ buộc chặt trong bao tải, nổi trên mặt hồ bản Muông. Hiện chưa xác định được danh tính nạn nhân. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Cà Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn...