Người đàn bà U60 móc nối bán hàng chục cô gái
Sương hứa hẹn sẽ giúp các cô gái đổi đời nhưng thực chất bán họ cho những người đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc làm vợ để kiếm tiền hoa hồng.
Ngày 22/3, TAND Tối cao tại TP HCM bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án 6 năm tù đối với Nguyễn Thị Sương (58 tuổi, quê Tây Ninh) về tội Mua bán người. Liên quan đến vụ án, 6 bị cáo khác nhận từ 3-4 năm tù về cùng tội danh.
Nguyễn Thị Sương tại tòa. Ảnh: H. H.
Bản án sơ thẩm xác định, tháng 8/2013, Sương dụ dỗ nhiều cô gái có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp ở Tây Ninh và các tỉnh miền Tây xuất ngoại. Bà ta hứa hẹn sẽ giúp các cô lấy chồng ngoại quốc, có công việc và cuộc sống sung túc nhưng thực ra là móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Hiền và Du Quốc Thắng bán họ cho đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc làm vợ. Mỗi cô gái bán được Sương hưởng 8-10 triệu đồng.
Hơn năm sau, bà ta mở rộng đường dây nhận tuyển thêm các cô gái đưa lên TP HCM cho Nguyễn Thị Tắt và Xia Rong Lei (quốc tịch Trung Quốc). Chúng tổ chức dạy tiếng Hoa và Hàn Quốc cho các cô gái ngay tại nhà. Đồng thời đưa những người đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc có nhu cầu lấy vợ sang Việt Nam xem mặt. Mỗi cô gái được chọn, người đàn ông nước ngoài phải chi từ 100 đến 250 triệu đồng.
Do cuộc sống khó khăn, không có công việc ổn định lại bị chồng bạo hành, giữ hết các giấy tờ tùy thân nên một thời gian sau khi xuất ngoại các cô gái trốn về Việt Nam tố cáo hành vi của Sương và đồng phạm.
Video đang HOT
Đến giữa tháng 10/2014, Sương tuyển thêm 3 cô gái mang lên khách sạn ở quận 6 giao cho Tắt để những người ngoại quốc xem mặt. Mấy hôm sau, chúng làm thủ tục cho các cô gái xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất thì bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tổng cộng, Sương và đồng bọn đã tuyển được 23 cô gái.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Sương và đồng phạm bị TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử sơ thẩm. Cho rằng mức án 6 năm tù là nặng, Sương đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hải Duyên
Theo VNE
Bán hàng cho công ty Trung Quốc, bị 'xù' tiền tỉ: Đổ tội cho cấp dưới
Tòa nhiều lần chất vấn về trách nhiệm của bị cáo trong vụ án. "Phải xem nguyên nhân vì sao không thu hồi được mới tính toán tới trách nhiệm cá nhân của chúng tôi", bị cáo Lạc nói.
Phiên tòa được tạm hoãn, trả hồ sơ về Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung - Ảnh: Giang Phương
Chiều 1.3, HĐXX TAND tỉnh Tây Ninh đã hội ý và sau đó tuyên hoãn, giao hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung vụ nguyên Tổng giám đốc bán hàng cho công ty Trung Quốc bị cáo buộc làm thất thoát hàng chục tỉ đồng.
Các bị cáo gồm: Trần Cảnh Lạc (62 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh), Nguyễn Xuân Danh (47 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng kinh doanh - thương mại) và Nguyễn Thị Phúc (54 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) bị Viện KSND tỉnh truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", làm thiệt hại tài sản Nhà nước lên đến gần 70 tỉ đồng.
Sẽ thu hồi được tiền thất thoát?
Trước đó, trả lời HĐXX về trách nhiệm và khả năng thu hồi số tiền thất thoát qua 5 hợp đồng (trên 55 tỉ đồng) do 2 công ty Trung Quốc là Xi Lai Phúc và Guo Qi Do Li (tên công ty Trung Quốc đã được phiên âm - PV) còn nợ, bị cáo Lạc khẳng định "có khả năng".
Bị cáo Lạc trình bày: "Đối với 3 hợp đồng bán bột mì (4.000 tấn) cho Xi Lai Phúc đã có phán quyết của trọng tài quốc tế, do đó, công ty mía đường đang theo hướng này để thu hồi nợ. Riêng đối với 2 hợp đồng đối với Guo Qi Do Li, nếu không thực hiện theo cam kết trả nợ công ty cũng sẽ kiện ra trọng tài và hoàn toàn có đủ khả năng thắng kiện".
Trả lời HĐXX về hiệu lực phán quyết từ hơn 1 năm nay nhưng vẫn không thu hồi được, bị cáo Lạc cho rằng, hiện công ty đã nhận được xác nhận của tòa án Trung Quốc về đơn kiện của công ty mía đường.
Ký hợp đồng với công ty "ma"
HĐXX dẫn các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cho biết, trước đó, ngày 23.12.2013, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM có công hàm thông báo Công ty Xi Lai Phúc không tồn tại.
Bị cáo Lạc lý giải, trong quá trình mua bán, có nhờ Đinh Thị Thảo (người đứng ra môi giới cho các công ty này - PV) sắp xếp đưa các bị cáo đến Trung Quốc gặp đại diện công ty. Khi sang Trung Quốc, Thảo cho gặp 1 người đàn ông Trung Quốc (nói được tiếng Việt). Thảo làm người phiên dịch nhưng ông Lạc cho rằng do sơ suất đã không hỏi tên gì. Sau đó qua kiểm tra thấy số hàng có trong kho nên an tâm.
Về việc người đàn ông trên có phải là lãnh đạo Công ty Xi Lai Phúc hay không, bị cáo Lạc không dám khẳng định.
Trả lời HĐXX về việc tồn tại 2 hợp đồng bán 2.270 tấn gạo cho Công ty Guo Qi Do Li nhưng công ty này thông báo không hề giao dịch với công ty mía đường, trong khi đó, cơ quan điều tra xác định, số hàng hóa trên chỉ đến cách cửa khẩu Lạng Sơn khoảng 500 m rồi mất hút, không được thông quan, bị cáo Lạc cho rằng thiếu sót và trách nhiệm thuộc về bị cáo Danh.
Chủ tọa hỏi: "Vụ án này, cá nhân bị cáo không phải chịu trách nhiệm gì hết?". "Thiệt hại đến lúc này có khả năng thu hồi được", bị cáo Lạc trả lời.
Tòa hỏi thêm: "Nếu không thu hồi được, trách nhiệm bị cáo ra sao?". Bị cáo Lạc: "Phải xem nguyên nhân vì sao không thu hồi được mới tính toán tới trách nhiệm cá nhân của chúng tôi".
Giang Phương
Theo Thanhnien
Nguyên Tổng giám đốc bán hàng cho công ty Trung Quốc, thất thoát hàng chục tỉ đồng Sáng 1.3, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm đối với Trần Cảnh Lạc (62 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Trần Cảnh Lạc trước vành móng ngựa - Ảnh: Giang Phương...