Người đàn bà cô đơn sập bẫy tình của gã thợ xây kém gần 20 tuổi
Quen qua mạng nên Hải khai khống thêm 7 tuổi, còn người phụ nữ cũng nói giảm đi gần chục tuổi, họ say đắm như đã thân quen từ lâu.
Trong một lần lang thang trên mạng, chàng thợ xây Lê Thượng Hải (22 tuổi) quen người đàn bà xấp xỉ tứ tuần tên Mai, đã ly hôn, đang sống cùng hai con gái nhỏ ở Phú Thọ. Qua các bức ảnh xem trên mạng, Hải mê vẻ đẹp của chị Mai, còn người phụ nữ cũng xốn xang sau mỗi lần trò chuyện. Tuy nhiên, cả hai đều giấu tuổi thật. Hải tăng thêm 7 tuổi để được chín chắn hơn, chị Mai cũng nói giảm đi chục tuổi. Vì vậy, cả hai đều cho rằng đối phương mới xấp xỉ 30 tuổi.
Một lần chị Mai phát hiện người mình trò chuyện qua mạng hằng ngày là thanh niên đang xây dựng cho một công trình ở gần nhà. Sẵn có tình cảm, bí mật quan sát thấy Hải chăm chỉ, ưa nhìn nên chị càng thêm quý mến.
Hai người gặp nhau ngoài đời, say đắm nhau như đã quen thân từ lâu. Hải nhiều lần đưa chị Mai về nhà chơi, ra mắt bà ngoại và cậu ruột. Trong khi Hải không mảy may nghi ngờ về tuổi của người yêu bởi quá trẻ thì Mai không tin Hải đã sắp 30 tuổi. Nhiều lần Mai tìm cách xem chứng minh nhân dân nhưng Hải khéo léo giấu nhẹm.
Tối 23/3, Hải ngủ lại nhà chị Mai. Sáng hôm sau, khi Hải còn chưa thức thì chị Mai bắt xe đi Hà Nội khám sức khỏe.
Lê Thượng Hải tại cơ quan điều tra
Một mình trong căn nhà, Hải nảy ra ý định trộm tiền của người tình để trả nợ cờ bạc. Anh ta bẻ khóa hòm tôn lấy 30 triệu đồng cùng 13 chỉ vàng. Hải lấy xe máy của chị Mai đi tới nhà một người quen ở thị xã Phú Thọ rồi vứt xe ở đấy bỏ trốn lên Lào Cai.
Chiều cùng ngày, trên xe từ Hà Nội về Phú Thọ, có linh tính chuyện chẳng lành chị Mai gọi điện cho người yêu nhưng không liên lạc được. Về nhà thấy chiếc hòm đựng tài sản tích cóp và số vàng hồi môn mẹ cho biến mất, chị Mai báo công an. Lệnh truy bắt Hải được phát đi. Chị Mai lúc này mới biết “người yêu” mới chỉ 22 tuổi.
Người đàn bà tâm sự, kết hôn không được bao lâu người chồng nghiện ma túy, đi tù. Sau ly hôn, chị nhận nuôi con và về sống nhờ nhà chị gái. Dù nhiều người theo đuổi nhưng sợ hãi sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, chị không dám mở lòng với ai. Khi Hải xuất hiện, chị lại nuôi hy vọng ở tương lai và cả hai đã bàn đến chuyện làm đám cưới.
Theo nhà chức trách, khi bỏ trốn tới Lào Cai, Hải mang vàng đi bán mua một chiếc Airblade, điện thoại. Sau đó anh ta quay về Phú Thọ diễn màn kịch ân hận, day dứt và không ngừng gọi điện thoại cho người tình đề nghị đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, anh ta bị bắt khi đang sắp xếp quần áo để chuẩn bị chạy trốn tiếp.
Theo Công an nhân dân
Video đang HOT
Những "bẫy tình" gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ tại Việt Nam thông qua hình thức kết bạn trên mạng xã hội, vờ tán tỉnh yêu đương đang có xu hướng gia tăng một cách đáng báo động.
Điều đáng nói là dù đã được cảnh báo trên báo chí truyền thông, nhưng nhiều người vẫn không cẩn trọng với loại tội phạm này khiến cho quy mô, mức độ thiệt hại mà tội phạm này gây ra rất lớn...
"Dính bẫy" của những người tình chưa một lần gặp mặt
Thời gian qua, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã thụ lý hàng trăm vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ tại Việt Nam thông qua hình thức kết bạn trên mạng xã hội, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tình trạng này có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến 2016, cơ quan Công an đã tiếp nhận 58 đơn tố cáo về loại tội phạm này, khởi tố 32 vụ án, 21 bị can (trong đó có 2 bị can người Nigeria) với số tiền chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công an TP Cần Thơ triệt phá 2 chuyên án, bắt 6 đối tượng (2 đối tượng người Nigeria và 4 đối tượng nữ người Việt Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Băng nhóm lừa đảo người Phi kết hợp với các đối tượng người Việt bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá.
Quá trình điều tra mở rộng chuyên án còn xác định đồng bọn của các bị can đã mở 28 tài khoản ngân hàng khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 21 tỷ đồng, đã xác định được 165 bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Ngoài ra, các đối tượng trong nhóm còn liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy xuyên quốc gia...
Cụ thể, ngày 13-7-2016, Công an TP Hồ Chí Minh nhận được đơn tố cáo của bà H. với nội dung: Khoảng tháng 1-2016, thông qua trang Facebook của cá nhân, bà H. làm quen với một người nước ngoài tên Jame Oscar Herera (quốc tịch Mỹ), giới thiệu là kỹ sư hàng hải, sinh sống và làm việc tại Mỹ. Qua vài tháng đầu nhắn tin, nói chuyện qua Facebook, Jame muốn tìm hiểu để cưới bà H. làm vợ vì hiện anh ta đã ly dị vợ 5 năm và có con gái 17 tuổi.
Đến tháng 3-2016, Jame nhắn tin báo cho bà H. biết anh ta đang qua Malaysia thực hiện dự án đầu tư về dầu khí trị giá 4 triệu USD dẫn dầu từ biển vào đất liền. Để tạo lòng tin, Jame còn gửi hình ảnh về dự án này cho bà H. xem và đặt vấn đề nhờ bà H. vay một số vốn để thực hiện dự án. Jame hứa trả lại vốn cho bà trong vòng 5 tháng và còn "thưởng" cho bà 500.000 USD. Nhất là thực hiện xong dự án, Jame sẽ về Việt Nam cưới bà.
Mù quáng nghe theo "người tình chưa một lần gặp mặt", bà H. đã gom góp và vay mượn để 14 lần chuyển với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng cho Jame... Sau khi biết mình bị lừa, bà H. tố cáo đến cơ quan Công an.
Cũng qua mạng xã hội Facebook, chị T.T (41 tuổi, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết bạn với đối tượng tự nhận tên là Morgan Wayne. Morgan giới thiệu mình là sĩ quan lục quân Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Syria và có khoản tiền 100.000 USD cùng hai chiếc đồng hồ vàng muốn gửi về nhà, nhưng do bên Syria có chiến tranh, các ngân hàng đóng cửa không giao dịch được. Morgan muốn gửi về Việt Nam nhờ chị T. giữ hộ và được chị này đồng ý.
Ngày 21-6-2016, một người phụ nữ tự xưng tên là Oanh làm ở Công ty chuyển phát nhanh chi nhánh miền Nam Tân Sơn Nhất gọi điện báo cho chị T. biết là kiện hàng của chị đã về đến cửa khẩu hải quan Việt Nam, yêu cầu chị T. phải đóng 1.800 USD để làm thủ tục và cho số tài khoản ở ngân hàng Sacombank của người tên Nguyễn Thanh Bình để chị T. gửi tiền.
Chị T. đã gửi hơn 41 triệu đồng nhưng đợi mãi không thấy kiện hàng nên gọi lại thì Oanh nói trong kiện hàng có nhiều tiền đô la Mỹ nên phải nộp phạt mới nhận được hàng, do đó yêu cầu chị T. gửi tiếp 5.000 USD. Không mảy may nghi ngờ, chị T. lại gửi tiếp 115 triệu đồng (tương đương 5.000 USD)...
Nhưng sau khi đợi hoài không nhận được hàng, chị T. liền gọi cho Oanh thì máy không liên lạc được nên tìm đến địa chỉ công ty trước đó Oanh cung cấp nhưng không có. Biết đã bị lừa nên chị T. đã đến cơ quan Công an trình báo.
Vào đầu tháng 3-2016, Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Theo đó, nhiều đối tượng người Việt Nam đã liên kết với ba đối tượng người châu Phi tên Zuby, Izi và một người nữa không rõ lai lịch để tạo ra màn kịch lừa đảo.
Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang sang Malaysia làm tiếp viên một quán bar và có quen biết với Đoàn Thị Thu Giang quê ở Hải Phòng. Với ý định lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Skype... nên Giang cùng Trang và ba đối tượng người châu Phi kể trên cùng bàn bạc thống nhất phân công ba đối tượng người châu Phi tạo ra các nick name tên người nước ngoài trên Facebook, sau đó kết bạn với các phụ nữ ở Việt Nam và hứa hẹn sẽ chuyển các thùng hàng bên trong có nhiều tài sản giá trị về Việt Nam. Còn Giang đóng vai là nhân viên hải quan sân bay có trách nhiệm gọi điện cho nạn nhân yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản để đóng thuế hải quan thì mới được nhận hàng.
Trong khi đó, Trang nhận là thư ký riêng của Giang, đồng thời Trang còn móc nối với Huỳnh Thị Ngọc Phương, Trần Xuân Tùng mở 11 thẻ ATM Visa ở nhiều ngân hàng khác nhau để Trang đem ra nước ngoài.
Khi các phụ nữ đồng ý nhận hàng thì các đối tượng đưa ra thông tin như muốn nhận thùng hàng phải đóng thuế hải quan và các khoản phí khác rồi yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản do Trang tạo ra. Sau khi các bị hại chuyển tiền vào thì Trang và Giang trực tiếp rút tiền ra và chia nhau.
Với thủ đoạn trên, bọn chúng đã thực hiện trót lọt 80 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt gần 15 tỷ đồng và 23.996USD. Trong đó có 1 bị hại ở Cần Thơ đã chuyển cho chúng 4,5 tỷ đồng...
Hai đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard, người Nigeria và Huỳnh Hạ Bình trong băng nhóm tội phạm lừa đảo bị Công an TP Cần Thơ triệt phá.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo Cục Cảnh sát hình sự, từ những vụ việc trên cho thấy tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng bẫy tình để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản, hoạt động rất tinh vi, có tổ chức với phương thức rất đa dạng.
Đối tượng tội phạm có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài kết hợp với người Việt Nam để lừa đảo. Riêng nhóm đối tượng người nước ngoài chủ yếu cầm đầu đường dây hoạt động này là người gốc Phi (Nigeria), lên mạng xã hội nhắn tin làm quen với bị hại, dùng hình ảnh của người khác giới thiệu mình có cuộc sống thành đạt, là người châu Âu; đánh vào tâm lý người dân muốn quen người nước ngoài, tính hám lợi của bị hại, nhắn tin gửi quà tặng có giá trị lớn từ nước ngoài cho bị hại, đồng thời cấu kết với đối tượng người Việt Nam đóng giả các nhân viên công ty giao nhận hàng hóa, nhân viên sân bay, cán bộ hải quan...
Có thể nói, bọn tội phạm đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý từ thông tin của phụ nữ độc thân trên các mạng xã hội để tiếp xúc, làm quen với bị hại trong khoảng thời gian dài để tìm hiểu nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, sinh hoạt đời sống cá nhân, từ đó dẫn dụ, bày ra các thủ đoạn lừa đảo thật hợp lý.
Với những bị hại là phụ nữ có độ tuổi ngoài 30 đang trắc trở về hôn nhân, sính ngoại... thì đối tượng người nước ngoài nhắm vào tâm lý lòng tham, trang sức, thích chồng ngoại, viễn cảnh một cuộc sống hôn nhân với các doanh nhân người nước ngoài hoặc thích làm từ thiện, có máu đầu tư kinh doanh. Còn nếu bị hại là các cô gái trẻ thì đối tượng đánh vào tâm lý thích đẹp trai, ga lăng, con nhà khá giả, sẵn sàng tìm việc làm cho bạn gái... để lợi dụng.
Không chỉ giỏi nắm bắt tâm lý của phụ nữ, giỏi ăn nói, mà các đối tượng gây án còn am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Vì thế, nhiều phụ nữ không cảnh giác đã dễ dàng "dính bẫy" của chúng.
Qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, Tổng cục Cảnh sát đánh giá quy mô, mức độ thiệt hại mà loại tội phạm này gây ra là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội và sự phát triển lành mạnh của cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam...
Trên thực tế, số vụ việc lừa đảo theo hình thức này xảy ra khá nhiều, tuy nhiên nhiều trường hợp bị hại do tâm lý e ngại, sợ mất thanh danh, uy tín, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình nên không trình báo hoặc khai báo vụ việc một cách chung chung gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, khám phá. Việc phá án loại tội phạm này không hề dễ dàng vì các mạng xã hội thường có trụ sở nước ngoài, khó phối hợp xác minh, tra cứu thông tin...
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán điện tử của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam còn nhiều sơ hở, phần lớn chưa được bảo mật tốt. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa đầy đủ, chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế.
Ngoài ra, tội phạm chủ yếu sống ở nước thứ ba nên việc xác minh gặp khó khăn. Nếu sống tại Việt Nam, họ cũng ở khép kín trong căn hộ của các khu chung cư, ít tiếp xúc với người lạ và không sử dụng tên thật để giao tiếp. Những kẻ lừa đảo cũng thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở nên khó phát hiện...
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng bẫy tình để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản vẫn còn diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp để đối phó với cơ quan Công an.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ qua mạng xã hội bằng hình thức bẫy tình nói riêng, Tổng cục Cảnh sát khuyến cáo người dân cần tỉnh táo nhận biết nguy cơ bị lừa đảo khi nhận được tin nhắn hay yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội từ người nước ngoài không quen biết; khi nhận được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dân phải bình tĩnh không làm theo yêu cầu của đối tượng và khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần thông báo cho cơ quan Công an biết để phối hợp, ngăn chặn kịp thời.
Theo Phú Lữ - Công Bình
Cảnh sát toàn cầu
Đập vỡ kính ôtô không gây tiếng động để trộm tiền bao bạn gái Hai chiếc xe đỗ ven đường đã bị một thợ cơ khí đập vỡ kính mà không gây tiếng động nhằm trộm cắp điện thoại, đồng hồ... Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đang tạm giữ Ngô Minh Điệp (25 tuổi) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản, đồng thời truy bắt đồng phạm của nghi can này. Một trong...