Người đàn bà 40 năm “thủ tiết” thờ chồng
Chiến tranh đã lùi xa, hơn 40 năm qua đi là nửa đời một con người, đó cũng là kể từ ngày đại đội pháo cao xạ 37 ly mất đi người đại đội trưởng tài ba của mình. Đó là người liệt sĩ- Anh hùng LLVTND tên Đặng Bá Hát. Kể từ ngày ấy, người vợ vẫn một lòng thủy chung, son sắt “thủ tiết” thờ chồng mà một mình đảm đương vai trò của người mẹ, người cha để thay chồng nuôi con…
Cuộc gặp gỡ nơi bom đạn chiến trường
Nằm trên một con phố vắng thuộc TP. Hạ Long, ngôi nhà nhỏ của gia đình liệt sĩ- Anh hùng Đặng Bá Hát những ngày này lại tĩnh lặng, âm thầm hơn, nhưng câu chuyện về những ngày chiến đấu chống lại với bom đạn của đế quốc Mỹ vẫn chưa bao giờ bị lãng quên. Ở trong ngôi nhà nhỏ mà ấm áp tình người ấy có một ký ức luôn được một người phụ nữ nhắc đi nhắc lại, và được gìn giữ, nâng niu suốt 40 năm qua- đó là câu chuyện tình yêu cảm động, nghĩa vợ chồng thủy chung của bà Hoàng Thị Mát với người chồng của mình.
Với chất giọng trầm buồn mà rắn rỏi: “Thế mà thời gian thấm thoắt cũng đã 40 năm trôi qua, nghĩ lại nhiều lúc tôi cũng đã không thể hiểu được vì sao và bằng cách nào mà tôi đã có thể vượt qua một chặng đường dài đến vậy để đến với ngày hôm nay? Có lẽ bởi trên chặng đường đó tôi luôn có tình yêu và anh ấy luôn ở bên cạnh và có thêm động lực từ phía các con nữa…!”
Nhắc đến chồng mình, bà Mát nhấp ly nước trà rồi đứng lên, tiến lại phía bàn thờ gia tiên thắp nén hương thơm, nhìn vào bức ảnh trên ban thờ. Bà nói: “Đó là anh ấy, người mà suốt 40 năm qua vẫn luôn sát cánh cùng tôi nuôi dạy các con trưởng thành, và không khiến tôi cảm thấy cô đơn trên suốt chặng đường dài…!”.
Bà Hoàng Thị Mát bên di ảnh chồng- liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát
Liệt sĩ- Anh hùng Đặng Bá Hát sinh ra và lớn lên ở huyện Tứ Lộc (tỉnh Hải Hưng cũ, nay là tỉnh Hưng Yên) vốn là người cương trực và là người đẹp trai, thanh tú…
Kể lại câu chuyện tình yêu của mình với chồng ngày ấy, bà Mát còn nhớ như in: “Đợt đó, trước khi ông bà gặp nhau, liệt sĩ Đặng Bá Hát đã có hứa hôn với một cô thiếu nữ cùng quê. Mặc dù không ưng, nhưng vì nghĩa phải theo nên liệt sĩ Đặng Bá Hát cũng đành. Ngày ấy cha ông vốn dĩ là một thương nhân buôn bán nhỏ, nên có mối quan hệ sâu rộng. Sau kháng chiến chống Pháp, ông xuất ngũ về quê theo phụ giúp công việc của bố. Một thương gia vốn là chỗ thân tình với cha của liệt sỹ Đặng Bá Hát, có một cô con gái vừa tròn 18 tuổi, nhan sắc nức tiếng vùng Hải Hưng ngày ấy. Thấy chàng trai trẻ Đặng Bá Hát khôi ngô, điềm đạm lại có tài nên mới ngỏ ý muốn kết làm sui gia. Nhưng rồi khi gia đình 2 bên đã rục rịch chuẩn bị đám cưới thì Đặng Bá Hát bất ngờ ông “trốn” ra Quảng Ninh và xin vào làm việc tại Phân xưởng Đống – Bến (Xí nghiệp Than Hòn Gai) với lý do “gác lại duyên tình, theo cuộc binh đao” để bảo vệ tổ quốc.
Video đang HOT
Trong thời gian này, ông đã quen và nảy sinh tình cảm với cô thiếu nữ Hoàng Thị Mát, khi cô đang là công nhân tại Xí nghiệp than Hòn Gai. Họ đã cùng nhau huấn luyện và chiến đấu chống lại quân Mỹ xâm lược.
“Lần đầu tôi gặp anh ấy, một chàng trai với vẻ khôi ngô, điềm đạm, rắn rỏi của một người lính đã trải qua chiến tranh. Cứ mỗi lúc rảnh rỗi anh ấy lại dẫn tôi đi chơi, thường thì những câu chuyện của anh kể là những trận chiến đấu mà anh đã từng tham gia và kỹ niệm chiến trường, dù gia đình không ai theo nghiệp binh, nhưng không hiểu sao những câu chuyện của anh kể tôi rất muốn nghe mãi mà không chán. Trước nay mọi người cứ nghĩ Lính là nghiêm nghị và thô, nhưng anh lại hoàn toàn khác, tâm hồn lãng mạn thơ ca, vui lắm….” nụ cười rạng rỡ, bà Mát nhớ lại.
Được một thời gian quen nhau rồi “bén duyên” và họ hẹn thề, để rồi muốn cùng nhau xây dựng ngôi nhà hạnh phúc. Vào cuối năm 1962, một đám cưới đơn giản được tổ chức để hoàn thành giấc mơ của hai người…
Chiến tranh- “nhát cứa” của chia ly, cách biệt
Năm 1964, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, lực lượng tự vệ của Xí nghiệp than Hòn Gai đã được thành lập để phối hợp bảo vệ vùng trời thị xã. Đến cuối năm 1967, đại đội pháo 37 ly mang phiên hiệu C34, thuộc tiểu đoàn tự vệ bến Hòn Gai ra đời và Đặng Bá Hát được phân công trách nhiệm làm đại đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ.
Biên chế đại đội lúc này có gần 40 cán bộ chiến sĩ, với 4 khẩu pháo trực chiến suốt ngày đêm. Xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình là cực kì quan trọng và vốn là bộ đội phục viên có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy chiến đấu, Đặng Bá Hát đã trở thành “thành chủ” trong mỗi trận đánh ác liệt.
Di ảnh Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát
Rồi câu chuyện bỗng dưng đứt quãng, giọng bà Mát nghẹn lại: “Tôi nhớ rất rõ chiều ngày 11/7, anh ấy có về thăm nhà một lúc. Do chiến tranh ác liệt, nên tôi đã gửi 3 đứa nhỏ đi sơ tán với anh em. Trước khi đi anh ấy còn nói “Sau đợt này, tôi về, mình đi thăm các con nhé. Anh nhớ bọn nhỏ lắm rồi!”. Thế rồi, ngay từ sáng sớm ngày hôm sau cho đến gần 16h chiều, khi đang trú bom trong hầm, tự nhiên tôi thấy chợt giật mình rồi một cảm giác ớn lạnh như chạy dọc sống lưng. Linh tính mách bảo như có sự chẳng lành, sau trận càn của giặc, tôi hớt hải chạy về nhà. Đúng lúc ấy có người đến báo tin, đồi pháo bị đánh bom, anh Hát hy sinh rồi…! Không kịp nghe thêm gì, Tôi vội vàng lao ra khỏi nhà, rồi chạy băng qua các hố bom tìm đến nơi để thi thể anh ấy cùng nhiều người đồng đội. Vậy là lời hứa sớm về cùng tôi đi thăm các con của anh đã không bao giờ thực hiện được nữa…!”.
Trong trận chiến ngày hôm ấy, Mỹ đã tung liên tiếp nhiều tốp máy bay liên tục đánh “mạng sườn” từ nhiều hướng vào trận địa pháo của đại đội. Sau nhiều lần cương quyết chống trả địch nhưng do lực lượng, mỏng nên không thể cầm cự được lâu. Một chiếc máy bay sau khi lọt qua được hàng đạn pháo cao xạ, đã dội thẳng bom vào trận địa pháo. Dù đã bị thương, nhưng liệt sĩ- Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát vẫn một tay giữ chặt vết thương, miệng vẫn hô to, tay tay phất cờ lệnh để nã những loạt pháo cuối cùng vào máy bay địch. Liệt sĩ- Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát nằm xuống ngay bên tháp pháo, tay vẫn còn cầm cờ lệnh.
40 năm “thủ tiết” thờ chồng
Vậy là 40 năm đã trôi xa, nó dài đến nửa đười người, kể từ sau ngày chồng hy sinh, bà Mát nén đau thương và vùi mình trong cuộc sống đời thường với bộn bề lo toan, một mình nuôi 3 đứa con nhỏ.
Ký ức về chồng với quãng thời gian dù ngắn ngủi nhưng đầy tự hào, đủ để bà thấy mình mạnh mẽ hơn. Những lúc mệt mỏi, bi quan tưởng chừng gục ngã trước muôn vàn khó khăn, thử thách, chính tình yêu của người chồng quá cố và trách nhiệm với con thơ đã khiến bà không còn cô đơn mà rắn rỏi vượt qua.
Bà Mát chia sẻ: “Chính những kí ức ngọt ngào ngày còn hạnh phúc bên nhau và nhiều đêm nằm ngủ, trong giấc mơ bà thấy ông về. Mỗi lần “về gặp” bà, ông không quên cầm trên tay bó hoa cúc dại tặng bà như lúc ông còn sống mỗi lần về thăm nhà kèm theo lời nhắn gửi hãy chăm sóc các con cho cả anh em nhé! Đừng để các con phải sống thiếu thốn, vì chúng đã thiệt thòi rồi…!”
Chia tay người phụ nữ khi những tia nắng cuối cùng đã tắt, nhường chỗ cho ánh sáng của đèn cao áp chiếu xuống mặt đường vàng khè. Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi, tôi biết ở một góc nhỏ của thành phố biển vẫn đang rung lên dịu nhẹ một nốt trầm của tình yêu người lính, còn sống mãi và tôi thấy lòng mình thêm ấm áp…
Theo Khampha
Đường phố mang tên chiến sĩ CAND
Ngày 18/8, UBND TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ gắn biển tên đường phố mang tên người chiến sĩ CAND - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bể.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu dự lễ gắn biển tên đường phố mang tên Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bể. (Ảnh: Duy Hiển).
Con đường mang tên Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bể có chiều dài 911m, rộng 23m thuộc địa bàn phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bể, nguyên Đội trưởng Đội phản gián, Ty Công an Hải Dương, sinh năm 1913 (tại xã Thượng Vũ, Kim Thành, Hải Dương) trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bể, tham gia cách mạng từ sớm, năm 1949, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội phản gián, Ty Công an Hải Dương. Cùng với các đồng đội, Nguyễn Đình Bể đã làm tốt nhiệm vụ phòng gian, bảo mật; dũng cảm, mưu trí tổ chức những trận đánh táo bạo trừng trị, làm hoang mang bọn ác ôn, tay sai, chỉ điểm của địch... góp phần bảo vệ phong trào cách mạng.
Đầu năm 1951, Nguyễn Đình Bể cùng 16 đội viên phản gián bị bắt trong một cuộc vây ráp của giặc Pháp. Sau nhiều ngày tra khảo không thu được kết quả, đêm 3/2/1951, giặc Pháp đã bí mật đưa ông lên thuyền, ra giữa dòng sông Hương (thuộc xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương), bí mật thủ tiêu người cán bộ Công an kiên cường...
Ghi nhận công lao và gương hi sinh anh dũng của người cán bộ Công an trung kiên, năm 1957, Nhà nước đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công và truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì cho ông. Ngày 1/9/2000, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 26/2/2013, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba...
Nhân kỷ niệm 69 năm cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày truyền thống lực lượng CAND, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định đặt tên đường phố mang tên ông. Đây là tuyến đường phố khang trang thuộc khu đô thị mới của TP Hải Dương.
Tuấn Hợp
Theo dantri
Tìm thấy mộ liệt sĩ tập thể nằm sát quốc lộ 1A Ngày 11/8, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền địa phương đã tiến hành khai quật mộ liệt sĩ tập thể và cất bốc đưa 9 liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hiện trường tìm thấy mộ liệt sĩ Địa điểm khai quật...