Người đặc biệt đứng phía sau nhà vô địch Lý Hoàng Nam
Dưới sự dẫn dắt của ông, Hoàng Nam tiến bộ vượt bậc, thậm chí có thể thấy rõ qua từng giải đấu, qua mỗi giai đoạn tập huấn ngắn.
HLV Trần Đức Quỳnh không sát cánh bên Hoàng Nam tại Wimbledon trẻ 2015 song kỳ tích lịch sử cùng cả hành trình vươn tới đỉnh cao của nhà vô địch Grand Slam trẻ có công lao và dấu ấn quyết định của ông.
HLV Trần Đức Quỳnh góp công lớn trong sự thành công của Lý Hoàng Nam. Ảnh: TN.
Thành quả ngoạn mục của Hoàng Nam là sự kết hợp hoàn hảo giữa một tài năng đặc biệt với một quy trình đào tạo chuẩn quốc tế tại “lò” Becamex Bình Dương. May mắn cho Hoàng Nam và quần vợt Việt Nam, khi vừa khởi nghiệp, cậu bé 9 tuổi quê Tây Ninh gặp được ông thầy trẻ tràn đầy nhiệt huyết, khát khao và đặc biệt giỏi chuyên môn Trần Đức Quỳnh.
Trần Đức Quỳnh vốn là một tượng đài quần vợt, từng giành hai chức vô địch quốc gia. Sau khi giải nghệ, ông sớm khẳng định được khả năng huấn luyện xuất sắc, nhờ kinh nghiệm dày dạn, các khóa học bài bản của quốc tế cùng cách nghĩ cách làm khác biệt. Khi cập bến đất Thủ, nơi mới hình thành một mô hình đào tạo xã hội hóa với các điều kiện tốt nhất nước, ông từng tích lũy được “lưng vốn” làm thầy hiếm có qua thời gian huấn luyện ở TP HCM và Hà Nội.
Video đang HOT
Với con mắt xanh, Trần Đức Quỳnh đã nhìn ra ngay tố chất hiếm có nơi cậu bé 9 tuổi Hoàng Nam tại giải trẻ toàn quốc 2008 với tấm HC vàng lứa tuổi U10. Dù tay vợt nhí quê Tây Ninh chơi hoàn toàn hồn nhiên, kỹ thuật gần như chưa có gì, thậm chí động tác còn sai cơ bản rất nhiều, với ông Quỳnh, cậu là một “của hiếm”. Chính ông đã đề xuất đưa thẳng Hoàng Nam vào tuyến năng khiếu của Becamex Bình Dương. Tại đây, ông đã trực tiếp xác lập lộ trình, giải pháp đào tạo cho cậu học trò nhỏ, cũng như trực tiếp kèm cặp toàn diện, cả chuyên môn lẫn sinh hoạt.
Ngoài việc rèn giũa Hoàng Nam từ thể lực, di chuyển, kỹ năng, chiến thuật một cách hết sức bài bản, quan trọng nhất, HLV Đức Quỳnh đã sớm tạo ra cho học trò một tư duy hiện đại, khát vọng vươn cao cùng nề nếp tập luyện, sinh hoạt chuyên nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của ông, Hoàng Nam tiến bộ vượt bậc, thậm chí có thể thấy rõ qua từng giải đấu, qua mỗi giai đoạn tập huấn ngắn. Ông cũng thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hoàng Nam với quyết định chính xác về thời điểm bắt đầu tung học trò ra tranh tài, cũng như chọn lựa các giải đấu phù hợp, từ giải trẻ tới quốc gia, từ trong nước đến quốc tế.
HLV Trần Đức Quỳnh vạch rõ lộ trình phát triển của Lý Hoàng Nam. Ảnh: KL.
Năm 2012, ông dẫn dắt Hoàng Nam đoạt ngôi vô địch quốc gia ở tuổi 15 và 8 tháng, tạo ra một cuộc đột phá về mọi mặt. Sau đó, hai thầy trò bắt đầu liên tiếp xuất ngoại để dự tranh các giải trẻ quốc tế trong hệ thống ITF. Ngoài thành tích, số điểm tích lũy, sự thăng tiến chóng mặt trên bảng xếp hạng trẻ thế giới, Hoàng Nam đã thực sự trở thành một tay vợt trẻ đúng chuẩn quốc tế. Năm 2013, cùng với ông thầy ruột, Hoàng Nam tiếp tục bước lên một nấc cao mới với tấm HC vàng Đại hội thể thao trẻ châu Á.
Mãi gần đây, vì nhiều lý do, trong đó bản thân bận theo một khóa đào tạo chuyên sâu tại Mỹ, nên HLV Trần Đức Quỳnh không trực tiếp kèm cặp Hoàng Nam. Thay vào đó, HLV người Thụy Điển Cristian, ông thầy ngoại đã nhận được một Hoàng Nam ngời ngời triển vọng. Dù không có mặt để chứng kiến giây phút học trò cưng nâng cao chiếc Cup tại Wimbledon trẻ, ông Trần Đức Quỳnh chính là người hạnh phúc và vinh dự nhất.
Tất cả kế hoạch, mục tiêu từng năm, trung hạn và dài hạn mà HLV Trần Đức Quỳnh đặt ra cho Nam giờ đều đã thành hiện thực.
Theo VNE
Lý Hoàng Nam nhận thưởng bằng một phần nhỏ của Ánh Viên
Hai ngôi sao thể thao có điểm chung lý thú khi cả hai đều không để ý tới tiền và không biết tiêu tiền.
Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cùng nhà vô địch Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam là hai hiện tượng lớn nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2015. Thậm chí, kỳ tích của họ còn tạo ra cột mốc lịch sử hàng chục năm mới có được. Tuy nhiên, nếu như Ánh Viên lập kỷ lục về tiền thưởng, với tổng giá trị tiền mặt và hiện vật có thể vượt quá 4 tỷ đồng, thì Hoàng Nam chỉ nhận được một khoản khiêm tốn, khoảng 100 triệu đồng, chỉ bằng 1 phần 40 so với ngôi sao ở môn bơi.
Lý Hoàng Nam tập trung tối đa cho mục tiêu top 200 ATP trong hai năm tới. Ảnh: KL.
Có nhiều lý do khiến Hoàng Nam "phải chịu thiệt thòi". Đầu tiên, VĐV quê Tây Ninh không được hưởng hiệu ứng và sức lan tỏa đặc biệt giống như Ánh Viên gắn với sự kiện SEA Games 28. Chỉ cần Nam đoạt HC vàng đơn nam môn quần vợt SEA Games 28, câu chuyện có thể đã hoàn toàn khác. Thứ hai, Wimbledon trẻ là một giải đấu danh giá bậc nhất song lại không nằm trong danh mục được thưởng theo quy định của nhà nước. Thứ ba, có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất, đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương chủ trương trước mắt không thưởng thành tích bằng tiền. Cuối cùng, ban tổ chức Wimbledon không thưởng tiền cho danh hiệu ở các nội dung trẻ.
Bởi thế, tính từ các nguồn thưởng, trong đó ngành thể thao đề xuất vận dụng linh hoạt thưởng cho Nam giống như một tuyển thủ đoạt HC vàng giải trẻ thế giới ở một môn Olympic, tay vợt quê Tây Ninh sẽ chỉ có tổng cộng khoảng 100 triệu đồng.
Tất nhiên, sự so sánh tiền thưởng của Hoàng Nam với Ánh Viên là khập khiễng, bởi mỗi môn, mỗi trường hợp đều mang tính đặc thù. Quan trọng nhất, với hai ngôi sao, số tiền thưởng cũng không phải điều phải đáng quan tâm. Viên hoàn toàn xứng đáng với phần thưởng "khủng" của mình, còn Nam cũng chẳng hề lăn tăn gì. Thành quả lớn nhất VĐV họ Lý có được chính là chiếc Cup đôi nam vô giá ở một Grand Slam trẻ, được cả làng banh nỉ thế giới biết đến, mang lại một cú "hích" ngoạn mục cho chính mình và quần vợt Việt Nam. Từ đây, Nam sẽ được ngành thể thao, đơn vị chủ quản đưa vào diện đầu tư đặc biệt, cũng như có thể dễ dàng tìm kiếm các nhà tài trợ.
Mức thưởng tạm thời có thể khác nhau, nhưng Hoàng Nam và Ánh Viên lại có một đặc điểm chung lý thú khi cả hai đều không để ý tới tiền và không biết tiêu tiền. Với hai tài năng xuất chúng của thể thao Việt Nam, sự tập trung tối đa cho việc tập luyện, thi đấu cùng mục tiêu chinh phục các đỉnh cao quốc tế mới là quyết định.
Ánh Viên đang hướng tới đích giành huy chương Olympic và HC vàng Asiad, trong khi Hoàng Nam phấn đấu trở thành tay vợt đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 300 hay top 200 ATP trong hai năm tới.
Theo VNE
5 kỳ tích lịch sử của nhà vô địch Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam Anh đang mang đến một hiệu ứng, sự lan tỏa, có thể giúp thay đổi quần vợt Việt Nam vốn đang đì đẹt dưới 'đáy'. Ngoài chức vô địch đôi nam tại Wimbledon trẻ 2015, tay vợt 18 tuổi quê Tây Ninh còn tạo nên hàng loạt cột mốc độc nhất vô nhị cho quần vợt Việt Nam sau 9 năm ăn tập....