Người có lương hưu 10 triệu đồng được tăng thêm 800.000 đồng
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu sau quyết định tăng chung 8% cho các đối tượng vì nhiều bất cập bộc lộ. Với mức tăng chung 8%, người có mức lương hưu càng cao thì lương hưu tăng thêm càng lớn, người có lương thấp mức tăng thêm lại thấp…
Báo cáo Chính phủ xem xét việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng năm 2015 trong phiên họp thường kỳ tháng 11 hôm qua, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc tăng lương 8% cho người nghỉ hưu mà Quốc hội quyết định mới đây, khoản kinh phí tăng thêm ngân sách phải chi vào khoảng 3.355 tỷ đồng.
Việc tăng lương này có ưu điểm đảm bảo được tương quan về tiền lương khi đang tại chức của người nghỉ hưu, đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng trong bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án tăng chung 8% trên mức lương hưu hiện hưởng thì người có mức lương hưu càng cao thì mức lương hưu tăng thêm càng lớn, ngược lại người có mức lương hưu thấp thì mức tăng thêm thấp.
Cụ thể, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo, khoảng 12.700 người có mức lương hưu từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được điều chỉnh tăng thêm ít nhất là 800.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, khoảng trên 100.000 người có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng chỉ được điều chỉnh tăng thêm dưới 160.000 đồng/tháng. Những người hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở chỉ được điều chỉnh tăng thêm 92.000 đồng/tháng. Khoảng 250.000 người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng được điều chỉnh tăng thêm khoảng 136.000 đồng/tháng. Trên 66.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91, Quyết định số 613 chỉ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 60.000 đồng/tháng.
Video đang HOT
Việc tăng lương hưu 8% từ tháng tới theo đó, sẽ càng làm tăng khoảng cách chênh lệch về lương hưu. Đối với những người có mức lương hưu thấp thì mức lương hưu tăng thêm không đáp ứng được.
Ngoài ra, trong nhóm đối tượng đang tại chức, việc tăng lương lần này cũng chỉ áp dụng với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống, tương ứng với mức tiền lương theo ngạch, bậc từ 2.691.000 đồng/tháng trở xuống).
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của các đại biểu Quốc hội về mức lương hưu của người nghỉ hưu trước thời điểm tháng 4/1993 rất thấp so với giai đoạn từ tháng 4 năm này trở về sau.
Rà soát thực tế lương hưu năm 2013 cho thấy, bình quân lương hưu của những người nghỉ hưu trước tháng 4 năm 1993 là 3,35 triệu đồng/người/tháng và của những người nghỉ hưu từ tháng 4 năm 1993 trở đi là 3,78 triệu đồng/người/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thống kê được tỷ lệ, số người nghỉ hưu trước năm 1993 có mức lương hưu dưới mức trung bình chiếm 69,8% tổng số người hưởng hưu trước 1993.
Trước những bất cập đó, ngày 11/11/2014, Bộ LĐ,TB&XH đã làm tờ trình đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thực hiện việc điều chỉnh lương hưu từ 1/1/2015 tới đây kết hợp với việc xử lý lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Cụ thể, nhóm đối tượng này sẽ được hưởng mức tăng thêm là 10-12% (cao hơn 2-4% so với mức tăng chung 8%).
Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng Nghị định về điềuc hỉnh lương hưu này. Riêng việc xử lý chênh lệch lương hưu của những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất hướng xử lý trong đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
P.Thảo
Theo dantri
10.000 tỷ đồng tăng lương cần tập trung cho người thực sự khó khăn
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi băn khoăn, quyết định tăng lương 8% năm tới cho một số nhóm đối tượng chưa thực sự thể hiện tính chất chia sẻ khó khăn. Khoảng 200.000 người nghỉ hưu đang hưởng mức lương trên 10 triệu đồng/tháng vẫn được tăng.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua kế hoạch Chính phủ đề xuất, thu xếp 10.000 tỷ đồng để tăng lương cho 3 đối tượng trong năm sau là người có công; người về hưu; cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (tương đương mức lương hàng tháng là 3 triệu đồng/tháng trở xuống). Mức tăng là 8% lương tối thiểu hiện hành, tương đương 90.000 đồng/tháng/người.
Do tình hình ngân sách eo hẹp, không thể tăng lương theo lộ trình cho tất cả các nhóm đối tượng (nếu tăng lương cho tất cả với mức bình quân chỉ 100.000 đồng/người/tháng, ngân sách sẽ phải chi hơn 40.000 tỷ đồng) nên phương án này đã được chọn để hỗ trợ cho những nhóm người dân khó khăn hơn cả.
Tuy nhiên, chia sẻ tâm tư về việc này bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét, phương án này vẫn chưa thực sự đảm bảo mục tiêu chia sẻ khó khăn vì với nhóm đối tượng là người nghỉ hưu, mức tăng là đồng đều như nhau. Do đó 10.000 tỷ đồng cần tập trung cho nhóm đối tượng thật sự khó khăn.
Nhấn mạnh tính chất của lương hưu không phải để làm giàu mà để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mỗi người khi không còn sức lao động, ông Lợi bình luận, tăng lương đồng loạt nghĩa là những người hiện hưởng lương hưu rất cao, thậm chí đến hàng chục triệu đồng/tháng cũng sẽ được tăng lương thêm 8%. Mức tăng này, theo ông Lợi, không cần thiết đối với nhóm đối tượng này trong khi rất nhiều người khác cần được chi chút từng đồng vì lương hưu quá thấp, không đủ sống.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội dẫn chứng nhóm những người về hưu từ trước 1/1/1995 và đặc biệt là trước năm 1993, hiện tại cuộc sống rất khó khăn vì mức chênh lương rất lớn do thay đổi chính sách. Nếu chính sách xác định để chia sẻ khó khăn thì phải xét trước hết đến nhóm đối tượng này, thậm chí ngay cả nhóm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có mức lương dưới 5 triệu cũng có thể còn khó khăn.
"Theo tôi, đáng ra khoản 10.000 tỷ tăng lương lần này cần dành để tập trung cho nhóm đối tượng những người thật sự khó khăn vì đây là giải pháp tình thế, ví như những người nghỉ hưu trước 1/1/1993 vì lương của họ rất thấp. Tôi cũng đã từng phát biểu đề cập việc cần điều chỉnh lương với nhóm đối tượng này. Ví dụ, cùng một chức danh nếu về hưu sau thời điểm này, lương cao hơn nhiều so với người về trước 1993" - ông Lợi nói.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đưa thêm một con số thống kê, tại TPHCM, 15% số người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn chuẩn nghèo của thành phố là 1.340.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại cả nước có khoảng 200.000 người đang có mức lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng. Có cần thiết tăng lương với nhóm đối tượng này là câu hỏi ông Lợi đặt ra?
Giải pháp căn cơ hơn, theo Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội là phải cải cách cho được chế độ tiền lương để mỗi người có thể sống được với đồng lương thực sự của mình. Tuy nhiên, bàn tới việc này trong bối cảnh bộ máy vẫn cồng kềnh, phình lớn như hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi cho là... quá khó, bất khả thi.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội thông qua phương án giảm lương hưu - Theo dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua,lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Quốc hội thông qua dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) với hơn 71% đại biểu tán thành....