Người chồng F0 kiên cường sống vì 2 con sau ngày vợ ra đi do Covid-19
Thấy bệnh nhân suy sụp sau khi vợ mất, các bác sĩ liên tục động viên người chồng nhìn về phía trước, vì hai con nhỏ và những người thân còn lại mà chiến đấu, không được khuất phục trước Covid-19.
Cú sốc vợ qua đời trong dịch
Ba tháng qua, với anh L.V.L. (47 tuổi, ngụ tại Quận 4, TPHCM) là khoảng thời gian giông bão nhất cuộc đời, khi vừa mất đi người đầu ấp tay gối, bản thân cũng suýt bị Covid-19 đoạt mạng.
Đêm 19/11, người dân trên khắp mọi miền đất nước cùng tắt đèn, thắp nến tưởng niệm hơn hai vạn đồng bào vĩnh viễn ra đi giữa đại dịch Covid-19. Hàng nghìn bi kịch gia đình đã xảy ra, bao tang tóc, xót xa được nhìn lại.
Trong số đó, TPHCM là nơi chứng kiến nhiều nước mắt nhất khi có hơn 17.000 bệnh nhân không qua khỏi. Đau thương không thể nào bù đắp một sớm một chiều, cho những người ở lại.
Ngày 13/8, anh L. được đưa vào bệnh viện (BV). Kể với bác sĩ, anh cho biết có tiền sử đái tháo đường túyp 2, đã xuất hiện triệu chứng ho, sốt một tuần và khó thở liên tục 2 ngày. Vợ anh trước đó đã được xác định mắc Covid-19 và cũng đang điều trị.
Tại Bệnh viện Gia An 115, anh L. nhanh chóng được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe của anh tương đối thuận lợi cho đến cái ngày định mệnh, anh biết tin vợ ra đi sau thời gian chống chọi Covid-19. Người chồng suy sụp. Nỗi đau mất vợ và những suy nghĩ tiêu cực khiến anh muốn buông xuôi. Thể trạng vì thế nhanh chóng diễn tiến nặng hơn.
Ngày 21/8, bệnh nhân được can thiệp thở máy oxy dòng cao (HFNC), với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi do Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch. Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu người bệnh vẫn mang tâm lý không thiết sống và không hợp tác điều trị, hậu quả sẽ khôn lường.
Anh L. những ngày chống chọi với Covid-19, sau khi vợ qua đời (Ảnh: BVCC).
Video đang HOT
Kiên cường chiến đấu vì hai con
Tại Trung tâm điều trị Covid-19, song song với việc liên tục theo dõi tình trạng người bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp, các y bác sĩ đã tích cực chia sẻ, nâng đỡ tâm lý, để anh L. lấy lại nghị lực sống.
“Chúng tôi thường xuyên động viên anh nhìn về phía trước, vì hai con nhỏ đang phải ở nhà với ông bà, vì chính anh và những người thân còn lại của mình mà phải sống” – các bác sĩ điều trị chia sẻ.
Tình phụ tử và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế cuối cùng cũng giúp anh L. vực dậy. Bệnh nhân khôi phục tinh thần, tích cực hợp tác với các y bác sĩ, nỗ lực chiến đấu với Covid-19 để có thể trở về làm chỗ dựa cho hai con thơ đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Chỉ trong ít ngày, sức khỏe anh L. dần tiến triển khả quan hơn.
Đến ngày 27/8, anh không còn phải thở HFNC, chuyển xuống trợ thở qua mặt nạ. Bệnh nhân cũng bắt đầu được các bác sĩ Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng hướng dẫn thực hiện các bài tập thở, nhằm tránh tối đa các di chứng của Covid-19 kéo dài. Ngày 4/9, anh L. hồi phục sức khỏe và các chức năng sinh hoạt, được xuất viện trở về nhà.
“Nhìn trước mặt lúc nào cũng thấy con, nhớ con da diết, tự nhiên tôi mạnh mẽ lên. Tôi cứ nghĩ trong đầu, mình nhất định phải khỏe, phải sống để trở về, thì mình sẽ sống” – anh L. tâm sự sau ngày rời viện.
Giờ đây khi đã là gà trống nuôi con, nỗi đau mất vợ còn đó, người chồng động viên những F0 khác mạnh mẽ, kiên cường để cùng vượt qua Covid-19, ít nhất là giống như anh, đã kiên cường chiến thắng bệnh tật để làm chỗ dựa cho các con.
Trung tâm điều trị Covid-19 của BV Gia An 115 thời điểm dịch Covid-19 tại TPHCM căng thẳng (Ảnh: BVCC).
Đây cũng là một trong những trường hợp mà y bác sĩ Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Gia An 115 không thể nào quên. Họ cho biết, đã có nhiều F0 nhập viện trong tình trạng vô cùng lo lắng, hoang mang, thường xuyên nghĩ đến những tình huống tồi tệ nhất. Nỗi sợ hãi càng tăng khi F0 đã liên lạc với nhiều cơ sở y tế mà chưa được tiếp nhận.
“Để chiến thắng Covid-19, tinh thần người bệnh là một “liều thuốc” rất quan trọng. Khi người bệnh lạc quan, mạnh mẽ, phối hợp tích cực với thầy thuốc, cơ hội điều trị thành công sẽ cao hơn” – các bác sĩ chia sẻ.
TS.BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc BV Gia An 115 cho biết, từ khi chuyển đổi công năng một phần đến nay, tại cơ sở này, đã có gần 700 người bệnh Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện từ Trung tâm điều trị Covid-19 (quy mô 250 giường bệnh, bao gồm 34 giường hồi sức cấp cứu của BV). Trong đó, rất nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được chữa khỏi. BV cũng triển khai chương trình “Chuyến xe thiện nguyện 0 đồng”, đưa F0 xuất viện về tận nhà miễn phí.
Ghi nhận những nỗ lực trên, bà Ngô Thị Hoàng Các, Trưởng ban thi đua khen thưởng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã trao bằng khen xuất sắc của UBND TPHCM cho cán bộ nhân viên BV Gia An 115 trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Sáng kiến "có 1 không 2" của bác sĩ trẻ trong cuộc chiến chống Covid-19
Trong nắng nóng trên 40 độ ở TPHCM, với bộ đồ bảo hộ kín mít, để ngăn mồ hôi chảy ướt vào vùng mắt, các bác sĩ nghĩ ra sáng kiến dán "công cụ đến tháng" của chị em vào vùng trán để thấm hút mồ hôi.
Ngày 18/11, bên lề cuộc họp báo Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng Y Dược Việt Nam, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ những kỉ niệm có "1 không 2" của các bác sĩ khi tham gia cuộc chiến chống Covid-19 tại TPHCM.
Theo GS Giang, đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, đặc biệt ở TPHCM thực sự là một thảm họa y tế, tình trạng giống như khẩn cấp, lực lượng y tế ở miền Bắc được chi viện vào TPHCM chống dịch.
GS.TS Trần Bình Giang, GS.TS Lê Ngọc Thành tại cuộc họp báo về Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng Y Dược Việt Nam.
"Khi nhận được điện thoại của Bộ trưởng Y tế, hỏi ý kiến BV Việt Đức liệu có thể điều bác sĩ hỗ trợ TPHCM, chúng tôi với tinh thần sẵn sàng chi viện. Bản thân tôi, các bác sĩ cũng nhận định tình hình dịch tại TPHCM thời điểm đó là căng thẳng, bởi ngành y tế huy động đến cả BV Việt Đức, vốn chuyên ngoại khoa trong suốt 2 năm dịch Covid-19 tại Việt Nam luôn là lực lượng dự bị. Tuy nhiên, với số lượng ca mổ lớn nhất cả nước, nên chúng tôi có lực lượng bác sĩ, điều dưỡng viên về gây mê, hồi sức lớn, có thể đáp ứng yêu cầu chi viện", GS Giang chia sẻ.
Với nhiệm vụ xây dựng bệnh viện dã chiến, chỉ trong 7 ngày, bệnh viện đã được làm xong. Ngay sau đó, nhân sự từ BV Việt Đức được điều vào chi viện, với khoảng 630 người trong suốt 2,5 tháng chống dịch tại TPHCM. Ngoài ra còn có 80 y bác sĩ của BV Phụ sản Trung ương, 40 y bác sĩ Bệnh viện Bưu Điện tham gia hỗ trợ tại BV dã chiến này.
Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, cuộc chiến chống Covid-19 tại TPHCM, dù vất vả, nhưng với các bác sĩ trẻ, đó là những trải nghiệm không thể quên trong suốt cuộc đời hành nghề. Dù Việt Đức là Trung tâm ngoại khoa lớn, nhưng ở phòng hồi sức, bệnh nhân dù nặng, nhân viên y tế hầu như không thấy cảnh người tử vong trong phòng bệnh, nhưng cuộc chiến với Covid-19 ở TPHCM thì khác. Bệnh nhân diễn biến nhanh, mới hôm nay nhân viên vẫn chăm sóc, hết ca trực, hôm sau tới bệnh nhân đã không qua khỏi.
Ngoài ra, việc thích ứng với thời tiết nắng nóng tại TPHCM cũng là một thử thách. Với nền nhiệt trên 40 độ, lại mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, BV đã lường trước, trang bị nhiều khăn buộc trên trán để ngăn mồ hôi chảy vào mắt, làm mờ kính chắn giọt bắn... nhưng khi vào khăn thấm không xuể vì mồ hôi như tắm, hơn nữa không đảm bảo vô trùng nếu tái sử dụng, nguy cơ lây truyền Covid-19 rất lớn.
"Các bác sĩ trẻ đã nghĩ ra sáng kiến, dùng "công cụ đến tháng" (băng vệ sinh) của chị em phụ nữ lên vùng trán để ngăn mồ hôi, yên tâm làm việc. Khá nhiều bác sĩ cũng đã ngất khi làm việc vì sốt nhiệt", GS Giang chia sẻ.
Giữa những vất vả đó, tình cảm của người dân TPHCM với y bác sĩ rất thân thương. Người dân gửi những món đồ ăn, trái cây, với những lời nhắn dễ thương khiến các bác sĩ rất xúc động.
Nói về sự sáng tạo trong lĩnh vực y tế, GS Giang tếu táo, "sáng kiến" dùng băng vệ sinh của các bác sĩ trẻ giúp công việc thuận lợi hơn, đó cũng là một sáng tạo thích nghi hoàn cảnh.
Còn tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng Y Dược Việt Nam sắp diễn ra 3 ngày, từ 25-27/11/2021 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có 39 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 315 báo cáo, trong đó có 247 báo cáo khoa học, 68 báo cáo kĩ thuật thuộc 24 chuyên ngành chính và một số chuyên ngành khác. Có 24 báo cáo khoa học tiếng anh thuộc 11 chuyên ngành chính và 1 số chuyên ngành khác. Hội đồng giám khảo chấm thi gồm 151 thầy/cô tại 29 hội đồng thi và 3 hội đồng báo cáo khoa học tiếng Anh.
Đến nay đã có 180 công trình khoa học được lựa chọn báo cáo, 15 Hội đồng giám khảo với 80 thành viên, 100 giải thưởng chính thức.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia), những báo cáo khoa học và kỹ thuật tại hội nghị đều đã và đang được ứng dụng tại các cơ sở y tế, gắn liền với kiến thức y học tiến tiến trên thế giới và trong nước. Đó là các kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật nội soi, nghiên cứu sản xuất thuốc, vaccine...
Lâm Đồng: Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, chỉ còn H.Cát Tiên là vùng xanh Số ca nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng tăng vọt với 149 ca dương tính mới, toàn tỉnh chỉ còn H.Cát Tiên là vùng xanh. Sáng 16.11, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết số ca nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng tăng nhanh với 149 ca dương tính mới, ngày hôm trước (15.11) ghi nhận 82 ca....