Người chết vì siêu biến chủng Omicron tăng vọt tại Anh
Anh ghi nhận thêm 12.000 ca nhiễm biến chủng Omicron mới, buộc các nhà chức trách phải xem xét siết chặt các biện pháp hạn chế trước Giáng sinh.
Giới chức Anh lo ngại nguy cơ bệnh viện quá tải do làn sóng Covid-19 mới (Ảnh minh họa: PA).
Cơ quan Y tế Anh ngày 19/12 xác nhận số ca nhiễm biến chủng Omicron tại nước này đã tăng thêm 12.000 trường hợp trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 37.101 trường hợp.
Tính đến nay, số người chết vì biến chủng Omicron tại Anh cũng tăng vọt lên 12 trường hợp, sau khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên hôm 14/12. Ngoài 12 ca tử vong, 104 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đang được điều trị tại bệnh viện ở Anh.
Giới chức Anh tuần trước cảnh báo, số ca nhập viện có thể tăng lên mức kỷ lục mới do tác động của đợt tăng số ca nhiễm mới. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo, số ca nhiễm Omicron thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.
Số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận trong ngày 19/12 tại Anh là 82.886 trường hợp. Trung bình ca nhiễm mới hàng ngày tăng 51,9% so với một tuần trước đó.
Video đang HOT
Anh hiện là điểm nóng bùng phát làn sóng lây nhiễm Omicron bên ngoài châu Phi – nơi đầu tiên phát hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2. Các cố vấn của chính phủ Anh tin rằng, những số liệu công bố chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bộ trưởng Javid cho biết chính phủ Anh tin rằng, khoảng 60% ca mắc Covid-19 mới ở Anh hiện nay là Omicron.
Ủy ban cố vấn khoa học về các vấn đề khẩn cấp của chính phủ Anh (SAGE) cho rằng, Omicron có thể đang lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày. Họ cho rằng còn quá sớm để đánh giá độc lực của Omicron, tuy nhiên cũng cảnh báo, số ca nhiễm tăng mạnh vẫn sẽ gây sức ép lớn đến hệ thống y tế.
Omicron được phát hiện lần đầu tại châu Phi từ tháng 11 và hiện đã lan ra khoảng 90 quốc gia trên thế giới. Hiện dữ liệu về biến chủng “siêu đột biến” này của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Một báo cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, số ca nhiễm Omicron có thể tăng gấp đôi sau 1,5-3 ngày ở những nơi có tình trạng lây nhiễm cộng đồng.
Bộ trưởng Javid cho biết chính phủ Anh đang cập nhật dữ liệu “gần như hàng giờ” và tham vấn các cố vấn khoa học để có biện pháp ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh.
Khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng áp đặt biện pháp hạn chế mới trước Giáng sinh hay không, Bộ trưởng Javid cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá tình hình, dịch đang diễn biến rất nhanh. Không có gì chắc chắn trong đại dịch này. Tại thời điểm này, chúng tôi phải xem xét mọi phương án”.
Thị trưởng London Sadiq Khan ngày 18/12 đã tuyên bố đợt bùng phát dịch mới nhất là “sự cố lớn” nhằm triển khai các nguồn lực giúp các bệnh viện ứng phó tốt hơn. Việc ban bố tình trạng này giúp các cơ quan chức năng hỗ trợ nhau nhằm giảm sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ.
Thị trưởng Khan cho rằng việc áp đặt các biện pháp hạn chế mới là không thể tránh khỏi, nếu không hệ thống y tế Anh sẽ đứng trước bờ vực sụp đổ do tình trạng thiếu nhân viên y tế và gia tăng số người nhập viện.
Pfizer dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 chấm dứt
Các lãnh đạo của hãng dược Pfizer đã đưa ra dự đoán về thời điểm Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa.
Các nước tăng cường xét nghiệm và tiêm chủng vaccine để kiểm soát làn sóng Covid-19 mới (Ảnh minh họa: AFP).
"Chúng tôi tin rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, có khả năng vào năm 2024", Nanette Cocero, chủ tịch toàn cầu của Pfizer Vaccines, cho biết trong cuộc trao đổi với các nhà đầu tư hôm 17/12.
Các chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi cộng đồng có đủ khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc hồi phục sau khi nhiễm bệnh, từ đó giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm, nhập viện và tử vong, ngay cả khi virus vẫn tiếp tục lây lan.
"Kịch bản này xảy ra khi nào và bằng cách nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, mức độ hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine cũng như các phương pháp điều trị, và sự phân phối công bằng vaccine đến những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng có thể tác động đến diễn biến của đại dịch", Giám đốc khoa học của Pfizer Mikael Dolsten cho biết.
Theo Dolsten, thời gian Covid-19 chuyển thành bệnh đặc hữu có thể thay đổi tùy theo từng nơi.
"Có vẻ như trong một hoặc hai năm tới, một số khu vực sẽ chuyển sang mô hình coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, trong khi các khu vực khác sẽ tiếp tục ở trong tình trạng đại dịch", Dolsten dự đoán.
Dự đoán của các lãnh đạo Pfizer được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối phó với làn sóng Covid-19 tăng mạnh do biến chủng Delta, trong khi biến chủng Omicron cũng đang lây lan nhanh chóng. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky hôm 17/12 cho biết, số ca nhập viện mới do Covid-19 trung bình trong 7 ngày qua tăng 4% so với tuần trước đó.
Angela Hwang, chủ tịch Pfizer Biopharmaceuticals Group, cho biết vaccine và các phương pháp điều trị Covid-19 như thuốc kháng virus của Pfizer có thể trở nên phổ biến hơn khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu.
Dự đoán của các lãnh đạo Pfizer được đưa ra trong bối cảnh thế giới vừa xuất hiện siêu biến chủng Omicron. Mặc dù hiện có rất ít thông tin, nhưng Omicron đang gây lo ngại do biến chủng này chứa lượng đột biến cao chưa từng có.
Giới khoa học đang chạy đua để "giải mã" Omicron, trong đó có việc giải mã câu hỏi liệu Omicron có dễ lây lan hơn, dễ né miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine không. Các hãng dược cũng không loại trừ kịch bản thế giới phải điều chỉnh chiến dịch tiêm chủng vaccine để đối phó biến chủng mới.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019. Đến nay, đại dịch này đã khiến gần 275 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 5 triệu người tử vong. Nhiều chuyên gia tin rằng, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu theo mùa vào khoảng năm sau với điều kiện độ phủ vaccine toàn cầu đủ lớn.
Tỷ phú Bill Gates thừa nhận biến chủng Omicron "đang gây lo ngại", nhưng cũng nhấn mạnh với tốc độ phát hiện biến chủng mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, ông hy vọng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022.
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách vấn đề Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 15/12 cho rằng thế giới sẽ có đủ công cụ để thoát đại dịch vào năm 2022.
Hồi tháng 10, WHO đã đưa ra chiến lược nhằm đạt mục tiêu độ phủ vaccine Covid-19 toàn cầu 70% vào giữa năm sau. Vaccine được coi là một trong những công cụ hiệu quả để ngăn đà lây lan của đại dịch. Theo WHO, biến chủng Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine, điều này đồng nghĩa với việc thế giới có thể cần triển khai chiến lược tiêm chủng mũi vaccine tăng cường hoặc điều chỉnh vaccine.
Rò rỉ ảnh nghi Thủ tướng Anh mở tiệc giữa phong tỏa Giới truyền thông lan truyền bức ảnh chụp một buổi họp mặt ngoài trời của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại tòa nhà số 10 phố Downing, giữa lúc Anh trong giai đoạn giãn cách xã hội hồi năm ngoái. Thủ tướng Boris Johnson cùng nhiều người được cho là đã tụ tập tại Phố Downing hồi tháng 5/2020 (Ảnh: Guardian). Theo Guardian,...