Người chết, mất tích, nhà cửa bị cuốn trôi do mưa lũ các tỉnh phía Bắc
Mưa lũ dông sét tại các tỉnh miền núi phía Bắc tính đến 18h ngày 25/6 đã làm 5 người chết và mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Thông tin mới nhất tình hình thiệt hại do mưa lũtại một số tỉnh vùng núi phía Bắc, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu và Lào Cai, Điện Biên tình hình thiệt hại do mưa lũ, dông sét tính đến 18h ngày 25/6 cho biết, mưa lũ đã làm 5 người chết và mất tích (Lai Châu 4 người do lũ cuốn, Điện Biên 1 người do sét đánh).
Cụ thể, 1 người chết tại xã Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè Lai Châu do lũ cuốn trôi là Lường Văn Kiên sinh năm 1986 quê quán: xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ba người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi gồm Bùi Văn Tâm (sinh năm 1973 quê quán: xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Văn Thuyên (sinh năm 1981 quê quán: xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội ) và Chìn Mé Út (2 tuổi trú tại bản Pa Cheo, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn).
Cầu treo duy nhất vào xã Bản Hồ bị lũ quét đánh sập hoàn toàn. Ảnh: Nhân dân
Mưa lũ đã khiến 7 nhà cuốn trôi, 27 nhà di dời khẩn cấp, 24 nhà bị ngập; thiệt hại 66 ha lúa và hoa màu, 500 con gia súc, gia cầm, 3,2ha ao cá. Đồng thời, khiến 1 cầu treo đứt cáp huyện Sa Pa Lào Cai; 2 cầu bê tông bị cuốn trôi Lai Châu, một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng; 4 công trình thủy lợi bị cuốn trôi, vùi lấp; 5 máy xúc, 2 ô tô tải bị cuốn trôi tại Lai Châu. Tổng thiệt hại ước tính hơn 26,3 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngày 25/6, huyện Mường Tè tiếp tục huy động hơn 100 người gồm công an, bộ đội, dân quân, biên phòng tổ chức tìm kiếm 2 công nhân hiện còn mất tích và hỗ trợ bà con di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đối với những hộ dân đang cô lập vì cầu sập, trục đường vào bản đang bị cắt thành 3 đoạn, giải pháp được đưa ra lúc này là phải nhanh chóng tiếp cận để vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ƯPSC,TT và TKCN đã có công điện số 04/CĐ-TW hồi 13h00 ngày 24/6/2019 chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường.
Khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019.
Video đang HOT
Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong những ngày tới hiện tượng thời tiết nắng nóng vào ban ngày và mưa kèm dông, lốc, sét vào ban đêm có thể diễn ra tại các khu vực trên cả nước. Để chủ động ứng phó có hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với dông lốc, sét, mưa đá để giảm thiểu thiệt hại.
Hải Ninh
Theo Kienthuc
Thi THPT quốc gia: Các tỉnh miền núi sẵn sàng ứng phó với mưa lũ
Trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạc lở đất, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có nhiều phương án để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh như bố trí phương tiện đưa đón, khu ăn ở tập trung...
Thí sinh Hà Giang lội nước đến điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. (Ảnh: TTXVN)
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ba ngày thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, từ ngày 25 đến 27/6, khu vực miền núi phía Bắc sẽ có mưa to đến rất to, trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng... sẽ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt cục bộ ở vùng trũng thấp.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ban chỉ đạo thi các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã có nhiều phương án để sẵn sàng đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết.
Hà Giang: Bố trí phương tiện đưa đón thí sinh
Năm 2018, khi mưa lũ đã làm ngập lụt, sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tổ chức thi của Hà Giang. Từ bài học thực tế này, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, năm nay Hà Giang đã có tính toán và chủ động để có phương án ứng phó với những bất thường của thời tiết, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Cụ thể, ở Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho các ngành dọc, thuộc các lực lượng phòng chống tìm kiếm cứu nạn của tỉnh như công an, biên phòng, bộ đội... chủ động chỉ đạo theo tuyến. Các ngành có liên quan như giao thông, thông tin liên lạc cũng có biện pháp ứng phó.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố có phương án trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ, mưa lớn, có thể gây lũ lụt. Tinh thần "bốn tại chỗ" được tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo sát sao trong trường hợp có diễn biến bất thường về thời tiết làm ảnh hưởng đến công tác thi, gồm: nhân lực tại chỗ, vật lực tại chỗ, chỉ đạo điều hành trực tiếp tại chỗ, xử lý bất thường tại chỗ.
Trong công tác bố trí điểm thi, tỉnh chọn đặt điểm thi ở một số trường dân tộc nội trú để thí sinh có thể ăn ở tại khu vực nội trú, hạn chế di chuyển trong những ngày thi. Các huyện thành phố cũng chủ động bố trí phương tiện, thuê xe để đưa đón thí sinh tập trung đối với những em ở một số trường xa nơi đặt điểm thi.
Với những khu vực đang được cảnh báo nguy cơ lũ quét cao như Sìn Hồ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo địa phương bám sát tình hình diễn biến thực tiễn để có thông báo kịp thời. Các địa phương cũng sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, vật lực để hỗ trợ xe đưa đón, hướng dẫn, đảm bảo điều kiện ăn ở cho thí sinh tại điểm thi.
"Hiện thời tiết ở Hà Giang đang có mưa nhưng mưa nhỏ, tạo không khí mát mẻ, dễ chịu. Nếu thời tiết này duy trì sẽ tránh được nóng nực, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh về cả sức khỏe và tinh thần để có thể làm tốt bài thi," ông Bình chia sẻ.
Mưa lũ gây sạc lở đường tại Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Lai Châu: Học sinh ăn, ngủ tại chỗ đến khi thi xong
Tại Lai Châu, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Đức Minh, đến chiều qua, ngày 23/6, tất cả các công việc chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã hoàn tất.
Sở đã chọn đặt điểm thi tại những trường học kiên cố. Tại những điểm xa xôi, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, ảnh hưởng giao thông đi lại, tất cả giám thị và học sinh đều đã được tập trung tại điểm thi từ chiều qua. Học sinh ở nội trú tại điểm thi, có lực lượng nấu ăn phục vụ, các em sẽ ăn, ngủ tại chỗ cho đến khi thi xong.
Đề thi cũng đã được Ban chỉ đạo thi tỉnh Lai Châu vận chuyển xong về các điểm thi, bảo quản chặt chẽ, nghiêm ngặt, sẵn sàng cho kỳ thi bắt đầu vào ngày mai, 25/6.
"Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, ngay cả khi có mưa lũ cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc làm bài thi của thí sinh," ông Minh chia sẻ.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, vấn đề duy nhất có thể gây khó khăn là nếu mưa lũ gây sạt lở đất sau thi sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của cán bộ coi thi và bài thi về thành phố Lai Châu.
Tuy nhiên, trường hợp này cũng đã được Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh tính đến. Theo đó, khi vận chuyển bài thi, trưởng ban chỉ đạo thi cấp huyện chịu trách nhiệm dùng xe ôtô của huyện, có lực lượng công an áp tải về tỉnh. Nếu trường hợp xảy ra tắc đường thì Sở Giao thông vận tải Lai Châu có nhiệm vụ điều lực lượng tích cực thông đường. Nếu không thông được đường sẽ phải báo cáo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để điều động xe xuống tăng cường ở điểm tắc để chuyển bài về tỉnh.
Cao Bằng: Sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp
Tại Cao Bằng, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn cục bộ có khả năng xảy ra ở trong đêm 25 và sáng 26/6, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết, Sở đã kêu gọi các đơn vị từ tỉnh đến các huyện, đặc biệt là đoàn thanh niên phối hợp, cắt cử lực lượng sẵn sàng có mặt tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để xử lý các tình huống khẩn cấp.
"Hiện tại, các đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện cũng đã phổ biến thông tin, lên các phương án phòng chống lũ quét, nhất là bố trí lực lượng đi kiểm tra địa bàn, để có phương án xử lý kịp thời," ông Dương chia sẻ.
Ông Dương cũng cho biết, trong ngày hôm nay, 24/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã tổ chức họp, phổ biến quy chế thi và các phương án cho các thầy cô giáo và các em học sinh nắm rõ thông tin, chuẩn bị tinh thần để bước vào kỳ thi trung học phổ thông hiệu quả nhất./.
Theo Nhóm PV (Vietnam )
Lũ sầm sập đổ về trong đêm cuốn trôi 4 người dân, chia cắt nhiều tuyến đường Mưa lớn diễn ra trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Lai Châu, huyện Sapa (Lào Cai) gây lũ ống, lũ quét làm thiệt hại nhiều công trình nhà nước; nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân và bước đầu ghi nhận có thiệt hại về người. Mưa lũ gây nhiều thiệt tại tại các địa phương miền núi phía Bắc...