Người cha 7 năm cõng con đi học
Từ khi con gái bị bại liệt lên cấp 2, ông Nghĩa ngày ngày cõng đến lớp học thêm rồi ngồi ngoài đợi con về. Hôm Linh thi đại học, ông lại cõng con lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh rơi nước mắt.
Ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Phương Linh nằm sâu trong khu tập thể Tân Mai (Hà Nội). Mọi vật dụng trong nhà đều được thiết kế rất thấp để Linh có thể tự phục vụ. Ngồi trên chiếc xe lăn, nữ sinh kém may mắn mỉm cười tâm sự: “Em đã không phụ lòng của mẹ, không phụ công của bố suốt những năm tháng qua”.
Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt ướt sáng lấp lánh, Linh ngồi bên góc học tập nhỏ say mê đọc những cuốn sách Văn học. Đó là môn em yêu thích nhất, bởi Văn giúp Linh ghi lại sự chuyển động của cuộc sống, đồng thời, cũng mở ra trước mắt em nhiều điều mới mẻ, nhiều vùng đất em chưa được tới…
Thiếu may mắn khi không thể tự đi trên đôi chân, nhưng chưa một lần Linh cảm thấy mình bất hạnh. Cô gái có nụ cười hiền lành cho biết, bạn bè có chân thì em có xe lăn, bạn bè đi chơi thì em cũng tham gia. “Em hạnh phúc vì đôi chân tật nguyền chỉ gây ra những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, chứ không khép lại tương lai của em”, Linh nói.
Linh chưa bao giờ thấy mình bất hạnh vì bạn bè đi bằng chân, em đi bằng xe lăn, bạn bè đi chơi em cũng tham gia, và Văn giúp em thêm yêu cuộc sống. Ảnh: Hoàng Thùy.
Yêu Văn học, Linh từng viết về mẹ và được 9 điểm. Với Linh, mẹ là một hình mẫu mà em mong đạt đến bởi sự tần tụy, hết lòng vì chồng con. Xem chương trình Tòa tuyên án trên tivi, Linh mong một ngày trở thành luật sư để giúp nhiều người vô tội trắng án bằng lý lẽ thuyết phục. ĐH Luật quá xa nhà, Linh chọn thi vào khoa Luật ĐH Công đoàn để rút ngắn quãng đường đến lớp, và gần nơi mẹ bán hàng để tiện “khi có chuyện gì xảy ra”.
“Có lẽ điều kiện tuyển thẳng của em chưa đủ nên trường yêu cầu dự thi. Em cũng muốn một lần được thử sức, được khẳng định mình để đàng hoàng bước vào cánh cổng đại học”, Linh nói và cho hay, em lựa chọn ĐH Công đoàn còn bởi vì trường có thang máy, ngồi trên xe lăn cũng có thể dễ dàng lên lớp ở tầng cao.
Có duyên với con số 7,5 nên thi vào lớp 10 Linh đạt 7,5 điểm môn Văn thi tốt nghiệp và đại học em cũng giành điểm số này ở môn mình yêu thích nhất. Trong câu hỏi nghị luận về thần tượng, Linh đã thẳng thắn phê phán lối sống đua đòi, thần tượng một cách thái quá của một bộ phận giới trẻ. Em còn đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề đó.
Nhưng có một điều Linh tiếc nuối mãi, đó là thần tượng của em thì không kịp viết vào. Với cô bé khuyết tật, người mẹ tảo tần, người bố chịu nhiều hy sinh là thần tượng lớn nhất trong cuộc đời. Hôm thi đại học, bố là người cõng Linh lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh cảm động.
Sinh ra được hai tuần thì Linh bị sốt 41 – 42 độ. Ông Nguyễn Tấn Nghĩa cùng vợ đưa con gái đến bệnh viện khám mới chết đứng vì Linh bị sốt bại liệt. Đôi chân em yếu dần đi. Một thời gian sau, bác sĩ còn phát hiện ra Linh có u cột sống, có thể khối u này đã chèn lên dây thần kinh làm yếu đôi chân em.
Khối u lớn dần bằng quả xoài thì gia đình quyết định cho em mổ. Nhưng sau đó, khi xét nghiệm, bác sĩ ở bệnh viện khác mới cho hay, đó là u ác tính và Linh chỉ sống được khoảng 3 tháng. Ông Nghĩa đau khổ nhận tin và một mình âm thầm chuẩn bị hậu sự cho con.
Video đang HOT
“Nhưng thời gian trôi đi, Linh ngày một lớn lên và điều tồi tệ nhất đã không đến. Tôi thầm cảm ơn trời phật và cố gắng dành những điều tốt nhất cho con”, người cha vừa nói vừa hướng đôi mắt về phía con gái.
Suốt 7 năm, ông Nghĩa ngày ngày cõng con gái đi học. Trong đợt thi đại học và thi tốt nghiệp THPT vừa qua, hình ảnh người cha cõng con đi thi gây xúc động cho nhiều người. Ảnh: SGTT.
Ông đi làm lo tiền chi tiêu cho gia đình, còn bà Trần Phương Thủy ở nhà mua sách dạy con học. Bà dạy từng chữ như sách giáo khoa, ra bài tập cho con rồi mang đến nhờ cô giáo trong xóm chấm hộ. Linh cứ làm quen với từng con chữ như thế trong hai năm, cho đến một ngày em muốn đến lớp học cùng các bạn.
Được mẹ đưa đến Tiểu học Tân Mai nhưng trường không được nhận vì “chưa có tiền lệ”, Linh được mẹ đặt ngồi vào giỏ xe đạp, lên phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng để đặt vấn đề. May mắn, phòng đã cử người đưa về trường kiểm tra kiến thức và cho vào học lớp 2.
Do không thể tự vệ sinh nên Linh không được học bán trú, bố mẹ em phải thay phiên nhau, ngày đưa đón con 4 lần đi học, về nhà. Ông Nghĩa, xin cơ quan cho làm toàn bộ buổi sáng, để buổi chiều phụ vợ đón con.
Cấp một Linh học ở trường Tân Định, cấp 2 được về trường Tân Mai, cấp 3 đỗ vào THPT Trương Định. Học chính nhiều lúc Linh có bạn gần nhà đẩy xe lăn đến trường, cõng vào lớp, nhưng đi học thêm thì bố phải cõng lên từng bậc cầu thang. Linh đã đến trường trên lưng tôi suốt 7 năm qua”, ông Nghĩa tâm sự.
Từng bị bạn bè trêu chọc vì không thể tự đi, Linh nhớ nhất có lần các bạn chọc ghẹo, rồi chạy xung quanh như thách đố “đuổi tao đi”. Em ứa nước mắt nhưng đúng lúc ấy, bố đã có mặt. Em cũng nhớ những giờ học thêm, bố ngồi ngoài đợi suốt 2 tiếng để đón em về. Hay khi học ở gần hơn, bố đưa em đi học rồi tất tả về nhà nấu cơm, sau đó đón em và chờ mẹ đi bán hàng ở chợ về vào buổi tối.
“Em luôn tự nhắc nhở, bố mẹ đã rất vất vả để chăm lo cho mình, thì mình phải cố gắng tự lập, vui vẻ. Em cũng biết làm các việc vặt trong nhà như nấu cơm, dọn dẹp dù phải di chuyển bằng xe lăn. Những ngày tháng tới, đi học xa hơn, bận rộn hơn, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện ước mơ và đem lại niềm vui, nụ cười cho những người em yêu thương nhất”, cô tân sinh viên nói.
Theo VNE
Cô gái 7 năm 'chiến đấu' với bệnh ung thư máu
7 năm phát hiện bệnh ung thư máu là chừng ấy thời gian Hoàng Thị Diệu Thuần sống với nỗi đau thể xác và sự dồn nén để che giấu cảm xúc. Để quên đi những cơn đau nhức, cô trải lòng mình vào từng trang tự truyện.
Năm 2005, Thuần là sinh viên năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Quốc gia Hà Nội). Một lần tình cờ vào Viện Huyết học thăm người nhà của cô bạn cùng phòng bị bệnh về máu, Thuần nhận thấy mình cũng có những triệu chứng như vậy. Tối hôm đó về ký túc xá, Thuần sợ hãi khóc và nghĩ đến căn bệnh.
Xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu Thuần nhập viện ngay nhưng không nói rõ cô bị bệnh gì. Kể từ đó, cuộc sống của nữ sinh quê Nghệ An gắn liền với giường bệnh, thuốc men và những đợt truyền hóa chất. Từ cô gái cá tính, vui vẻ, thích du lịch, mê guitar, Thuần nằm bẹp một chỗ, sống với những kỷ niệm thời đi học và "phát điên" khi cơn đau hành hạ.
Thuần tâm sự trong tự truyện: "Tôi không ngờ rằng chuyến đi thăm đó đã cứu sống tôi nhưng lại bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác xa với những gì tôi và gia đình hy vọng".
Thuần "cất" những cơn đau vào từng trang nhật ký. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ngày ấy, thấy thầy cô và bạn bè vào thăm rồi ý tứ kéo nhau ra hành lang khóc, Thuần thắc mắc chỉ là vào một "bệnh viện như bệnh viện Ba Lan ở Vinh" thì có gì nghiêm trọng đến vậy. Cô nghĩ rằng mình đang ốm và cần được điều trị khỏi bệnh để tiếp tục đi học. Một lần tình cờ đọc được tờ giấy xin hỗ trợ, Thuần mới biết mình bị bệnh ung thư máu. Do đã trải qua những đau đớn, mệt mỏi nên lúc biết tin, Thuần chỉ còn biết chấp nhận mà không hề sốc.
Kết thúc đợt điều trị đầu tiên kéo dài một tháng, Thuần trở về với trường đại học. Người mệt, nhiều hôm đến lớp, Thuần không đủ sức ngồi mà phải tựa vào bạn bên cạnh. Những lúc nằm viện, những đêm không ngủ, Thuần tự "nói chuyện" với trang giấy và máy tính như để giải tỏa nỗi lo lắng vì không muốn ai biết.
Thuần nhớ, từ cuối năm lớp 11, cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bụng sưng to và cứng, những vết thâm bầm dưới da, những trận sốt vào ban đêm, tim đập nhanh và nhói đau, thỉnh thoảng khạc ra máu khiến cô sụt cân từ 46 kg xuống còn 37 kg. Thuần đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì còn người thân cho rằng có lẽ do cô học quá nhiều.
Suốt 4 năm đại học, Thuần ghi lại những lần vào viện, tâm trạng và cả câu chuyện về các bệnh nhân vào nhật ký. Mỗi ngày một ít, có hôm cô chỉ viết được vài dòng. Từ năm 2010, bệnh trở nên nặng hơn, Thuần mới viết nhiều vì sợ cái chết, cô đơn và nỗi đau. Thuần chia sẻ, phần lớn nhật ký đều được viết trong những cơn đau...
Cái chết luôn hiện hữu trong suy nghĩ của Thuần kể từ khi cô biết mình bị bệnh. Thuần cho rằng, nếu mình chết đi sẽ chẳng còn phải chịu đau đớn nữa, người thân cũng không còn phải lo lắng nhiều. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân cùng phòng ra đi, thấy rõ sự đau đớn, xót xa của người nhà họ, Thuần lại nghĩ về mình. Cô sợ cái chết và sợ cả sự suy sụp của người thân, đặc biệt là cậu Vinh (bố Thuần).
Trong nhà, cậu vừa là cha, vừa là bạn tâm sự của Thuần. Từ khi Thuần bị bệnh, người cha 60 tuổi trông già đi nhiều với mái tóc bạc và gương mặt thêm gầy gò, nhăn nheo. Nhắc đến cậu, Thuần bảo ông là người tình cảm và không giấu được cảm xúc. Có lần, Thuần bướng bỉnh không nghe lời khiến cậu bực mình bỏ xuống nhà bạn và khóc. Ngoài cậu, mẹ và người anh ruột hơn Thuần 2 tuổi, bạn bè đã truyền cho cô nghị lực để vượt qua nỗi đau.
Thời sinh viên của Thuần gắn với những đợt điều trị dài ngày trong viện, nhưng cô vẫn hồn nhiên, yêu đời. Ảnh nhân vật cung cấp.
Cô kể, thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp, cuối tháng 5/2010, cô yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi ngày Thuần đều phải truyền 10 chai thuốc từ sáng đến tối, phải gạn bạch cầu nên truyền cả kháng sinh lẫn hóa chất.
Khi sức khỏe đã tốt hơn, da dẻ hồng hào không còn xanh xám, Thuần quyết tâm đi làm kiếm tiền để tự nuôi bản thân và bù đắp những gì cậu, mẹ đã vất vả nhiều năm qua. Vào vòng phỏng vấn của một công ty xuất nhập khẩu nhưng Thuần đã chủ động rút lui vì sức khỏe không đáp ứng được công việc hay phải đi lại.
Thuần hy vọng một công việc khác nhưng lại bất lực vì cứ 2 tuần phải lên viện khám một lần và 3 tháng làm xét nghiệm tủy. Về nhà ở Quỳnh Hợp, những cơn đau ập đến khiến Thuần chẳng thể ngủ dù cô đã cố nghe nhạc, dịch tiếng Anh và tập guitar.
Nằm bẹp trên chiếc giường gỗ trong căn buồng bé nhỏ của cậu, mẹ, cô cảm nhận "nắng vàng dịu nhẹ", "gió đang mơn man khẽ khàng trên những chiếc lá". Những lúc ấy, sự đau đớn của Thuần gần như bị quên lãng trong giây lát.
Nhiều lúc quá đau, cô nghĩ mình là một "xác chết biết động đậy" hay một "con thú hoang" bởi "là thú thì chỉ cần ăn, ngủ, tồn tại mà không cần quan tâm đồng loại của nó nghĩ gì về nó. Cứ sống cho đến khi chết thôi".
Với Thuần, cơn đau không chỉ hành hạ cô mà còn cả cậu, mẹ. "Hôm qua tôi muốn mình không khóc để mẹ được ngon giấc. Tôi đã không làm được. Thậm chí tôi đã khóc nhiều lần và khóc to khiến mẹ tôi lụi hụi cả đêm xoa chân xoa người cho tôi... Sáng khi thức dậy, vẫn như những sáng hôm qua và hôm trước, tôi sở hữu một gương mặt cau có... Buổi sáng thường rất đau", Thuần viết.
Hiện, Thuần trọ cùng hai người anh họ ở khu vực Cầu Giấy để chờ được chữa trị. Trong căn phòng chật hẹp, Thuần không đủ sức để ngồi ngay ngắn nói chuyện. Mới đầu cô gái có thân hình còm nhom, cặp kính đen vuông to choán lấy khuôn mặt trắng bợt tựa vào tường rồi sau đó nằm hẳn xuống đệm, giọng nói nhỏ dần và yếu ớt hẳn. Bàn tay Thuần liên tục bóp chân phải đang nhức. Mấy hôm nay, Thuần đau nhức khó chịu, đi lại tập tễnh và không đủ sức để làm bất cứ việc gì. Trên khuôn mặt lộ rõ vẻ ốm yếu ấy của Thuần, chỉ nụ cười là có sinh khí.
Giọng mệt mỏi nhưng Thuần vẫn nói chuyện lễ phép và từ tốn. Lời khuyên ghép tủy của các bác sĩ khiến Thuần suy nhĩ nhiều. "Tôi đăng trên Facebook về những gì bác sĩ Hương nói lúc chiều. Tôi buồn vì biết rằng mình không thể làm được điều đó. Tôi không có tiền...", cô gái mang bệnh ung thư máu viết trong tự truyện.
Sau khi tìm được người hiến tủy chính là anh trai Thuần, gia đình và bạn bè đã chung tay giúp. Biết được hoàn cảnh của Thuần, một nhà văn người Israel đã đồng ý giúp cô đi chữa bệnh. Nữ nhà văn này từng mắc bệnh như Thuần và giờ đã bình phục. Để Thuần được sang Israel, nhà văn đó đang đàm phán với các bệnh viện xin miễn giảm vì chi phí điều trị vượt quá khả năng của bà. Trong lúc đợi tin từ người phụ nữ ấy, Thuần lại lên cơn đau và vừa phải nhập viện.
"Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi thực sự không hối tiếc khi được sinh ra và sống những ngày tháng này. Có những đau đớn và hạnh phúc xen lẫn, tôi cảm nhận cuộc đời này ý nghĩa hơn", Thuần bày tỏ trong tự truyện Như hoa hướng dương.
Theo VNE
Điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào ĐH Thủy lợi, Công đoàn Trường ĐH Thủy lợi và ĐH Công đoàn đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2012. Trường ĐH Công đoàn dành 250 chỉ tiêu xét nguyện vọng 2 (NV2) cho 2 ngành: Bảo hộ Lao động (khối A, A1) và Xã hội học (khối C, D1 Điểm chuẩn chung vào Trường ĐH Thủy lợi năm 2012 như sau: Trình độ Mã Trường/...