Người “cãi tử thần” bên dòng sông Sêrêpôk
Đó là anh Lê Văn Hiệu, trú thôn 6, xã Hòa Phú, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, người lâu nay được biết đến là ngư phủ “cướp sinh mạng người từ tay tử thần” bên dòng sông Sêrêpôk.
Cứu người không mong chờ đền đáp
Đến thôn 6, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột hỏi thăm gia đình của anh Lê Văn Hiệu, từ già đến trẻ ai cũng chỉ tay về hướng cầu Sêrêpôk nói: “Nhà anh ở ngay dưới chân cầu. Cứ đi đến hỏi nhà anh Hiệu cứu người nhảy cầu…”.
Gia đình anh Hiệu trú trong một căn nhà cấp 4 đã cũ, mái lợp ngói rêu phong, tứ phía cây cối lau sậy mọc um tùm. Nhà anh nằm ngay dưới chân cầu Sêrêpôk, ở sát mép nước sông.
Anh Lê Văn Hiệu, thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk bên dòng sông Sêrêpôk.
Năm 1987 anh thanh niên Lê Văn Hiệu lúc đó 25 tuổi rời quê hương từ Thanh Hóa vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Anh chọn xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột là quê hương thứ hai. Ở miền đất mới, anh xây dựng gia đình cùng chị Vũ Thị Quý, sinh 3 người con: hai trai, một gái.
Gia đình anh Hiệu sinh sống ngay bên cầu Sêrêpôk, quanh năm đánh bắt cá tôm trên sông. Chỉ những ngày mưa to, lũ trên sông dâng cao anh mới nghỉ, còn lại đều đặn lênh đênh theo dòng nước. Là người thường đánh bắt cá trên sông, mọi biến động tốt, xấu liên quan đến dòng sông Sêrêpôk anh đều biết. Đặc biệt, cầu Sêrêpôk là nơi thường xảy ra các vụ nhảy cầu tự tử. Sống trên sông nước, gia đình lại sát chân cầu, anh Hiệu không thể làm ngơ trước sinh mệnh một con người.
Video đang HOT
Chiếc thuyền anh Hiệu đánh bắt cá. Khi cần thiết lại dùng cứu người.
Anh Hiệu cho biết, từ ngày gia đình sống bên cầu Sêrêpôk đến nay, anh đã biết hàng loạt vụ nhảy cầu tự tử chưa kể những người không may sảy chân mà ngã xuống sông.
Anh Hiệu kể, năm đó mùa khô, cách nay khoảng 5 – 6 năm, nước sông Sêrêpôk xuống thấp, các mô đá trên sông nhô lên khỏi mặt nước. Một nhóm học sinh đi ra giữa các mô đá nô đùa, bất ngờ một học sinh trượt chân té xuống sông. Anh Hiệu nghe tiếng kêu cứu vội đẩy ghe xuống sông tiếp cận cứu người. “Tôi vác ghe chèo ra đưa các cháu vào, thay quần áo, xoa dầu… rồi liên lạc để gia đình đưa các cháu về”, anh Hiệu kể.
Anh Hiệu tâm sự, tai nạn xảy ra ban ngày thì việc cứu vớt còn thuận lợi. Ban đêm việc cứu vớt vô cùng nguy hiểm vì không ánh đèn, nước sông thường lên to. Thế nhưng tại cầu Sêrêpôk, có không ít vụ việc lại xảy ra ngay giữa đêm khuya thanh vắng. “Đêm hôm, có lúc một hai giờ sáng khi nghe tiếng kêu cứu. Tôi lại trở giấc dậy. Người thân trong gia đình vô cùng lo lắng cho sự an nguy của tôi. Nhưng trong khi nạn nhân đang kêu cứu giữa sông, nhà mình lại ở gần làm sao mà lưỡng lự không cứu họ”, anh Hiệu tâm sự.
Đến bây giờ, anh Hiệu không nhớ chính xác mình đã tham gia cứu bao nhiêu người trên sông Sêrêpôk, nhưng anh từ tốn cho biết, cứu người là việc nghĩa không thể không làm. “Tôi biết đó là việc nguy hiểm. Nhưng biết sao chừ. Khi cứu người thì chỉ lo cứu người. Sau mỗi vụ việc bà con lại nhốn nháo trên cầu. Biết chuyện, UBND xã đến thăm hỏi. Gia đình nạn nhân có người 5 – 7 hôm đến thăm hỏi, cảm ơn. Nhưng cũng có người không liên lạc. Nhưng tôi không quan trọng điều đó. Bản thân tôi thấy thanh thản hơn vì mình đã làm được một việc nghĩa”, anh Hiệu chia sẻ.
Nhận bằng khen của Thủ tướng
Đêm 17/5/2012, cầu Sêrêpôk xảy ra một vụ tai nạn giao thông kinh hoàngkhi một chiếc xe khách đang lưu thông qua cầu theo hướng thành phố Buôn Mê Thuột đi thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ đâm vào lan can cầu rồi rơi xuống sông Sêrêpôk. Vụ tai nạn khiến 34 người tử vong, hơn 20 người bị thương nặng. Gia đình anh Hiệu là một trong những người đầu tiên phát hiện vụ việc. Đến bây giờ anh Hiệu vẫn còn kinh hãi nhớ lại: “Lúc đó gia đình tôi vẫn chưa ngủ, nhìn ra đường thì thấy xe chạy tốc độ nhanh lao vút qua cổng nhà. Ngay sau đó, một âm thanh như súng nổ vang lên rung chấn cả một vùng. Chạy ra đường nhưng không thấy tăm hơi chiếc xe ở đâu. Khi nhìn xuống cầu thì chiếc xe bốn bánh đã chổng lên trời”. Tai nạn xảy ra, gia đình anh Hiệu cùng người dân địa phương tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Anh Hiệu bên nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương của các ban ngành chức năng.
Mới đây, ngày 12/6, gia đình anh Hiệu được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong tham gia cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn giao thông tại cầu 14, quốc lộ 14, ngày 17/5/2012″. Trước những việc làm tốt của anh, ngày 22/8/2012, anh Hiệu được nhận tiếp “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam” của Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, anh Hiệu còn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Anh Hiệu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Chia tay gia đình anh Hiệu, chúng tôi hỏi đùa: “Dân gian quan niệm cứu người trên sông nước, người cứu phải thế mạng cho hà bá. Anh nghĩ thế nào?”. Anh Hiệu chân tình nói: “Mình làm việc tốt. Cứu người chỉ thấy thanh thản hơn. Lương tâm tôi chẳng có nghĩ đến việc đó. Làm sao cứu được người là quan trọng. Bà con địa phương ở đây họ cũng động viên tôi”.
Theo Dantri
Chưa thể khởi tố vụ tai nạn thảm khốc ở Đắk Lắk
Chiều 19.5, đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn chưa thể khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cầu 14 qua sông Sêrêpốk khiến 34 người thiệt mạng.
Cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) bị thương nhẹ được đưa về nhà điều trị nhưng bố mẹ cháu đều đã tử nạn trong chuyến xe định mệnh - Ảnh: T.N.Quyền
Ông Thư cho biết, cơ quan CSĐT đã thu thập cơ bản các chứng cứ, tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của nhân chứng và một số nạn nhân, khám nghiệm chiếc xe bị nạn.
Ngoài ra, ông Thư cũng cho biết, nếu trong quá trình điều tra xác định lỗi gây ra tai nạn thuộc về tài xế nhưng tài xế đã chết thì sẽ không khởi tố vụ án.
Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, có sự khó hiểu về tốc độ trong những phút cuối cùng của chiếc xe khách BKS 47V - 2371 trước khi lâm nạn. Theo ông Biểu, chiếc xe đã có sự tăng giảm tốc độ với độ chênh lệch rất lớn trong thời gian rất ngắn.
Theo số liệu từ thiết bị giám sát hành trình bằng định vị vệ tinh GPS của chiếc xe, xe bị nạn lúc 22 giờ 20 phút 11 giây, tốc độ 74 km/giờ. Trước đó, lúc 22 giờ 19 phút 37 giây, tốc độ xe chỉ là là 42 km/giờ...
Hôm nay 19.5, hai nạn nhân là Trần Văn Chuyên và Nguyễn Nhựt Trường bị chấn thương nặng cũng đã được đưa về TP.HCM điều trị. Hiện tại, theo bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk, đã có 6 nạn nhân bị thương nhẹ được xuất viện về điều trị tại nhà; một trường hợp tự ý chuyển sang Bệnh viện Thiện Hạnh (Buôn Ma Thuột); 12 nạn nhân còn lại vẫn đang được chữa trị tích cực.
HTX Quyết Thắng, đơn vị quản lý chiếc xe bị nạn đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 20 triệu đồng, ở tỉnh xa từ 25 đến 30 triệu đồng. Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đắk Lắk cho biết, chi nhánh công ty Đạm Phú Mỹ tại Đắk Lắk đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 1 triệu đồng, người bị thương 500.000 đồng. Một số doanh nghiệp cũng đang chuyển tiền đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh để giúp đỡ các nạn nhân.
Theo Thanh Niên
Mặt nạ giấy nằm cô đơn bên đồ chơi Trung Quốc... Trong khi lồng đèn nhựa Trung Quốc có chất gây ung thư đang được bày bán sặc sỡ, rộn ràng đắt khách, ở một góc phố nhỏ bé của Hà Nội, có đôi vợ chồng già lặng lẽ làm những chiếc mặt nạ từ giấy bồi- một món hàng chẳng mấy ai mua... Chiếm một không gian nhỏ giữa muôn vàn đồ chơi...