Người biểu tình đốt lửa bên ngoài Nhà Trắng
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Nhà Trắng trong đêm biểu tình thứ sáu toàn quốc, hò hét, đốt lửa, buộc c ảnh sát dùng hơi cay để giải tán.
Người biểu tình đêm 31/5 (sáng 1/6 giờ Hà Nội) tiếp tục tập trung bên ngoài nơi ở của Tổng thống Donald Trump, ca hát, đốt lửa và giơ các biểu ngữ phản đối. Những đám cháy lớn xuất hiện ở Công viên Lafayette, nhà thờ lịch sử St. John và tòa nhà công cộng gần công viên. Người biểu tình ném cành cây và bắn pháo hoa vào đám cháy, thậm chí cả một băng ghế công viên bằng gỗ.
Sở cứu hỏa Washington đang dập tắt đám cháy ở tầng hầm của nhà thờ St. John. Nhà thờ mang tính biểu tượng chỉ cách Nhà Trắng vài tòa nhà và được gọi là “Nhà thờ Tổng thống”,vì nhiều tổng thống, bao gồm Trump, đã dự các buổi lễ tại đây.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông khi đụng độ bạo lực xảy ra ở công viên. Thị trưởng Washington Muriel Bowser trước đó công bố lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt ở thủ đô từ 23h đến 6h sáng hôm sau.
Nhà Trắng gửi mail cảnh báo nhân viên giấu thẻ ra vào cho đến khi họ tới được chốt kiểm soát của Cơ quan Mật vụ và khi họ rời đi.
Người biểu tình đốt lửa gần Nhà Trắng đêm 31/5. Ảnh: AP.
Biểu tình xảy ra trên khắp nước Mỹ để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của George Floyd, 46 tuổi, người đàn ông da màu bị cảnh sát bắt hôm 25/5 với cáo buộc tiêu thụ một tờ 20 USD giả. Video được công bố cho thấy một cảnh sát da trắng ghì đầu gối vào gáy Floyd trong nhiều phút, trong khi ba cảnh sát khác hỗ trợ.
Floyd liên tục cầu xin, nói mình không thể thở được, nhưng viên cảnh sát vẫn giữ nguyên tư thế. Anh này sau đó bất tỉnh và tử vong. 4 cảnh sát liên quan đến sự việc đã bị sa thải và người trực tiếp ghì chân lên gáy Floyd bị truy tố tội giết người cấp độ ba.
Hồ sơ truy tố nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. “Những tác động kết hợp của việc Floyd bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và bất kỳ chất kích thích tiềm tàng nào trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong”, hồ sơ cho hay.
Hàng chục nghìn người trên khắp nước Mỹ tiếp tục xuống đường biểu tình hôm 31/5. Những cuộc biểu tình ôn hòa nhanh chóng bị lu mờ bởi tình trạng bất ổn trên các thành phố từ Pennsylvania đến California. Nhiều quan chức bang và thành phố đã triển khai hàng nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia, ban hành lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt và đóng cửa các hệ thống giao thông công cộng, nhưng không ngăn được tình trạng bất ổn do biểu tình.
Bộ Quốc phòng cho biết khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được huy động tại 15 bang cũng như thủ đô Washington, trong khi 2.000 người khác đang sẵn sàng chờ lệnh. Mỹ hiếm khi triển khai rộng rãi các đơn vị Vệ binh Quốc gia, làm gợi lên những ký ức đáng lo ngại về bạo loạn ở các thành phố Mỹ vào năm 1967, 1968 trong thời kỳ hỗn loạn biểu tình phản đối bất bình đẳng chủng tộc và kinh tế.
Xe bồn lao vào người biểu tình Mỹ
Một xe bồn bất ngờ lao vào đám đông những người đang biểu tình ôn hòa trên một cao tốc gần trung tâm thành phố Minneapolis hôm 31/5.
Đoạn video ghi lại cảnh tượng trên cho thấy biển người đang tuần hành trên cầu I-35W để phản đối cái chết của George Floyd thì chiếc xe chở nhiên liệu lao nhanh tới, khiến họ vội vã dạt ra hai bên. Chiếc xe sau đó dừng lại, người biểu tình nhanh chóng vây quanh. Cảnh sát cũng có mặt và rút súng ra.
Xe bồn lao vào người biểu tình ở Minneapolis hôm 31/5. Video: Abc5
Đội cảnh sát tuần tra cao tốc bang Minnesota cho hay trên Twitter rằng hành động lao xe này dường như là có chủ đích. Tài xế bị thương nhẹ và đã được đưa tới bệnh viện. Thống đốc Tim Walz nói rằng anh này đã ra viện và đang bị cảnh sát giam giữ.
Một quan chức địa phương cho biết theo camera giám sát, chiếc xe bồn đã ở trên cao tốc từ trước khi họ đặt các rào chắn để đóng cửa con đường vào lúc 17h. Không có người biểu tình nào bị đâm.
"Anh ta không dừng lại. Anh ta bấm còi rất lớn và lao vào đám đông", Drew Valle, một nhân chứng, kể với Star Tribune. "Đó là sự ác độc đã đưa chúng tôi đến đây. Một sự coi thường nhẫn tâm với nhân loại".
Chiếc xe bồn lao vào đám đông ở cao tốc Minneapolis hôm 31/5. Ảnh: Reuters
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Minneapolis từ tuần trước sau khi Floyd, một người da màu 46 tuổi, tử vong do bị cảnh sát ghì gáy suốt 9 phút. 4 cảnh sát liên quan đến sự việc đã bị sa thải và người trực tiếp ghì chân lên gáy Floyd bị truy tố tội giết người cấp độ ba.
Tuy nhiên, mức truy tố này chưa làm thỏa mãn người biểu tình, vốn dồn nén nhiều phẫn uất sau cái chết của những người da màu trước đây. Biểu tình hiện lan rộng ra nhiều thành phố khắp nước Mỹ, buộc các thị trưởng phải ban lệnh giới nghiêm và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo an ninh.
Trump rút xuống hầm ngầm né biểu tình Trump được đưa xuống hầm tổng thống trong khoảng thời gian ngắn khi người biểu tình tụ tập bên ngoài Nhà Trắng đêm 29/5, theo một quan chức chính quyền. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ở dưới hầm ngầm dành cho tổng thống bên dưới Nhà Trắng khoảng một giờ khi hàng trăm người tụ tập bên ngoài biểu tình sau cái...