Người bị hại vụ Tân Hoàng Minh có cơ hội được nhận lại tiền
Liên quan đến vụ Tân Hoàng Minh, đến nay, CQĐT đã thu hồi hơn 8.644 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn năm 2021, đầu năm 2022, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, Công ty Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng rất lớn, cần tiền trả nợ đến hạn và quá hạn, tiếp tục đầu tư mua bán cổ phần, dự án, chi phí hoạt động…
Khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh) nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho Tân Hoàng Minh.
Ông Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo con trai và cùng với anh Đỗ Hoàng Việt phân công, chỉ đạo, ủy quyền các bị can, cá nhân liên quan tại Tân Hoàng Minh sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông) ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng không có thật giữa nội bộ các công ty trong Tập đoàn, để làm phương án phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ; thông đồng với các bị can, đối tượng tại Công ty Kiểm toán Nam Việt Chi nhánh Phía Bắc và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, hợp thức số liệu, “ làm đẹp” báo cáo tài chính năm 2020-2021 của các công ty.
Ông Dũng cũng ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc thanh toán tiền từ Công ty Tân Hoàng Minh sang công ty phát hành, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu và trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh, để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân (lách quy định chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp) nhằm huy động, rồi chiếm đoạt, sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau.
Với thủ đoạn trên, ông Đỗ Anh Dũng và 10 bị can tại Tân Hoàng Minh đã phát hành được 9 gói trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngoài 15 bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, CQĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.
Sau khi hợp thức hồ sơ, phương án phát hành và thanh toán “khống” để thành trái chủ sơ cấp, Công ty Tân Hoàng Minh đã bán trái phiếu, huy động được tổng số tiền hơn 13.900 tỷ của các nhà đầu tư trái pháp luật.
Toàn bộ số tiền bán trái phiếu, ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng hết vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu; trong đó sử dụng hơn 5.100 tỷ đồng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, các bị can còn chiếm đoạt hơn 8.807 tỷ đồng của 6.631 khách hàng riêng lẻ được xác định là bị hại trong vụ án.
Sau khi giảm trừ 163,5 tỷ đồng dư nợ trái phiếu của Công ty Tổng Bách Hóa, thuộc Tân Hoàng Minh thì ông Đỗ Anh Dũng và các bị can trong vụ án còn chiếm đoạt hơn 8.634 tỷ đồng của 6.630 bị hại. Đến nay, CQĐT đã thu hồi hơn 8.644 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
CQĐT đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại của vụ án là hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, làm mất ổn định tình hình tài chính, tác động ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên cần xem xét xử lý nghiêm các bị can trước pháp luật.
Theo CQĐT, ông Đỗ Anh Dũng đã thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội về vai trò, trách nhiệm của mình, giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh) thực hiện các thủ tục phát hành trái phiếu, huy động vốn rồi chỉ đạo sử dụng tiền của nhà đầu tư không đúng mục đích, phương án phát hành.
Quá trình điều hành hoạt động của Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội; tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận. Bản thân ông Dũng đã tích cực, tự nguyện phối hợp với Công ty Tân Hoàng Minh và gia đình khắc phục hậu quả của vụ án. Vì vậy, CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình.
Cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng dùng tiền lừa đảo được vào việc gì?
Với số tiền 8.000 tỷ đồng lừa đảo từ thủ đoạn phát hành trái phiếu, Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã sử dụng vào việc trả nợ ngân hàng, mua bán trái phiếu của các công ty khác và đầu tư dự án bên ngoài...
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh là người sáng lập, đại diện theo pháp luật là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất các hoạt động kinh tế tại Tân Hoàng Minh, như thành lập các công ty có liên quan, mua bán cổ phần, dự án, chỉ định cá nhân, pháp nhân đứng tên cổ phần, vốn góp tại các công ty, bổ nhiệm, phân công Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Trung tâm, Ban để phục trách các phần việc chuyên môn tại Công ty Tân Hoàng Minh và các công ty, dự án liên quan.
Đỗ Anh Dũng khai nhận, đầu năm 2021, tình hình tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, dư nợ các ngân hàng khoảng 14.000 tỷ đồng, nhiều khoản nợ đã đến hạn nhưng không thể thanh toán. Đứng trước những khó khăn này, Dũng giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính có phương án tài chính duy trì hoạt động của Tập đoàn và có nguồn tiếp tục mua bán các dự án.
Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt.
Dũng được Việt báo cáo không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng, đề xuất chủ trương phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn cho tập đoàn sử dụng và Dũng đã đồng ý thực hiện. Về chủ trương lựa chọn tổ chức phát hành trái phiếu, phương án, mục đích phát hành, Dũng không chỉ đạo cụ thể mà giao cho Việt và cấp dưới thống nhất thực hiện.
Khi thống nhất được các vấn đề có liên quan đến phát hành trái phiếu, Việt báo cáo miệng với Dũng những nội dung như lựa chọn công ty thuộc tập đoàn để phát hành, giá trị phát hành dự kiến, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư...và được Dũng đồng ý cho thực hiện.
Đối với các tờ trình, báo cáo đề xuất phát hành trái phiếu của Trung tâm Tài chính kế toán, Ban Nguồn vốn và Đỗ Hoàng Việt ký trình Chủ tịch, Tổng Giám đốc xin chủ trương. Do đã đồng ý báo cáo miệng của Việt nên Dũng không ký, phê duyệt mà giao cho Việt ký thừa ủy quyền bút phê "đồng ý", làm căn cứ triển khai trong tập đoàn. Sau đó, các tờ trình này được gửi lên Văn phòng Chủ tịch, Tổng Giám đốc, kèm tài liệu, hồ sơ phát hành trái phiếu để làm cơ sở đóng dấu Công ty Tân Hoàng Minh và các công ty khác trong tập đoàn.
Để bán trái phiếu rộng rãi ra cho người dân, tháng 7/2021, ngay khi các gói trái phiếu đang làm thủ tục phát hành, Dũng quyết định thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao cho Việt, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu.
Sau mỗi đợt phát hành trái phiếu, Công ty Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua trái phiếu từ các công ty phát hành như Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, lấy uy tín của Tân Hoàng Minh để bán rộng rãi cho nhà đầu tư.
Việt và hoặc Trung tâm Kinh doanh trái phiếu trình giấy ủy quyền để Đỗ Anh Dũng ủy quyền cho Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc và 21 cá nhân tại Tân Hoàng Minh ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua trái phiếu cho tập đoàn sử dụng. Kết quả bán trái phiếu tại Tân Hoàng Minh, hàng ngày lấy các số liệu thu - chi đều được báo cáo cho Đỗ Anh Dũng qua Trung tâm Tài chính kế toán và Văn phòng Chủ tịch, Tổng Giám đốc để biết.
Dũng cũng thừa nhận các khoản tiền huy động được từ trái phiếu đều được tổng hợp để báo cáo Dũng chỉ đạo hoặc Việt xin ý kiến để Dũng đồng ý sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu như thanh toán nợ đến hạn, quá hạn cho Ngân hàng SHB, Agribank (tổng cộng 1.976 tỷ đồng); mua cổ phần các công ty để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư các dự án (mua cổ phần Công ty Thiên Bảo Phú Quốc 1.475 tỷ đồng, mua cổ phần Công ty Bình Minh 1.050 tỷ đồng, mua cổ phần Công ty Nam Anh Tú 370 tỷ đồng, mua cổ phần của Công ty Sao Đỏ Đà Nẵng 320 tỷ đồng, mua dự án Yên Phụ 620 tỷ đồng); đặt cọc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm 585 tỷ đồng; đầu tư mã chứng khoán VPB lỗ 153,9 tỷ đồng; tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng dự án Thái Nguyên 50 tỷ đồng; chuyển tiền từ thiện 62,8 tỷ đồng; chi trả nợ, tiêu dùng cá nhân, mua USD, thanh toán chi phí hoạt động của Tân Hoàng Minh nhưng Dũng không nhớ chi tiết, cụ thể.
Quá trình điều tra, Dũng thừa nhận vai trò chỉ đạo, điều hành cao nhất đối với toàn bộ hoạt động của Tân Hoàng Minh; chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt nghiên cứu phương án huy động vốn; đồng ý, chấp thuận chủ trương, ký giấy ủy quyền để các công ty như Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông phát hành các gói trái phiếu, Công ty Tân Hoàng Minh mua lại để bán trái phiếu, huy động tiền về cho Dũng và Tân Hoàng Minh sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng phương án phát hành trái phiếu và vi phạm pháp luật. Đỗ Anh Dũng nhận thức được hành vi vi phạm và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo chiếm đoạt lên tới 8000 tỷ đồng Sáng 30/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, đã ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Bị can Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị truy tố về tội...