Người Afghanistan xa xứ quảng bá du lịch quê hương
Những hướng dẫn viên du lịch tiếp tục giới thiệu văn hóa, lịch sử Afghanistan sau khi rời khỏi đất nước do Taliban tiếp quản.
Những năm qua, Noor Ramazan cùng hàng chục hướng dẫn viên du lịch đã giới thiệu cho du khách về các kỳ quan thiên nhiên và lịch sử của Afghanistan, đất nước được biết đến với chiến tranh và xung đột trong nhiều thập kỷ gần đây.
Nhờ đó, du khách có thể trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp của ngọn núi Pamir, Hindu Kush phủ đầy tuyết trắng, những công trình kiến trúc Islam độc đáo, các mặt hàng thủ công Ba Tư hay sự thân thiện và lòng hiếu khách của người dân Afghanistan.
Cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục của ngọn núi Pamir.
Nhưng sau sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn và quá trình tiếp quản của Taliban, Ramazan cùng nhiều hướng dẫn viên du lịch khác nằm trong số hàng trăm nghìn người Afghanistan phải chạy trốn khỏi quê hương để đảm bảo an toàn tính mạng.
“Taliban chưa bao giờ hiểu về du lịch. Họ xem du khách là kẻ ngoại đạo và hướng dẫn viên du lịch như nô lệ của kẻ ngoại đạo. Vì vậy, những người làm trong ngành du lịch đang gặp nguy hiểm”, Noor Ramazan nói.
Ngành du lịch non trẻ
Trước khi thành lập công ty lữ hành Lets Be Friends Afghanistan, Ramazan là nhân viên an ninh thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ thực hiện các dự án nông nghiệp ở miền bắc Afghanistan. Bấy giờ, anh thường thuyết phục những đồng nghiệp ngoại quốc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như Hazrat Ali Mazar ( Thánh đường xanh), để họ hiểu hơn về tình hình phức tạp của Afghanistan bên ngoài văn phòng.
Đến năm 2016, Ramazan quyết định làm công việc hướng dẫn viên du lịch toàn thời gian. Ban đầu, anh chỉ nhận một hoặc hai khách hàng mỗi năm. Nhưng sau khi được sự giúp đỡ từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, số lượng khách hàng của Ramazan đã tăng lên 200 người trong năm 2020.
Video đang HOT
Dòng người cầu nguyện ở Hazrat Ali Mazar (Thánh đường xanh).
Ramazan không những giới thiệu những di tích lịch sử ở các thành phố lớn như Herat và Kandahar, mà còn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống thường nhật của nghệ nhân, giáo viên hay nhiếp ảnh gia đường phố. Ngoài ra, Ramazan còn hợp tác với một số hướng dẫn viên du lịch tự do ở Afghanistan, bao gồm vận động viên chuyên nghiệp Sajjad Husaini, để tổ chức chuyến đi trượt tuyết hoặc đạp xe.
Trước khi Ramazan giúp du lịch Afghanistan phổ biến trên mạng xã hội, Gul Hussain Baizada đã thành lập một trong những công ty du lịch đầu tiên thời hậu Taliban ở Afghanistan vào năm 2011. Kể từ đó, doanh nghiệp lữ hành mang tên Silk Road Afghanistan & Travel đã đón khoảng 3.000 du khách đến đất nước này.
Baizada tin rằng du lịch cộng đồng ở Bamyan sẽ tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Afghanistan. Thậm chí, ông còn tuyển dụng nữ hướng dẫn viên du lịch duy nhất của Afghanistan, Fatima Haidari.
“Trước đây, Bamyan là khu vực có nền văn hóa bảo thủ. Nhưng giờ đây, bạn có thể thấy cư dân vùng đất này có tư tưởng thoáng hơn. Tất cả là nhờ du lịch”, Baizada tiết lộ.
Baizada cho biết Bamyan đã lấy lại vị thế như một ốc đảo du lịch vào năm 2012 khi lượng khách du lịch tăng lên với việc tăng cường an ninh dọc theo con đường từ thủ đô Kabul. Vùng đồi núi, hồ nước và làng mạc nơi đây cùng với hành lang Wakhan – phần lãnh thổ ngăn cách Afghanistan với Pakistan và Tajikistan – được coi là an toàn để thực hiện các dự án du lịch cộng đồng.
Cuộc sống của người dân Bamyan đã thay đổi rất nhiều nhờ du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, những bất ổn chính trị ở Afghanistan vào năm 2019 khiến lượng khách du lịch giảm đi đáng kể. Tình trạng kém an toàn đường bộ và các chuyến bay gặp nguy hiểm khiến công ty lữ hành của Baizada và Ramazan phải thực hiện nhiều biện pháp an ninh.
Niềm tin và hy vọng
Tương lai của ngành du lịch Afghanistan sẽ như thế nào?
“Còn quá sớm để nhận định. Nếu đây là Taliban trong những năm 90, tôi không có hy vọng”, Ramazan chia sẻ.
Baizada và Ramazan là người dân tộc Hazara, một trong những tộc người thiểu số đông nhất tại Afghanistan. Trong lịch sử, Taliban đã đàn áp người Hazara vì những đặc điểm trên khuôn mặt Âu-Á của họ và truyền thống văn hóa chịu ảnh hưởng của Ba Tư. Quan trọng hơn, người Hazara là những tín đồ trung thành của Islam Shiite.
Cộng đồng quốc tế đang hỗ trợ Baizada và Ramazan trong việc nộp các thủ tục giấy tờ, tiến hành gây quỹ nhằm giúp các hướng dẫn viên du lịch và gia đình rời khỏi Afghanistan. Đến nay, sáu nhà điều hành du lịch mạo hiểm đã quyên góp được gần 70.000 USD.
Các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ những hướng dẫn viên du lịch có thể an toàn rời khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, những hướng dẫn viên du lịch đã rời khỏi Afghanistan đang cố gắng thích nghi với cuộc sống xa quê hương. Ramazan ở Australia, còn Baizada và Haidari đang sống tại Italy.
Baizada cho biết anh hy vọng cùng những người Afghanistan tị nạn ở Italy thực hiện các chương trình du lịch đi bộ đường dài và lái xe đạp địa hình. Ramazan muốn xây dựng nhà văn hóa Afghanistan tại Australia, tổ chức triển lãm về ẩm thực, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa Afghanistan.
“Tôi không muốn đất nước Afghanistan bị lãng quên. Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu và quảng bá hình ảnh quê hương ngay cả khi ở phương xa”, Ramazan khẳng định với ánh mắt lạc quan.
Vùng đất bí ẩn ở Afghanistan
Hành lang Wakhan từng là khu vực biệt lập ít người biết đến, nhưng vùng đất này đang phát triển từng ngày nhờ tuyến đường mới kết nối với Trung Quốc.
Hành lang Wakhan là thế giới tách biệt với phần còn lại của đất nước Afghanistan, cả về địa lý và văn hóa. Dải đất dài 350 km nằm ở phía đông bắc Afghanistan, được tạo thành từ sự nối liền của ba dãy núi lớn, bao gồm Hindu Kush, Pamirs và Karakoram. Vì địa hình hiểm trở và giao thông gặp nhiều khó khăn ở hành lang Wakhan nên không nhiều du khách biết đến sự tồn tại của vùng đất bình yên này. Tuy vậy, nhiếp ảnh gia Simon Urwin khẳng định hành lang Wakhan là một trong những nơi xa xôi và đẹp nhất ở châu Á.
Trong nhiều thế kỷ, hành lang Wakhan là một phần của Con đường Tơ lụa nối liền Trung Quốc và Địa Trung Hải. Vào thế kỷ 19, hành lang Wakhan đóng vai trò quan trọng trong "trò chơi vĩ đại" giữa Anh và Nga. Hai quốc gia hùng mạnh này đã tiến hành nhiều cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát khu vực chiến lược như hành lang Wakhan ở Afghanistan. Ranh giới hiện tại của vùng đất này được thiết lập vào năm 1893 nhằm tạo ra vùng đệm giữa lãnh thổ của Nữ vương Anh và đế quốc Nga của Sa hoàng. Hiện nay, hành lang Wakhan đang nằm trên tuyến đường thương mại trong dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Những ngôi nhà của cư dân bản địa được làm bằng vật liệu đơn giản (đá, bùn, gỗ), nằm rải rác dọc theo hành lang Wakhan và nối với nhau bằng một con đường đất. Cách thức di chuyển phổ biến của dân địa phương là đi bộ hoặc cưỡi lạc đà vì không có nhiều phương tiện công cộng, ôtô ở Wakhan. Thành thị gần nhất với hành lang Wakhan là Dushanbe, thủ đô Tajikistan, cách nơi đây khoảng 3 ngày lái xe. Sự biệt lập khiến hành lang Wakhan giống như một viên nang thời gian. Do vậy, những cư dân bản địa luôn mong cầu tương lai Wakhan có hệ thống điện, con đường trải nhựa và sóng điện thoại di động, giống như Tajikistan.
Hành lang Wakhan là nơi sinh sống của tộc người Wakhi trong hơn 2.500 năm qua. Trong khi phần lớn dân số Afghanistan theo Islam giáo dòng Sunni, thì 12.000 người Wakhi thuộc Ismailis, một nhánh của Islam Shia. Tại đây không có nhà thờ Islam, thay vào đó người Wakhi sẽ hành lễ ở các nhà nguyện jamatkhanas. Người phụ nữ ở Wakhan không bắt buộc mặc Burqa (loại áo dài che mặt người phụ nữ Afghanistan) nên có thể chụp ảnh với nam du khách phương Tây, hành động sẽ gây phản cảm ở những vùng đất khác trên lãnh thổ Afghanistan.
Thu nhập chủ yếu của người Wakhi từ những cánh đồng trồng lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan, khoai tây, táo... Trong điều kiện khô cằn của hành lang Wakhan, người nông dân nơi đây sử dụng nguồn nước chảy từ các sông băng trên núi để tưới tiêu. Vào tháng 6, các gia đình khá giả sẽ đưa đàn gia súc, bao gồm cừu, dê, lạc đà, ngựa và bò Tây Tạng đến đồng cỏ ở độ cao 4.500 m. Người dân ở Wakhan thường tổ chức lễ hội để kỷ niệm ngày bắt đầu thu hoạch lúa mạch vào đầu tháng 8, gọi là Chinir.
Buzkhasi là một trong những trò chơi truyền thống được yêu thích nhất ở hành lang Wakhan. Trò chơi được gọi là bóng bầu dục trên lưng ngựa và sử dụng một con dê thay thế cho quả bóng. Trong buzkhasi không có quy tắc, không có đội nhóm, cũng không có khái niệm "fair play" vì những người tham gia sẽ dùng mọi cách thức để cướp dê. Ở những vùng đất khác của Afghanistan, buzkhasi thường mang tính chính trị để tầng lớp thượng lưu giành được phiếu bầu, nhưng tại hành lang Wakhan đây chỉ là trò chơi mang tính cộng đồng.
Tuyến cao tốc thuộc dự án Vành đai và Con đường đang được xây dựng nhằm kết nối khu vực biên giới Trung Quốc với hành lang Wakhan. Công trình này giúp người Wakhi mua dê từ Trung Quốc với giá rẻ hơn chợ Ishkhashim, đồng thời cư dân bản địa có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tuy vậy, những tuyến cao tốc này khiến nhiều người dân lo lắng sẽ làm nền văn hóa Wakhi độc đáo và lối sống chậm biến mất mãi mãi. Ngoài ra, hệ lụy từ ô nhiễm môi trường giao thông có thể tác động tiêu cực đến sự tĩnh lặng và phong cảnh thiên nhiên ở hành lang Wakhan.
Những điểm đến tuyệt đẹp ở Afghanistan Quốc gia nằm trên con đường tơ lụa khiến du khách bất ngờ bởi những cảnh quan ngoạn mục và khác biệt. Giờ đây, việc chiêm ngưỡng chúng có thể trở nên khó khăn hơn. Nằm giữa Nam Á và Trung Đông, tại các thung lũng của dãy Hindu Kush hiểm trở, khung cảnh của Afghanistan khiến trái tim của những du khách...