Ngược thời gian trở về tuổi thơ với những món ăn “thần thánh”
Có những món ăn gắn liền với quãng đời tuổi thơ của mỗi người, để rồi khi trưởng thành, đi đến tận chân trời xa ngái thì chỉ cần nhâm nhi một chút là cả bầu trời ký ức bất chợt ùa về. Đó có thể là que kẹo bông ngọt ngào, kem que mát lạnh hay gói mì trẻ em đơn sơ.
KẸO BÔNG
Ngày còn bé, cây kẹo bông là món quà xa xỉ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng rất hạnh phúc khi mẹ mua cho. Chiếc máy nhỏ nằm gọn sau xe đạp, chú bán kẹo cho thêm chút đường vào máy và chỉ một tích tắc đã có ngay que kẹo ngọt ngào, đáng yêu. Và có lẽ dải đường mịn màng bám chặt lấy thanh tre ấy là cả một mảng ký ức đẹp đẽ đối với thế hệ 8X, 9X. Chẳng biết có ai như tôi, ngày bé vẫn luôn thắc mắc rằng không hiểu vì sao chỉ chút đường mà người ta có thể làm nên món ăn ngon độc đáo như vậy. Dường như vì trong mắt trẻ con, thế giới muôn màu ẩn chứa muôn vàn diệu kỳ nên những món ăn vặt bất chợt cũng trở nên thú vị.
KEM MÚT
Cứ mỗi trưa, khi anh bán kem rao lên tiếng chuông quen thuộc, lũ trẻ lại hào hứng chọn cho mình một que kem mát lạnh. Những que kem đựng trong thùng xốp cũ kĩ luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ với lũ trẻ. Cắn một miếng kem nhỏ, hay đôi khi chỉ là để yên trong miệng chờ cho đến khi nó tan chảy là mùa hè cũng trở nên dịu êm hơn. Dù cho kem mút chỉ là nước thêm chút đường, sữa, phẩm màu pha loãng nhưng nó lại ngon hơn bất cứ loại sơn hào hải vị nào khác.
Video đang HOT
KẸO KÉO
” Ai kẹo kéo đây, ai kẹo kéo nào ” là tiếng rao quen thuộc mà ngày xưa chúng ta vẫn thường được nghe. Thanh kẹo ngọt lịm hòa quyện cùng vị béo bùi của đậu phộng rang giòn khiến ai cũng mê mẩn. Khi tuổi thơ dần qua đi, tiếng rao ấy ở lại trong dĩ vãng, hương thơm giản dị được thay bằng vô số món ăn mới lạ, không còn nguyên bản. Thế nhưng, nhắc đến ký ức thơ ấu thì nhất định không thể nào thiếu được món kẹo kéo “thần thánh” chất chứa cả sự hồn nhiên, ngây thơ thuở ấy.
MÌ TÔM TRẺ EM
Mì tôm trẻ em cũng nằm trong danh sách những món ăn in đậm dấu ấn tuổi thơ. Ngày xưa, không cổng trường nào mà lại không bán món mì tôm hấp dẫn trẻ nhỏ này. Chỉ là chút mì tôm bóp vụn, thêm chút gia vị, mặn mặn, giòn giòn cũng đủ khiến mọi đứa trẻ mê tít và quyết tâm dành dụm tiền để mua quà vặt thưởng thức trong giờ ra chơi.
KẸO CHỈ TUỔI THƠ
Kẹo chỉ ban đầu là những viên kẹo tròn tròn xinh xinh, sau đó người ta dùng tay kéo nhẹ nhàng từng viên kẹo đường, lăn cùng bột năng. Chỉ sau vài lần kéo sẽ tạo thành những sợi chỉ, mỏng manh và dẻo dai. Người ta đặt lớp chỉ ngọt ngào kẹp giữa hai lớp bánh tráng ngọt giòn, rắc thêm đậu phộng, dừa nạo… Tuy đơn giản là vậy nhưng món ăn này lại có “ma lực” hấp dẫn những “đứa trẻ” thế hệ 8X, đầu 9X.
Bánh cúng trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ miền Tây
Nếu người vùng khác, chỉ nghe tên bánh cúng thì sẽ rất khó đoán định được nguyên liệu, hương vị, nhưng với những đứa con miền Tây thì đây là một món ăn vô cùng gần gũi và thân thuộc. Hơn nữa, bánh cúng còn là một phần ký ức tuổi thơ "một đi không trở lại" .
Miền Tây vốn nổi tiếng với những món bánh dân dã, say lòng người lữ khách ghé thăm. Và món bánh cúng mộc mạc sẽ mang những "đứa trẻ" lên chuyến tàu khứ hồi ngược về thơ ấu đã xa. Ngày xưa, đây là một thức quà xa xỉ, khiến trẻ con háo hức mong chờ mỗi dịp được người lớn trao tặng với tình cảm thân thương.
Nhiều người cho rằng, cái tên bánh cúng thực chất xuất phát từ bánh cuốn, do cách làm bánh là phải cuốn lại, nhưng vì sợ nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt nên mới đọc lệch sang thành bánh cúng. Và cũng có ý kiến khác lại quan niệm bánh dùng để cúng ông bà tổ tiên vào các dịp lễ chạp nên mới có tên là bánh cúng. Chính từ tên gọi này cũng khiến cho món bánh này trở nên hấp dẫn, khiến nhiều người tò mò hơn.
Món ăn dân dã này được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, bên ngoài bao bọc bằng lá chuối xanh mướt và có hình dạng thon dài. Để có được món bánh cúng đúng điệu thì trước tiên người ta phải làm khuôn bánh. Khuôn được làm từ lá chuối tươi cắt thành từng miếng vuông vắn. Người chế biến khéo léo cuộn lá chuối theo chiều xéo để tạo thành một ống thuôn dài. Sau khi cuộn xong thì người ta sẽ cột chặt một đầu thật kín rồi cho hỗn hợp bột gạo, nước cốt dừa, muối, đường pha loãng vào và gấp đầu khuôn lại, rồi dùng dây cố định.
Đứa trẻ nào cũng sẽ mê mẩn hương vị bột bánh hòa quyện cùng mùi lá chuối, thêm chút cốt dừa béo ngậy khi bánh được hấp chín. Để có thể thưởng thức bánh cúng chuẩn vị thì bạn cần chờ cho bánh nguội, săn lại và dai hơn. Cắn một miếng bánh, ngay lập tức bạn sẽ bị cuốn hút bởi độ mềm dẻo, chút ngọt, chút mặn và chút béo. Chính sự thanh đạm từ những nguyên liệu đã làm cho món bánh miền Tây trở thành "cao lương mỹ vị" đối với du khách.
Và với những người con miền Tây xa quê, thì chỉ cần được nếm chút hương vị của bánh cúng nghĩa là đã được trở về thơ ấu, ngồi quanh nồi bánh nóng hổi, háo hức chờ bánh nguội. Dù bây giờ có vô số lựa chọn món bánh hiện đại, thế nhưng người ta vẫn cảm mến món bánh cúng tựa như nâng niu một ký ức thưở xưa đẹp đẽ.
Gánh đậu hũ dung dị gợi nhớ miền ký ức tuổi thơ "Ai đậu hũ khôn..." tiếng reo đó thỉnh thoảng vẫn vọng về trong tâm hồn tôi, khắc khoải, gợi nhớ những năm tháng tuổi thơ yên bình nơi xứ Huế thân thương. Ngày còn thơ bé, có những chiều mùa hè không ngủ, tôi cùng chúng bạn lang thang từ con hẻm này sang con hẻm khác, chơi từ trò này sang trò...