Ngựa ô Oscar ‘The Big Short’ đúng bao nhiêu so với sự thật?
Bộ phim xoay quanh cuộc khủng hoảng kinh tế nước Mỹ 2007-2008 và những hệ lụy từ đó nhận 5 đề cử Oscar 2016, trong đó có hạng mục “Phim truyện xuất sắc”.
Nếu so với các đối thủ khác trên đường đua Oscar 2016, The Big Short ra mắt khá muộn và hãng Paramount cũng chỉ quyết định tung ra bộ phim từ ngày 25/12 vào phút chót. Sau khi trắng tay tại giải thưởng Quả cầu vàng 2016, tác phẩm bất ngờ được Hiệp hội Sản xuất phim nước Mỹ (PGA) vinh danh.
Sau khi bất ngờ có giải PGA, The Big Short trở thành “chú ngựa ô” trên đường đua tới giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: Paramount
Trong 26 năm qua, đã có 19 bộ phim thắng giải PGA sau đó tiếp tục được Oscar tôn vinh. Yếu tố lịch sử giúp The Big Short trở thành “chú ngựa ô” tại chạng mục Phim truyện xuất sắc. Do dựa trên những sự kiện có thật, trang HistoryvsHollywood thử tìm hiểu xem liệu bộ phim của Adam McKay có bao nhiêu phần trăm là hư cấu.
Michael Burry ngoài đời có đi chân trần quanh văn phòng như nam diễn viên Christian Bale thể hiện trong phim không?
Theo lời đạo diễn Adam McKay, chi tiết đó có thật. “Anh ấy là dân thích nghe nhạc metal, và phần lớn thời gian không mang giầy. Burry có thể mặc nguyên một bộ quần áo suốt hàng tuần liền”, ông tiết lộ.
Vậy Michael Burry có phải người hướng nội như trong phim?
Michael Burry đúng là có tính cách hướng nội. Khi con trai anh được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger, Burry bắt đầu tin rằng bản thân mình cũng từng trải qua tình trạng liên quan đến chứng tự kỷ ở mức độ nhẹ.
Michael Burry trên màn ảnh do Christian Bale thể hiện khá sát với thực tế. Tài tửBatman từng nhiều lần trao đổi với nhân vật ngoài đời thực và nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc năm nay. Ảnh: Paramount
Michael Burry có thật là bị mất một mắt không?
Đúng vậy. Anh mất một mắt do căn bệnh ung thư khi chỉ mới 2 tuổi. “Bạn luôn nhận thức được rằng có một con mắt nhân tạo nằm trong cơ thể mình”, nhân vật ở ngoài đời có lần chia sẻ. “Bạn sẽ nhận ra khi nhìn vào ai đó mà hình ảnh cứ dịch sang một bên vì hai mắt của bạn không khớp nhau. Bạn sẽ nhận ra khi bọn trẻ con trêu bạn vì bạn bị lác”.
Video đang HOT
Michael Burry bao nhiêu tuổi khi anh biết đến thị trường chứng khoán?
Khi lần đầu biết đến chứng khoán, Burry mới… học lớp hai. Cậu bé Burry bắt đầu tìm hiểu về American Motors – công ty sản xuất ra phiên bản thật chiếc xe jeep đồ chơi đi kèm những chú lính nhựa của cậu. Đến khi học trung học, Burry đã bắt đầu đầu tư tiền thật vào sàn chứng khoán.
Burry có thật là một bác sĩ không?
Trong The Big Short, nhân vật Burry của Christian Bale đã thể hiện rõ chi tiết anh không chỉ là nhà quản lý quỹ đầu tư mà còn là một bác sĩ. Điều đó là thật. Michael Burry theo học tại trường y ở Vanderbilt vào năm 1990, rồi tập huấn tốt nghiệp ở Stanford. Nhưng niềm hứng thú với công việc đầu tư dần chiếm hết toàn bộ thời gian rảnh rỗi cũng như ban đêm của Burry.
Anh mở một trang blog về nó và gom góp số tiền ít ỏi của bản thân để mua những loại cổ phiếu bị đánh giá thấp. Hậu quả là sự nghiệp y khoa của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Burry từng có lần đứng ngủ khi đang quan sát một ca phẫu thuật phức tạp, rồi xô phải bình oxy của bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật khi đó rất tức giận và đuổi anh ra ngoài. Rốt cuộc, Burry bỏ ngành y ở tuổi 29.
Các nhân vật ngoài đời trong câu chuyện có tham gia thực hiện bộ phim không?
Trong bốn nhân vật chính của The Big Short, chỉ có Michael Burry của Christian Bale là được giữ nguyên tên thật. Burry ngoài đời dành 12 tiếng mỗi ngày để trò chuyện với nam diễn viên, bao gồm cả qua điện thoại lẫn những dịp đến thăm phim trường.
“Christian là một diễn viên vô cùng chuyên nghiệp”, anh nói về Bale. “Tôi hẳn không thể nào không hài lòng với màn diễn xuất hay công sức của cậu ấy.” Bản thân Bale thì gọi Burry là “một nhân vật xuất chúng” và cho biết anh rất quý nhà quản lý quỹ đầu tư.
Ngoài ra, Steve Carell có gặp mặt nhân vật Steve Eisman để cùng dùng bữa sáng sau khi đọc về ông. Không có bằng chứng gì cho thấy Ryan Gosling và Brad Pitt từng liên lạc với Greg Lippman và Ben Hockett, những nhân vật mà họ thể hiện trên màn ảnh.
Trên thực tế, The Big Short là bức tranh chưa đầy đủ về cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề mà nước Mỹ phải trải qua. Ảnh: Paramount
Vậy The Big Short có tái hiện chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 không?
Câu trả lời thành thực là không. Bộ phim chỉ vẽ nên một bức tranh chưa đầy đủ về bong bóng nợ và cuộc khủng hoảng. Theo Greg Ip của tờ The Wall Street Journal, The Big Short đổ lỗi phần lớn cho nạn tham nhũng tại phố Wall mà lại thất bại trong việc xem xét các nguyên nhân không nghiêm trọng bằng nhưng cấp bách hơn của bong bóng nợ.
Trong khi “tội phạm hóa” các nhân viên ngân hàng, bộ phim lại đơn giản hoá những gì đã diễn ra. The Big Short cũng không đưa ra đáp án cho câu hỏi làm thế nào mà bong bóng nợ thế chấp hình thành.
Theo Zing
'The Big Short' vươn lên là ứng cử viên số một tại Oscar
Chỉ nhờ chiến thắng tại giải thưởng Hiệp hội sản xuất phim nước Mỹ, bộ phim lấy đề tài cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ 2007-2008 bỗng trở thành cái tên số một trên đường đua Oscar.
Tạm gác lại những tranh cãi xung quanh vấn đề chủng tộc gây xôn xao dư luận trong suốt một tuần qua khi Viện hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh Mỹ (AMPAS) hai năm liên tiếp không trao đề cử cho các diễn viên da màu, đường đua Oscar tiếp tục trở nên phức tạp và khó đoán sau chiến thắng của The Big Short tại giải thưởng của Hiệp hội Sản xuất phim nước Mỹ (PGA) trong tối 23/1.
The Big Short trở thành ứng cử viên số một cho Oscar 2016 sau khi bất ngờ thắng giải của Hiệp hội Sản xuất phim nước Mỹ (PGA). Ảnh: Paramount
Theo truyền thống, đường đua Oscar thực sự bắt đầu từ mùa thu, khi ba liên hoan phim danh giá Venice, Telluride và Toronto lần lượt diễn ra. Bộ phim kể lại chiến công báo chí của tờ The Boston Globe khi phanh phui nạn ấu dâm trong giới nhà thờ Công giáo mang tên Spotlight lặng lẽ nổi lên là ứng cử viên số một từ tháng 9/2015. Dù trắng tay tại Quả cầu vàng 2016, phim vẫn được đánh giá là lựa chọn hàng đầu cho mùa Oscar năm nay khi được Critics' Choice Award xướng tên cách đây một tuần.
Tháng 10/2015, thắng lợi vang dội tại phòng vé và những lời khen ngợi có cánh của giới phê bình lập tức đưa The Martian đến đường đua Oscar. Giành hai giải thưởng quan trọng tại Quả cầu vàng năm nay, nhưng tác phẩm khoa học viễn tưởng lại không thể mang về cho cá nhân Ridley Scott đề cử Đạo diễn xuất sắc như dự đoán.
Hồi đầu tháng, The Revenant của Alejandro González Iárritu giành chiến thắng vang dội tại Quả cầu vàng với ba giải thưởng quan trọng. Sau đó, phim tiếp tục nhận tổng cộng 12 đề cử Oscar - nhiều nhất năm nay, nhưng trong đó lại thiếu hai hạng mục quan trọng là Kịch bản và Dựng phim xuất sắc.
Nhiều người dự đoán cuộc đua tới giải thưởng Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016 sẽ chủ yếu diễn ra giữa The Revenant và Spotlight. Nhưng tất cả buộc phải thay đổi quan điểm sau tối 23/1, khi The Big Short - tác phẩm trắng tay tại Quả cầu vàng và chỉ thắng giải Phim hài xuất sắc của Critics' Choice Award, được Hiệp hội Sản xuất phim nước Mỹ gọi tên.
Sự có mặt của The Big Short khiến đường đua Oscar trở nên nhộn nhịp và biến động không kém gì Phố Wall được mô tả trên màn ảnh. Ảnh: Paramount
Có thể nói đường đua Oscar 2016 lúc này nhộn nhịp và biến động chẳng khác gì Phố Wall trong giai đoạn 2005 - 2008 mà The Big Short đã mô tả. Nhưng tại sao chỉ một giải thưởng PGA lại giúp tác phẩm do Brad Pitt sắm vai trò nhà sản xuất kiêm một vai phụ trong phim bỗng trở thành ứng cử viên số một?
Trên thực tế, Quả cầu vàng và Critics' Choice Award là các giải thưởng do báo chí bình chọn và chưa chắc đã phản ánh quan điểm của Viện hàn lâm. Trong khi đó, PGA lại là giải thưởng đến từ hiệp hội trong nghề quan trọng đầu tiên của năm, thể hiện sát sao hơn lá phiếu Oscar.
Cũng chính PGA là tổ chức đầu tiên học tập AMPAS khi mở rộng số lượng đề cử cho hạng mục Phim truyện xuất sắc lên 10 tác phẩm và áp dụng luật "lá phiếu ưu tiên" (preferential ballot). Theo đó, người bình chọn sẽ phải xếp hạng toàn bộ các phim đề cử từ cao đến thấp, dẫn đến chuyện một tác phẩm nhận được nhiều vị trí thứ hai hoặc thứ ba có thể giành thắng lợi trước một tác phẩm khác có thể nhận không ít vị trí dẫn đầu, nhưng đồng thời lại có tên tại hạng chót ở các lá phiếu khác.
Trong suốt 26 năm chiều dài lịch sử, PGA có tới 19 lần dự đoán đúng phim thắng giải Oscar. Sự trùng hợp đã xảy ra trong 8 năm liên tiếp, với những Birdman, 12 Years a Slave, Argo, The Artist, The King's Speech, The Hurt Locker, Slumdog Millionaire và No Country for Old Man.
Đáng chú ý nhất có hai năm 2011 và 2015 khi PGA "ngược dòng" giới truyền thông, chọn The King's Speech thay vì The Social Network vàBirdman thay vì Boyhood. Lần gần đây nhất hai tổ chức đưa ra tác phẩm chiến thắng khác nhau là 2007, khi PGA chọn Little Miss Sunshine còn AMPAS lại gọi tên The Departed.
Trailer bộ phim 'The Big Short'
Sau PGA, The Big Short sẽ tiếp tục xuất hiện tại hai giải thưởng quan trọng nữa của Hiệp hội Diễn viên (SAG) và Hiệp hội Đạo diễn (DGA). Theo dự đoán, SAG chứng kiến cuộc đối đầu nảy lửa giữa The Big Short vớiSpotlight tại hạng mục danh giá nhất là Dàn diễn viên xuất sắc (The Revenant và The Martian không có tên tranh tài). Còn giải DGA nhiều khả năng được trao cho George Miller của Mad Max: Fury Road, nhưng bom tấn hậu tận thế vẫn gặp bất lợi tại Oscar khi không có đề cử về diễn xuất.
Trên thực tế, chỉ có The Big Short và Spotlight mới hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một ứng cử viên nặng ký tại Oscar: mang chủ đề đời thực hoặc dựa trên một sự kiện có thật, đề cử tại SAG cho Dàn diễn viên xuất sắc, sở hữu ít nhất một đề cử về diễn xuất và có tên tại hai hạng mụcDựng phim và Kịch bản của Oscar.
Nhưng nếu The Big Short lên ngôi, liệu điều đó có xứng đáng? Tác phẩm có sự tham gia của Christian Bale, Ryan Gosling, Steve Carell và Brad Pitt được Paramount đẩy lên chiếu sớm vào giờ chót để đủ tiêu chuẩn dự tranh các giải thưởng điện ảnh năm nay và đó quả là một quyết định khôn ngoan.
Bộ phim của đạo diễn Adam McKay tái hiện thành công thế giới tài chính đầy biến động của nước Mỹ trong giai đoạn 2005 - 2008 khi bong bóng nhà đất bị thổi phồng rồi vỡ tan, với hậu quả là cả nền kinh tế quốc gia suy sụp.
Có rất nhiều thuật ngữ tài chính phức tạp xuất hiện trong xuyên suốt bộ phim, nhưng chúng được nhiều diễn viên khách mời (như Selena Gomez, Margot Robbie...) giải thích bằng những ví dụ đời thường để người xem có thể dễ dàng tiếp thu. Ngoài ra, chuyện các nhân vật trong The Big Short liên tục "phá vỡ bức tường thứ tư" để giao tiếp với người xem cũng là nét đặc sắc riêng của tác phẩm, giúp tăng thêm chất hài hước châm biếm sâu cay.
The Big Short là cuốn sách thứ ba của nhà văn, nhà báo Michael Monroe Lewis được chuyển thể lên màn ảnh rộng, sau The Blind Side (2009) vàMoneyball (2011). Điều thú vị là cả ba đều nhận được đề cử Oscar tại hạng mục Phim truyện xuất sắc.
Theo Zing
4 lý do không thể bỏ qua bộ phim về khủng hoảng tài chính Mỹ Bộ phim hài đen của Hollywood "The Big Short" kể lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 trong lòng nước Mỹ và câu chuyện kỳ lạ về những kẻ "ngược dòng" giữa biết bao rối ren ấy. Từ một trong hai sự kiện ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Mỹ thế kỷ XXI Cho đến nay, hai sự kiện được coi là...