Ngư dân trắng tay, tù tội vì bị lừa
Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì bị lừa đưa tàu sang nước ngoài đánh bắt hải sản.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ngư dân Võ Văn Hân (42 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết đầu năm 2011, gia đình ông cùng với ngư dân Trương Minh Quang (ở cùng thôn) bỏ ra hơn 2 tỉ đồng đóng mới tàu cá QNg-90307 TS, công suất 420 CV để khai thác hải sản xa bờ. Đến tháng 4.2011, thông qua đường dây môi giới của ông Lê Văn Sơn (cùng thôn), ông Hân đã đưa hơn 297 triệu đồng để làm thủ tục sang vùng biển Malaysia đánh bắt. Bản hợp đồng bằng tiếng Malaysia nên ông Hân chẳng biết nội dung quy định những gì. Sau khi thay số hiệu tàu cá QNg-90307TS bằng số hiệu tàu Malaysia là FS2 4450, tháng 6.2011, thuyền trưởng Quang cùng 14 ngư dân đưa tàu đến vùng biển Malaysia. Tuy nhiên, khi vào vùng biển Malaysia, tàu cá đã bị bắt giữ, buộc phải nộp phạt 140 triệu đồng.
Ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu) tường trình vụ việc bị lừa với công an – Ảnh: Hiển Cừ
Khi tàu cá và ngư dân bị bắt, ông Sơn đã phủi trách nhiệm, ông Hân phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền nộp phạt. Gần 2 tháng trời bị giam giữ, tàu cá cùng 15 ngư dân mới trở về lại quê nhà.
Trường hợp của ngư dân Võ Văn Lựu (45 tuổi, cũng ở thôn Châu Thuận Biển) còn bi đát hơn. Bao nhiêu năm cực nhọc đi biển mới có được ít vốn; vay mượn thêm ngân hàng, người thân, năm 2010 gia đình đóng được tàu cá QNg-90026TS công suất 250 CV để đi biển xa. Nghe lời “cò” Nguyễn Thành Danh ở Mỹ Tho (Tiền Giang), ông Lựu đưa 230 triệu đồng để làm thủ tục đưa tàu sang Malaysia với số hiệu SF2 3667. Tháng 9.2010, ngay trong chuyến biển đầu tiên, thuyền trưởng Lựu cùng 14 ngư dân đã bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ với lý do đánh bắt bất hợp pháp; hợp đồng là giấy tờ giả. Không chỉ bị tịch thu tàu, 15 ngư dân còn phải ngồi tù từ 4-6 tháng.
Sau đó, được đoàn tụ với gia đình nhưng thuyền trưởng Lựu tán gia, bại sản vì mất chiếc tàu cá trị giá hàng tỉ đồng cùng gánh nặng nợ nần hơn 700 triệu đồng. Theo thuyền trưởng Lựu, khi Công an tỉnh Tiền Giang vào cuộc, “cò” Danh mới trả lại 230 triệu đồng.
Ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, có ít nhất 13 trường hợp rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu – nói: “Nhiều chủ tàu lén lút ký hợp đồng với “cò” môi giới mà không hề thông qua chính quyền địa phương. Cũng chính sự cả tin mà nhiều ngư dân ở Bình Châu sạt nghiệp, cuộc sống vô cùng khốn khó”.
Video đang HOT
Bức xúc, nhiều ngư dân đã làm đơn tố giác nhờ các cơ quan chức năng điều tra, vạch trần những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ông Lê Văn Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi – cho biết: “Dù đã nhiều lần tập huấn, tuyên truyền giải thích việc hoạt động khai thác ngoài vùng biển VN cần phải làm việc trực tiếp với chi cục nhưng chẳng có ngư dân nào chấp hành”.
Theo Thanh Niên
Nỗi đau người mẹ nghèo của tử tội
"Mẹ ơi, mẹ làm đơn xin gặp mặt con nhé...", cậu trai trẻ cố quay đầu về phía mẹ, thảm thiết kêu lên ngay khi bị tòa tuyên y án tử hình. Người mẹ già loạng choạng rồi đổ sụp xuống ghế ôm mặt khóc.
Bà đã đến tòa từ rất sớm. Trong bộ áo nâu sòng, người mẹ nép thân gầy guộc vào một góc ghế của phòng xử án. Thời gian chờ phiên tòa xét xử con trai khai mạc, nhiều lần bà buông tiếng thở dài, đôi mắt thâm quầng hiện rõ vẻ hoang mang.
Bà bảo có đến 5 đứa con nhưng vì nghèo quá nên đứa nào cũng phải bỏ học từ rất sớm. Chồng chết vì bị bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc da cam, bà sống nương tựa cùng mấy núm ruột của mình. Không muốn bám quanh mấy thửa ruộng, đứa con trai thứ 4 của bà là Nguyễn Văn Tới đến Sài Gòn kiếm việc làm, mong một ngày thay đổi cuộc đời. Người anh rể thương em nên phải bán xe máy, thứ giá trị nhất của gia đình để đưa cho Tới lấy tiền đi đường.
Tới làm việc cho xí nghiệp gạch với số tiền hơn 2 triệu đồng một tháng. Tưởng như thế cũng đã yên thân nhưng không lâu sau tai nạn xảy ra khiến cậu bị gãy tay không thể tiếp tục làm việc. Tới tìm công việc nhẹ nhàng. Song chỉ vài hôm sau khi vào làm ở một quán bia ở quận Tân Phú, chàng trai đã nảy sinh ý định giết anh thủ quỹ để chiếm tiền. Đó là ngày 19/12/2009.
Bị cáo Nguyễn Văn Tới gọi mẹ khẩn thiết trước khi bị dẫn giải lên xe. Ảnh: Hải Duyên
"Nó đi làm ăn xa chưa được bao lâu thì về nhà nói đã lỡ tay giết người. Tôi thấy đất trời như sụp đổ. Tôi bắt nó ra đầu thú nó cũng bằng lòng. Thương con sắp chịu cảnh tù tội, tôi ra chợ mua bát bún cho nó ăn cầm lòng rồi đi. Nhưng nó chưa nuốt được miếng nào thì các chú công an đến nhà...", chỉ nói được đến đó, người mẹ già lại giàn giụa nước mắt.
Trong lần xử sơ thẩm, Tới bị tuyên án tử hình về các tội "giết người" và "cướp tài sản". Sau hôm đó nghe người ta mách, cả nhà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vay mượn bà con hàng xóm được 55 triệu đồng để khắc phục hậu quả, bồi thường cho gia đình nạn nhân. Bà hy vọng lắm đó là tình tiết giảm nhẹ có thể cứu con thoát tội chết.
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu, bà thấp thỏm, đau đáu nhìn con trước vành móng ngựa. Vẻ mặt căng thẳng cực độ, bà cố lắng nghe từng lời nhận tội đầy thành khẩn của con. Lúc Tới khai nhận hành vi dùng mỏ lết đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân, bà lại thở dài sườn sượt.
"Dạ bị cáo đã biết tội của mình rồi ạ. Bị cáo hối hận lắm. Mong quý tòa tha tội chết để bị cáo có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình", Tới nói bằng giọng van vỉ.
Thế nhưng sự ăn năn hối lỗi của Tới đã quá muộn màng. Không gì có thể bào chữa cho hành vi mất hết nhân tính, lời khẩn cầu xin giảm án của bị cáo không được quan tòa chấp nhận. Chàng trai trẻ khụy xuống khi nghe chủ tọa tuyên y án sơ thẩm.
Hoảng hốt ngay về phía sau, nơi người mẹ đang rũ như một tàu lá, Tới gào lên thảm thiết. "Mẹ ơi! Mẹ ơi làm giấy gặp mặt con nhé. Gặp mặt con nhé mẹ ơi...".
Người mẹ bật khóc nhìn con bị dẫn giải ra xe thùng. Ảnh: Hải Duyên
Người mẹ lam lũ ôm mặt khóc nấc... Chị gái của bị cáo từ hàng ghế sau không nén được nỗi đau sắp mất em cũng nước mắt giàn giụa. Khuôn mặt thất thần, chị bước nhanh lên đỡ mẹ rồi cả hai tất tưởi chạy ra khỏi phòng xử. Họ ngơ ngác bên bàn mấy người bảo vệ của tòa án. Đôi tay người mẹ run rẩy khi cầm túi giấy tờ hỏi thủ tục xin gặp mặt đứa con lầm lạc trước khi nó bị tước đi quyền được sống.
Bất chợt thấy dáng Tới được dẫn giải xuống xe đưa về trại, bà vịn tay con gái hối hả chạy xuống sân để kịp nhìn mặt con và dặn dò những lời cuối.
"Mẹ ơi, chị ơi... hãy vào gặp mặt con nhé. Mẹ ơi, chị ơi...", cậu thanh niên thốt lên với đôi mắt tuyệt vọng.
"Mẹ sẽ làm đơn xin Chủ tịch nước tha chết cho con. Mẹ sẽ làm đơn xin cho con nhé...", người mẹ cố nói với theo Tới trước khi cửa xe tù kịp đóng. Nhiều ánh mắt ái ngại hướng về phía người mẹ đau khổ sắp ngã quỵ xuống sân tòa.
"Tội nghiệp bà ấy. Chắc vì quá thương con, muốn làm tất cả để cứu con mà quên rằng chỉ có bị cáo mới có quyền làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá", một phụ nữ thở dài.
Theo VNExpress
Vô gia cư sau lũ Trong một đêm mưa lũ, 3 ngôi nhà ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ( Quảng Bình) bị san phẳng. Từ chỗ có nhà cửa, bỗng chốc họ trắng tay, lâm vào cảnh vô gia cư, phải "ăn nhờ ở đậu". Người thoát chết, nhà sập Ngồi thơ thẩn bên ngôi nhà đã tốc hết mái, ngói, ván, rui,...