Ngư dân Quảng Bình kiến nghị được khám sức khỏe sau sự cố môi trường biển
Hơn 100 ngư dân xã Cảnh Dương ( huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) kiến nghị sớm khôi phục môi trường biển, được hỗ trợ thu nhập, lãi vay, khám sức khỏe… sau sự cố môi trường biển.
Ngư dân băn khoăn chuyển đổi nghề nghiệp khi môi trường biển vẫn chưa an toàn. Ảnh: Hoàng Táo
Sáng 8/7, ông Phan Xuân Linh, Chánh văn phòng UBND huyện Quảng Trạch cho hay huyện này đã nhận được bản kiến nghị hỗ trợ sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung của nhân dân xã Cảnh Dương.
Trước đó, hơn 100 ngư dân xã này có mặt ở trụ sở UBND xã Cảnh Dương để đối thoại với lãnh đạo xã và nêu ra các nguyện vọng.
Ngư dân bày tỏ phấn khởi trước sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt vừa qua. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố này, người dân mong muốn được khám sức khỏe để an tâm sản xuất, sinh sống.
Video đang HOT
Là một xã độc canh về ngư nghiệp, ngư dân mong muốn Chính phủ sớm khôi phục môi trường biển và trả lời thời gian bao lâu biển trở lại bình thường để ngư dân yên tâm đánh bắt.
Người dân mong muốn nhận được các khoản hỗ trợ về thu nhập, lãi vay để góp phần giải quyết khó khăn trước mắt. Trong đó, băn khoăn nhất của người dân vẫn là chuyển đổi ngành nghề trong thời gian không thể ra biển đánh bắt.
Ông Linh cho hay những kiến nghị này vượt ngoài tầm giải quyết của huyện nên phải chuyển xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. “Chúng tôi cũng thành lập nhiều tổ tiếp dân ở các xã khác để lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân, tập hợp báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, huyện cũng giải thích những chính sách trước mắt để ổn định tình hình trật tự và tư tưởng người dân”, ông Linh nói.
Cảnh Dương là xã ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với Hà Tĩnh. Đây là xã độc canh nghề biển, có 2.100 hộ dân với 8.600 khẩu, 90% lao động làm nghề biển. Toàn xã hiện có khoảng 400 tàu đánh cá gần bờ, công suất dưới 90 CV.
Hoàng Táo
Theo VNE
Ngư dân 4 tỉnh có cá chết được hỗ trợ xuất khẩu lao động, học nghề
Bộ Lao động triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân sinh kế đến khi môi trường biển trong sạch trở lại. Kinh phí hỗ trợ trích từ ngân sách Nhà nước, không phải từ số tiền đền bù của Formosa.
Chiều 5/7, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết Bộ đang lên kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng do Formosa xả thải. Ước tính, khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp.
Theo thứ trưởng Diệp, trước khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt và bồi thường 500 triệu USD, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có chuyến thị sát, làm việc với các tỉnh Quảng Trị, Huế để nắm tình hình. Lãnh đạo Bộ xác định điều quan trọng nhất là sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng khi họ không thể ra khơi, lao đao vì không tiêu thụ được hải sản.
Ngư dân miền Trung lao đao vì cá chết, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi, hải sản không tiêu thụ được. Ảnh: Đức Hùng.
"Ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm", ông Diệp nói và cho biết, trước mắt Bộ triển khai một dự án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng.
Các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc (EPS), đưa điều dưỡng viên sang Nhật, Đức, Thái Lan sẽ được ưu tiên cho con em ngư dân các địa phương bị ảnh hưởng với chi phí thấp. "Chương trình EPS mới được ký lại vào đầu tháng 5/2016 với 3.500 chỉ tiêu sẽ được ưu tiên cho các huyện ven biển của 4 tỉnh trên", ông Diệp nói.
Lao động thuộc hộ nghèo ở vùng ảnh hưởng được hỗ trợ chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Bộ sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi việc làm, trở thành công nhân trong các nhà máy. Kinh phí hỗ trợ ngư dân được trích từ ngân sách Nhà nước, không phải từ tiền đền bù của Formosa.
Thứ trưởng Bộ lao động cho hay, các biện pháp này đang được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất. Những chính sách cần trình Chính phủ thì chờ Thủ tướng quyết định, việc nào quyết được thì Bộ làm ngay. "Đề án không chỉ kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Khi nào môi trường biển trở lại trong sạch, người dân sống được với nguồn lợi từ biển thì mới có thể kết thúc", ông nói.
San hô ở đáy biển miền Trung chết do độc tố từ xả thải của Formosa. Ảnh: Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Sự cố môi trường do Formosa là thủ phạm được phát hiện ngày 6/4, khi xuất hiện cá chết hàng loạt gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), rồi lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ không đủ bù chi phí đánh bắt.
Phương Hòa
Theo VNE
Quảng Bình thiệt hại 4.000 tỷ đồng sau sự cố môi trường biển Với sự cố môi trường ảnh hưởng sâu rộng đến ngành nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ... tỉnh Quảng Bình ước tính sẽ mất 4.000 tỷ đồng từ nay đến hết 2016. Sự cố môi trường biển gây thiệt hại ước 4.000 tỷ ở Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo. Sáng 4/7, tỉnh Quảng Bình tổ chức họp đánh giá thiệt hại...