“Ngư dân mưu sinh trên biển quê hương, không việc gì phải sợ”
Lão ngư Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết cứ vào mùa nắng là Trung Quốc lại cấm biển nhưng ngư dân Việt Nam nếu xác định là vùng biển của mình, đội tàu vẫn bình thản vươn khơi làm ăn và giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng.
Không ra biển thì đói à!
“Ở Phú Yên lúc này, các tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị đầy đủ hệ thống định vị, nắm chắc luật lệ trên biển. Bà con ra biển đều đi thành tổ, đội liên kết; giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan hữu trách nên ngư dân luôn thoải mái đánh bắt. Một tàu có phần hùn vốn của gia đình tôi vừa ra khơi vào sáng nay” – ông Phan Thuẫn nói.
Ông Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Hùng Phiên
Khu vực cảng cá phường 6 Tuy Hòa cũng được biết đến là nơi tập trung gần 1.000 tàu xa bờ của nhiều gia đình có truyền thống đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa.
Trao đổi với PV Dân Việt qua bộ đàm, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp (tàu PY-96572) – Tổ trưởng nhóm tàu Đại Đoàn Kết (gồm 16 tàu công suất lớn) cho hay, tàu nhà anh đang cùng 15 chiếc trong tổ đang chuyến đánh bắt hơn một tháng trên biển Đông, sắp trở về cảng phường 6 Tuy Hòa.
“Đội tàu Đại Đoàn Kết đang linh hoạt vừa câu cá ngừ đại dương, cá nhám và đánh lưới cá chuồn. Sắm tàu xa bờ mà ngại ngần chuyện lệnh cấm “khơi khơi” của Trung Quốc, không ra biển thì chỉ có nằm chờ đói à! Hơn nữa, hầu hết chủ tàu công suất lớn đều vay nợ ngân hàng nên buộc phải ra khơi đều đặn. Xác định là vùng biển Việt Nam thì đội tàu luôn giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng, bình thản vươn khơi làm ăn” – anh Hiệp cho biết.
Theo anh Hiệp, đội tàu Đại đoàn kết vừa khai thác, vừa bán cá ngay trên biển nên rất ít tàu thất bại trong các đợt ra khơi. Đợt này, tính toán lượng hải sản đã thu, bình quân mỗi tàu đều có lãi vài chục triệu đồng. Kỳ này, luồng cá xuất hiện không nhiều như mọi năm nên chuyến biển phải kéo dài hơn.
Video đang HOT
Mưu sinh hợp pháp trên vùng biển quê hương
Ngư dân tàu xa bờ đang đánh bắt trên Biển Đông. Ảnh: Hùng Phiên
Tại Bình Định, ngư dân Nguyễn Văn Việt – Chủ tàu BĐ 91189 TS, 900 CV (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Trung Quốc năm nào cũng ra lệnh cấm đánh bắt trên biển, điều này thiệt tức cười! Chúng tôi đánh bắt trên ngư trường quê hương nên không có gì sợ cả”.
Theo ông Việt, tàu ông chuyên đánh bắt bằng nghề câu cá ngừ đại dương và lưới chụp tại ngư trường Trường Sa. Chuyến vừa rồi, tàu vươn khơi 20 ngày với 7 ngư dân. Sau khi vào bờ, mỗi thuyền viên thu về hơn 10 triệu đồng. Hiện tại, tàu BĐ 91189 TS của gia đình ông Việt vẫn đang đánh bắt vào ngư trường Trường Sa và dự kiến 10 ngày nữa vào bờ.
“Thực tế, thời gian qua, việc Trung Quốc lấn sát và giành ngư trường đã khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngư dân luôn tin rằng, trong cuộc mưu sinh này, ngư dân không đơn độc. Vì thế, những chuyến biển vẫn được nối dài” – ông Việt chia sẻ.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh (SN 1957, trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) quản lý đội tàu 16 chiếc với 8.000CV, quanh năm đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Ninh cho biết: “Tôi nhắc nhở anh em đi biển cần phải nhớ: Ngư trường, biển cả luôn là nhà, mình phải có trách nhiệm, giữ gìn biển như giữ ngôi nhà chung. Từng tấc đất, thước biển, khối nước… đều là của dân tộc. Anh em đi biển cần đoàn kết, chia sẻ với nhau, gặp hoạn nạn thì cùng nhau ứng cứu kịp thời, phải có niềm tin và quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo dân tộc”.
Ngư dân Bình Định đang đưa cá ngừ đại dương về bờ bán. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Ninh nhớ lại: “Năm 2015, trong đội tàu của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (xã Tam Quan Bắc) điều khiển tàu cá BĐ 96617 cùng 13 ngư dân trên tàu đã chịu sự tấn công vô cớ của tàu sắt Trung Quốc khiến hư hỏng ca bin và thân tàu. Dù các thuyền viên hô to và ra hiệu tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam nhưng tàu sắt Trung Quốc vẫn không ngừng đâm va”.
Ngay sau đó, ông Ninh yêu cầu thuyền trưởng Sinh, trấn an tinh thần các thuyền viên trên tàu và báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ. “Các thuyền viên đã cập bến an toàn và họ vẫn tiếp tục câu chuyện vươn khơi, chẳng ai ngần ngại. Chuyện tàu bị phía tàu Trung Quốc rượt đuổi thì kệ họ, ngư dân mình mưu sinh hợp pháp trên vùng biển của dân tộc, thì chẳng sợ gì cả”- Sáu Ninh nói.
Hội nghề cá Đà Nẵng đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối lệnh cấm biển bất hợp pháp của Trung Quốc. Dù Trung Quốc có áp đặt như thế nào, ngư dân Việt Nam vẫn không coi lệnh cấm của họ có giá trị, vẫn tiếp tục đánh bắt trên vùng đánh bắt quen thuộc của mình. Hội luôn kêu gọi ngư dân đi đánh bắt phải theo tổ đội, để cùng hỗ trợ và thông báo kịp thời những hiện tượng bất thường cho cơ quan chức năng. Đồng thời, ngư dân cũng phải cập nhật thông tin để không vô tình xâm phạm vào lãnh thổ các nước khác, tránh trường hợp bị bắt bớ…”, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng) nói.
Theo Danviet
Trung Quốc cấm biển: Quá vô lý!
"Đây có phải là lần đầu tiên họ ban hành lệnh cấm đâu, nhưng chúng tôi vẫn một lòng quyết tâm giữ vững cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ vùng biển của chúng ta bằng cách vươn khơi thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa...".
Đó là bày tỏ của thuyền trưởng Đỗ Thanh Cảnh - Chủ tàu QNa-91945 với công suất 780CV (trú thôn Linh Sâm Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) khi trao đổi với Dân Việt ngày 2.5 xung quanh việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông.
"Biển chi của riêng ông mà ông ban hành lệnh cấm, chuyện cấm đánh bắt cá của Trung Quốc quá là vô lý. Mặc ông cấm cứ cấm, ngư dân chúng tôi vẫn quyết vươn khơi bám biển. Nhà của mình mình bảo vệ, gìn giữ chứ có đi qua nhà họ ăn trộm, ăn cắp chi đâu mà phải sợ" - ông Cảnh khẳng định.
Nhiều tàu cá trên địa bàn Quảng Nam với khẩu hiệu "Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Ảnh: Trương Hồng
Ngư dân Phạm Văn Được - Chủ tàu cá Qna-95428TS (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bức xúc: "Dù gặp bất cứ trở ngại gì, chúng tôi nhất quyết vươn khơi, vì đó là vùng biển của cha ông để lại, chúng tôi cứ đánh bắt không sợ gì hết. Điều phi lý nữa, biển của mình thì mình làm chứ sao Trung Quốc có quyền ra thông báo cấm ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa được. Để an toàn ra khơi, ngư dân chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường lực lượng bảo vệ trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển trong thời gian Trung Quốc ban hành lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ được những cột mốc trên biển mình".
Tàu của ngư dân Phạm Văn Được đang sửa soạn chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi bám biển. Ảnh: Trương Hồng
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển là hết sức vô lý. Cũng theo ông Thanh, liên quan đến chủ quyền quốc gia thì phía Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có phản ứng và Trung Quốc sử dụng đường 9 đoạn để can thiệp vào việc cấm đánh bắt cá trên biển là hết sức vô lý.
"Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm đánh bắt cá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam tại ngư trường này. Họ đang cản trở quyền hành nghề, quyền mưu sinh của con người đã được luật pháp quy định.
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, tàu ở Quảng Nam đạp sóng vươn khơi bám biển. Ảnh: Trương Hồng
Phía tỉnh Quảng Nam lâu nay đã triển khai các biện pháp để bảo vệ ngư dân và vùng biển của chúng ta chứ không phải đến lúc Trung Quốc ban hành lệnh cấm thì mình mới triển khai. Tỉnh đã nhiều lần làm việc với Biên phòng, Hội nghề cá tỉnh, Cảnh sát biển và đã nhắc rất kỹ nội dung chú ý tuyên truyền cho ngư dân với ba mục tiêu chính, đó là: Đánh bắt thủy hải sản đúng quy định của pháp luật cả trên vùng biển Việt Nam và cả trên vùng biển Quốc tế; Khẩn trương thúc đẩy thành lập Tổ đội trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá các xã giúp nhau trên biển, khi có thiên tai, địch họa và đặc biệt, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành bổ sung điều lệ Quỹ Hỗ trợ ngư dân, trong đó tăng thêm nội dung hỗ trợ cho ngư dân về an sinh xã hội, rủi ro, sự cố trên biển. Hiện nay số dư của Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã lên đến 30 tỷ đồng (từ nguồn huy động tổ chức, cá nhân) để chi hỗ trợ thêm cho ngư dân khi có sự cố.
Ngoài ra, tôi còn yêu cầu chính quyền cấp cơ sở hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam đã được phân định rõ ràng, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài ra sẽ hướng dẫn ngư dân khai thác thủy hải sản đúng pháp luật và ngư dân cũng cần nâng cao cảnh giác trước mọi hành động của tàu cá nước ngoài cũng như tàu cá Trung Quốc khi đang hoạt động trên biển, nếu có chuyện gì hãy liên lạc với lực lượng chức năng ngay..." - ông Thanh nói.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Lệnh cấm kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ 12h ngày 1.5 đến 16.8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác. Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này. Bộ Ngoại giao Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế của Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo Danviet
Trung Quốc cấm biển: Quá vô lý! "Đây có phải là lần đầu tiên họ ban hành lệnh cấm đâu, nhưng chúng tôi vẫn một lòng quyết tâm giữ vững cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ vùng biển của chúng ta bằng cách vươn khơi thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa...". Đó là bày tỏ của thuyền trưởng Đỗ Thanh Cảnh - Chủ tàu QNa-91945...