Ngư dân kể lại giây phút cứu phi công Su 30
“Thấy tàu, anh phi công sung sướng lắm đã kêu lớn giữa biển khơi. Chúng tôi thấy anh ta còn khỏe mạnh bơi lại tàu”, ngư dân trên tàu cá HT-20219 TS kể về giây phút cứu phi công.
Chiều tối 15/6, tàu cá HT-22019 TS của ông Phạm Văn Lệ cập cảng cửa Sót thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Trên tàu có 6 ngư dân, ai cũng vui mừng kể lại câu chuyện.
Ngư dân Trần Xuân Long, 49 tuổi, bắt đầu câu chuyện về những ngày lênh đênh câu cá trên vùng biển Nghệ An. Rạng sáng 15/6 tàu cá của ông Lệ neo đậu. Đến khoảng 3h, các thuyền viên trên tàu thức dậy để chuẩn bị cho một ngày câu cá.
“Vừa ngủ dậy, nghe tiếng kêu giữa biển, ai cũng sợ, hỏi nhau có nghe tiếng người không. Một lúc sau nghe tiếng thuyền ơi cứu với, cứu với”, ông Long kể.
Ngư dân Trần Xuân Long nói khi ngủ dây nghe tiếng kêu cứu giữa biển khơi. Ảnh: Hoàng Nguyên
Ngư dân Nguyễn Ngọc Dậu tiếp câu chuyện: “Sau khi pha đèn phát hiện có người nổi trên mặt nước biển, mọi người trên tàu liền chặt dây neo, chạy thuyền đến thấy có một người to lớn, đang bám vào một cái phao màu vàng. Sau khi thả thuyền thúng xuống cứu lên, người đàn ông lạ mặt nói là phi công chúng tôi mới biết”.
Mọi người đang rôm rả kể về những giây phút cứu phi công, ngư dân Nguyễn Văn Hoạt chen lời: “Thấy tàu chúng tôi, anh phi công sung sướng lắm. Anh ta còn khỏe mạnh khi bơi lại tàu. Chính anh ta thấy tàu mới kêu cứu đó”.
Phi công Nguyễn Hữu Cường khi lên tàu đã được các ngư dân chăm sóc khi cho ngậm sâm, bôi thuốc lên vết thương ở tay và cổ. Anh Cường cũng kể lại cho mọi người biết về chuyện về máy bay gặp sự cố. Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, anh dè sẻn ăn từng miếng lương khô, khát quá chỉ uống một hai ngụm nước ngọt vì sợ hết để chờ lực lượng cứu hộ đến.
Video đang HOT
Chiếc tàu cá HT-22019 TS của ngư dân Lệ đã cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường. Ảnh: Hoàng Nguyên
“Lúc lên tàu, phi công Cường hỏi tôi có điện thoại, có sóng không. Tôi nói có và bấm máy cho phi công Cường gọi cho vợ. Lúc nói chuyện với vợ, anh Cường kiệt sức nên đã tựa vào người tôi. Sau khi điện cho vợ, anh Cường điện cho chỉ huy để báo tin”, ngư dân Long kể tiếp.
Phi công Cường đã thông báo cho mọi người trên tàu biết, trên biển đang còn một phi công nữa, cần phải tìm kiếm. Nhưng vì biển quá rộng mọi người đã quyết định phải đưa phi công Cường vào bờ dưỡng sức và chữa trị vết xây xát trên người.
Sáu ngư dân đi trên tàu cá HT-22019 TS kể lại giây phút cứu sống phi công Cường. Ảnh: Hoàng Nguyên
“Lúc bôi vết thương cho anh Cường, tôi nói đánh bắt cá trên biển thì cả đời do đó phải đưa phi công vào bờ sớm để chữa trị”, ngư dân Hoạt nói.
Lúc lên tàu chuyển vào bờ, phi công Cường có hứa với các ngư dân là một ngày gần nhất sẽ cùng vợ con vào tìm gặp mọi người để cám ơn, ôn lại chuyện sinh tử trên biển cả.
Theo_Zing News
Bộ Quốc phòng cảm ơn ngư dân cứu phi công Su-30
Ngay sau khi đưa phi công Nguyễn Hữu Cường về đất liền an toàn, Bộ quốc phòng đã tổ chức cuộc gặp gỡ và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ngư dân Phạm Văn Lệ (trú Hà Tĩnh).
Chiều 15/6, tại Sở chỉ huy Quân khu 4 (đóng tại nhà khách Điều dưỡng quân khu 4, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - đã thay mặt Bộ Quốc phòng, lực lượng tìm kiếm cứu nạn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ngư dân Phạm Văn Lệ (trú Hà Tĩnh) cùng các thuyền viên đã phát hiện và cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường.
Tại buổi gặp mặt, thượng tướng Tuấn bày tỏ sự trân trọng trước sự dũng cảm của ngư dân Lệ.
Vợ chồng ngư dân Phạm Văn Lệ. Ảnh: CTV.
"Đây cũng hành động thể hiện tình cảm quân dân gắn bó, sẵn sàng cứu giúp, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Qua anh Lệ, chúng tôi mong muốn tất cả các ngư dân luôn luôn nêu cao tinh thần giúp đỡ lẫn nhau" - thượng tướng Tuấn nhấn mạnh và mong muốn địa phương tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt của anh Lệ.
Cũng tại đây, thượng tướng Tuấn cũng cho biết, hiện lực lượng chức năng đang tích cực triển khai các phương án tìm kiếm phi công Trần Quang Khải và máy bay Su-30 đang mất tích. Thượng tướng kêu gọi bà con ngư dân cùng phối hợp, trong quá trình làm việc trên biển tăng cường quan sát có những phát hiện nào thì lập tức báo về cho lực lượng chức năng để có phương án kiểm tra và tìm kiếm.
Kể về thời điểm phát hiện anh Cường, ngư dân Lệ cho hay: "Tôi có nghe thấy tiếng Thuyền ơi! Thuyền ơi. Lát sau, tôi nghe thấy tiếng Cứu với! Cứu với!". Sau đó, ngư dân này rọi đèn pin về khoảng cách 30 m có tiếng động thì phát hiện anh Cường nổi lập lờ trên biển.
Lập tức, vị thuyền trưởng đã ra hiệu lệnh cho các thuyền viên thả thuyền thúng xuống biển, chèo đến cứu vớt anh Cường. Cũng theo ngư dân Lệ, thời điểm được cứu, anh Cường tỏ ra rất mệt mỏi sau nhiều giờ nổi trên biển. Ngay sau đó, anh Lệ cùng các thuyền viên đã chăm sóc sức khỏe, cho anh Cường ăn uống và điện báo về đất liền.
Chia sẻ với Zing.vn, ngư dân Lệ cho biết, sẽ sẵn sàng cùng với các thuyền viên khác trên tàu tiếp tục tìm kiếm phi công còn lại đang mất tích.
Thượng tướng Tuấn trao phần quà động viên, tri ân hành động của ngư dân Lệ và các thuyền viên. Ảnh: CTV.
Cũng trong chiều nay, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã đến gặp mặt và trao phần quà khích lệ, động viên việc làm của ông Lệ.
Trước đó, vào rạng sáng cùng ngày, tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ đang đánh bắt trên vùng biển Nghệ An thì phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường đang lênh đênh trên biển tại cách vị trí nghi máy bay gặp nạn ban đầu khoảng 28 hải lý về hướng Đông Bắc. Ngay sau đó, ông đã cứu vớt phi công Cường và báo cáo sự việc tới các cơ quan chức năng.
Sau đó, anh Cường được tàu biên phòng Hà Tĩnh tiếp cận, đưa vào cảng Cửa Hội (Nghệ An) đầu giờ chiều cùng ngày. Anh Cường tự nhận mình khá khỏe mạnh, chỉ bị xây xát và đau nhẹ.
Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất trên vùng biển Nghệ An, gần khu vực đảo Mắt.
Hai phi công trên chiếc Su-30MK2 mất tích đều dày dạn kinh nghiệm, gồm thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923.
Su-30MK2 là phiên bản hiện đại của dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua 32 chiến đấu cơ loại này.
Theo_Zing News
Tàu cháy ở biển Hạ Long: Hành khách kể lại phút kinh hoàng Theo lơi kê cua nhiều khách trên tàu bôc chay ơ Ha Long, sau khi nghe tiêng nô, ho chưa kịp định hình thì đa thấy mọi người hô cháy... cháy, chập điện rồi... Vừa cập cảng quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), tàu du lịch cao cấp bốc cháy dữ dội khiến hàng chục khách phải nhảy xuống biển thoát thân. Sau...