Ngũ đại đặc sản kỳ dị nhưng không thể bỏ qua khi đến xứ Đất Mũi
Có dịp đến Cà Mau, những “tín đồ” yêu thích ẩm thực không thể bỏ qua việc thưởng thức các đặc sản được chế biển từ các loài thủy hải sản, mà đôi khi nhìn thấy chúng bạn không khỏi rùng mình vì bề ngoài ghê gợn và kỳ dị…
Có dịp du lịch Cà Mau, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ăn được chế biển từ các loài thủy hải sản, mà đôi khi nhìn thấy chúng bạn không khỏi rùng mình vì bề ngoài ghê gợn và kỳ dị. Những loài vật có vẻ xấu xí như ba khía, tôm tích, sâm đất, cá thòi lòi…nhưng lại được người dân tạo thành đặc sản rất thơm ngon, bổ dưỡng, chắc chắn sẽ níu chân thực khách.
1. Ba khía:
Ba khía là đặc sản nức tiếng của Cà Mau, tuy nhiên con ba khía Rạch Gốc ( huyện Ngọc Hiển) được xem là thương hiệu ba khía ngon, hấp dẫn hơn cả.
Khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hằng năm là vào mùa ba khía có nhiều nhất. Nhiều người dân có thu nhập khá từ nghề soi ba khía ban đêm. Ảnh: Chúc Ly.
Món ba khía muối cũng là món ăn rất đặc trưng của Cà Mau. Tuy nhiên, món ăn này có mùi và vị như một loại mắm, nhiều người có thể không ăn được. Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5-7 ngày đêm là có thể ăn được. Ảnh: Chúc Ly.
Ngoài ra, con vật xấu xí này còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Ảnh: Chúc Ly.
Loại nước chấm làm từ sả băm nhuyễn, cơm mẻ, ớt, bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn, chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi. Theo người dân địa phương, với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm. (ảnh ba khía luộc). Ảnh: Chúc Ly.
2. Mắm tôm:
Từ con tôm đất tự nhiên, người dân xứ Đất Mũi đã sáng tạo nên nhiều món ngon, đặc biệt phải kể đến món mắm tôm đặc sản, với hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Để có được những con mắm tôm thơm ngon này người làm phải trải qua nhiều giai đoạn kỳ công. Tuy không hề qua giai đoạn nấu lên nhưng những con tôm đất được phơi đủ nắng có màu đỏ tươi rất bắt mắt, con tôm cũng sẽ không còn mùi tăng như khi bạn tưởng tượng.
Video đang HOT
Những ngày cận Tết, người người địa phương lại tất bật làm những hũ mắm tôm thơm ngon để biếu tặng và đãi khách đến thăm. Ảnh: Chúc Ly.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền, chủ cơ sở mắm tôm Mỹ Hiền (ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), người có nhiều năm theo nghề làm mắm tôm với sản phẩm đã được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, chia sẻ: “Con mắm tôm ở xứ Đất Mũi này đi đến đâu người ta cũng thích. Ngoài chất lương thịt tôm ngon thì mỗi người thợ làm mắm luôn tâm niệm phải giữ gìn hương vị truyền thống của xứ sở”. Ảnh: Chúc Ly.
3. Tôm tích:
Tôm tích là một đặc sản rất đặc trưng ở xứ Đất Mũi, với giá bán tiền triệu mỗi kg đối với tôm loại I. Loài vật này có lớp vỏ cứng, nhìn rất thô kệch và cũng rất hung dữ nên nhiều người cảm thấy e ngại khi ăn chúng. Tại Cà Mau, loài vật này trước kia được người dân khai thác từ tự nhiên, nhưng về sau họ đã nuôi thành công ở trong vuông tôm và đặc biệt là trong lồng nhựa.
Tuy nhiên, khi đã một lần thưởng thức các món ăn từ loài tôm có ngoài hình kỳ dị này, chắc chắn bạn sẽ nhớ rất lâu hương vị của chúng, nó có vị của tôm sú và tôm hùm. Ảnh: Chúc Ly.
Tôm tích có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, như món tôm tích cháy tỏi, nướng, luộc,…Ảnh: Chúc Ly.
4. Sâm đất:
Sâm đất (tên khác là cật đất, đồn đột, chặt khoai, sâu đất…) là loài có nhiều ở các bãi đất cát pha bùn. Đào sâm đất là nghề kiếm thu nhập chính của nhiều lao động ở vùng ven rừng ngập mặn Cà Mau. Theo dân gian, sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương.
Nhìn vẻ ngoài con vật kỳ dị này, ít ai nghĩ rằng sâm đất tươi được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, tại các nhà hàng sâm đất là một đặc sản đắt tiền. Ảnh: Chúc Ly.
Để đào được con sâm đất thì dụng cụ lao động khá đơn giản. Người đi săn chỉ cần chuẩn bị một cây cuốc nhỏ hay xẻng, can nhựa hoặc thùng để đựng sản phẩm bắt được, nhang ung muỗi để tránh bị muỗi đốt. Đặc biệt, cuốc và xẻng luôn được người đi đào mài sắc để có thể đào sâu xuống nền đất. Ảnh: Chúc Ly.
5. Cá thòi lòi:
Cá thòi lòi sinh sống ở vùng nước mặn, nước lợ, có nhiều ở các bãi bồi. Loài cá này khá đặc biệt khi có hai chân trước, bơi lội dưới nước, di chuyển trên bùn, chạy nhảy trên cạn và có thể leo trèo trên cây.
Với đặc điểm không giống ai, hình dáng cá thòi lòi cũng kỳ dị, đôi mắt lồi ra ngoài ngay trên đỉnh đầu, trông như 2 hòn bi, hàm răng sắt nhọn. Ảnh: Chúc Ly.
Món cá thòi lòi nước muối ớt nức tiếng gần xa bởi vị ngọt, thơm ngon của thịt cá. Ảnh: Chúc Ly.
Cà Mau là vùng đất cực Nam tổ quốc, điều kiện thiên nhiên ưu đãi với nguồn lợi thủy hải sản dồi dào. Những tán rừng tràm, rừng đước điệp trùng là nơi “lưu giữ” những sản vật mang đậm nét đặc trưng của xứ Đất Mũi.
Đến với Cà Mau, trong hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ và hệ sinh thái rừng đước ngập mặn, đâu đâu du khách cũng dễ dàng tìm thấy những đặc sản hiếm có. Đây là nguồn ẩm thực dồi dào, phong phú mà không phải có nơi nào có được, với hàng trăm loài thủy sản của vùng nước mặn, lợ, ngọt.
Cũng chính nhờ hệ sinh thái đặc trưng, ẩm thực Cà Mau mang đậm hương vị của rừng và biển. Người dân nơi đây đã tận dụng nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên để làm nguồn thực phẩm, cùng với nhiều cách chế biến đã tạo nên hương vị những món ăn đặc sắc, nức tiếng gần xa.
Theo Danviet
Lấy 2 rổ úp vào nhau làm lồng nuôi tôm dữ, bán cả triệu đồng 1 ký
ông Vũ Văn Hiện, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) thấy có lợi nhuận cao nên mạnh dạn nuôi tôm tít trong lồng. Vụ đầu ông thả 50 con tôm tít giống trong lồng và được đặt trong vuông nuôi tôm sú (1 con/lồng). Lồng được làm bằng 2 cái rổ nhựa úp vào nhau hoặc tận dụng những cái can nhựa có khoét lổ. Sau hơn 2 tháng nuôi, ông thu tỉa những con tôm tít đạt kích cỡ từ 150g/con trở lên, với giá bán từ 900-1.200.000 đồng/kg, trừ hết chi phí ông lãi hơn 10 triệu đồng...
Trong thời gian gần đây, ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đã hình thành và phát triển mô hình nuôi tôm tít. Hiện nay, ở Năm Căn, tôm tít được người dân nuôi ở các xã Đất Mới, Hàng Vịnh, Lâm Hải, Tam Giang, có hơn 32 hộ nuôi với diện tích là 65ha. Ở Ngọc Hiển, tôm tít được nuôi ở Xã Viên An và Đất Mũi, có 6 hộ nuôi với diện tích 21,2ha...
Sau 2 tháng nuôi, tôm tít loại lớn thu hoạch trong lồng được thương lái thu mua với giá từ 900-1.200.000 đồng mỗi ký.
Tôm tít được người dân nuôi dưới các hình thức như: kết hợp trong vuông nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi chuyên canh, nuôi riêng trong lồng, trong can nhựa... kết quả ban đầu mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Trần Văn Cường, ấp Nhà Hội, xã Tam Giang là người có kinh nghiệm nuôi tôm tít hơn hai năm nay cho biết: Vụ nuôi đầu tiên năm 2016, ông thả kết hợp trong vuông nuôi tôm với 500 con giống (kích cỡ từ 50 - 80g/con). Sau thời gian khoảng 4 tháng nuôi, ông thu hoạch và có lãi hơn 25 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục nuôi vụ thứ hai với số lượng con giống là 1.200 con. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 80 triệu đồng. Ông cho biết thêm, tôm tít là đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, giá bán cao và ổn định. Hiện ông đang đợi mua con giống để tiếp tục thả nuôi.
Làm lồng nuôi tôm tít bằng cách lấy 2 cái rổ nhựa úp vào nhau. Mỗi lồng nuôi 1 con tôm tít ở bên trong.
Ông Huỳnh Trung Kiên, ấp Hai, xã Hàng Vịnh cho biết: Con giống tôm tít được mua từ các ngư dân đánh bắt ở sông. Tôm giống được thả xuống vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến không cần cho ăn, tôm tự kiếm thức ăn, xổ nước ra vô là tôm phát triển tốt. Thời gian nuôi từ 4 - 5 tháng, tôm đạt trọng lượng từ 200 - 250g là thu hoạch được.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh chia sẻ: Mô hình nuôi tôm tít chuyên canh trong ao chỉ cần khoảng 500 - 1.000m2 bao ví lại là có thể nuôi được. Mật độ thả giống từ 2 - 3 con/m2. Tôm tít giống hiện giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/con. Sau khi thả tôm, hằng ngày cho nước ra vô tự nhiên và cho tôm ăn thêm các loại cá tạp cộng với nguồn thức ăn sẵn có dưới vuông.
Cũng như thế, ông Vũ Văn Hiện, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải cho biết: ban đầu ông cũng nuôi kết hợp trong vuông tôm sú và thấy có lợi nhuận nên ông mạnh dạn đầu tư nuôi trong lồng. Vụ đầu ông thả 50 con giống trong lồng và được đặt trong vuông nuôi tôm sú (1 con/lồng).
Từ hiệu quả mang lại như trên, mô hình nuôi tôm tít đã được nhân rộng. Hiện nay, toàn xã Lâm Hải có hơn 25 hộ nuôi, với diện tích 47,5ha. Trong đó đã thành lập 01 Tổ Hợp Tác nuôi tôm tít tại ấp Nà Chim, có 8 tổ viên với hơn 500 lồng nuôi hiện có trong ao.
Ông Võ Minh Lý, ấp Cái Hoảng, xã Đất Mũi, cuối năm 2016, ông thả 600 con tôm tít giống trong vuông nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, diện tích 4,2ha. Kết quả thu được 220 con (khoảng 55kg), lợi nhuận khoản 33,2 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thanh Tâm, ấp Cồn Cát, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, cuối năm 2017 ông mua 1.000 con con tôm tít giống (trung bình 30 - 50g/con) và nuôi riêng từng con trong lồng, đặt trong 2,5ha vuông nuôi quảng canh cải tiến. Thức ăn là cá tạp cắt nhỏ, tôm vụn... Sau khi thu được 800 con, trung bình khoảng 200g/con, số còn lại, ông thả ra vuông nuôi tiếp. Cuối cùng ông thu được 165 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng.
Qua tìm hiểu từ các hộ nuôi cho biết, tôm tít là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế rất cao, đầu ra luôn ổn định, nguồn giống bắt tại địa phương nên rất phù hợp với điều kiện môi trường nuôi, thức ăn được tận dụng từ nguồn cá tạp sẵn có trong vuông nuôi tôm, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao.
Hiện nay, giá tôm tít thương phẩm loại từ 150 - 200 g/con dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, có lúc lên đến 1.200.000 đồng/kg.
Thu hoạch tôm tít bán với giá từ 900-1,2 triệu đồng 1 ký.
Khó khăn lớn nhất của mô hình nuôi tôm tít là nguồn giống. Con giống hiện nay chỉ được bắt ngoài môi trường tự nhiên, chưa được các viện, trường nghiên cứu sinh sản nhân tạo được nên lượng con giống không thể đáp ứng đủ nhu cầu khi mô hình này phát triển. Vì vậy, các địa phương cần cân nhắc trước khi lựa chọn mô hình này để nhân rộng.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đang cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hỗ trợ các hộ nuôi, và thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm tít. Từ đó, đúc kết thành quy trình kỹ thuật để khuyến cáo, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc thực hiện và nhân rộng mô hình này, mở ra một hướng đi mới, góp phần đa dạng hóa các đối tượng và loại hình nuôi, giúp cho bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông hộ./.
Theo Danviet
Cà Mau: Sàng sảy "con câm" ở dưới sông, kiếm vài trăm ngàn đồng Ông bà ta có câu: "Câm như hến". Thời điểm này ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau nghề cào "con câm" này lại mang về thu nhập không hề nhỏ cho người dân...Từ tháng 8, vùng Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) rộn ràng nghề cào hến. Hến nhiều, con rất mập và thịt rất ngon. Trên các bãi cát pha lẫn bùn...