Ngọt thơm bưởi Sửu Chí Đám
Bưởi Sửu Chí Đám có tự bao giờ, chưa ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu.
Quả bưởi Sửu Chí Đám vẫn tươi ngon sau 6 tháng thu hoạch
Nhắc tới Đoan Hùng (Phú Thọ) nhiều người biết đến một sản vật nức tiếng – bưởi Sửu Chí Đám. Bưởi Đoan Hùng có hai dòng, bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Bưởi Sửu Chí Đám có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát…
Người dân nơi đây nhiều đời truyền nhau phương pháp bảo quản bưởi không hóa chất. Quả bưởi 5 – 6 tháng sau khi hái vẫn tươi ngon, vàng mọng, vị ngọt còn nguyên…
Bưởi Sửu Chí Đám có tự bao giờ, chưa ai rõ. Chỉ biết rằng, người đầu tiên đưa giống bưởi này về Chí Đám ươm mầm tên là Sửu. Cái tên bưởi Sửu có lẽ bắt nguồn từ đây. Sau bao năm thăng trầm, cây bưởi tổ bị già cỗi, nay cũng không còn.
Người dân Chí Đám giờ lấy mốc 2003, là năm tỉnh Phú Thọ thực hiện dự án phục tráng lại giống bưởi Sửu. Ai nấy đều vui mừng vì giống bưởi quý của quê hương từng bị mai một, nay đã được quan tâm đầu tư, phát triển.
Ông Nguyễn Đức Hoạch, thôn Chí 2, xã Chí Đám tâm sự, ngày đó gia đình ông cũng tham gia trồng gần 6 sào bưởi. Đây là cây lâu năm, khi trồng chẳng ai nghĩ sẽ làm giàu. Thế rồi, sau nhiều năm, bưởi Sửu Chí Đám đã thành một thương hiệu…
Bôi vôi vào núm, giữ cho quả bưởi không bị thối
Video đang HOT
Bên trong, từng múi bưởi vẫn căng mọng
Theo ông Hoạch, bưởi Sửu dễ trồng nhưng khó thành công, bởi loại cây này vô cùng mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh. Nhiều nơi cũng thử đem giống về trồng nhưng chất lượng không ngon, sản lượng bấp bênh. Chất lượng bưởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Bưởi ra hoa mà trời âm u, không có nắng, tỷ lệ đậu quả không cao. Còn nếu gặp trời mưa dầm dề, hoa bị thối rồi trút sạch”, ông Hoạch chia sẻ.
Cách duy nhất để khắc phục là cắt tỉa cành, tạo tán để ánh nắng có thể xuyên qua tránh việc hoa bị mốc cũng như nấm bệnh trên cây. Để bưởi ngon, năng suất cao, người trồng còn áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung. Đó là dùng phấn của loại bưởi chua thụ cho hoa của bưởi Sửu. Chất lượng của bưởi Sửu không bị ảnh hưởng mà còn tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người trồng chỉ mong 1 vạn hoa cho đậu 100 quả là đạt lắm rồi.
Loài ve sầu được coi là kẻ thù của bưởi Chí Đám. Nghe tiếng mưa rào, ấu trùng ve sầu chui lên, chích vào cuống những quả bưởi đang thì xanh mơn mởn. Oái ăm, ve sầu chỉ ngoi lên vào ban đêm. Nhiều hôm vườn bưởi nào cũng lập lòe ánh đèn pin như ma trơi. Cả xã rủ nhau đi bắt ve sầu.
“Chúng tôi cũng tìm đủ mọi cách nhưng không cách nào diệt được, chỉ đi bắt thủ công bằng tay thôi. Có hôm bắt được 4 – 5 kg ve sầu. Rảnh rỗi, đem chiên lên uống rượu cũng ngon lắm”, ông Hoạch kể.
Bưởi Sửu Chí Đám thu hoạch rộ vào tháng 9, tháng 10 năm trước. Nhưng đến tận tháng 5, tháng 6, quả vẫn tươi mọng, tỏa thơm ngát. Bổ ra, từng tép vẫn căng mọng, ngọt mát. Liệu người trồng có sử dụng chất bảo quản? Không hề. Nhiều đời, người trồng bưởi Sửu vẫn truyền nhau một “bí kíp” bảo quản bưởi vô cùng độc đáo.
Một chùm bưởi Sửu Chí Đám khi còn non
Bưởi sau khi thu hái, để chỗ mát từ 3 – 4 hôm, sau đó tiến hành bôi vôi vào cuống. Tùy số lượng bưởi mà dùng cót quây lớn hay nhỏ. Lá chuối khô xé nhỏ, rải một vòng trong lòng cót. Bưởi được đặt trong mỗi túi ni lông vừa vặn, hở miệng rồi xếp đều trên lá chuối. Dùng một lượng lá chuối khô phủ đều trên quả bưởi. Miệng cót có thể đậy, nhưng không được kín. Điều quan trọng, nơi bảo quản bưởi phải kín gió, thoáng mát.
Cùng một cây, nhưng không phải quả nào cũng được chọn để bảo quản tới năm sau. Phải chọn quả bưởi to, đẹp, màu vàng ruộm, không bị ong châm. Đặc biệt, khi thu hái thật nhẹ nhàng, không để vỏ xây xát, bưởi rất dễ bị thối.
Ông Phạm Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đám cho hay, tổng diện tích bưởi Sửu toàn xã còn 90ha với khoảng 2.700 gốc nhưng hiện chỉ có 40ha đang cho thu hoạch. Trong đó, trồng tập trung 40ha, nhiều nhất tại 2 thôn Chí 1 và Chí 2. Năng suất trung bình đạt từ 200 – 300 quả/cây/năm. Tuy sản lượng không nhiều, nhưng bưởi Sửu Chí Đám chưa bao giờ mất giá. Bưởi ngon, loại A, bán tại vườn từ 70 – 80 nghìn đồng/quả.
Mỗi năm, 1ha bưởi cho người dân thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Đặc biệt là từ năm 2010, khi bưởi Sửu chính thức được đăng ký chỉ dẫn địa lý thương hiệu bưởi Đoan Hùng.
Cũng theo ông Trung, ngoài bán tại vườn, người dân thường bảo quản tới năm sau, mang sản vật Đoan Hùng dâng lên giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch.
Theo Kế Toại (Nông Nghiệp Việt Nam)
Trầm trồ vườn rau sạch xanh mướt trên núi
Ai đi ngang qua xã Sơn Dung (Sơn Tây, Quảng Ngãi) trên cung đường Đông Trường Sơn vào thời điểm này cũng ngạc nhiên và trầm trồ vườn rau xanh mướt của ông Võ Hồng Thơ.
Bởi lẽ, rau trồng trên đất núi, thời tiết khắc nghiệt mà sinh trưởng phát triển tốt. Điều đáng quý, vườn rau sạch của ông Thơ không chỉ cải thiện thu nhập, cung cấp rau xanh cho người dân trong vùng, mà còn góp phần thay đổi tập quán canh tác cho đồng bào vùng cao.
Gian nan trồng... rau
Phần lớn đồng bào vùng cao chỉ hái rau rừng hoặc mua rau do các thương lái từ dưới xuôi chở lên bán. Do thói quen canh tác, đồng thời vì đất núi bạc màu, khô cằn xen lẫn sỏi đá, nguồn nước tưới thiếu thốn... nên người dân ít trồng rau.
Vừa qua, ông Thơ đã đầu tư hệ thống tưới phun để tiết kiệm nước, đảm bảo nước tưới đều cho vườn rau sạch của mình.
Sau nhiều năm làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây hai năm, vợ chồng ông Võ Hồng Thơ trở về xã Sơn Dung tìm cách làm ăn bằng các mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt. Nhận thấy các loại rau trồng trên vùng cao rất ít, trong khi nhu cầu sử dụng cao, ông Thơ bắt tay trồng rau.
Ban đầu, ông Thơ phải xuống huyện Sơn Hà mua hạt giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất nhỏ. Nhưng làm thế nào để hạt giống nảy mầm, phát triển trên vùng đất khó là bài toán khiến ông Thơ trăn trở. Đất khô cằn, tưới bao nhiêu nước cũng không xuể. Muốn mua phân bón cũng phải lặn lội đến trung tâm huyện Sơn Hà. "Muốn trồng rau thì việc đầu tiên là phải cải tạo đất", ông Thơ nhớ lại những ngày đầu gian nan trồng rau.
Để tận dụng phân hữu cơ từ nuôi gia súc, gia cầm, ông Thơ dùng trấu, tro đổ vào chuồng. Sau mỗi lần vệ sinh chuồng trại, ông Thơ vận chuyển nguồn phân thu được, ủ thành đống. Đợi một tháng sau cho phân hoai mục, ông Thơ rải lên mặt đất đã nhặt hết sỏi đá để tạo độ tơi xốp cho đất. Để có nước tưới, ông Thơ dẫn ống từ suối về đến tận nhà.
Khi đám rau xanh đầu tiên thành hình, vợ chồng ông Thơ vui mừng với thành quả "khuất phục" đất sỏi đá của mình. Để rau phát triển, ông Thơ thu hoạch theo kiểu tỉa dần để tạo độ thoáng. Thu hoạch sử dụng không hết, vợ chồng ông Thơ mang rau ra chợ bán.
Một mô hình, nhiều hiệu quả
Sau thời gian trồng rau, ông Thơ đã tạo được một số hạt giống. Nhờ đó, rau trồng quen với đất nên sinh trưởng rất tốt. Từ mảnh đất nhỏ, ông Thơ mở rộng thêm vườn rau với các loại như cải ngọt, cải đắng, rau muống, cà, mồng tơi, bí đỏ, xà lách, rau thơm... Rau thu hoạch và bán quanh năm.
Chỉ sử dụng phân hữu cơ có sẵn, không phun các loại thuốc bảo vệ thực vật... nên nhiều người hay gọi các loại rau trồng trong vườn nhà ông Thơ là rau sạch, rau an toàn. Ông Thơ được xem là người đầu tiên thành công với vườn rau sạch ở Sơn Tây, góp phần giúp đồng bào vùng cao có nơi cung cấp rau sạch ngay tại địa phương.
Nhiều người đi ngang qua cung đường Đông Trường Sơn bắt gặp vườn rau xanh mướt hay ghé vào mua. Bà con đồng bào Ca Dong còn đến nhờ ông Thơ chia sẻ kỹ thuật trồng rau."Nhiều người tò mò, bới dưới đất trồng xem thế nào mà rau lại phát triển tốt", bà Lê Thị Ngọc, vợ ông Thơ chia sẻ.
Vừa qua, để tiết kiệm nước tưới vào mùa nắng và thời gian chăm sóc, ông Thơ đã đầu tư hệ thống tưới phun đảm bảo tưới đều cho rau. "Bên cạnh việc cải tạo đất để trồng rau, thì người trồng phải chịu khó chăm sóc. Đây là khâu quan trọng để cây trồng phát triển. Bởi trồng rau ở miền núi khó hơn nhiều so với đồng bằng", ông Thơ cho hay.
Nhờ sự chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật của ông Thơ, nhiều người dân ở Sơn Tây đã học hỏi theo mô hình trồng rau sạch để cung ứng rau xanh trong bữa ăn của gia đình.
Theo Bảo Hòa (Báo Quảng Ngãi)
Đặc sản xoài Tương Dương vào mùa Xoài Tương Dương được xem là thứ quả đặc sản ở miền Tây Nghệ An. Đất này, có những cây xoài cổ thụ lớn khoảng 2 đến 3 người ôm không xuể. Còn vị của quả xoài chín ăn vào rất ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Hằng năm, cứ đến mùa xoài, bà con dân bản của huyện miền núi Tương...