Ngọt: ‘Chúng tôi mỗi lúc một kiểu, có cả tăm tối và dễ thương’
“Nếu chỉ tăm tối hoặc dễ thương sẽ là giả tạo. Mỗi lúc một kiểu mới là Ngọt và con đường của chúng tôi”, Vũ Đinh Trọng Thắng chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngọt có lẽ là ban nhạc 9X đầu tiên ở Việt Nam có 2 album và một live show riêng cháy “sạch sành sanh” 3.000 vé. Khán giả của Ngọt (được gọi là Kẹo) đều là những người trẻ, thậm chí rất trẻ. Nhiều Kẹo, một tay cầm trà sữa, tay kia cầm đèn ông sao.
Cộng đồng Kẹo thuộc gần như toàn bộ ca khúc của Ngọt, và trong đêm diễn cách đây vài hôm, Ngọt và Kẹo đã cùng hòa với nhau trong một không gian âm nhạc dành riêng cho 9X, giản dị, ngây thơ như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng lại rất văn minh.
Sau live show đúng thật là mình, Vũ Đinh Trọng Thắng – thủ lĩnh của Ngọt – trò chuyện với Zing.vn về sự hình thành của Ngọt cùng những mảnh ghép còn lại của ban nhạc.
Vũ Đinh Trọng Thắng – người sáng tác và giọng ca chính của ban nhạc Ngọt.
Ngọt không phải là tính từ chi phối đến ‘chất’ của ban nhạc
- Giữa những cái tên “rất Tây” của nhiều nhóm, ban nhạc hiện nay, Ngọt được xem là một sự giản dị và thuần Việt. Tên “Ngọt” được khởi nguồn từ đâu?
- Khi thành lập một ban nhạc thì phải chọn một tên gì đó. Lúc đầu, các thành viên không biết đặt tên gì, sau đó tôi đặt ra tiêu chí là tên ban nhạc phải là một từ, từ đó phải là tiếng Việt và là tính từ. Ngọt ra đời theo cách ngẫu nhiên như thế.
Sau đó, chúng tôi lập fanpage cho Ngọt, 2-3 tháng sau, những người hâm mộ Ngọt được gọi là Kẹo. Đến giờ, các thành viên không còn gọi fan là Kẹo, nhưng fan vẫn gọi nhau là Kẹo. Đó thực sự là điều rất thú vị vì cộng đồng người hâm mộ của Ngọt cũng có một cái tên.
- Từ khi thành lập đến nay, “ngọt” liệu có bao giờ là một tính từ chi phối và quyết định đến chất nhạc của các anh?
- Không bao giờ. Khi viết nhạc, tôi không bao giờ nghĩ đến tên Ngọt. Khi thể hiện, các thành viên cũng không nghĩ đến. Đó có thể là một cái sai, nhưng là cái sai mà chúng tôi đã tự đúc kết được.
Lúc đầu, tôi cũng muốn Ngọt sẽ đi theo một khuôn đúc cụ thể, ví như ban nhạc sẽ là màu hồng son hoặc hồng đỏ và tạo ra những sản phẩm phù hợp với cái tên “Ngọt”. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy, những cái đó kìm hãm mình một cách kinh khủng.
Nếu chỉ có tăm tối hoặc chỉ có dễ thương sẽ là giả tạo, đó không phải là con người của tôi hay các thành viên. Chúng tôi là cả hai, hay nói đúng hơn là mỗi lúc một kiểu. Đó mới là Ngọt và con đường của Ngọt. Ngọt không bị chi phối bởi điều gì.
- Người ta gọi âm nhạc của Ngọt là “rock nước ngọt” vì thiếu sự mạnh mẽ, rực lửa, gai góc như rock vốn dĩ phải thế, cũng giống như cách nhiều người định danh Da LAB là “rap trà sữa”. Còn anh, anh miêu tả thế nào về âm nhạc của mình?
- Ai gọi âm nhạc của Ngọt là rock, còn tôi không gọi đó là rock. Tất nhiên, đưa Ngọt vào một thể loại nhạc nào đó không phải là lời khen hay chê, đó là cảm nhận của cá nhân mỗi người. Còn tôi sẽ không đưa Ngọt vào một cái hộp mang tên gì đó. Tôi sẽ đưa Ngọt vào cái hộp to nhất mang tên “nhạc”.
- Không khó để nhận ra vai trò rõ nét của anh trong Ngọt – sáng tác và hát chính. Là trụ cột của ban nhạc, anh lý giải sao về ý kiến cho rằng sáng tác của anh không quá mới và tương đối giống nhau?
- Tôi có cảm giác mình sinh ra cho vai trò viết nhạc, phối khí. Sau thời gian làm việc theo tinh thần đồng đội, tôi học được rất nhiều từ mọi người, đặc biệt là khả năng làm việc nhóm – điều mà trước khi đến với Ngọt, tôi rất yếu.
Tôi cũng không hiểu sao khi nhìn về Ngọt, mọi người lại bảo rằng âm nhạc có sự giống nhau. Thực ra, âm nhạc của ban nhạc giống nhau nhiều mà. Theo như tôi tìm hiểu, âm nhạc chỉ có một số giai điệu nhất định là dễ nghe cho tai của con người.
Video đang HOT
Bản thân tôi cũng chỉ là người chơi nhạc, chứ không phải người sáng tạo ra một thể loại nhạc mới. Do vậy, tôi sẽ chịu ảnh hưởng của một nghệ sĩ nào đó, ở đâu đó.
Tôi may mắn vì đã đi qua thời kỳ của những thần tượng và đi tìm những anh hùng của riêng mình. Sau thời đó, tôi tự đứng trên đôi chân của mình và viết nhạc cho câu chuyện của mình.
Các thành viên của ban nhạc Ngọt bao gồm Vũ Đinh Trọng Thắng, Nguyễn Hùng Nam Anh, Phan Việt Hoàng và Nguyễn Chí Hùng .
- “Viết nhạc cho câu chuyện của mình” có thể hiểu là sáng tác của anh đều bắt nguồn từ những cảm xúc cá nhân và có thật?
- Tôi có một số nguyên tắc trong sáng tác. Và một trong những nguyên tắc đó là không viết nhạc ngoài cuộc đời của mình, tức là không bịa. Album đầu tiên của Ngọt, chủ yếu xoay quanh chuyện đời của tôi và bạn bè xung quanh. Đến album hai, tôi mở rộng hơn, viết nhạc kiểu tiểu thuyết nhưng vẫn có câu chuyện của mình và bạn bè trong đó.
Vì gần gũi như vậy nên những ca khúc của Ngọt đều có cảm xúc chung là rất đời thường.
- Nhiều nhạc sĩ “ngắm cảnh sinh tình” rồi viết nhạc trau chuốt, hẳn anh không thuộc lớp những người làm nhạc như vậy?
- Tôi chưa bao giờ sáng tác theo kiểu quan sát cảnh vật, thú thật là tôi không sến như vậy. Tôi phải ngắm mấy cảnh thật đẹp may ra mới viết được một bài và đó là bài mà bây giờ tôi vẫn chưa viết xong. Tất nhiên, tôi cũng có những khoảnh khắc sến sến, đó lúc tôi cố nắm bắt một điều gì đó rất đẹp bất chợt đi qua mình.
‘Lúc chán nản là lúc được tiếp thêm sức lực’
- Anh miêu tả như thế nào về những mảnh ghép còn lại của Ngọt là Nguyễn Hùng Nam Anh, Phan Việt Hoàng và Nguyễn Chí Hùng?
- Hoàng là nền tảng để Ngọt hoạt động. Ban nhạc đi tiếp được đến ngày hôm nay là nhờ Hoàng. Hoàng cũng là người quản lý, nói nôm na là kiếm được tiền để ban nhạc hoạt động. Hùng là thành viên mới nhất, Hùng thì thần đồng rồi và có lẽ cũng chỉ có một từ để miêu tả đó là “thần đồng”. Còn Nam Anh là bạn thân của tôi (cười).
- Trước đây, Ngọt có một thành viên là Trần Bình Tuấn, nhiều người vẫn ấn tượng với Tuấn vì giọng nói nhỏ nhẹ, cao vút và mái tóc dài. Khi Tuấn rời ban nhạc, Ngọt có những thay đổi gì?
- Tuấn ngày xưa cũng chơi thân vào tôi, cả hai còn làm mấy dự án khác ngoài âm nhạc. Thời đó, nghĩ ra cái gì vui vui là làm. Thực ra lý do Tuấn rời nhóm là vì Tuấn đã chán theo đuổi âm nhạc, muốn chuyển sang cái khác. Nhưng tôi thì khác, tôi muốn làm tiếp để xây dựng thành một cái nghiệp chứ không thể nay làm cái này, mai làm cái khác.
Khi Tuấn rời ban nhạc, Ngọt chỉ thay đổi lead guitar, còn lại cách làm việc vẫn vậy. Ngọt không có đường hướng phức tạp nên không có ảnh hưởng gì lớn. Chúng tôi vẫn đi biểu diễn, rồi lại quay phim, thu âm, rồi lại biểu diễn.
Sau Hà Nội, Ngọt dự kiến chọn TP.HCM, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác để quảng bá cho album Ng`bthg.
- Nghe anh chia sẻ, âm nhạc của Ngọt đúng là một cuộc chơi. Nhưng trong cuộc chơi thú vị đó hẳn cũng có những mâu thuẫn, bất đồng?
- Mâu thuẫn mới phát triển được (cười). Bất đồng thường xuyên xảy ra, nhiều khi chỉ từ một nốt nhạc đặt sai chỗ. Bất đồng lớn hơn là về việc sản xuất. Nhưng nhiều lúc, lỗi chẳng thuộc về ai cả, không phải lỗi của ai thì cứ cãi nhau thôi. Quan trọng là tất cả ý kiến của mọi người đều được tôn trọng.
Chúng tôi cũng từng muốn dừng lại. Nhưng rồi tôi nói với mọi người rằng làm nhạc, sẽ có những lúc chán nản. Chính khi đó mình được tiếp thêm sức lực, chán nản nhưng sau lại vẫn quay lại với âm nhạc, đó mới là làm việc chăm chỉ.
Còn nếu ai làm nhạc mà không bao giờ chán thì tôi nghĩ họ đã coi nhạc như cơm ăn áo mặc hàng ngày, như những nhu cầu vật chất của cuộc sống, điều đó không hẳn tốt.
- Ngọt của thời gian tới sẽ có “vị” như thế nào?
- Chúng tôi vừa làm live show để ra mắt album, sau show là quảng bá album và trau dồi kiến thức ở nhiều nơi khác nhau. Sau đó là tham gia Monsoon Music Festival.
Vài năm nữa, chúng tôi muốn làm được nhiều thứ, biết làm nhạc hơn, kỹ năng cao hơn. Đến một độ nào đó, tất nhiên Ngọt muốn đạt đến khả năng teamwork hoàn hảo với những album cầu kỳ, và tất nhiên là sẽ cầu theo một cách cực kỳ ngớ ngẩn (cười).
Theo Zing
Vì sao live show của nhóm Ngọt và Tùng Dương lại cháy vé?
Hai show diễn tại Hà Nội cuối tuần qua là những tín hiệu thú vị của thị trường biểu diễn ca nhạc trong năm nay.
Cần phải nhắc lại là hiếm có năm nào thị trường biểu diễn ca nhạc trong nước, đặc biệt tại Hà Nội sôi động như năm nay. Liên tục các show diễn lớn nhỏ được tổ chức, đa số đều cháy vé (cả cháy thật và cháy "ảo") và rất đa dạng về nội dung.
Thực ra, theo giới tổ chức biểu diễn và bán vé show ca nhạc chuyên nghiệp, nhu cầu của khán giả thủ đô chưa bao giờ giảm bớt. Nhưng điều cần phải khẳng định là nếu chỉ quanh quẩn mô hình cũ, các show nhạc tổng hợp, nhạc trữ tình hay kiểu "đến hẹn lại lên" của các dịp trong năm, một bộ phận không nhỏ khán giả bị bão hòa.
Tuy nhiên, từ khâu đầu tư tới tổ chức rồi bán vé là cả một công cuộc đau đầu cho bất cứ nhà sản xuất nào. Chính điều đó khiến sự rụt rè là khó tránh khỏi.
Nhưng một số chương trình gần đây, đặc biệt là 2 live show của nhóm Ngọt và ca sĩ Tùng Dương vào cuối tuần qua đang chứng minh rằng thị trường biểu diễn trong nước vẫn rất tiềm năng. Cái cần là sự gặp nhau thực sự của "cung" và "cầu" mà thôi.
Từ live show của nhóm Ngọt tới một thị trường đầy tiềm năng
Ngọt có lẽ là ban nhạc rock trẻ nhất ở Việt Nam thực hiện một live show riêng. Nhưng cách họ chơi nhạc cho tới tinh thần live show của họ vô cùng khác với những gì người ta vẫn thường mặc định về nhạc rock ở Việt Nam.
Chỉ trong vòng khoảng 2 năm kể từ khi ra mắt thị trường, nhóm nhạc indie rock gồm 4 chàng trai 9X này đã kịp tạo được những dấu ấn rất đáng nể. Ra 2 album, làm 1 live show và từ một ban nhạc "trẻ con" trở thành nghệ sĩ biểu diễn của Liên hoan Âm nhạc quốc tế Gió mùa sắp diễn ra vào tháng 11.
Ban nhạc Indie rock Ngọt đã có live show đầu tiên rất ấn tượng.
Vì sao một nhóm nhạc "tự phát" làm được như vậy? Trước hết là vì âm nhạc của họ. Ngọt chơi một thứ âm nhạc hồn nhiên, dễ chịu, không lên gân và điều quan trọng hơn là họ "bắt sóng" đối tượng khán giả học sinh - sinh viên của ngày hôm nay.
Xin được nhấn mạnh là của ngày hôm nay. Bởi những ca khúc của Ngọt nói lên đúng tâm trạng và suy nghĩ, những "triết lý" của nhóm khán giả 9X. Đặc biệt, cùng với các nghệ sĩ indie như Vũ, Đen hay Da LAB... họ tạo thành một cộng đồng nghệ sĩ mới, những tiếng nói trẻ trung và những thần tượng thực sự của khán giả trẻ.
Âm nhạc của Ngọt là rock nhưng nếu tham dự live show đầu tiên của họ, người ta sẽ phải bất ngờ bởi không khí hoàn toàn khác mọi rock show từ trước tới nay.
Không có khói thuốc, không có mùi đồ uống có cồn, lác đác những chiếc áo đen in vốn là "màu truyền thống" của rockfan. Ngược lại, ban tổ chức bán những chiếc kẹo mút đủ màu sắc, những chai nước ngọt hay nước lọc cho khán giả!
Khán giả 9X - đối tượng đầy tiềm năng của thị trường biểu diễn.
Nhưng cách làm khác biệt đó hoàn toàn không gây khó chịu cho khán giả. 90% khán giả tới đêm nhạc cũng là những cô cậu học sinh trẻ măng có khi vừa rời lớp học thêm tới để nghe thần tượng hát. Họ đi xem show diễn với những "set đồ" thời trang nhất, tay này cầm cốc trà sữa và tay kia là... cây đèn ông sao để selfie cùng nhau. Nhưng tất nhiên, họ vô cùng cuồng nhiệt. Họ thuộc lời mọi ca khúc của nhóm kể cả single vừa ra mắt trước đó có vài ngày.
Live show của Ngọt không lớn về quy mô nếu tính trên con số 2.500 vé phát hành. Trước đó, cộng đồng nhạc Indie cũng đã có những phép thử tương tự như 2 đêm diễn của anh chàng ca sĩ Vũ hay show diễn kỷ niệm 10 năm hoạt động của nhóm Hip hop Da LAB.
Đó đều là những show nhạc quy mô vừa phải nhưng chúng chứng minh rằng đối tượng khán giả 9X là vô cùng tiềm năng. Cái họ cần chính là những chương trình đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thế hệ mình.
Sự "ngang ngược" của Tùng Dương
Khó có thể dùng từ nào khác phù hợp hơn để nói về 2 đêm nhạc chủ đề Trời và Đất của Tùng Dương.
Sự ngang ngược ở đây là quan điểm âm nhạc của nam ca sĩ. Dù có thể làm những show nhạc ăn khách hơn mà minh chứng là thành công của Tùng Dương hát tình ca cách đây mấy năm, anh vẫn xây dựng dự án biểu diễn "nặng" từ chủ đề tới âm nhạc.
Với Trời và Đất, Tùng Dương tiếp tục khẳng định con đường âm nhạc riêng của mình.
Trời và đất mang cảm hứng những triết lý nhân sinh, vũ trụ được gói ghém trong các ca khúc của các tác giả như Trần Tiến, Lưu Hà An, Sa Huỳnh... Dưới bàn tay hòa âm của nhạc sĩ Thanh Phương, các ca khúc cả quen cả lạ đều được khoác lên chiếc áo rock sôi động nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Nếu ở một thị trường biểu diễn khác, có thể những gì được thể hiện trong Trời và Đất không quá mới lạ. Nhưng với một thị trường như Việt Nam, đây là sự liều lĩnh không hề nhỏ. Bởi mặt bằng sản phẩm âm nhạc khiến công chúng "bị" quen với những thứ hợp tai hơn là cái gì đó mới lạ, phá cách hay quá nặng tính thưởng thức.
Mỗi show diễn của Tùng Dương đều có những tìm tòi mới.
Hai đêm diễn của Tùng Dương tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đông kín khán giả. Không phải không có lúc họ bỡ ngỡ với những ca khúc và những bộ trang phục cầu kỳ mang đậm tinh thần avant-garde của Tùng Dương. Nhưng vẫn có những khoảnh khắc họ bị anh và các diva khách mời thực sự mê hoặc, thực sự lôi cuốn vào không khí âm nhạc cuồng nhiệt trên sân khấu.
Không phải đến lúc này Tùng Dương mới là một thương hiệu của nhạc Việt. Nhưng chính sự "ngang ngược", không chịu chiều tai khán giả là cái riêng tạo sự khác biệt của anh với những người khác.
Phép thử của Tùng Dương khi đem những món khó tới cho khán giả có thể chưa đọng lại được nhiều với số đông nhưng chắc chắn đó là điều cần thiết. Bởi nếu không có người làm thì lấy đâu ra những sản phẩm khác biệt và mới mẻ cho công chúng?
Theo Zing
Thành viên ban nhạc Ngọt: 'Tôi không bao giờ viết nhạc theo khán giả' Vũ Đinh Trọng Thắng, nhạc sĩ kiêm ca sĩ chính của nhóm khẳng định không chạy theo số đông khán giả khi sáng tác. Ngày 20/9, ban nhạc Ngọt tổ chức họp báo giới thiệu liveshow Ng' bthg (đọc là "Người bình thường") tại Hà Nội. Đâylà chương trình mở màn cho mini-tour cùng tên sẽ diễn ra trong giai đoạn cuối 2017...