Ngọn Sư Tử bị “băm nát”: Kiên quyết không cho mở rộng mỏ
Liên quan đến ngọn Sư tử linh thiêng nằm trên núi Hồng – di sản đã đi vào thi ca, văn hóa của xứ sở Hồng Lam – bị băm nát, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, kiên quyết không đồng ý cho doanh nghiệp mở rộng phạm vi mỏ đã cấp phép.
Thông tin trên được ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông tin tới PV Dân trí – nhân cuộc gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Tỉnh ủy, UBND tỉnh này tổ chức vào sáng ngày 20/6.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết dứt khoát không cho mở rộng diện tích, xử lí các tồn tại tại mỏ đá ở ngọn Sư tử nhằm gìn giữ thắng cảnh núi Hồng (ảnh: Văn Dũng)
Theo ông Sơn, sau khi nhận được phản ánh của Dân trí về thực trạng ngọn Sư tử linh thiêng bị băm nát, ông đã trực tiếp yêu cầu Giám đốc Sở TNMT tỉnh này là ông Võ Tá Đinh và ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực khoáng sản báo cáo.
“Theo báo cáo mỏ đá tại ngọn Sư tử được cấp phép khai thác vào năm 2001 và đến năm 2021mới hết hạn. Vừa qua Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 có làm công văn xin mở rộng phạm vi khai thác, nhưng tỉnh không xử lí” – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông tin.
Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, những mỏ đã liền kề ngọn Sư tử này vừa qua tỉnh có đưa vào đấu giá nhưng đã không thực hiện.
Video đang HOT
“Ngoài việc không cho mở rộng, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo xử lí các tồn tại tại mỏ đá này với mục đích chính là giữ gìn di sản, thắng cảnh núi Hồng” – ông Sơn cho biết thêm.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, ngọn Sư Tử ( xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xem là một công trình thiên nhiên kỳ thú, một danh thắng linh thiêng. Nhưng buồn thay, tuyệt tác thiên nhiên này đã, đang bị băm nát không thương tiếc khiến các nhà nghiên cứu văn hóa, người dân tiếc nuối, bất bình.
Ngoài ra, việc khai thác đá tại ngọn núi này đã và đang khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh khốn khổ, bất an do tiếng mìn nổ rung chuyển nhà cửa, bụi đá bao phủ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Văn Dũng
Theo Dantri
Vụ lúa mất mùa chưa từng có ở Hà Tĩnh: Bí thư Tỉnh ủy phê cán bộ vô cảm
Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết na ná nhau mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An được mùa cả, riêng Hà Tĩnh lại mất mùa? Mất hơn 20 nghìn ha lúa mà chỉ đạo vô cảm quá, quá thiếu trách nhiệm, cái này cần xem xét lại! - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn phê bình đội ngũ cán bộ liên quan vụ lúa Xuân thất bát chưa từng có trong lịch sử tỉnh này.
Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, vụ lúa xuân 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có đến gần 20.300 ha trong tổng số gần 58.800 ha lúa gieo cấy bị bệnh đạo ôn cổ bông phá hoại nghiêm trọng. Hậu quả của đợt dịch bệnh này đã khiến người nông dân mất trắng hơn 100.000 tấn lúa, trị giá khoảng 600 tỷ đồng. Với mức thiệt hại này, đây được coi là vụ mất mùa chưa từng xảy ra tại địa phương.
Hơn 20 ngàn ha lúa của nông dân bị bệnh đạo ôn cổ bông, lúa vẫn trổ bông nhưng hạt lép, gây thiệt hại lớn cho vụ lúa Xuân 2017 của Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Trước những thiệt hại quá lớn của người nông dân, mới đây Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã chủ trì cuộc họp làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan.
Nguồn tin từ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, tại cuộc làm việc, ông Lê Đình Sơn cho rằng việc Hà Tĩnh mất hơn 20 nghìn ha lúa trong bối cảnh thời tiết các tỉnh miền Trung na ná nhau (Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An đều được mùa) là một thất bại nặng nề của ngành nông nghiệp tỉnh này.
Không chấp nhận giải trình của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh về nguyên nhân thời tiết thay đổi thất thường, bệnh đạo ôn bùng phát, ông Sơn phê bình cán bộ lãnh đạo phụ trách khối nông nghiệp của tỉnh buông lỏng, vô cảm trong cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai vụ mùa, đặc biệt là công tác đối phó dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã gay gắt phê cán bộ ngành nông nghiệp "làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong; giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu không nắm được; công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài; dịch bệnh xây ra tràn lan nhưng Sở NN&PTNT không có có văn bản nào tham mưu cho tỉnh, UBND tỉnh cũng không có chỉ đạo nào sát sao".
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng trong bối cảnh các tỉnh có dạng thời tiết tương ứng đều được mùa mà Hà Tĩnh mất mùa nặng nề là một thất bại chưa từng có.
Ông Sơn cho rằng lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh quá chậm trễ trong việc thống kê, rà soát diện tích thiệt hại; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân lúa nhiễm bệnh...
"Mẫu kiểm tra, phúc tra tỷ lệ giống nhiễm bệnh không có; bây giờ dân thu hoạch xong cả rồi mới làm thì quá muộn. Mất hơn 20 nghìn ha lúa mà chỉ đạo vô cảm quá, thiếu trách nhiệm. Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết na ná nhau mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An được mùa cả nhưng mình mất mùa? Cái này cần xem xét lại", ông Sơn phê bình gay gắt trong cuộc họp.
Trao đổi với PV Dân trí, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết những ý kiến phê bình trên đây của ông là về cả tập thể chứ chưa cụ thể một cá nhân nào. Trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể sẽ phải được làm rõ trong thời gian tới.
"Chúng tôi (Thường trực Tỉnh ủy - PV) đang giao cho UBND tỉnh phải làm rõ trách nhiệm của cụ thể từng cá nhân, không có chuyện một vụ việc như thế mà không ai chịu trách nhiệm. Phải xử lý để những vụ mùa sau, và để ở các lĩnh vực khác, không còn xảy ra những vụ việc như thế" - ông Sơn nói.
Văn Dũng
Theo Dantri
Từ phác thảo chân dung đến hành trình truy bắt nghi phạm cướp ngân hàng Qua mô tả của người dân cộng với các hình ảnh trích xuất từ camera của nhiều nhà dân ở các con đường được xác định đối tượng cướp ngân hàng đã đi qua, bộ phận khoa học hình sự của công an đã chắp nối và phác thảo chân dung giống tới 90% nghi phạm gây án. Hành trình nhận dạng khuôn...