Ngon quên sầu bê thui Cầu Mống!
Nhón vài lát thịt bê cuốn với bánh tráng mà chấm mắm cái ớt thì ngon quên sầu.
Cuối năm, trời se se. Muốn nhắn với bạn phương xa về ăn miếng bê thui Cầu Mống, chấm vị mắm cái thơm lừng, nhấp chút rượu gạo để không phải quay quắt nhớ mùi tết quê hương…
Gần là phố bạn Đà Nẵng cũng có quán mang danh bê thui Cầu Mống, tít tắp Sài Gòn, Hà Nội, cũng lấy Cầu Mống đặt tên cho quán bê thui. Nhưng để tìm đúng cái vị bò tái ngòn ngọt, dai dai, bùi bùi, thịt màu hồng đào bắt mắt, da giòn rùm rụm, hay chén mắm cái thơm lừng, cay nồng của ớt, âm ấm của gừng thì phải tìm đến Cầu Mống thứ thiệt ở Điện Phương (Điện Bàn), nơi ngôi làng gắn với cây cầu được đặt tên cho một món ngon… nhớ đời.
Nhắn bạn phương xa, rằng để có được món bê thui nổi tiếng trên suốt chặng đường thiên lý Bắc Nam, người dân nơi này phải vất vả, gắng gỏi từng ngày mới giữ được hương vị. Một món ăn ngon phải được chế biến từ những nguyên liệu ngon, sạch. Bê dùng để thui là loại bê chừng 25 – 30kg, phải biết cách giữ lửa thế nào cho vừa đủ để cả con bê chín đều.
Thịt bê ngon phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Mắm chấm thịt phải từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất, rau sống phải là rau Trà Quế.
Video đang HOT
Thịt bê ngon phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói.
Trải miếng bánh tráng mỏng từ các lò tráng bánh ở Điện Minh, Vĩnh Điện, hay bánh tráng Đại Lộc, nhón vài lát thịt bê cuốn với rau, chấm mắm cái ớt tỏi, cắn thêm miếng ớt xanh, nghe vị ngọt, mặn, cay nồng… thấm tận ruột non. Chẳng thế mà cánh lái xe đường dài cứ tới Cầu Mống là muốn dừng lại, đưa du khách thưởng thức món này rồi mới tiếp tục lên đường. Nhờ đó, bê thui Cầu Mống thêm nổi tiếng khắp Bắc – Nam.
Dừng, đón trả khách, cánh lái xe lại hỏi: “Ai xuống bê thui Cầu Mống?”, nghe thân thương đến lạ!
Món bên thui Cầu Mống đến nay vẫn chưa tìm được xuất xứ, nhưng truyền nhân thì đã có vài đời. Quán Mười đã qua 3 đời bán món này. Bảy Lép cũng chẳng kém cạnh khi giờ những đứa em và con ông đang thay nhau quản lý. Ngay những lò thui bê cũng đã qua 2 – 3 đời, cha truyền con nối.
Anh Dưỡng tiếp quản lò thui bê của cha, còn anh Ngô Trường Sơn lại nhận lò từ những người họ hàng của mình. Ở thôn Triêm Trung (Điện Phương) giờ đây có nhiều lò thui bê mọc lên, đúng như quy cách làm ăn hiện đại, hệ thống từ nguyên liệu đến thành phẩm đều được thực hiện tại địa phương, góp phần giải tỏa nỗi lo về an toàn thực phẩm.
Hằng năm, những quán bê thui Cầu Mống đóng góp vào ngân sách địa phương kha khá. Nhớ hồi lễ hội 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm diễn ra vào năm 2007, những quán bê thui đã “chịu khó” đầu tư để quảng bá danh tiếng của mình khi thết đãi hơn 100 suất cho buổi lễ. Dù vậy, bê thui Cầu Mống mới chỉ là một món ăn đặc trưng khi nhắc đến đất Quảng, còn cả một quãng đường dài để món ăn này xác lập được “thương hiệu” được bảo hộ trên thương trường rộng lớn.
Theo Lê Quân (Quảng Nam Online)
Bê thui cầu Mống bí truyền ở Sài Gòn
Gần nửa thế kỷ kể từ khi quán bê thui không tên xuất hiện tại chân cầu Câu Lâu (sau đổi thành cầu Mống, thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), món bê thui cầu Mống chính gốc lần đầu tiên được đưa vào Sài Gòn dưới dạng là món ăn chứ không phải là món nhậu.
Bê thui ăn kèm bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm.
Anh Bùi Văn Lâm, chủ quán bê thui cầu Mống ở khu Miếu Nổi, kể, ngay từ lần đầu ăn bê thui cầu Mống cách đây vài năm, vợ chồng anh đã có ý định đưa món ăn này vào Sài Gòn. Ý định ngày càng nung nấu khi nhiều lần bước vào các quán ở TP HCM, anh vẫn chưa hài lòng với món bê thui ở các vùng miền khác.
Thế là, bằng mọi cách anh vợ chồng anh mời chú Dưỡng, một trong những bậc thầy giỏi nhất về bê thui khu vực cầu Mống, "hạ sơn" chỉ dạy. Không lâu sau đó, các ngón nghề thui bê bí truyền của sư phụ được vợ chồng anh tiếp thu tường tận để rồi giờ đây, anh tự giới thiệu món đặc sản bê thui cầu Mống đến thực khách ở Sài Gòn.
Những con bê nặng chừng 40-60 kg được nuôi dưỡng cẩn thận bằng cỏ vùng đồng bằng là cốt lõi của nguyên liệu bê thui. Sau khi xẻ thịt, lấy lòng, con bê được khâu lại với một số loại lá cây khử mùi rồi mang lên lò lửa than hồng thui nhẹ. Suốt thời gian khoảng 4 giờ đồng hồ, người đứng thui phải túc trực để xoay đảo cho bê chín đều. Sau đó, bê được mang lên bàn xẻ thành từng tảng lớn treo vào tủ kính. Khi khách vào, người đầu bếp chỉ việc lấy tảng bê xắt từng lát mỏng xếp vào đĩa đẹp mắt rồi mang ra. Thịt bê ngon cuốn cùng bánh tráng và rau sống chấm mắm cái sẽ là món ăn mãi mãi không quên đối với đa số người đã thưởng thức qua.
Từng tảng thịt bê đã thui được treo vào tủ kính.
Thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của món bê thui cầu Mống là nước chấm và rau sống. Với anh Lâm, nước chấm là loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, đường phèn... vào cho vừa miệng.
Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ. Ngoài 3 loại rau chính là giá sống (loại cọng dài và mảnh), chuối chát và khế chua, trong đĩa rau còn có nhiều loại rau thơm (húng, quế, ngò...) và cải chìa non. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.
Địa chỉ quán bê thui cầu Mống: L4-L5 Khu dân cư Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Phương Nam
Theo ngôi sao
Cá lao "mồ côi" Cá lao có miệng dài ngoằn giống mỏ vịt, chả trách lên dĩa một con đã "chật chỗ". Cá lao có da đỏ hồng thật bắt mắt, thịt trắng tươi lại không có xương vụn. Vậy nên, đem nướng là giải pháp an toàn, gọn nhẹ vớinhững con cá thịt mềm , không "tắm" nước biển trên 3 - 4 ngày. Tuy vậy,...