Ngon như Cù kỳ Móng Cái
Chúng tôi là những vị khách đầu tiên của quán ăn sáng với món “cù kỳ” trên phố Trần Quốc Toản, được giới thiệu là món ăn đặc sản của Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng.
Lần đầu ra Móng Cái – Quảng NInh, bạn bảo: “ Tý đi ăn sáng món cù kỳ nhé“. Tôi tròn mắt: “ Cù kỳ là kỳ cùng à?“. Bạn phá ra cười: “ Cù kỳ là họ hàng của cua, tý đi ăn rồi biết“. Quán có các món là bún cù kỳ, bánh đa cù kỳ và miến cù kỳ. Đây là một loại cua biển có hai càng rất to, thịt khá chắc và thơm.
Bát bún cù kỳ bắt mắt
Cù kỳ còn có tên gọi khác là con cùm vùm, vốn dĩ rất chậm chạp, bám vào đá rất chắc chắn. Tuy càng to nhưng ít khi dùng càng để cắp, nhưng nếu đã cắp thì… phải đợi có tiếng sấm cù kỳ mới buông “vũ khí”. Chị chủ quán vừa vớt bọt từ nồi nước dùng vừa cười cười bảo.
Cù kỳ thường được dân đi biển ngoài đảo Vạn Gia đánh bắt mang về, tuy thịt không ngon ngọt như thịt cua nhưng chắc chắn là ngon hơn ghẹ, giá cả lại rẻ hơn cua nên rất được ưa chuộng.
Video đang HOT
Phải cái thịt cù kỳ chỉ có ở hai càng, phần thân xốp và hầu như không có thịt. Cù kỳ cũng hay được chế biến theo nhiều cách khác như hấp, rang me, nướng than hồng, gỡ thịt xào miến hay làm ruốc cho trẻ em.
Thấy tôi lân la ngắm nghía bàn làm đồ ăn, chị chỉ vào từng món bày trên bàn: đây là thịt cù kỳ đã được bóc tách, xé sợi và nêm nếm gia vị đậm đà, xào ướt.
Đây là tôm khô rim mặn và phải có vị ngọt. Đây là chả lá lốt thông thường của đồng bằng miền Bắc. Nước dùng muốn ngọt thì ninh với nhiều xương.
Tôi hỏi thế có giã cù kỳ hay hải sản gì lọc lấy nước nấu không thì chủ quán lắc đầu. “Tinh hoa của biển” xem ra nằm hết trong cù kỳ và tôm khô.
Một đĩa rau sống xanh mướt được mang ra bàn kèm với nước chấm mắm ớt, có rau muống chẻ, húng quế, mùi và giá đỗ. Bát bún cù kỳ nom thật bắt mắt với những mảng màu tươi non của hành hoa, hồng sậm của cù kỳ và tôm rim, xanh đậm của chả lá lốt xếp đều trên mặt tô bún trắng.
Tôi háo hức với món ăn sáng vừa lạ vừa quen trên một con phố vắng vùng biên giới, vừa ăn vừa tấm tắc. Ngon quá, nhất định sẽ trở lại nơi này để thưởng thức thêm vài món ăn chế biến với cù kỳ.
Một chiếc xe du lịch khá lớn đỗ xịch bên đường và một nhóm khách ào xuống. Hóa ra món ăn này nổi tiếng không chỉ với dân địa phương mà còn với cả du khách gần xa đến với Móng Cái.
Sau này, thỉnh thoảng bạn tôi điện thoại về bảo chủ quán cù kỳ lại hỏi thăm cô bé ngày trước cứ ngó nghiêng tìm hiểu bí quyết gia truyền của món ăn sáng với cù kỳ. Lâu rồi không về Móng Cái, còn lời hẹn thăm đảo Vĩnh Thực và ăn hải sản ở Đá Đen với bạn.
Theo Tuổi trẻ
Đậm đà bánh xèo Quy Nhơn
Chiều tối, đi qua các con đường ở Quy Nhơn, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng mời gọi cùng hương thơm của món ăn làm du khách khó lòng bước đi.
Trong khi các vùng đất khác chế biến bánh xèo khá cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng... thì bánh xèo Quy Nhơn chỉ có tôm đất làm nhân. Linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn cũng là từ yếu tố này. Tôm đất để làm bánh xèo được người Quy Nhơn kén chọn lắm, phải là tôm của dòng sông Gò Bồi ngọt lịm, tươi roi rói, được đánh bắt mỗi buổi sáng tinh mơ. Loại tôm này nhỏ, nhưng chắc thịt, khi chín sẽ đỏ au, ăn vào ngọt lịm vị của nước sông, của đất bồi...
Bánh xèo Quy Nhơn chỉ có một loại nhân duy nhất là tôm tươi. Ảnh: T.D.
Bột gạo để làm bánh xèo cũng nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó thì bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mịn màng, quyện với chút hương bột nghệ và nước cốt dừa. Chút hành lá thái nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm chút thơm thơm cho từng cái bánh ngon lại càng ngon.
Nước chấm là khâu vô cùng quan trọng. So với các vùng khác thì nước chấm bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn. Nước mắm cốt phải thật ngon, rồi pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn, thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường để dậy mùi. Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẩn, nhưng rất mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn, mới nhìn qua đã thấy không cưỡng được.
Rau mầm, dưa leo, xoài sống, xà lách... được dùng để ăn kèm với bánh xèo. Ảnh: T.D.
Bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng mới đúng điệu. Loại bánh tráng gạo nhúng mềm, trải lên đĩa, cuốn một nhúm rau mầm với xoài chua, bỏ lên cái bánh xèo nóng hôi hổi, cuốn một cuốn thật chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, niềm vui trên trời đất này có gì sánh bằng được ăn những món dân dã mà tuyệt vời như thế. Người thích vị đậm hơn còn ăn kèm với vài tép tỏi tươi đến từ vùng Lý Sơn, để hương vị càng nồng đượm.
Ngày xưa, đi ăn bánh xèo tôm nhảy rau mầm phải đến tận Mỹ Cang, cách Quy Nhơn 20km, mới có một quán. Giờ món ăn này phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt là khu ven biển. Cứ khi trời nhá nhem tối, đi ngang những quán bánh xèo tôm nhảy, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng gọi mời, tiếng khua của bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên, khách sẽ khó lòng bước qua.
Theo Phụ nữ Online
Đến Ninh Bình, đừng quên ăn cơm cháy Tương truyền cơm cháy đã xuất hiện khoảng 100 năm trước, do chàng thanh niên Ninh Bình tên Hoàng Thăng tạo ra từ một món ăn của người Hoa. Từ đó đến nay cơm cháy đã phát triển và trở thành đặc sản của vùng đất Ninh Bình. Cơm cháy được ăn kèm với chà bông, mỡ hành... Ảnh: T. H. Cơm cháy,...