Ngon ngọt bánh bò
Chiếc bánh bò tơi xốp đậm đà hương vị làng quê khiến cho thực khách xuýt xoa khen ngợi khi được thưởng thức. Những người con tha hương chợt nhớ về quê nhà khi cầm trên tay chiếc bánh gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu.
Chợ quê buổi sớm hiện diện nhiều quà bánh nhưng nhiều phụ nữ ở Phổ Cường (Đức Phổ) vẫn luôn “ưu ái” những chiếc bánh bò dân dã. Nguyên liệu chủ yếu để chế biến những chiếc bánh trắng ngà và ngon lành gồm gạo, men và đường cát trắng. Loại gạo dùng làm bánh khi nấu cơm phải tơi xốp, thu hoạch 2 – 3 tháng trước đó trên những thửa ruộng lúa chín vàng.
Những phụ nữ khéo tay chọn loại men to bằng bắp tay màu trắng lẫn ít vỏ trấu vàng mơ trông khá bắt mắt. Men giã nhỏ rồi rây lấy phần bột mịn, trộn lẫn với ít nước và quấy đều rồi ủ khoảng 8 giờ đồng hồ, gọi là gầy men. Gạo vo sạch, ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ sau đó xay thành bột nhuyễn, cho men đã ủ cùng với đường cát trắng vào rồi khuấy đều, tiếp tục cho vào ủ ấm.
Khi hỗn hợp bột, men và đường nổi lớp bọt trắng bên trên thì dùng vá khuấy đều rồi đậy kín nắp chờ lần nổi bọt tiếp theo. Sau 3 lần như thế, khuấy đều rồi cho vào chén nhựa vừa được thoa dầu phộng để bánh không dính vào thành chén. Tiếp đến, đưa vào nồi hấp cách thủy khoảng 25 phút thì bánh chín. Đưa chén ra khỏi nồi chờ nguội rồi úp xuống phía bên dưới, dùng tay vỗ nhẹ thì chiếc bánh bò thơm ngon nhẹ nhàng rời khỏi chén.
Phương pháp chế biến bánh được người dân Phổ Cường gọi là đổ bánh bò. Vào dịp cúng, giỗ hay Tết Đoan ngọ, mỗi gia đình luôn có dăm bảy đĩa bánh dâng cúng tổ tiên, làm quà cho con trẻ và để mời nhau thêm thắm tình thân hữu.
Video đang HOT
Bánh bò dai và tơi xốp với vị ngọt dịu từ đường hòa cùng hương thơm của men tạo nên hương vị đặc trưng. Lượng men cho vào bánh rất ít nên kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng lạ kỳ. Nhiều phụ nữ khéo tay “ướp” hương đồng gió nội vào bánh bò khá độc đáo. Họ hái lá dứa thơm mọc ven khe suối mang về giã nhuyễn và vắt lấy nước cho vào bột khuấy đều trước khi hấp bánh. Những chiếc bánh ngọt lành, phảng phất hương đồng gió nội làm “say” lòng bao người.
Vùng quê Phổ Cường giờ có nhiều người phụ nữ chế biến bánh bò và bày bán nơi chợ quê. Bà Trần Thị Nở với nhiều năm bán bánh ở Chợ Đàn, xã Phổ Cường bộc bạch: “Nghề này rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm nhưng lời lãi chẳng đáng là bao vì mỗi chiếc bánh bán với mức giá 1.000 đồng. Tuy vậy, tôi vẫn làm cho đến giờ vì có nhiều người mua và khen bánh ngon. Có người đặt tôi làm cả trăm chiếc bánh gửi vào cho người thân ở tận Sài Gòn. Bánh để đến 3 ngày vẫn không bị hư, để trong tủ lạnh thì lâu hơn và chỉ cần hấp lại ăn vẫn ngon lành. Ăn bánh bò có chút men kích thích tiêu hóa nên ăn cơm ngon lắm”.
Sau nhiều năm sinh sống ở Sài Thành với bao lần thưởng thức sơn hào hải vị nhưng những người bạn thuở thiếu thời vẫn ưa thích chiếc bánh bò mộc mạc nơi làng quê. Chiếc bánh đơn sơ phảng phất hương vị đồng quê gợi nhớ về những tháng ngày thơ ấu.
Theo Baoquangngai
Nhớ hoài mẹt bánh "quê"
Trong cuộc sống hiện đại, dường như những tiếng rao lảnh lót của một thời "Ai bánh bò, bánh chuối, bánh lá hông,..." đã không còn nữa.
Song, những loại bánh dân gian vẫn còn đó một giá trị, một chỗ đứng riêng trong văn hóa ẩm thực Việt để rồi mỗi khi đi ngang một góc chợ hay một ngõ phố ta không khỏi bị níu chân bởi những hương vị quen thuộc từ mâm bánh mới ra lò.
Chị bạn làm chung bảo mỗi lần về thăm quê là nhất định phải tạt vào chợ mua bánh cam, bánh bò, bánh chuối của dì đó, ngay chỗ đó mới ngon.
Tôi hiểu những mập mờ trong diễn tả của chị. Có những thứ vốn dĩ rất đỗi bình thường nhưng khi đã "quen tiếng, quen hơi, quen mùi, quen vị" thì khó có gì thay thế được.
Thế nên, miếng bánh cam, bánh chuối, bánh bò,... dù dung dị (đối với chị và đối với những ai lớn lên cùng làn hương quen thuộc nơi chái bếp) thì giữa cuộc sống hiện đại ta không thể quên hay tìm một thứ khác thay thế được.
Từng miếng bánh trắng phau, vàng vàng, đen đen ẩn mình trong gói lá chuối xanh, hay được xếp ngay ngắn, chồng đều trên những chiếc mẹt tre gợi ta nhớ những ngày thơ dại ngồi tựa cửa chờ mẹ đi chợ về để được ăn những món bánh trái mang đậm phong vị quê nhà.
Một mẹt bánh "quê", lúc nào cũng phong phú. Nào là bánh bò, bánh chuối, bánh lá, bánh bèo, bánh da lợn, bánh khoai mì, bánh ít trần, bánh đậu xanh,...
Ai thích ăn gì thì tha hồ chọn nấy. Mỗi một loại có một cách làm khác nhau nên cho ra mùi vị cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều mộc mạc, đơn sơ bắt nguồn từ những nguyên liệu tự nhiên, từ hạt lúa, củ khoai,... từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ nên ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Giá những thứ bánh này cũng rất... bình dân. Một gói 3- 4 loại chỉ tầm 5- 7 ngàn đảm bảo đủ no và đã thèm. Nhẩn nha miếng bánh bò mềm, mịn, rồi đến miếng bánh ngọt từ chuối dẻo từ bột sau đó quệt cho áo thật nhiều nước cốt vào miếng bánh lá làn lạt, thơm thơm thì ôi thôi chỉ còn lại một chữ tuyệt!
Cuộc sống hối hả, người người ngán ngẫm với thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ thì gói xôi, miếng bánh bò, bánh chuối, bánh cam,... cũng sẽ đủ no lòng. Gần đây, khi đi dự một số tiệc tôi còn được dùng món bánh mặn là món khai vị, bánh bò ăn với thịt heo quay,...
Mừng là những loại bánh chân quê ấy được những con người "nặng nợ, nặng tình" tìm ra hướng đi mới. Tôi tin những sề bánh "quê" không hề bị lãng quên mà sẽ được khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy, cầu kỳ nhưng cái chất gần gũi, thân quen vẫn như dư vị khó quên của một thời, một đời.
Trong khi chờ những loại bánh "quê" oai vệ lên phố thì bây giờ phải ghé ngay góc chợ quen thuộc mua ít bánh bò, bánh chuối của dì Năm để lót dạ thôi! Tôi dông xe đi tìm để giữ cho mình tình yêu với chiếc bánh dân gian!
Theo Vinhlong
Bánh bò Quảng Ngãi Người bạn thuở thiếu thời nhiều năm sinh sống ở Sài Gòn điện thoại nhắn nhủ: "Mua giùm vài chục bánh bò rồi gửi vào cho mình với". Kỷ niệm ngày xa chợt ùa về. Cạy bánh bò ra khỏi chén Thuở trước, vào dịp cúng giỗ hay Tết Đoan ngọ, những người bà, người mẹ ở Phổ Cường (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi)...