Ngon miệng với bún lá Nha Trang
Bún lá là một đặc sản của Nha Trang, cũng làm từ hạt gạo nhưng sự cầu kỳ trong chế biến đã mang đến cảm giác ngon miệng cho người ăn.
Nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM), quán bún lá Nha Trang không chỉ là quán ăn quen thuộc của những người con thành phố biển mà còn là địa chỉ ngon miệng đối với người Sài Gòn. Bún lá có gần như đầy đủ các món ăn nổi tiếng của Nha Trang như: bún cá dầm, bún chả cá, bún sứa, bánh canh chả cá…
Một trong những món ăn nổi tiếng của quán được nhiều người ưa thích là bún cá dầm. Thành phần chính của món ăn là bún lá, cá dầm, chả cá và nước dùng. Bún lá là tên gọi của một loại bún tươi, đặc sản nổi tiếng của thành phố biển miền Trung. Được chế biến từ gạo như các loại bún tươi khác, nhưng với công thức riêng của mình, những người thợ làm bún ở đây đã cho ra đời những sợi bún nhỏ, mềm và dai. Bên cạnh đó, họ còn sắp xếp những sợi bún nhỏ thành những hình dáng tương tự chiếc lá nhìn rất đẹp mắt.
Ngoài bún, cá dầm và chả cá cũng được thực khách đánh giá rất cao vì sự ngon miệng. Cá dầm là một đặc sản nổi tiếng của người dân Khánh Hòa rất được ưa thích. Chế biến cá dầm không khó, những con cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn.
Bên cạnh cá dầm, chả cá cũng là một đặc sản nổi tiếng ở đây. Cá thu, cá mối, cá cờ… là những nguyên liệu chính để làm nên nhưng lát chả cá dai, mềm và thơm ngon. Chả cá thường được chế biến thành hai cách là chiên hoặc hấp.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nước dùng. Không nấu từ xương heo như các loại bún khác, bún lá Nha Trang được nấu từ xương của các loại cá như cá thu, cá cờ hoặc mua các loại cá nhỏ về ninh để lấy nước. Chính nhờ điều đó nên nước dùng của món ăn này có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được.
Khi có khách ăn, chủ quán chần bún tươi sơ qua nước sôi rồi cho vào bát, thịt cá dầm và chả cá được cho lên trên, thêm một ít hành ngò, chan ngập nước dùng và mang ra cho thực khách. Bát bún thơm ngon, nghi ngút khói trông rất hấp dẫn. Ăn kèm là đĩa rau sống cũng rất đặc trưng của người dân Nha Trang, tất cả các loại rau rau như xà lách, rau thơm, húng quế, bắp chuối đều được thái nhỏ và trộn đều với giá đỗ dài.
Video đang HOT
Húp một thìa nước dùng cảm nhận cái ngọt thanh đậm đà của món ăn. Gắp lát chả cá chấm vào chén nước chắm làm từ ớt tương và mắm ruốc, cái dai mềm của chả cá hòa với cái hương vị đậm đà của nước chắm làm tăng thêm sự ngon miệng cho người thưởng thức.
Địa chỉ: Bún lá Nha Trang – 561 Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10, TP HCM. Quán bán từ 6h đến 22h hàng ngày. Mỗi món ăn ở đây có giá từ 30.000 đồng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Bánh canh chả cá vừa ngon vừa rẻ trong chợ cây Quéo
Bát bánh canh bốc khói, đầy ắp những lát chả cá chiên vàng thơm ngon nhưng chỉ có giá 20.000 đồng.
Chợ cây Quéo là một ngôi chợ tự phát nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) có bán rất nhiều món ăn ngon miệng với mức giá bình dân. Có thể kể ra đây những món ăn quen thuộc như: bún mắm, bún cá, phá lấu, bánh cuốn, hủ tiếu, bánh canh chả cá...
Bát bánh canh to, chả cá nhiều nhưng chỉ có giá 20.000 đồng.
Nằm ngay phía đầu chợ, quán bánh canh chả cá Phan Rang trở thành địa điểm ưa thích của nhiều người. Vào khoảng 15h, hàng bánh canh này bắt đầu dọn ra, vài chiếc bàn ghế nhỏ, một nồi nước lèo bốc khói, những đĩa chả cá chiên vàng được bày bên trong tủ kính nhìn thật hấp dẫn. Bên cạnh là một thau hành, ngò thái nhỏ, một bát hành phi vàng óng, một đĩa đựng đầy những lát chanh thái sẵn và không thể thiếu hủ tương ớt băm đậm đặc.
Chả cá là nguyên liệu chính, làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Cá làm chả thường là cá chuồn, các mối, cá chỉ vàng, cá nhồng... nhưng nổi tiếng hơn cả là cá cờ hay cá thu.
Không như loại bánh canh cọng tròn, to của người Sài Gòn, bánh canh Phan Rang cũng làm từ bột gạo nhưng được tạo hình lép và hơi nhỏ.
Cá tươi được làm sạch, lóc hết xương, nạo lấy phần thịt cá. Cho hành, tiêu, các loại gia vị như đường, muối vào cối giã nhuyễn, sau đó cho phần thịt cá vào, giã liên tục cho đến khi thịt cá thật nhuyễn, không bị bở là được. Phần nguyên liệu sau khi làm xong có thể vo viên hay làm thành từng lát mỏng nhỏ và chiên vàng, cũng có thể đem hấp chín. Tuy nhiên, chả cá chiên hay hấp thì khi ăn, thực khách vẫn cảm nhận được cái dai, mềm, vị ngọt của thịt cá, cái đậm đà của món ăn khi kèm với chén nước chấm tương ớt.
Phần nước lèo của quán cũng được người ăn đánh giá rất cao vì nước trong nhưng có vị ngọt thanh. Chị chủ quán cho biết phần xương cá sau khi nạo hết thịt, được ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước, nhờ vậy nên nồi nước lèo có vị ngọt thanh rất vừa miệng và ngon.
Khi có khách ăn, cô chủ quán múc một bát bánh canh nghi ngút khói, cho vào vài lát chả cá chiên, thêm tí hành ngò, một ít hành phi, tiêu và bưng ra cho thực khách. Khi ăn, bạn có thể vắt vào một ít chanh, một tí mắm ớt cho bát bánh canh thêm đậm đà. Ăn một thìa bánh canh, cảm nhận cái thơm của hành phi, cái vị ngọt thanh của nước lèo, chấm lát chả cá vào chén tương rồi cho vào miệng, thịt cá mềm, dai, tương ớt cay và đậm đà làm cho thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa nhưng rất ngon miệng.
Chén tương ớt băm vừa thơm vừa cay làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon miệng.
Nếu muốn thưởng thức món ăn ngon và rẻ này, bạn có thể ghé đến chợ cây Quéo, quán bánh canh Hiền - 187E Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM. Quán bắt đầu bán từ 15h đến khoảng 21h hàng ngày, mỗi bát bánh canh có giá 20.000 đồng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
'Điểm danh' bún ba miền trên đất Sài Gòn Không đâu như ở Sài Gòn, chúng ta cảm nhận rõ dư vị cùng sự phong phú của hơn 20 món bún trải dài khắp mảnh đất hình chữ S. Bún thang Cầu kỳ, công phu trong khâu chọn nguyên liệu, chế biến, bún thang được nâng tầm như một món bún xuất hiện trong các dịp quan trọng chứ không mang tính...