Ngồi tù 18 năm vì giết cả 4 đứa con, người phụ nữ Úc được minh oan nhờ di truyền học
Kathleen Folbigg đã phải ngồi tù 18 năm qua vì một trong những tội ác kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được: giết cả 4 đứa con của mình. Nhưng bằng chứng khoa học mới cho thấy đó không phải là điều đã xảy ra.
Folbigg từng là “người phụ nữ bị căm ghét nhất nước Úc” trong vụ án giết cả bốn đứa con. Ảnh: Daily Mail
Theo CNN, xét nghiệm di truyền cho thấy ít nhất hai trong số những đứa con của Folbigg, một phụ nữ Australia, có khả năng tử vong do một đột biến gien chưa được phát hiện trước đó dẫn đến các biến chứng về tim – có nghĩa là người mẹ này có thể đã bị bỏ tù oan trong gần hai thập kỷ.
Phát hiện trên đã khiến 90 nhà khoa học – trong đó có hai người Australia đoạt giải Nobel – yêu cầu thống đốc bang New South Wales ân xá cho Folbigg, trả lại tự do cho bà.
Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một trong những vụ án oan tồi tệ nhất trong lịch sử Australia.
Và trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về nguyên nhân của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) – một thuật ngữ chung để chỉ trường hợp trẻ đột tử không rõ nguyên nhân – những phát hiện trong vụ án Folbigg có thể giúp ích cho những bậc cha mẹ khác đang đau buồn trước sự ra đi bất ngờ của con mình.
Những năm đầu đời
Ngay từ khi còn nhỏ, cuộc đời Folbigg đã bị hủy hoại bởi bi kịch. Khi Folbigg mới 18 tháng tuổi, cha cô đã đâm chết mẹ cô và phải ngồi tù 15 năm vì tội giết người trước khi bị trục xuất sang Anh. Theo một cuộc điều tra năm 2019 về bản án của Folbigg, cô có thể còn bị lạm dụng khi còn nhỏ bởi cha mình.
Vào cuối thập niên 1980, cô kết hôn với Craig Folbigg, sau cuộc gặp gỡ tại một vũ trường ở thành phố Newcastle, Australia. Họ có đứa con đầu lòng khi cô 21 tuổi, một cậu bé tên là Caleb.
Folbigg và một trong những người con của mình. Ảnh: Daily Mail
“Cô ấy mô tả bản thân cảm thấy ổn, với một người chồng, ngôi nhà và một đứa con”, báo cáo điều tra lưu ý.
Nhưng sau đó, khi mới 19 ngày tuổi, Caleb qua đời, nguyên nhân cái chết được đưa ra là hội chứng đột tử trẻ sơ sinh – SIDS, và về cơ bản, không có bằng chứng về bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Folbigg lại mang thai một lần nữa và vào năm 1990, cô có thêm một cậu con trai tên là Patrick. Các xét nghiệm cho thấy cậu bé vẫn bình thường và khỏe mạnh. Bốn tháng sau, Patrick tử vong do hậu quả của một cơn động kinh.
Đứa con thứ ba của cô, bé gái Sarah, chết khi 10 tháng tuổi – nguyên nhân tử vong được đưa ra là SIDS. Và tới khi đứa con thứ tư của cô, Laura, 18 tháng tuổi qua đời vào ngày 1/3/ 1999, cảnh sát bắt đầu điều tra.
Cuộc hôn nhân của cặp đôi tan vỡ. Sau khi Folbigg bỏ đi, người chồng đã tìm thấy cuốn nhật ký của cô và đọc một đoạn mà anh ta nói khiến anh buồn nôn. Chồng Folbigg nộp cuốn nhật ký cho cảnh sát vào ngày 19/5/1999.
Vào ngày 19/4/2001, Folbigg bị bắt và bị buộc tội 4 tội danh giết người.
Video đang HOT
Kathleen Folbigg thẫn thờ rời Tòa án Maitland sau khi bị từ chối bảo lãnh vào ngày 22/3/2004. Ảnh: Getty Images
Người bạn thân nhất thời thơ ấu của cô, Tracy Chapman, mô tả Folbigg là một người yêu động vật và là một “người mẹ thực sự tốt”. Nhưng tại phiên tòa xét xử năm 2003, công tố viên lập luận Folbigg đã làm chết ngạt con cô. Không có bằng chứng pháp y thuyết phục – thay vào đó, công tố đã dựa vào một câu được bác sĩ nhi khoa người Anh Roy Meadow đúc kết: “Một đứa trẻ sơ sinh đột tử là một thảm kịch, hai đứa trẻ là nghi ngờ và ba là giết người, cho đến khi được chứng minh ngược lại”.
Công tố viên so sánh khả năng những đứa trẻ chết vì nguyên nhân tự nhiên với những con lợn bay.
“Tôi không thể bác bỏ việc một ngày nào đó một số lợn con có thể được sinh ra với đôi cánh và chúng có thể bay. Đó có phải là những nghi ngờ hợp lý không? Không”, công tố viên nói với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa năm 2003. “Trong lịch sử y học, các chuyên gia của chúng tôi chưa bao giờ từng tìm thấy bất kỳ trường hợp nào như thế này. Thật phi lý. Đó không phải là một nghi ngờ hợp lý”, viên công tố nêu vấn đề.
Bên công tố đưa ra các trang nhật ký của Folbigg, mà họ cho rằng có sự thừa nhận tội lỗi.
“Tôi cảm thấy mình là người mẹ tồi tệ nhất trên Trái đất này, sợ hãi rằng (Laura) sẽ rời bỏ tôi bây giờ, giống như Sarah đã làm. Tôi biết tôi đôi khi nóng tính và tàn nhẫn với con bé và nó đã ra đi, với một chút sự giúp đỡ”, Folbigg viết.
Một mẩu trong nhật ký của Folbigg.
Folbigg không nhận tội, không có động cơ rõ ràng và không một ai khẳng định đã nhìn thấy cô ta giết các con của mình. Nhưng bồi thẩm đoàn đã tuyên cô phạm tội giết ba đứa trẻ và ngộ sát một đứa.
Folbigg cuối cùng đã bị kết án 30 năm tù giam với thời hạn không được ân xá là 25 năm. Vào thời điểm đủ điều kiện để được ân xá, nữ phạm nhân đã 60 tuổi.
Cuộc chiến đòi tự do bằng khoa học
Thuật ngữ SIDS – hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh – được đưa ra vào năm 1969 như một cách để phân loại những điều không thể giải thích được.
Vào những năm 1980, những trường hợp có thể đã bị phân loại là giết người trong quá khứ được cho là do SIDS – theo lưu ý của nhà bệnh lý nhi khoa người Anh John L. Emery năm 1985. Đến những năm 1990, các nhà khoa học đã phát triển một mô hình chứng minh rằng có một loạt các yếu tố dẫn đến SIDS, bao gồm tiếp xúc với khói và tư thế ngủ.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, ngày càng có nhiều hiểu biết về các yếu tố di truyền liên quan đến hội chứng SIDS.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này là vào năm 2001, khi bác sĩ tim mạch nhi khoa Michael Ackerman của Phòng khám đa khoa Mayo và một nhóm các nhà khoa học đã nhận ra liên quan giữa một đột biến trong gien SCN5A với SIDS.
Kể từ đó, các biến thể di truyền trong hơn 30 gien khác nhau có liên quan đến SIDS và chứng đột tử bất ngờ ở trẻ em (SUDC) – một thuật ngữ chỉ trẻ em chết đột ngột khi hơn một tuổi. Các nghiên cứu hiện chỉ ra có tới 35% các trường hợp SIDS có thể được giải thích do yếu tố di truyền, mặc dù nguyên nhân của phần lớn các trường hợp vẫn chưa rõ ràng.
Kathleen Folbigg, người mẹ bị kết tội giết cả bốn đứa con, đang được các nhà khoa học minh oan bằng công nghệ gien. Ảnh: CNN
Vào năm 2015, khi thời hạn kháng cáo của Folbigg hết hiệu lực, các luật sư của cô đã đệ trình đơn lên Thống đốc bang New South Wales, đề nghị ông chỉ đạo tổ chức một cuộc điều tra nhằm vào bản án với cô.
Là một phần của cuộc điều tra đó, nhóm pháp lý của Folbigg đã tiếp cận Giáo sư Carola Vinuesa, đồng giám đốc Trung tâm Miễn dịch học Cá nhân hóa tại Đại học Quốc gia Australia, để nhờ bà giải mã trình tự bộ gien những đứa con xấu số, để xem liệu có đột biến di truyền nào có thể gây ra SIDS.
“Có một khả năng, dù có thể nhỏ, rằng Folbigg đang mang thứ gì đó có thể được truyền lại cho lũ trẻ” – Giáo sư Vinuesa nói – “Theo hiểu biết của tôi, đây là trường hợp đầu tiên mà một tòa án (ở bất cứ nơi nào trên thế giới) đã sử dụng trình tự toàn bộ bộ gien để tìm bằng chứng về nguyên nhân cái chết”.
Chồng của bị cáo là Craig Folbigg nói chuyện với giới truyền thông bên ngoài Tòa án Tối cao vào ngày 21/5/2001. Ảnh: Getty Images
Trong quá trình điều tra, bà Vinuesa và cộng sự đã giải mã trình tự bộ gien của Folbigg và tìm thấy một biến thể chưa được báo cáo trước đây trong gien CALM2 kiểm soát cách canxi vận chuyển vào và ra khỏi tế bào tim. Các nghiên cứu đã phát hiện ra các biến thể trong gien CALM 2 có thể gây ra các vấn đề về tim ở trẻ nhỏ, có nghĩa là chúng là một trong những nguyên nhân dễ được công nhận nhất của chứng SIDS và SUDC.
Khi giải mã trình tự bộ gien của cả 4 đứa trẻ, họ nhận thấy cả hai cô con gái đều mang đột biến CALM2 giống mẹ.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, nhiều bằng chứng được đưa ra, khiến Vinuesa và nhóm của bà đã viết thư cho thẩm phán nói với ông rằng có khả năng các cô con gái của Folbigg đã chết do biến thể gien.
Bất chấp phát hiện mới, thẩm phán Blanch quyết định không mở lại cuộc điều tra. Sau khi xem xét tất cả các bằng chứng – bao gồm cả nhật ký, Blanch nói rằng ông vẫn giữ nguyên quan điểm mà Folbigg đã làm Sarah và Laura chết ngạt.
Người đàn ông ngồi tù oan 20 năm vì sát nhân hàng loạt được tuyên trắng án, đền bù 51 tỷ
Vụ án của người đàn ông bị hàm oan khiến dư luận dậy sóng.
Mới đây, Đội hình sự số 5 của Tòa án quận Suwon đã ra quyết định bồi thường 2,5 tỉ won (khoảng 51 tỉ đồng) cho ông Yoon Sung Yeo. Ông được tuyên trắng án trong phiên tòa thứ 8 về vụ giết người hàng loạt của Lee Chun Jae vào ngày 19/2.
Phía tòa tuyên bố: "Ông Yoon Sung Yeo, người yêu cầu bồi thường đã bị giam giữ oan trong 7326 ngày từ ngày 25/7/1989 đến ngày 14/8/2009. Yêu cầu này sẽ được giải quyết theo Đạo luật bồi thường hình sự. Ông Yoon sẽ nhận bồi thường 2,5 tỉ won tiền bồi thường vì bị bỏ tù oan trong 20 năm".
Số tiền này được tòa án xem xét dựa trên quy định của pháp luật Hàn Quốc, giới hạn khoản bồi thường dựa trên khoảng thời gian ông Yoon bị oan sai. Ông Yoon sẽ được đền bù cho nỗi đau tinh thần, thể chất trong thời gian bị giam giữ và những yếu tố khác.
Được biết, ông Yoon Sung Yeo, 54 tuổi, bị kết án tù chung thân năm 1989 với những cáo buộc giết người liên quan tới cái chết của một bé gái 13 tuổi ở hạt Hwaseong, phía nam thủ đô Seoul xảy ra năm 1988.
Năm 2009, sau khi ngồi tù hai thập kỷ, ông Yoon Sung Yeo được phép tại ngoại với cam kết không vi phạm pháp luật. Đáng lẽ ông Yoon Sung Yeo sẽ phải sống nốt phần đời còn lại với nỗi ô danh của một kẻ giết người, nhưng một sự việc lớn xảy ra vào năm 2019 đã làm thay đổi hoàn toàn sự việc.
Năm 2019, cảnh sát Hàn Quốc thông báo một phạm nhân nam khác đang thụ án chung thân vì tội cưỡng hiếp và giết em vợ năm 1994 thú nhận chính là người đã giết bé gái 13 tuổi trong vụ án của ông Yoon. Bé gái bị sát hại là một trong 10 nữ nạn nhân đã bị giết dã man ở hạt Hwaseong trong khoảng thời gian từ 1986-1991.
Kẻ giết người hàng loạt có liên quan tới hàng loạt vụ giết người đó là Lee Chung Jae. Tên này thừa nhận đã giết 4 người trong họ, trong đó có nạn nhân 13 tuổi.
Biết được tin này, ông Yoon lập tức đệ đơn yêu cầu tòa xử lại vụ việc của mình. Ngày 17/12, ông Park Jeong Jae, thẩm phán tòa sơ thẩm ở Suwon, Seoul đã thừa nhận sai lầm trong phán quyết trong vụ việc của ông Yoon. Ông Yoon Sung Yeo chính thức nhận phán quyết vô tội.
Bình luận của cư dân mạng Hàn Quốc:
- Ôi thanh xuân đáng giá 2,5 tỉ won...
- Ai sẽ trả lại thanh xuân cho ông ấy?
- Tôi mong ông ấy sẽ sống hạnh phúc
- Gần 1/3 cuộc đời bị ngồi tù oan...
- Số tiền này vẫn còn quá ít!
- Tôi sẽ không đổi 2,5 tỉ won lấy 20 năm cuộc đời đâu...
- Thật thất vọng với nền luật pháp nước ta!
Trump chỉ trích Tòa án Tối cao Trump chỉ trích Tòa án Tối cao vì cho phép công bố kê khai thuế của ông, nói điều tra mang động cơ chính trị và cam kết "đấu tranh". "Tòa án Tối cao lẽ ra không bao giờ để 'việc làm vô định' này xảy ra, nhưng họ đã làm", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong một tuyên bố...