Ngồi thuyền khám phá ‘Nam thiên đệ nhất động’
Sắp xếp thời gian đến với động Hương Tích, chùa Hương, ngồi trên thuyền, du khách được chiêm ngưỡng cảnh mây trời, sông nước hữu tình và nhất là thích thú khoảnh khắc nhìn thấy giọt nước từ núi đá vôi rơi xuống tạo thành các nhũ đá hình thù kỳ thú.
Bao đời nay, lễ hội chùa Hương luôn thu hút đông đảo người dân, du khách về trẩy hội. Dòng người tấp nập về chùa Hương để lễ bái dịp đầu năm, tham quan, viếng cảnh và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên.
Du khách tham quan chùa Hương.
Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50 cây số, chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Chùa Hương chỉ cách nhà khoảng 20 cây số và đường đi dễ dàng, cô bạn Nguyễn Ngọc Tú, đến từ Hà Nội, đã đến ngôi chùa nổi tiếng này để tham quan, lễ bái dịp đầu năm và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của chùa.
“Đây là nơi mình muốn cầu an, cầu may cũng như thưởng ngoạn những phong cảnh đẹp tựa tranh vẽ của vùng đất này. Đó cũng là lý do năm nào dù bận rộn đến đâu, mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đi tham quan, vãn cảnh”, cô gái 26 tuổi cho hay.
Với cô bạn này, chuyến đi này rất ý nghĩa, vì không phải bon chen khi xuống đò, không bị cò mồi chèo kéo, ban quản lý đã sắp xếp lại theo quy củ. Ngọc Tú không chọn đi vào cuối tuần nên không có cảnh đông đúc và thư thả vãn cảnh chùa.
“Từ năm nay, các hoạt động của chùa Hương đều được sắp xếp và quản lý lại nên sẽ không còn cảnh cò mồi đi theo như đợt trước nên mọi người yên tâm, mọi thứ đều được niêm yết và công khai. Đây là bước thay đổi mà mình thấy khác biệt và tích cực hơn so với mọi năm”, Ngọc Tú nói.
Du khách viếng cảnh chùa Hương.
Dù đã viếng cảnh chùa Hương nhiều lần, nhưng mỗi lần đến với chùa này, Ngọc Tú cứ ngỡ như lần đầu được tới đây. Trong tiết trời ủng hộ với nắng nhẹ, nữ du khách thích thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng cảnh mây trời, sông nước hữu tình…
Video đang HOT
Đi qua Đền Trình và các ngọn núi có hình thù khác nhau, du khách được nghe những người lái thuyền kể về nguồn gốc và truyền thuyết của các địa điểm.
Nhiều người nói rằng, nếu đã đi chùa Hương nhưng chưa đến động Hương Tích xem như chưa đặt chân đến chùa Hương… Được mệnh danh “Nam thiên đệ nhất động” (nghĩa là động đẹp nhất trời Nam), động Hương Tích trở thành nơi yêu thích của nhiều du khách.
Lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
“Mình thích nhất lúc ngồi thuyền ngắm cảnh non nước, nếu ai đi muộn thì chiều về còn được ngắm cảnh hoàng hôn. Lúc leo lên động Hương Tích là điểm cao nhất của quần thể, du khách ngắm được toàn cảnh xung quanh. Với không khí trong động mát lạnh, mình thích khoảnh khắc thấy giọt nước từ núi đá vôi rơi xuống tạo thành nhũ đá hình thù kỳ thú”, Ngọc Tú nói.
Theo Ngọc Tú, du khách nên đi chùa Hương vào mùa lễ hội chính diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch, vào tháng 3 sẽ không đông như đợt đầu hội. Tháng 3 còn có mùa hoa gạo nở đỏ rực hai bên bờ suối Yến, khung cảnh vô cùng lãng mạn để du khách tha hồ chụp ảnh.
Trong thời gian 1 ngày, cô nàng đã đi được hết các địa điểm, vì chùa Hương gần nội thành nên di chuyển thuận tiện và tốn ít thời gian. Nơi này cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 1 tiếng đi ô tô hoặc xe máy nên đi trong ngày rất thoải mái.
Du khách này còn cho biết, về đồ ăn, nước uống, cô nàng thấy có khá nhiều với đủ các loại ở dọc đường lên động Hương Tích. Mọi người cũng có thể mang đồ ăn và nước theo nhưng nên mang đồ gọn nhẹ, vì mang sẽ hơi vất vả nếu như chọn leo bộ, còn đi cáp treo sẽ ổn hơn.
Ngồi thuyền ngắm cảnh đẹp.
Đặt chân đến với một trong những địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc bậc nhất Hà thành, du khách được tham quan, vãn cảnh chùa và tận hưởng bầu không khí trong lành, yên bình. Hòa mình vào bức tranh sông nước, hang động…, du khách đã trở thành một phần không thể thiếu của nét đẹp văn hóa mùa lễ hội truyền thống này.
Ngoài chùa Hương, du khách Ngọc Tú còn có đam mê du lịch, thích khám phá nhiều vùng đất mới. Với cô gái này, mỗi chuyến đi không chỉ có ảnh đẹp mang về, mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa, con người và những điều mới mẻ tại mỗi điểm đến…
Du khách đi chùa Hương vào mùa lễ hội chính diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch.
Du khách đến chùa viếng cảnh, tham quan các địa điểm.
Cô nàng đi chùa Hương trong 1 ngày.
Phiêu diêu trên hồ Ba Bể
Nhìn từ trên cao, hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) giống như một viên ngọc xanh huyền diệu, nổi bật giữa hoang sơ núi non và rừng nguyên sinh trùng điệp.
Ẩn chứa sau nhiều huyền tích chờ được khám phá, mỗi khi có nắng và gió viên ngọc ấy lại lấp lánh, lao xao, thu hút mọi ánh nhìn...
Với sự liên tưởng trân quý và tự hào như thế, tôi đã đến với Ba Bể, thả hồn trôi theo những cơn gió thanh mát, dịu êm và lãng mạn đó không biết bao nhiêu lần. Chẳng biết vì cảm phục trước tấm lòng nhân hậu của mẹ con "bà goá", hay ôm hy vọng sẽ được ngắm "nàng tiên đánh cờ" mà thương mến Ba Bể đến nao lòng. Mỗi khi đất trời chuyển mùa, dù công việc bộn bề, dù đôi khi ngập ngừng, tôi vẫn tìm đủ lý do để vượt hơn 60km đường quanh co mà dừng chân nơi miền đất tưởng như đã quá đỗi thân quen.
Lần này tôi đến với Ba Bể khi mùa thu đã gõ cửa. Dọc đường đi, những cánh đồng lúa mênh mông rì rào ca hát, để từ đó hương thơm nhè nhẹ lan toả theo từng vòng bánh xe. Nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi và rừng nguyên sinh.
Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Được hợp thành từ 3 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm, hồ Ba Bể có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất 2km, diện tích mặt nước khoảng 650ha, độ sâu trung bình 20m, có nơi đến 35m. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài cá quý hiếm như: Cá chép kình, cá rầm xanh, cá chiên... Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Đến Ba Bể vào mùa mà nhiều người bảo cây thay lá, nhưng ở nơi đây cây cối và mặt hồ vẫn vẹn nguyên một màu xanh biếc. Trong chuyến đi lần này, tôi ghé vào homestay của một đôi vợ chồng trẻ mới mở được khoảng 3 năm trở lại đây. Nằm yên tĩnh bên bờ hồ, ngôi nhà sàn vững chãi được dựng lên ở trên những viên đá to, tại đây, du khách có thể check-in ở bất cứ góc nào cũng có ảnh đẹp. Không chỉ đầu tư trang trí lối lên xuống, chủ homestay còn sưu tầm nhiều đồ dùng cổ mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Tày như khung cửi, mũ, trang phục truyền thống... Trong bữa cơm có cá hồ chiên giòn và lạp sườn nướng, đậm vị truyền thống của cư dân vùng hồ Ba Bể.
Chủ homestay chừng 30 tuổi, anh chia sẻ chân tình: Du khách đến đây mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở bản cùng đồng bào dân tộc thiểu số và lưu giữ những khoảnh khắc kỷ niệm đẹp, vậy mình làm du lịch, phải làm sao để khách không cảm thấy nhàm chán, khi ra về vẫn còn tiếc nuối vì thời gian ở lại quá ít.
Chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.
Trong chuyến đi lần này, tôi có một trải nghiệm thú vị, lần đầu tiên được ngồi thuyền độc mộc. Tôi đi xuồng máy ra đến đảo Bà Goá rồi theo chân cô gái Tày duyên dáng xuống thuyền. Vì không biết chèo nên tôi ngồi phía trước, cô gái đứng chèo phía sau. Thuyền độc mộc là phương tiện đi lại từ lâu đời của người dân vùng hồ, trước đây thuyền được làm bằng gỗ, nhưng ngày nay để giữ cho màu xanh của đại ngàn, thuyền đã được sử dụng những nguyên liệu khác, tuy vậy vẫn giữ nguyên hình hài "nửa hạt thóc" như trong Sự tích hồ Ba Bể đã ghi lại.
Vốn là người sợ nước, khi mái chèo mới khua những cái đầu tiên, quả thật tôi không ngừng run sợ, hai tay nắm chặt lấy hai bên thuyền. Nhưng khi đi xa hơn, tôi bỗng thấy mình như thể lạc vào một giấc mộng xa xôi nào đó. Sóng vỗ nhè nhẹ, ánh nắng dịu dàng, mơn trớn, nước hồ mênh mông thăm thẳm. Bốn bề xung quanh là cây cối cổ thụ vững chãi. Mùa thu trên hồ Ba Bể hiếm hoi mới có lác đác vài chiếc lá vàng bay bay trong gió, lá khẽ đáp xuống mặt hồ, ở đó mặt nước lăn tăn, lấp lánh dưới ánh nắng như những chuỗi ngọc đang tan theo sóng nước.
Bắt gặp ánh mắt ngẩn ngơ trước phong cảnh của tôi, cô lái thuyền cười nhẹ rồi bảo: Không phải riêng em, chị sống ở đây từ nhỏ, bơi lội, chèo thuyền, bắt cá... tưởng như đã quá quen thuộc, thế mà chưa bao giờ hết những ngạc nhiên về cảnh đẹp nơi đây. Đi xuồng máy không cảm nhận được hết những cảnh đẹp ở hồ Ba Bể, ngoài những điểm đến như: Thác Đầu Đẳng; ao Tiên; đền An Mạ; động Puông... thì yên lặng cảm nhận hồ Ba Bể cũng là gợi ý rất tuyệt vời. Mỗi lúc như vậy, dường như gió của hồ thổi bay đi mọi ưu tư, buồn bã và cả những áp lực của cuộc sống bận rộn bên ngoài.
Tối đó, chúng tôi ra bãi đất rộng giữa hồ, nướng thịt và ngồi quây quần bên ngọn lửa. Phía trong có vài chiếc lều ngủ đêm của du khách, đây là một trong những dịch vụ mới có ở hồ Ba Bể.
Cô bạn mới quen sinh năm 1995 cũng là người trẻ mạnh dạn đưa hình thức kinh doanh du lịch này vào thực hiện. Cô gái Tày cười tươi dưới ánh lửa: "Bây giờ đến du lịch hồ Ba Bể bớt chán rồi chị ơi. Ở đây chúng em có dịch vụ thuê thuyền kayak, thuê xe đạp để đi trải nghiệm, đi bộ trekking vườn quốc gia. Đêm đến du khách có thể trải nghiệm ngắm sao, nướng thịt và ngủ lều, dịch vụ có đệm hơi và túi ngủ nên rất thoải mái. Du khách ở các homestay còn có buffet ăn sáng, tối nào ở bản Bó Lù, Cốc Tộc, Pác Ngòi cũng sáng ánh đèn, rộn ràng tiếng nhạc. Hiện nay có rất nhiều đội văn nghệ đã được thành lập. Các đội cũng đầu tư trang phục, chương trình đa dạng, không chỉ có Then Tày, múa quạt, mà còn có hát Páo dung, múa chuông của dân tộc Dao. Nếu cần chỗ dừng chân nghỉ ngơi thì ghé cà phê Nàng Bân mới mở ở bản Bó Lù, xinh lắm nhé, trang trí đẹp mắt đậm đà bản sắc dân tộc, du khách rất thích".
Đêm ở hồ Ba Bể tĩnh mịch và thơ mộng vô cùng. Chúng tôi trải đệm và nhìn lên bầu trời. Trời đêm nơi non ngàn bát ngát không bị khuất bởi nhà cao tầng và khói bụi. Những ngôi sao cứ thế mà nhấp nháy, ẩn hiện như chơi trò trốn tìm. Phía xa xa, mặt hồ bồng bềnh một làn sương mỏng, không gian rộng lớn như thể ôm lấy lòng người đang nhỏ bé, chênh chao. Nếu như một tác phẩm nghệ thuật mới có thể khiến người xem chiêm ngưỡng không biết chán, thì có lẽ với tôi, hồ Ba Bể quả thật là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của đất mẹ yêu thương...
Huyền ảo 'Nam thiên đệ nhất động' Danh xưng Nam thiên đệ nhất động được chúa Trịnh Sâm tặng cho Động Hương Tích (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) trong một chuyến tuần du Sơn Nam vào tháng 3 năm Canh Dần 1770. Đến nay, tuy có nhiều hang động mới được phát hiện ở Việt Nam nhưng động Hương Tích vẫn luôn nằm trong tốp những động kỳ vĩ...