Ngôi nhà cổ kiến trúc Huế có hơn trăm cột ở miền Tây
Ngôi nhà hơn trăm tuổi ở Long An ngoài nét cổ kính theo kiểu nhà rường Huế còn độc đáo khi có 120 cột nhà bằng gỗ quý.
Ở bờ sông Vàm Cỏ Đông (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) có di tích Nhà Trăm Cột, là ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1901.
Chủ nhân kiến tạo ngôi nhà này là ông Trần Văn Hoa, là hương sư của làng Long Hựu, tinh Gia Định, sau đó làm hội viên Hội đồng quản hạt Chợ Lớn. Vì thế mà tên gọi thủa ban đầu của nó là Nhà ông hội đồng, Nhà ông cả
Việc xây dựng và trang trí nội thất ngôi nhà do nhóm thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Huế – thực hiện trong 3 năm. Mặt chính nhà quay về hướng Đông Bắc, quanh nhà có sân rộng dùng để phơi lúa, bột.
Ngôi nhà ngang 21 m, dọc 42 m, diện tích 882 m2 tọa lạc trong khu vườn rộng hơn 4.000 m2. Nhà có kiểu chữ “Quốc” với ba gian, hai chái mang phong cách nhà rường Huế ở miền Tây sông nước.
Video đang HOT
Ngôi nhà có 120 cột, trong đó 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ.
Cột và các kết cấu gỗ khác cũng như đồ dùng trong nhà được làm bằng các loại gỗ quý như cẩm lai, mật, gõ đỏ… hiện còn khá vững chãi. Từng cặp cột cái nối liền với nhau theo chiều ngang nhà và được đóng chặt bằng một thanh gỗ xuyên ngang.
Không gian mặt tiền là nơi trang trọng nhất. Ở đây được trang hoàng lộng lẫy với việc sắp đặt bài trí các nơi thờ phượng, bàn ghế, tranh liễn, đèn trang trí… đều có từ khi nhà mới xây.
Hành lang, hiên và nền nhà được lát gạch Tàu, không gian rộng rãi hướng ra khu vườn rộng nên luôn mát mẻ. Cửa chính và các cửa sổ có song hình con tiện, bản gỗ.
Vật dụng quý giá trong nhà đều có tuổi đời cả trăm năm, hầu hết làm bằng gỗ quý. Trong đó, giá trị nhất là bộ trường kỷ đặt ngay gian chính để trà nước tiếp khách hàng ngày.
Từ cột nhà đến các đồ dùng như bàn ghế, giường, tủ, phản… đều được chạm khác tỉ mỉ, công phu mang các đề tài cổ điển như “tứ linh (long -lân – quy – phụng)”, “tứ tiết (mai – lan – cúc – trúc)”, các mô típ thể hiện Phúc – Lộc – Thọ…
Phần mái được lợp ngói âm dương đặc trưng.
Nhà dưới dùng để bố trí phòng ngủ và vật dụng sinh hoạt của gia đình. Phần sau là hai dãy nhà bếp với một sân trong của ngôi nhà.
Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà là bà Bà Trần Thị Ngỏ (70 tuổi, cháu dâu đời thứ ba của ông Trần Văn Hoa).
“Ngôi nhà này đã trải qua sáu đời sống ở đây, giờ tôi là người trông coi chính. Con cháu vẫn cố gắng gìn giữ từng nét kiến trúc, kỷ vật của ông bà để lại. Năm 1997, nhà được công nhận di tích lịch sử quốc gia nên có chi phí để bảo tồn, không bị xuống cấp nhiều”, bà Ngỏ cho biết.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Khăn rằn Nam Bộ miệt quê nhà
Khăn rằn được dệt bằng những sợi chỉ mỏng tốt đã ngâm hồ bột gạo rồi nhuộm màu trước khi phơi khô. Nhờ vậy mà từng sợi chỉ được se chặt không xổ lông và nhất là không đứt trong quá trình dệt, dù dệt bằng tay.
Xưa! thị trấn quê tôi có một nhánh nhỏ con sông Hậu chảy ngang. Trên đoạn sông ấy cách chừng mươi thước là có một cây cầu bến nước. Những cây cầu này là nơi cư dân tắm giặt. Những buổi chiều, thường là như vậy, sau một ngày lao động vất vả, người ta tới cầu bến nước tắm táp. Đàn ông bận quần cụt. Đàn bà con gái bận nguyên bộ bà ba. Ai trong họ tới cầu bến nước cũng đều song hành cùng với chiếc khăn rằn Nam Bộ dùng để tắm.
Khăn rằn hình chữ nhật bề ngang khoảng năm tấc, bề dài chừng hơn một thước. Khăn được dệt bằng những sợi chỉ mỏng tốt đã ngâm hồ bột gạo rồi nhuộm màu trước khi phơi khô. Nhờ vậy mà từng sợi chỉ được se chặt không xổ lông và nhất là không đứt trong quá trình dệt, dù dệt bằng tay. Khăn thường có hai màu đen và trắng với nhiều ô vuông nhỏ. Về sau có thêm một vài màu nữa như màu đỏ hường hoặc màu xám nâu.
Phụ nữ lúc nào cũng duyên dáng với bộ bà ba cùng chiếc khăn rằn trên người. Ảnh: T.L
Khăn rằn còn được người dân quê tôi, đàn ông quấn ngang trán để khi làm việc nặng nhọc mồ hôi tươm trên mặt, dùng đuôi khăn lau sạch. Phụ nữ quấn khăn quanh cổ thả hai đầu khăn xuống trước ngực, cũng dùng để lau mồ hôi riêng các bà ăn trầu thì dùng một mép đuôi khăn lau miệng sau khi nhổ cổ trầu. Trong trời nắng nóng, đàn ông thường trùm khăn trên đầu rồi quấn gọn lại, thả hai đầu khăn ngắn trước trán. Phụ nữ thì trùm khăn trên đầu rồi xếp chồng từng đầu khăn lên nhau trên đỉnh đầu sao cho khi làm lụng khăn không bị sút.
Trong kháng chiến, khăn rằn được các nữ du kích khéo tay rút chỉ hai đầu khăn khoảng một gang tay rồi may chặt lại phần khăn còn lại cho không bị sút xổ. Với chiếc khăn này, các cô xem như một vật trang sức. Mà quả thật đẹp. Lại càng đẹp hơn khi lúc nào các cô cũng bận bộ bà ba đen truyền thống.
Khăn rằn ngày nay không bó hẹp trong phạm vi miền Tây mà thường xuất hiện cùng các chàng trai, cô gái trong các chuyến dã ngoại hay các dịp lễ quan trọng.
Theo Danviet
Tỉ mỉ từng họa tiết làm lồng đèn Hội An tặng khách APEC Qua bàn tay điêu luyện, những chiếc lồng đèn đậm chất xứ Quảng với hình tượng thiếu nữ mặc áo dài, nhà cổ, hoa sen,... được họa tiết tỉ mỉ để tặng khách tham dự APEC. Tại cơ sở thủ công mỹ nghệ mây tre Duc Bamboo (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, Quảng Nam), hàng chục công nhân đang tất bật hoàn thành...