Ngôi làng kiên cường bên sông Lạch Trổ
Ở xã Bùi Xá (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), rất nhiều gia đình có chung ngày giỗ người thân. Những người được tưởng nhớ ấy chẳng phải là liệt sĩ, cũng không phải là thương binh. Họ chỉ là những người dân yêu nước. Sự hy sinh, đóng góp của những người dân nơi đây trong chiến tranh rất đỗi tự hào…
Chứng tích bên bờ Lạch Trổ
Về Bùi Xá hôm nay, chúng tôi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của vườn cây, hoa trái, những bãi ngô dài tít tắp bên triền sông… Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nơi này là trận địa thả bom của kẻ địch nhằm biến Lạch Trổ (một nhánh của sông La và sông Lam) thành con sông chết, bởi Lạch Trổ là con đường huyết mạch, điểm dừng chân bốc hàng hóa, nhu yếu phẩm, đạn dược vận chuyển từ đường biển vào để đưa lên đường bộ vận chuyển tiếp ra tiền tuyến. Dù bom đạn cày xới, nhà cửa sập đổ, cháy rụi, nhiều người chết và bị thương… nhưng người dân nơi đây vẫn không rời “mục tiêu” mà họ âm thầm che chở, tiếp sức.
Ông Hoàng Xuân Kỷ – nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bùi Xá kể lại chứng tích bên bờ Lạch Trổ. Ảnh: H.A
Video đang HOT
Để tri ân sự hy sinh của người dân trong xã, con em Bùi Xá đang sinh sống ở khắp mọi miền đất nước đã kêu gọi đóng góp để xây dựng bia tưởng niệm. Ngày 15.3.2017, UBND Bùi Xá đã có tờ trình gửi huyện Đức Thọ báo cáo việc xây dựng bia tượng niệm người dân chết trong chiến tranh.
Trên đường dẫn chúng tôi đến bờ Lạch Trổ, ông Hoàng Xuân Kỷ-nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bùi Xá, cho biết: Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đức Bùi và Đức Xá được gộp chung thành xã thành Bùi Xá. Xã có tuyến đê La Giang, con đê bảo vệ tính mạng, tài sản của huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc trước mưa lũ. Bùi Xá cũng là nơi có Quốc lộ 8A – tuyến đường chiến lược cực kỳ quan trọng nối với nước bạn Lào qua cửa khẩu Cầu Treo.
Từ đê La Giang rẽ vào làng chưa đầy 300m, chúng tôi gặp lạch sông uốn lượn chạy từ đầu cho đến cuối làng. Chỉ tay về chiếc cầu bắc qua thôn Hoa Đình, ông Kỷ nói: “Đó là bến đò Lạch Trổ. Con sông này chỉ dài chưa đầy 2km, độ sâu từ 3-4m. Trong chiến tranh, Lạch Trổ trở thành tuyến đường thủy trọng yếu nối với sông Lam và Bến Thủy xuống Cửa Hội, vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược phục vụ chiến trường miền Nam. Vậy nên, Lạch Trổ, Bùi Xá là các trọng điểm bị máy bay Mỹ bắn phá liên tục. Nơi đây đã có không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, người dân đã ngã xuống”.
Ông Kỷ nhớ lại: “Từ năm 1965 trở về trước, khi địch chưa phát hiện điểm tập kết hàng hóa, vũ khí Lạch Trổ, hàng ngày thuyền ra vào bến tấp nập. Nhưng đến đầu năm 1965, Lạch Trổ bị phát hiện, đế quốc Mỹ cho ném bom điên cuồng, chúng rải B52, bom xăng… thiêu đốt cả làng để xóa bỏ tuyến đường thủy huyết mạch này”.
Cũng theo ông Kỷ, từ đầu những năm 1965 địch bắt đầu có kế hoạch ném bom tàn phá Bùi Xá. Ngày 30.9.1965 là trận đầu tiên, máy bay Mỹ ném bom ở Lạch Trổ làm hơn 10 người chết. Những trận rải bom suốt từ năm 1965 đến những năm 1972 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân địa phương.
Trò chuyện với người dân Bùi Xá, đặc biệt khi hỏi về những câu chuyện chứng tích bên sông Lạch Trổ, ai cũng nhắc đến ông Lê Huệ – người cả đời chèo đò trên con sông huyền thoại này. Ông Nguyễn Phúc-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bùi Xá kể: “Tôi không nhớ ông Huệ chèo đò từ bao giờ, nhưng khi tôi tầm 10 tuổi thì đã thấy ông Huệ chèo đò ở lạch sông này giúp người dân từ bờ bên này qua bờ bên kia. Từ năm 1965, chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom xuống làng xã chúng tôi nhưng ông Huệ vẫn ngày đêm trực ở bến. Khi thì ông cùng dân quân vận chuyển lương thực, khi lại chèo đò chở bộ đội hành quân qua sông”.
Theo chân ông Phúc, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Toàn (60 tuổi, con trai ông Lê Huệ). Ngôi nhà cấp 4 ông Toàn đang ở ngay bên Lạch Trổ được cha để lại. Ông Toàn cho biết: “Cha tôi mất đã hơn 3 năm nay. Những năm tháng lớn lên và theo cha chèo đò trên Lạch Trổ thì vẫn in đậm trong trí nhớ tôi. Năm lên 6 tuổi tôi đã theo cha ra sông chèo đò. Để thuận tiện cho việc di chuyển, bố tôi đào hai cái hầm bên hai bờ sông để trú ẩn khi có máy bay đến, còn khi không có máy bay, bố tôi lại ra bến chèo đò đưa người và bộ đội sang sông”.
Xé lòng những ngày giỗ tập thể
Về xã Bùi Xá giữa những ngày tháng 4, câu chuyện mà chúng tôi được nghe kể nhiều nhất là năm 1972, máy bay Mỹ bất ngờ ném bom xuống Hợp tác xã Thăng Long.
Nhớ về trận đánh ác liệt này, ông Hoàng Xuân Kỷ nghẹn ngào: “Lúc đó vào khoảng 10 giờ đêm 24.6.1972, khi các thanh niên thuộc đội 2 đang tuốt lúa tại sân của hợp tác xã thì bất ngờ một loạt bom giội xuống. Trong đó có một quả rơi xuống ngay bàn tuốt lúa cướp đi sinh mạng của 12 thanh niên tuổi từ 17-21, chưa ai lập gia đình”.
Tiếp chuyện, ông Nguyễn Xuân Kỷ-nguyên Trạm trưởng Trạm y tế Đức Xá cho biết: “Buổi chiều hôm đó có mấy đứa như thằng Thống, bé Đăng vừa đi học về còn chơi thổi sáo, tui còn nhắc mấy đứa lo nghỉ ngơi tối còn ra hợp tác xã tuốt lúa. Thế mà đến tối, khi tui vừa ăn cơm xong thì đã nghe tin bom nổ trên sân của hợp tác xã. Tui chạy lên đến nơi thấy mọi thứ tan hoang, người chết và bị thương nhiều lắm”. Câu chuyện với ông Kỷ dường như ngắt quãng khi nói về cô bé mới tròn 17 tuổi tên Trần Phúc: “Tui lao vào băng bó cho những người bị thương. Trong đó, cháu Phúc bị giập nát hai chân, máu tuôn đầm đìa. Nhưng lạ lắm, Phúc rất tỉnh, nó còn nắm tay mẹ nó dặn phải sống tốt với chị dâu để sau này có người phụng dưỡng. Sau những lời dặn dò đó, nó hôn trán mẹ rồi nói “chào mẹ con đi”, Dứt câu đó thì Phúc cũng trút hơi thở cuối cùng. Đến nay đã 45 năm nhưng những hình ảnh đó vẫn ám ảnh tôi”.
Còn ông Nguyễn Xuân Phúc (67 tuổi) ở thôn Hoa Đình xót xa khi kể về 3 người thân trong gia đình bị chết cùng một ngày sau loạt bom: “Chị gái tôi là Nguyễn Thị Kim Quy cùng con là Trương Tuấn Dũng và cháu ngoại Đoàn Thanh Vân khi đó đang trú tại một căn hầm gần nhà. Mỹ ném bom trúng ngay cửa hầm đã cướp đi sinh mạng của 3 người thân yêu nhất trong gia đình tôi. Hàng năm đến ngày giỗ chung ai cũng xót xa”.
Lịch sử Đảng bộ xã Bùi Xá ghi lại: “Trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc, chúng đã ném xuống xã Bùi Xá 250 lượt với 7.857 quả bom các loại, làm 111 người chết, 77 người bị thương, làm cháy và hư hỏng 322 ngôi nhà, nhiều kho tàng, trường học, nhà thờ, công trình công cộng. Trong đó có nhiều gia đình chết cả nhà. Có 4 trận bom làm nhiều người dân trong xã chết tập thể”.
Theo Danviet